Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó có hàng chục nghìn người dân Thanh Hóa đang ngày ngày phải gánh chịu nỗi đau do chất độc màu da cam/dioxin. Bằng tình cảm, trách nhiệm, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cùng nhiều cá nhân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và Đoàn Khối tặng quà cho thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người có công tỉnh.
Ngày 10/8/1961, chiếc máy bay đầu tiên của quân đội Mỹ bắt đầu phun rải chất độc dọc theo Quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô (Kon Tum). Trong suốt hơn 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ và đồng minh đã rải gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có chứa chất cực độc màu da cam/dioxin và khoảng 9.000 tấn chất độc CS xuống các thôn làng, đồng ruộng, rừng cây của miền Trung và miền Nam Việt Nam với tổng diện tích hơn 2,6 triệu ha. 63 năm đã trôi qua, nhưng mất mát, đau thương do thảm họa da cam/dioxin để lại trên đất nước ta vẫn rất nặng nề. Chất độc màu da cam đã làm gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Tàn độc và nguy hiểm hơn, chất độc màu da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ...
Trước hậu quả hết sức nặng nề của chất độc màu da cam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách, huy động mọi nguồn lực xã hội để giúp đỡ các nạn nhân giải quyết hậu quả chất độc da cam (CĐDC). Kể từ năm 2002, ngày 10/8 hằng năm được chọn làm ngày “Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”. Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt và triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam (NNDC); bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Cùng với đó, ngày 14/5/2015 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 43-CT/TW (Chỉ thị 43) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”... Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC...
Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 16.000 người đang được hưởng chế độ chính sách dành cho NNDC; bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cùng nhiều cá nhân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Hiện nay, đã có trên 200 nhà tình nghĩa được xây dựng cho nạn nhân; trên 100 hộ NNDC được vay vốn không phải trả lãi để phát triển kinh tế hộ. Trên 500 con, cháu NNDC được khuyến học, khuyến tài; trên 200 NNDC được đi điều dưỡng ở làng Hữu Nghị của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; trên 400 NNDC được cấp xe lăn, xe lắc, xe bại não; 10.000 lượt NNDC được thăm, tặng quà từ nguồn vận động quỹ hội; trên 2.000 NNDC được Bệnh viện 103 khám và cấp thuốc miễn phí; Hội Chữ thập đỏ tỉnh với phong trào “Tết vì người nghèo, vì NNDC” đã xây dựng hàng trăm căn nhà tình thương cho NNDC; tặng 900 con bò sinh sản; tặng quà cho trên 41.550 lượt NNDC...
Cùng với đó, các tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp trong tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động từng bước được nâng cao. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội chung tay chăm sóc, xoa dịu nỗi đau da cam. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân; tăng cường rà soát, quản lý, nắm hoàn cảnh đối tượng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh vận động, xây dựng quỹ hội, thu hút sự quan tâm của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và cộng đồng tham gia ủng hộ. Trong đó, các cấp hội đã chủ động tích cực vận động quỹ cấp tỉnh đạt trên 5,3 tỷ đồng; cấp huyện, thị xã, thành phố đạt trên 13,2 tỷ đồng; cấp xã, phường, thị trấn đạt trên 9,8 tỷ đồng... Hằng năm, phối hợp khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt đối tượng; khảo sát, hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế, trao tặng cây, con giống giúp các nạn nhân cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng...
Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, đời sống của các NNDC trên địa bàn Thanh Hóa đang từng bước được cải thiện. Đến nay, 100% hộ NNDC thuộc đối tượng người có công đều có nhà ở kiên cố, không còn nhà ở tranh tre dột nát. Toàn tỉnh có trên 750 hộ NNDC đã vượt lên nỗi đau bệnh tật, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, có nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, nhiều NNDC là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương...
Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả hết sức nặng nề của chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà hơn hết thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với đất nước.
Ngày 10/8 hằng năm đã được Đảng, Nhà nước ta chọn là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đang tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực để chăm sóc, giúp đỡ các NNDC, góp phần tiếp thêm động lực để NNDC vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-08-09 10:14:00
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát công đoàn
Chăm lo đời sống đồng bào Mông ở bản biên giới Xía Nọi
Khuyến cáo công dân Việt Nam nên rời khỏi Liban sớm nhất có thể
Sầm Sơn tiếp nhận hơn 5 tỷ đồng ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở
[Infographics] - 14 vị trí tài xế không được dừng, đỗ xe
Sạt lở núi Cao ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân
Chặn trục lợi chính sách
Thủ tướng: Thúc đẩy các dự án hạ tầng, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước
Đặc xá năm 2024 bảo đảm đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, sai sót
Vĩnh Lộc: Ra mắt mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”