(Baothanhhoa.vn) - Thói quen dễ dãi và tùy tiện của nhiều người khiến chợ cóc, chợ tạm cứ tồn tại mặc cho các lực lượng chức năng nỗ lực để dẹp bỏ. Cái sự “tiện” ấy là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, mỹ quan đô thị.

Chợ “cóc” - vấn nạn từ thói quen tùy tiện

Thói quen dễ dãi và tùy tiện của nhiều người khiến chợ cóc, chợ tạm cứ tồn tại mặc cho các lực lượng chức năng nỗ lực để dẹp bỏ. Cái sự “tiện” ấy là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, mỹ quan đô thị.

Chợ “cóc” - vấn nạn từ thói quen tùy tiệnChợ “cóc” Nam Sơn, phường Nam Ngạn tấp nập người mua bán vào buổi sáng.

Ở TP Thanh Hóa có không ít chợ “cóc” còn tồn tại. Chẳng nói đâu xa, riêng ở khu vực nhà tôi sinh sống từ lâu đã có vài cái chợ “cóc”. Chợ cóc Nam Sơn (gần ngã tư giao nhau giữa đường Nam Sơn và đường Nguyễn Biểu, phường Nam Ngạn) sáng nào cũng đông đúc người bán, người mua. Đầu tiên có lẽ là một vài người bán rau với thập cẩm hàng hóa bày bán trước nhà. Ngày hôm sau, lại có thêm vài bà với mẹt thịt lợn ngồi mạn vỉa hè, gốc cây “góp vui”. Hôm sau nữa là những người bán lẻ ít cá, ít tôm... Dần dà, thấy nhu cầu mua bán tăng cao, lại có thêm hàng bán thịt lợn quy mô hơn, thêm vài anh, chị bán hoa quả dạo đon đả mời khách mua hàng. Và cứ vào độ ngày rằm, mùng một âm lịch, lại thêm những chiếc xe đạp chở hoa sặc sỡ dừng chân ngay dưới lòng đường. Vậy là thành cái chợ “cóc” đủ món.

Chợ cóc ở khu vực này họp khá sớm, ngay trên vỉa hè, lòng đường và luôn trong tư thế... sẵn sàng chạy. Bởi chợ nằm ở khu vực địa phận giáp ranh giữa hai phường Nam Ngạn và Đông Thọ nên những người bán hàng ở đây có nhiều kinh nghiệm để “đối phó” khi có lực lượng chức năng kiểm tra. Hoặc là thu vén hàng dẹp vào trước nhà một người quen gần đó, hoặc là sẵn xe đạp, xe máy lên xe chạy lòng vòng, đợi sau khi lực lượng chức năng rút khỏi thì quay lại bán tiếp.

Chợ cóc ở cuối đường Trần Xuân Soạn nối sang đường Nguyễn Bặc, phường Đông Thọ còn đông vui hơn. Cả đoạn đường dài 100m trở thành nơi tập trung hàng hóa, buôn bán đủ mặt hàng từ rau xanh, hoa quả, thịt cá cho đến hàng ăn sáng, thực phẩm chế biến sẵn. Khu vực gần ngã tư còn tập trung nhiều hộ kinh doanh hàng quán khiến người tham gia giao thông vất vả khi qua lại con đường này, nhất là vào buổi sáng, khi người dân đưa con đến trường.

Những người bán hàng ở các chợ “cóc” này thường là những người dân ven thành phố lên mưu sinh với gánh hàng nho nhỏ, một số người buôn bán ngay trước vỉa hè nhà mình. Các chợ “cóc” tuy quy mô nhỏ, song cũng đủ để nhiều người mua thực phẩm trong ngày cho gia đình. Người bán thì không phải mua chỗ, đóng phí, còn người mua chẳng cần phải gửi xe hay loay hoay tìm chỗ đậu xe để vào chợ chính gần đó mà chỉ cần tà tà xe máy, thậm chí là ngó qua cửa ô tô là mua được thực phẩm hàng ngày cho bữa cơm gia đình. Trong nhịp sống hối hả của đô thị, vì những cái “tiện” vốn có ấy, những phiên chợ cóc như thế vẫn cứ “vô tư” tồn tại.

Điều đáng nói, chợ “cóc” chủ yếu nằm ở những vị trí giao thông có lưu lượng lớn người và phương tiện giao thông qua lại đông đúc. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, mà còn làm mất vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với một số hộ dân sống tại các khu chợ “cóc”, mặc dù thuận tiện trong việc mua bán, song họ cũng luôn ngán ngẩm bởi tình trạng ồn ào, mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Chị Lê Thị H., một người dân sống gần chợ cóc Nam Sơn cho biết: “Cứ khoảng 6h sáng, tiếng mời chào khách xen lẫn tiếng còi xe máy, xe ô tô, giao thông ùn ứ làm khu dân cư trở nên ồn ào, ảnh hưởng nhiều đến các gia đình sống gần khu vực này”.

Vấn nạn chợ cóc luôn gây bức xúc cho người dân. Đã không ít lần, TP Thanh Hóa hạ quyết tâm dẹp bỏ chợ cóc. Các lực lượng chức năng của thành phố đã tăng cường kiểm tra, xóa bỏ chợ cóc, chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè. Nhiều điểm chợ cóc, chợ tự phát tại các tuyến đường lớn đã được dẹp bỏ, trả lại lòng đường, vỉa hè thông thoáng cho người tham gia giao thông. Một số địa phương đã có nhiều giải pháp chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các điểm chợ “cóc" để xử lý tồn tại về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Từ các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, ký cam kết, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng đến việc phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thậm chí xử phạt. Các phường, xã có các điểm họp chợ cóc giáp ranh xây dựng phương án phối hợp, tổ chức lực lượng kiểm tra, ra quân xử lý các trường hợp vi phạm. Song, thực tế cho thấy, vẫn chưa thể giải tỏa triệt để chợ “cóc”.

Thói quen tùy tiện của nhiều người mua hàng có lẽ chính là lý do chủ quan khiến những nỗ lực trong việc xóa bỏ chợ cóc một số tuyến phố vẫn là câu chuyện dài, chưa có hồi kết.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]