Cơ hội mới cho lao động xuất khẩu sang xứ sở Kim Chi
Cùng với các thị trường cho thu nhập cao như Nhật Bản và Đài Loan, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) trọng điểm của Thanh Hóa. Đặc biệt, những năm gần đây khi Chính phủ Hàn Quốc đang có những động thái cải thiện môi trường làm việc, tăng chế độ đãi ngộ, đã thu hút nhiều người lao động muốn đến xứ sở Kim Chi để làm việc.
Người lao động tham gia học tiếng Hàn tại Tập đoàn ICOGroup - chi nhánh Thanh Hóa.
Thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) đợt 1, năm 2024 dự kiến lấy trên 15.000 người trúng tuyển, làm việc ở 5 ngành nghề (sản xuất chế tạo, ngư nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và đóng tàu). Theo đó, việc tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc diễn ra trên phạm vi toàn quốc và không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như những năm trước đây, trừ một số ngành thiểu số đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp. Cùng với các địa phương khác như huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), TP Chí Linh (Hải Dương), thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), Thanh Hóa có 2 huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa bị tạm dừng tuyển chọn trước đây, năm 2024 sẽ tiếp tục được tham gia thi tuyển để XKLĐ sang Hàn Quốc...
Trong nội dung bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTB&XH Việt Nam nêu rõ: Người lao động khi tham gia Chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi. Vòng 1 thi năng lực tiếng Hàn và vòng 2 kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Chỉ người đạt yêu cầu qua vòng 1 mới được tham dự vòng 2. Người lao động đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Bên cạnh đó, người lao động tham gia chương trình cần đáp ứng các điều kiện như: từ 18 đến 39 tuổi; không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam. Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm. Đồng thời không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Trường hợp người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn hợp đồng. Trong trường hợp từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, thì đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện để về nước. Với trường hợp này, người lao động phải xuất trình được các giấy tờ chứng minh... Đặc biệt, để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động, Bộ LĐTB&XH cũng đang đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình EPS. Đồng thời, mở rộng các ngành nghề tiếp nhận mới mà phía bạn đang có nhu cầu như lao động kỹ thuật lành nghề, điều dưỡng, công nghệ thông tin.
Tại Thanh Hóa, trong năm 2023 toàn tỉnh đã đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên 14.000 lao động, đạt 294,2% kế hoạch năm, trong đó có trên 2.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, nâng tổng số lao động tỉnh Thanh Hóa đang làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc lên gần 8.000 lao động, trở thành địa phương đứng đầu của cả nước về số lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo Sở LĐTB&XH, chương trình cấp phép việc làm cho nước ngoài của Hàn Quốc đang được thực hiện một cách có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều lao động. Đáng chú ý, thu nhập của người lao động làm việc tại Hàn Quốc ngày càng tăng, hằng năm số tiền người lao động làm việc tại Hàn Quốc gửi về chiếm trên 35% tổng số tiền của lao động toàn tỉnh lao động ở nước ngoài gửi về cho gia đình.
Theo yêu cầu của Chương trình EPS, người lao động phải thi đậu kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn do Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức; sau đó đăng ký dự tuyển và đợi doanh nghiệp phía Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng lao động. Do đó, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, trung tâm tự phát, không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn tổ chức đào tạo tiếng Hàn. Trước thực trạng trên, Sở LĐTB&XH đã có văn bản gửi các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khuyến cáo người lao động cần chủ động tìm hiểu kỹ và tìm đến các cơ sở đào tạo có uy tín để học tập. Bên cạnh đó, về chi phí tham gia Chương trình EPS, người lao động sau khi vượt qua hai vòng thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn và đánh giá tay nghề, được chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng mới phải đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền Việt tương đương 630 USD và 390.000 đồng (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí dịch vụ xin visa và chi phí xin visa). Các khoản chi phí này, người lao động nộp cho Sở LĐTB&XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Đồng thời, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng, khoản tiền ký quỹ này lao động được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn hợp đồng (chỉ ký quỹ sau khi ký hợp đồng đưa đi với Trung tâm Lao động ngoài nước)...
Bản ghi nhớ Chương trình EPS tiếp tục mở thêm nhiều cơ hội cho lao động Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo nội dung bản ghi nhớ thì số lượng lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc tiếp nhận hằng năm phụ thuộc vào mức độ giảm tỷ lệ lao động Việt Nam đang cư trú, làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc. Do đó, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, bản thân người lao động phải tự giác, tự nguyện, tuân thủ pháp luật cũng như chấp hành tốt các quy định theo hợp đồng làm việc. Có như vậy, cánh cửa XKLĐ tiềm năng này mới tiếp tục mở rộng đối với lao động Việt Nam.
Bài và ảnh: Trường Giang
{name} - {time}
-
2024-12-11 15:02:00
Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam
-
2024-12-11 14:39:00
Tăng cường các hoạt động để hội viên, phụ nữ và Nhân dân tích cực tham gia Dự án 8
-
2024-04-26 14:49:00
Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho hội viên nông dân
Xung kích, tình nguyện vì cộng đồng
Từ nỗi đau, càng đòi hỏi phải làm nghiêm túc, thực chất hơn
Tập huấn kỹ năng viết tin, bài đăng tải trên cổng thông tin điện tử
Hơn 1,5 triệu khách đi lại bằng đường hàng không trong dịp nghỉ lễ 30/4
Hoà mình vào cuộc sống dân dã, bình yên tại làng chài ở thành phố du lịch Sầm Sơn
Thiệu Hóa cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày lễ lớn
Hội LHPN phường Phú Sơn đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội
Như Xuân phấn đấu xây dựng 160 căn nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ khó khăn về nhà ở
Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông công đoàn