Chợ truyền thống thích ứng thời kỳ công nghệ số
Kinh doanh thương mại điện tử cùng với sự bùng nổ của các siêu thị đã khiến cho hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống rơi vào tình trạng khó khăn, vắng khách. Để bắt nhịp với xu thế mới, những tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống đang từng bước thay đổi, tiếp cận thêm với các nền tảng công nghệ để thu hút khách hàng.
Tiểu thương kinh doanh tại chợ Mạ, xã Định Hưng (Yên Định) dùng hình thức thanh toán không tiền mặt.
Tại các quầy hàng ở chợ Mạ, xã Định Hưng (Yên Định), tiểu thương đều chuẩn bị QR Code để người dân thuận tiện sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tại các quầy bán quần áo, giày dép đều có các thiết bị công nghệ hỗ trợ bán hàng qua mạng xã hội như facebook, zalo... Đang bán hàng cho khách, chị Lê Thị Huệ, chủ quầy hàng tạp hóa nhận được cuộc điện thoại, chị lấy bút rồi ghi vội vào sổ. Chị chia sẻ: “Giờ bán hàng không chỉ trực tiếp tại chợ, khách bận không qua mua được sẽ gọi điện rồi mình giao hàng cho họ, thời buổi hiện nay phải đa dạng cách bán hàng chứ không thì khó giữ khách lắm”.
Để duy trì kinh doanh, thích ứng thời kỳ công nghệ số, chị Lê Thị Hồng, chủ quầy hàng kinh doanh giày dép tại chợ Tây Thành, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đã xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như: zalo, facebook. Chị Hồng cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, vào thời điểm đầu mùa như thế này, quầy hàng của tôi luôn đông khách, chỉ cần mở cửa ra kinh doanh là có khách đến mua. Nhưng mấy năm gần đây, khách hàng đến chợ ngày càng ít, có khi cả ngày chỉ bán được cho 1 - 2 khách. Để thích ứng với hình thức kinh doanh mới, hằng ngày, tôi thường chụp hình ảnh sản phẩm cập nhật trên nền tảng zalo và facebook cho khách hàng tham khảo, lựa chọn. Việc thường xuyên cập nhật hình ảnh sản phẩm mới, chất lượng cao, giúp thu hút khách hàng và tạo dựng niềm tin. Tôi cũng thường xuyên cập nhật đa dạng mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
Chợ truyền thống không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi lưu giữ văn hóa, nét đẹp truyền thống và lưu giữ những hoạt động buôn bán giao thương, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Hiện, toàn tỉnh có 388 chợ truyền thống. Đối tượng kinh doanh tại chợ chủ yếu là các tiểu thương, người dân sản xuất và bán trực tiếp sản phẩm. Các mặt hàng kinh doanh tại chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Nhận thức rõ vai trò của chợ truyền thống, những năm qua, các địa phương đã tăng cường huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các chợ. Nhờ đó, các chợ đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố với những quầy hàng đảm bảo diện tích, sạch sẽ, tạo nên một không gian mua sắm hiện đại, tiện nghi hơn cho người tiêu dùng. Các chợ đều thành lập ban quản lý, tổ quản lý thực hiện giám sát hoạt động mua, bán, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh công cộng. Các địa phương, ngành chức năng đã tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, vận động các tiểu thương đổi mới tư duy, áp dụng các phương thức kinh doanh mới; tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, đẹp mắt, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa đã có từ xưa của người tiêu dùng và hướng tới đáp ứng xu thế phát triển hiện đại.
Để thích ứng với xu thế của công nghệ số, tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng đã thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến bất kỳ khu chợ nào, dù ở khu vực nông thôn hay thành thị, chúng tôi đều nhìn thấy, trên mỗi quầy hàng có điểm quét QR Code. Thay vì trả và nhận tiền mặt, thì nay chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và vài thao tác đơn giản đã có thể hoàn tất việc mua bán. Người mua hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây. Hiện nay, người dân có thể thanh toán mua bán hàng hóa tại chợ bằng việc thanh toán điện tử mà không cần phải sử dụng tiền mặt. Việc thanh toán không tiền mặt thông qua ứng dụng cũng là cách để bảo đảm quá trình giao dịch an toàn hơn, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực một cách dễ dàng và linh hoạt; đồng thời, hạn chế việc bị trộm cắp tài sản, tiền giả.
Bài và ảnh: Minh Hà
{name} - {time}
-
2025-01-18 10:41:00
Quyết liệt giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025
-
2025-01-18 10:07:00
Ba Lan bắt đầu thủ tục phê chuẩn nội bộ Hiệp định EVIPA giữa EU và Việt Nam
-
2024-12-18 11:21:00
Các ngân hàng bàn giao nhà ở cho hộ nghèo ở huyện Như Xuân
Thực hiện tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 bắt đầu từ ngày 1/7
Rút giấy phép cây xăng không xuất hóa đơn từng lần
Bản tin Tài chính 18/12: Giá vàng biến động giữa lúc “chờ tin” Fed
Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đổi tên thành ngân hàng Việt Nam hiện đại
Tự hào truyền thống, vững bước tương lai với sứ mệnh đưa ánh điện bừng sáng muôn nơi
[E-Magazine] – Vững bước trên hành trình xây dựng huyện NTM nâng cao - Hướng tới xây dựng huyện NTM kiểu mẫu
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng
Yêu cầu đảm bảo an toàn, thông suốt thanh toán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Bản tin Tài chính 17/12: Vàng giảm sốc trước khi FED đưa ra quyết định; Dự báo lãi suất ngân hàng thời gian tới