Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa, TS. Lê Xuân Thảo: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tôn vinh bản sắc, nâng tầm du lịch xứ Thanh
Những năm qua, du lịch xứ Thanh đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các phương diện; số lượng du khách và doanh thu từ hoạt động du lịch liên tục tăng, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của ngành du lịch tỉnh nhà. Trong đó, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trên tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo. Xoay quanh vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa, TS. Lê Xuân Thảo.
Phóng viên (PV): Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, du lịch tỉnh Thanh Hóa ghi nhận kết quả đáng ngưỡng mộ với tổng lượng khách du lịch đạt khoảng 1,6 triệu lượt, tổng thu từ các hoạt động du lịch đạt khoảng 4.170 tỷ đồng, nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Theo nhận định của ông, những yếu tố nào đã tạo nên sức hấp dẫn của du lịch xứ Thanh trong thời gian qua?
Ông Lê Xuân Thảo: Như số liệu thống kê đã được công bố, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, cả nước phục vụ hơn 10,5 triệu lượt khách, tăng hơn 31% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, Thanh Hóa đứng thứ hai cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) về doanh thu du lịch và lượng khách, với hơn 4.170 tỷ đồng và 1,6 triệu lượt. Kỳ nghỉ lễ năm ngoái, Thanh Hóa đứng ở vị trí dẫn đầu. Kết quả ấy đã khẳng định sức hút, sức lan tỏa của thương hiệu, chất lượng du lịch xứ Thanh.
Về những yếu tố tạo nên sức hút, sức lan tỏa ấy, theo tôi, gói gọn trong ba điểm mấu chốt nhất và cũng kinh điển nhất: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
“Thiên thời” chính là những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây. Xứ Thanh là vùng đất hội tụ đủ 3 vùng địa lý: Trung du và miền núi, đồng bằng, ven biển. Ngoài ra, xứ Thanh còn có hệ thống đảo lớn, nhỏ, cửa biển... tô điểm, làm rạng rỡ thêm cho “Thanh kỳ khả ái”. Không chỉ có tài nguyên tự nhiên, xứ Thanh còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo. Hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian; trong đó hàng chục di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, tạo nên lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt làm nên tính hấp dẫn của du lịch xứ Thanh so với các địa phương khác. Ngành du lịch cũng theo đó mà phát triển, hình thành các dòng sản phẩm khác nhau như: Du lịch biển - đảo, du lịch tâm linh, văn hóa, cộng đồng...
Để phát huy tiềm năng, lợi thế ấy, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư phát triển. Đó là yếu tố “địa lợi”, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Từ quan điểm, định hướng chung ấy, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá, then chốt, tạo động lực tăng trưởng. Tổng hòa của những nỗ lực ấy đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng dịch vụ điểm đến, đặc biệt là các trọng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo những cú hích lớn, đưa du lịch xứ Thanh bứt tốc trên “đường băng” phát triển.
Du lịch là ngành có tính đặc thù cao, đối tượng phục vụ là khách hàng với nhu cầu rất đa dạng nên đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao mà còn phải có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt, thái độ chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện. Thời gian gần đây, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn.
Cùng với nguồn nhân lực trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, theo cảm nhận của cá nhân tôi, điều đáng mừng nhất là mỗi người dân xứ Thanh, nhất là cư dân tại các khu, điểm du lịch trọng điểm đều nhận thức sâu sắc về vai trò, đóng góp to lớn của ngành du lịch đối với vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... Những chuyển biến lớn trong nhận thức đã nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường du lịch, an ninh trật tự khu vực; lan tỏa và quảng bá nét đẹp đất và người quê Thanh...
Toàn tỉnh hiện có 1.300 cơ sở lưu trú; gần 49 nghìn phòng; 40 khách sạn từ 3 - 5 sao; 55 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 1 nghìn đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng; 58 nghìn lao động trong ngành du lịch... Tất cả đã và đang chung tay góp sức, nỗ lực lớn, quyết tâm cao độ vì sự phát triển của du lịch tỉnh nhà.
PV: Với vai trò, chức năng của mình, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực như thế nào để góp phần gia tăng, lan tỏa sức hấp dẫn cho du lịch xứ Thanh, thưa ông?
Ông Lê Xuân Thảo: Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa là mái nhà chung của các hội viên là các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; có 3 chi hội trực thuộc (Chi hội Lữ hành, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch, Chi hội đầu bếp) và nhiều chi hội du lịch của các địa phương trực thuộc. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, nâng tầm vị thế du lịch xứ Thanh trên bản đồ du lịch quốc gia.
Bên cạnh việc không ngừng củng cố tổ chức bộ máy, phát triển hội viên; tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Hiệp hội phối hợp xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; đẩy mạnh phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất của Hiệp hội Du lịch tỉnh thời gian qua là việc tích cực tham gia các hội chợ du lịch Việt Nam VITM tại Hà Nội và một số hội chợ du lịch quan trọng trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công nhiều sự kiện đón các đoàn famtrip đến khảo sát, đánh giá sản phẩm, kết nối tour, tuyến du lịch tại Thanh Hóa. Hiệp hội cũng phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, lợi thế du lịch, tham gia các tour liên kết “3 địa phương, 1 điểm đến”, “4 địa phương - Một hành trình - Nhiều trải nghiệm”...
Hiệp hội thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo, các phiên họp chỉ đạo về du lịch để tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch địa phương; phối hợp tổ chức các sự kiện về du lịch của tỉnh, chương trình hợp tác phát triển du lịch... Cùng với đó, hiệp hội đã phát huy vai trò cầu nối, tư vấn giúp các doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai các hoạt động hướng về hội viên liên kết và hỗ trợ kinh doanh...
Các doanh nghiệp hội viên tập trung đầu tư, nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất; đổi mới trang thiết bị; chủ động tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0; đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên... góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Đặc biệt, từ tháng 9/2024, sau khi kiện toàn ban chấp hành, hiệp hội đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, sát với yêu cầu thực tiễn, biến động thị trường, thị hiếu du khách... Hiệp hội đã ra mắt logo mới thể hiện rõ nét bản sắc, tinh thần kết nối du lịch trong và ngoài nước, đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy và hành động. Hiệp hội cũng tăng cường ký kết văn bản hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình, các trường đại học trong tỉnh...
Không chỉ thúc đẩy các hoạt động chuyên môn, Hiệp hội Du lịch tỉnh là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội nhằm phát huy tinh thần, truyền thống quý báu của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, nêu cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời góp phần tô đậm hình ảnh đẹp của đất và người xứ Thanh...
PV: Từ thực tiễn hoạt động có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy liên kết giữa Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch với chính quyền địa phương trong kết nối tour, tuyến, tạo động lực cho ngành du lịch bứt tốc. Để nâng cao hiệu quả liên kết ấy trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy như hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Xuân Thảo: Tôi tin rằng, trong bất kỳ bối cảnh nào, khát vọng vươn mình, phát triển của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, bất kỳ cộng đồng, ngành nghề, lĩnh vực nào cũng không bao giờ thay đổi.
Trong bối cảnh hiện nay, cũng như các ngành nghề, lĩnh vực khác, du lịch nói chung đứng trước cả những thời cơ, vận hội lẫn khó khăn, thách thức đan xen. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ấy, phấn đấu đưa xứ Thanh trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước vào năm 2030, một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả là nâng cao hiệu quả liên kết giữa Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch với chính quyền địa phương trong kết nối tour, tuyến, hình thành các sản phẩm du lịch mới phù hợp với bối cảnh, xu hướng, thị hiếu...
Muốn làm được điều đó, trước nhất, các cấp, các ngành trong tỉnh cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để Hiệp hội Du lịch tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trong chương trình phát triển du lịch của tỉnh; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới, các sản phẩm du lịch độc đáo trong liên kết để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch xứ Thanh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, kết nối cơ sở dữ liệu du lịch giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp du lịch, quan tâm phối hợp với các cơ sở du lịch trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Về phía hiệp hội, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương trong hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Đồng thời, hiệp hội tích cực mở rộng, kết nạp hội viên mới để củng cố tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động.
Hương Thảo (thực hiện)
{name} - {time}
-
2025-05-21 15:35:00
Giữ màu xanh đại ngàn
-
2025-05-21 15:31:00
Hẹn gặp ở Song Tử Tây
-
2025-05-20 15:29:00
Thủy Chú “xinh tốt đáng ưa”
Thúc đẩy du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững
Biển hát...
Hồ Chí Minh, người tin ở con người
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 3): Những bông hoa trong vườn Bác
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 2): Nhớ mãi ngày gặp Bác!
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 1): Từ động viên, ghi nhận đến những lời căn dặn
Khơi dậy sức mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời đại mới
Xứ Thanh kết đài hoa dâng Bác...
Cùng Người vươn tới mãi