(Baothanhhoa.vn) - Với những kết quả đã đạt được trong gần 2 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh (gọi là Chỉ thị số 22-CT/TU) đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng. Theo sức lan tỏa của chỉ thị, mỗi ngôi nhà được xây nên là một cuộc đời được làm mới lại trong niềm vui sướng, trân trọng và biết ơn. Trong số ấy, nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã được viết nên tại xã Đồng Tiến...

Cổ tích giữa đời thường

Với những kết quả đã đạt được trong gần 2 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh (gọi là Chỉ thị số 22-CT/TU) đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng. Theo sức lan tỏa của chỉ thị, mỗi ngôi nhà được xây nên là một cuộc đời được làm mới lại trong niềm vui sướng, trân trọng và biết ơn. Trong số ấy, nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã được viết nên tại xã Đồng Tiến...

Cổ tích giữa đời thường

Ngôi nhà khang trang, kiên cố của bà Phạm Thị Tâm được xây dựng theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU. Ảnh: H.T

Thảnh thơi mời khách chén trà chiều trong ngôi nhà vững chãi được xây dựng theo Chỉ thị số 22-CT/TU, ông Vũ Đình Dai (62 tuổi) trải lòng về những ngày tháng khó khăn, vất vả đã qua và cả dự định về một tương lai.

Ông Dai bộc bạch: “Nếu để mà ví von, đời tôi trước kia chẳng khác gì tiền đồ chị Dậu, đến cả ngôi nhà cũng xập xệ, chẳng ra hồn nhà”. Hỏi ra mới biết, người đàn ông với tướng mạo khắc khổ này đã gồng gánh suốt 12 năm cùng vợ lay lắt chạy thận giành giật từng ngày sống. Ấy vậy mà, số phận vẫn cứ thế trêu ngươi. Thu nhập ít ỏi từ công việc đồng áng quanh năm hay ai thuê gì làm đấy của ông không chỉ là chỗ dựa cho vợ, mà còn là nguồn sống của hai đứa cháu nội. Sinh con ra ai chẳng muốn được cậy nhờ lúc xế bóng, nhưng vợ chồng ông cũng chẳng được hưởng cái phúc phần ấy, ngược lại thêm những gánh lo. Cứ thế, hai vợ chồng với hai đứa cháu nhỏ mệt nhọc, nặng nề đi qua những ngày sống tạm bợ trong căn nhà vá víu. Ông Dai kể: “Mỗi khi trời mưa lớn, chỗ nào cũng dột ướt lem nhem. Nhiều đêm bão bùng, nằm mà không ngủ được, cứ lo nhà đổ ập xuống”.

Rồi ông đưa tay ôm chặt hai đứa cháu nội vào lòng, xúc động nói: “Tôi có nhà mới rồi cô ạ! Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ dám mơ”. Nhìn người đàn ông trước mặt, ai nấy đều xúc động, rưng rưng.

Ngôi nhà mới của ông Dai có diện tích hơn 60m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 150 triệu đồng. Trong đó, ông Dai được hỗ trợ 80 triệu đồng theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU. Còn lại, anh em họ hàng, bà con lối xóm nhiệt tình góp công, góp của. Ông Dai bộc bạch: “Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, người thân, bà con làng xóm đã giúp tôi có được điều lớn lao, vượt ngoài sức tưởng tượng như thế này”.

Điều đặc biệt hơn nữa, sau nhiều năm “chăn đơn gối chiếc” vì vợ mất, ông Dai đã có người phụ nữ thương yêu, thông cảm cho hoàn cảnh của mình mà dọn về cùng nhau chung sống. Cả hai đến với nhau chẳng có gì ngoài những nét khuyết trong tâm hồn, nhưng chính căn nhà này sẽ là điểm tựa, động lực để họ không ngừng nỗ lực, phấn đấu, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

So với thời điểm trước khi được hỗ trợ xây dựng nhà mới, cuộc sống của ông Dai đã có nhiều đổi thay, vơi bớt đi phần nào khó khăn. Trong ngôi nhà đã có thêm nhiều vật dụng phục vụ cuộc sống hằng ngày. Ông Dai không còn ngâm nỗi sầu đời trong hơi men lất ngất mà chăm chỉ làm lụng; tiếng nói, tiếng cười rộn ràng hơn. Bà Nguyễn Thị Nhung (58 tuổi) chia sẻ: “Từ khi quyết định sống chung với nhau, chúng tôi thường động viên nhau sống tích cực, chăm chỉ, thế nào cũng có ngày khấm khá hơn”.

Giờ đây, ông Dai, bà Nhung có một tài sản lớn là ngôi nhà được xây dựng nên từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tấm lòng của họ hàng, bà con lối xóm. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tôi là người tha hương đến đây, ông ấy đã cho tôi một mái nhà, tôi sẽ cố gắng để trao lại một tổ ấm” - lời xác quyết chân thành, như trút từ gan ruột từ người đàn bà đã tìm thấy hạnh phúc tuổi xế chiều.

Còn bà Phạm Thị Tâm thì ở tuổi “thất thập cổ lai hy” mới có thể tận hưởng niềm vui được ở trong căn nhà khang trang, kiên cố. Bà từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, chồng bà thì quanh quẩn ở nhà làm nông, hoàn cảnh gia đình nhiều thiếu khó. Hai vợ chồng sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ, xây dựng từ những năm 2000.

Bà Tâm bảo: “Vợ chồng chúng tôi luôn nhìn vào nhau mà sống, dẫu khó khăn, thiếu thốn về vật chất thì vợ chồng thuận hòa, đồng lòng vượt qua”. Nhưng nỗi buồn lớn nhất mà ông bà không thể vượt qua, đó là việc hiếm muộn con cái. “Vợ chồng tình cảm bao nhiêu mà không có đứa con thì cũng như hoa không sắc, không hương”, bà Tâm trải lòng.

Chẳng biết bà Tâm đã trải qua bao đêm suy nghĩ, dằn vặt, bao lần nước mắt rơi khi nghĩ về phận mình. Người đàn bà ấy có bao nhiêu rộng lượng, vị tha, đức hy sinh để đi đến quyết định trọng đại mà cũng vĩ đại nhất trong cuộc đời mình. Bà chủ động đề nghị chia tay để chồng đi lấy vợ mới. Năm 30 tuổi, bà Tâm tự tay mang cơi trầu đi hỏi vợ cho người chồng đã bao năm đầu ấp tay gối. Không ai hỏi bà nghĩ gì trong hoàn cảnh đó, nhưng bất kỳ ai nghe chuyện cũng có thể cảm nhận được nỗi buồn tủi mà người đàn bà nhỏ bé ấy chôn chặt trong lòng.

Chồng bà Tâm kết duyên với người vợ hiện tại, có với nhau 3 người con. Bà Tâm dõi theo hạnh phúc của chồng, lấy đó làm niềm vui của mình. Và có lẽ, chính tấm lòng của bà Tâm khiến người chồng và người vợ sau này của ông cảm phục, trân trọng. Từ lúc bà Tâm khởi công xây dựng nhà, dù điều kiện không dư dả, ông cũng hỗ trợ về vật chất, thỉnh thoảng lui tới, có việc gì phụ giúp. Ngôi nhà của bà Tâm có diện tích khoảng 42m2, khởi công từ tháng 6/2024, hoàn thành sau hơn 1 tháng thi công. Ngày khánh thành nhà mới, bà sửa soạn mấy mâm cơm cảm ơn, chồng bà cũng đưa vợ đến chung vui. Bà vẫn sống một mình nhưng không hề đơn độc, ngôi nhà khang trang hiện tại sẽ mãi là nhân chứng cho câu chuyện như cổ tích giữa đời thường của bà.

Sức lan tỏa rộng khắp từ Chỉ thị số 22-CT/TU đã tạo nên những giá trị nhân văn, sâu sắc. Có lẽ, những giá trị ấy đã lan tỏa, chạm đến trái tim mỗi người, khơi dậy “nghĩa đồng bào” vừa gần gũi, thân thuộc, vừa lớn lao, cao cả. Những câu chuyện ở xã Đồng Tiến chỉ là số ít trong rất nhiều câu chuyện “cổ tích” đang và còn sẽ tiếp nối trên mảnh đất xứ Thanh.

Thùy Dương - Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]