Chiêm ngưỡng tòa thành độc nhất vô nhị tại xứ Thanh
Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn...) nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Video: Tòa thành độc nhất vô nhị tại xứ Thanh
Thành Nhà Hồ nằm cách thành phố Thanh Hóa 45 km được xây dựng trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, nơi đây đang trở thành điểm đến của du khách ưa khám phá mỗi khi về xứ Thanh.
Thành đá cổ này được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 ban đầu lấy tên là thành Tây Đô. Sau đó, vương triều Hồ thành lập và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành Nhà Hồ. Với những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, năm 2011 Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới.
Di sản thành đá Nhà Hồ bao gồm Thành nội, La thành, Đàn tế Nam Giao rộng 155,5 ha và được bao bọc bởi một vùng đệm có diện tích 5078,5 ha. Thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m.
Tường thành đá có chu vi hơn 3,5 km với nhiều đoạn tường thành gần như nguyên vẹn. Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối lớn mặt trong được đắp đất, có phiến dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn.
Đến thăm Thành Nhà Hồ, du khách không khỏi kinh ngạc về khối lượng đá khổng lồ, cách thức lắp ghép đá xây nên những tường thành đá, cổng thành đồ sộ, vững chãi.
Thành có bốn cổng theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu. Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi.
Cổng Nam, còn gọi là cửa Tiền, dài 34,85 mét, cao 8,6 mét và sâu 15 mét. Các cổng thành xưa kia đều được đóng, mở bằng những cánh cửa gỗ lớn và dày. Chân móng cổng thành làm từ các khối đá xanh lớn, chờm ra khỏi chân vòm. Có viên chờm ra rộng đến 98 cm, dày 75 cm và dài hơn 2 mét.
Cổng Bắc là cổng hậu của Thành Nhà Hồ, có kích thước dài 21,34 mét với vòm cuốn rộng 5,80 mét, sâu 13,55 mét, chiều cao tới đỉnh 8,09 mét.
Cổng thành Bắc hình vòm cuốn, xây bằng các viên đá được chế tác hình múi bưởi (hay hình thang cân), tạo nên phần cuốn hình vòm. Bên dưới đặt những khối đá lớn làm nền, các khối đá hình chữ nhật xếp khít hai bên trên tạo thành khung cửa mà không cần chất kết dính.
Cổng Đông dài 23,3 mét, sâu 13,4 mét và cao 6,8 mét, chỉ có một vòm cuốn làm lối vào rộng 5,77 m. Cổng thành được xây theo kiểu vòm cuốn, với các khối đá lớn được ghè đẽo công phu ở ba mặt. Mặt dưới tạo vòm cửa, hai mặt bên là những mặt tiếp giáp để ghép vòm.
Cổng Tây của Thành Nhà Hồ nối với làng cổ Tây Giai. Cổng Tây rộng 21,5 mét, sâu 13,4 mét, cao 6,1 mét, chỉ có một cửa được mở ở chính giữa, xây theo kiểu vòm cuốn, cao 6,16 mét, rộng 5,7 mét.
Kỹ thuật xây dựng Cổng Tây tương đối giống các cổng khác. Vòm cửa được xây bằng các khối đá chế tác hình múi bưởi, tạo nên phần cuốn hình vòm. Bên dưới đặt những khối đá lớn làm nền, các khối đá hình chữ nhật xếp khít hai bên tạo thành khung cửa mà không cần chất kết dính.
Điều làm di sản Thành Nhà hồ trở nên hấp dẫn là trong khu vực nội thành và khu vực làng cổ bao quanh thành có rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử như Đền thờ nàng Bình Khương, Đình Đông Môn, nhà cổ ... và cả những câu chuyện truyền thuyết liên quan đến ngôi thành đặc biệt này.
Qua các đợt khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ những dấu tích kiến trúc cùng rất nhiều hiện vật từng góp phần làm nên một Tây Đô tráng lệ, uy nghiêm. Các hiện vật hiện đang được đặt tại tại nhà trưng bày của Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Hoàng Đông
{name} - {time}
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-11-29 09:59:00
Nguyễn Thượng Hiền: Từ trí thức Nho học đến chí sĩ yêu nước
-
2024-02-05 15:51:00
Phủ Na trang hoàng rực rỡ đón xuân Giáp Thìn
Chùa Đông Sơn trên đất cổ Hàm Rồng
Một vùng thắng tích
Lan tỏa những việc làm theo Bác ở Thọ Cường
Ngày đông - nói chuyện du lịch bốn mùa
Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang
Du lịch Thanh Hóa, nhìn từ khách nội tỉnh
Linh thiêng nghè Mỹ Lộc
Niềm tự hào của làng Hồi Cù