(Baothanhhoa.vn) - Thống kê về kết quả thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ tính từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-5-2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, đối với việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 256 hồ sơ.

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Cần sự vào cuộc trách nhiệm!

Thống kê về kết quả thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ tính từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-5-2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, đối với việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 256 hồ sơ.

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Cần sự vào cuộc trách nhiệm!Công dân đến làm thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai tại bộ phận “Một cửa” TP Thanh Hóa. Ảnh: Phong Sắc

Được và chưa được

Thống kê về kết quả thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ tính từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-5-2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, đối với việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 256 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết là 213 hồ sơ, đạt 83,2%, (đã giải quyết đúng hạn 212 hồ sơ, đạt 99,53%, số hồ sơ quá hạn 1 hồ sơ, chiếm 0,47%); số hồ sơ đang giải quyết trong hạn 10 hồ sơ, chiếm 3,9%; số hồ sơ trả lại và xin rút 33 hồ sơ, chiếm 12,89%. Đối với cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên địa bàn tỉnh là 325.540 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết là 308.885 hồ sơ, đạt 94,88% (số hồ sơ giải quyết đúng hạn 298.607 hồ sơ, đạt 96,67%; quá hạn 10.278 hồ sơ, chiếm 3,33%); số hồ sơ đang giải quyết 8.487 hồ sơ, chiếm 2,61% (số hồ sơ giải quyết trong hạn 7.689 hồ sơ, chiếm 90,6%; số hồ sơ giải quyết quá hạn 798 hồ sơ, chiếm 9,4%); số hồ sơ trả lại, rút, chờ bổ sung 8.168 hồ sơ, chiếm 2,51% (đa số hồ sơ này là quá hạn).

Cụ thể, hồ sơ thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận giải quyết là 312.234 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết là 299.331 hồ sơ, đạt 95,87% (số hồ sơ giải quyết đúng hạn 289.754 hồ sơ, đạt 96,8%; quá hạn 9.577 hồ sơ, chiếm 3,2%); số hồ sơ đang giải quyết 7.448 hồ sơ, chiếm 2,39% (số hồ sơ giải quyết trong hạn 6.844 hồ sơ, chiếm 91,89%; số hồ sơ giải quyết quá hạn 604 hồ sơ, chiếm 8,11%); số hồ sơ trả lại, rút, chờ bổ sung là 5.455 hồ sơ, chiếm 1,75%.

Ở cấp huyện, tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết là 13.306 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ đã giải quyết là 9.554 hồ sơ, đạt 71,8% (số hồ sơ giải quyết đúng hạn 8.853 hồ sơ, đạt 92,66%; quá hạn 701 hồ sơ, chiếm 7,34%); số hồ sơ đang giải quyết 1.039 hồ sơ, chiếm 7,81% (số hồ sơ giải quyết trong hạn 845 hồ sơ, chiếm 81,33%; số hồ sơ giải quyết quá hạn 194 hồ sơ, chiếm 18,67%); số hồ sơ trả lại, rút, chờ bổ sung là 2.713 hồ sơ, chiếm 20,39%.

Từ số liệu trên cho thấy, tuy đã đạt được kết quả hết sức tích cực, song việc thực hiện thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm. Minh chứng cho thấy, hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai chiếm 3,2% đối với hồ sơ đã giải quyết, chiếm 8,11% đối với hồ sơ đang giải quyết. Hồ sơ quá hạn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện chiếm 7,34% đối với hồ sơ đã giải quyết, chiếm 18,67% đối với hồ sơ đang giải quyết; đặc biệt là lượng hồ sơ cấp lần đầu bị trả lại hoặc đang chờ bổ sung chiếm tới 20,39% chưa được giải quyết cho người dân. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền các cấp phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”.

Vẫn còn tình trạng phiền hà, sách nhiễu

Mặc dù các cấp, các ngành, đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song thời gian qua dư luận vẫn còn phản ánh, kiến nghị về tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Liên quan đến vấn đề này ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa, chia sẻ: “Tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính chưa cao. Tình trạng “nhũng nhiễu”, đặc biệt là vấn đề “lót tay” trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa được xử lý dứt điểm”. Thực trạng này đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho nhiều tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ có lúc, có nơi chưa nghiêm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Cần sự vào cuộc trách nhiệm!Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Nông Cống và xã Yên Mỹ (Nông Cống) kiểm tra thực địa làm căn cứ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân tại xã Yên Mỹ.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, từ khi đi vào hoạt động tháng 9-2020 đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận 149 đơn, trong đó: 132 đơn kiến nghị, phản ánh; 14 đơn tố cáo; 3 đơn khiếu nại. Trên cơ sở nội dung đơn, thư đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 58 đơn; Văn phòng Đăng ký đất đai xử lý 91 đơn. Nội dung đơn, thư mà Văn phòng Đăng ký đất đai đã xử lý chủ yếu là khiếu nại, kiến nghị giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận QSDĐ; phản ánh, tố cáo về hành vi không giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, sách nhiễu, đòi “bôi trơn” mới giải quyết hồ sơ. Kết quả sau khi xử lý: văn phòng đã ban hành 46 thông báo kết luận, 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, giám đốc các chi nhánh, trưởng các phòng chuyên môn, viên chức, người lao động liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức. Ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với 1 viên chức; quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 2 viên chức (trong đó có 1 viên chức lãnh đạo, quản lý); kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 4 viên chức (trong đó có 1 viên chức lãnh đạo, quản lý) và yêu cầu nhiều tập thể, cá nhân tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.

Bàn về nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng đã có những phân tích và nhận diện. Theo đó, các nguyên nhân cụ thể như sai sót về số liệu; việc xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, xác nhận hiện trạng sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai, sự phù hợp quy hoạch tại UBND cấp xã còn chậm. Việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai chậm. Việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận của người dân còn hạn chế. Chất lượng hồ sơ của một số tổ chức, cá nhân lập không đầy đủ, chưa đạt yêu cầu dẫn đến hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần. Công tác phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, cung cấp thông tin về quá trình sử dụng đất chưa nhịp nhàng; thiếu sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã...

Ông Lê Trung Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Nông Cống cho biết: Số hồ sơ chậm khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn huyện Nông Cống chiếm khoảng 5%. Nguyên nhân của thực trạng này được xác định là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân; vấn đề tranh chấp; một số hồ sơ có sự thay đổi kích thước, hình thể sau khi đo vẽ dẫn đến phải lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn hạn chế về số lượng trong khi khối lượng hồ sơ nhiều dẫn đến việc xử lý công việc có lúc, có nơi chậm trễ.

Còn theo ông Lê Đỗ Chính, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thanh Hóa, nguyên nhân của việc chậm cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở một số trường hợp là do sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch, quy hoạch đất thì phù hợp nhưng quy hoạch xây dựng không phù hợp, gây khó khăn cho việc thực hiện thủ tục cấp giấy. Ngoài ra, việc thực thi một số cơ chế, chính sách cũng gặp khó khăn. Đơn cử như trong trường hợp giao đất trái thẩm quyền, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, tức là đất trái thẩm quyền không cần quy định phải có nhà ở để xác định nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, Điều 8, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP vẫn quy định thửa đất phải có nhà ở do đó gây vướng mắc trong công tác xác định nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy cho người dân... Cũng theo ông Chính, việc thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên phần mềm chưa hoạt động thông suốt, hay xảy ra lỗi, quá tải đường truyền dẫn đến chậm tiến độ giải quyết hồ sơ...

Nêu cao vai trò, trách nhiệm từ nhiều phía

Từ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã được xác định, theo đó trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng đã được chỉ rõ. Đơn cử như Sở TN&MT chịu trách nhiệm trong việc chưa quyết liệt, sát sao chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Đối với Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, việc quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của hệ thống văn phòng có lúc, có việc chưa quyết liệt, chưa sâu sát, để xảy ra vi phạm tại một số chi nhánh.

Đối với UBND cấp huyện, một số huyện chưa tập trung chỉ đạo thống kê, rà soát, tổng hợp phân loại các trường hợp tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận lần đầu để xây dựng phương án, kế hoạch cấp giấy chứng nhận theo Kết luận số 251/KL-HĐND, ngày 2-6-2022 của Thường trực HĐND và Kế hoạch số 182/KH-UBND, ngày 18-7-2022 của UBND tỉnh. Đặc biệt, trong những năm trước đây, công tác quản lý đất đai tại một số địa phương chưa chặt chẽ, còn để xảy ra vi phạm, khi phát hiện vi phạm không kiên quyết xử lý kịp thời, để tồn đọng kéo dài.

Đối với cấp xã, công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại cơ sở chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, tranh chấp đất đai, giao đất trái thẩm quyền, tự ý chuyển mục đích đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Việc xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch còn chung chung, chưa chính xác, không đúng thời gian quy định.

Về phía người dân, vẫn còn nhiều người dân chưa nắm vững quy định của pháp luật liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận, việc lập hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký, cấp giấy chứng nhận còn hạn chế; nhiều trường hợp chưa chủ động thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận để thời gian kéo dài trong khi chính sách, pháp luật đất đai về giải quyết các trường hợp tồn đọng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, hạn mức sử dụng đất ở có sự thay đổi...

Để khắc phục tình trạng trên và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ đặt ra lúc này là việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm ở từng cấp, từng ngành và ngay trong từng tổ chức, cá nhân. Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ rõ, song việc khơi thông “điểm nghẽn” phải bắt đầu từ yếu tố con người. Do đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, tận tâm, tận lực, hết lòng phục vụ, vì sự phát triển chung của tỉnh. Đại diện mỗi tổ chức, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, chủ động, tự giác thực hiện theo đúng nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Khi “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” dù khó khăn đến mấy mọi việc ắt sẽ thành công.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Lê văn tám - 08:11 14/07/23

 Trả lời

Đề nghị lãnh đạo nên thường xuyên giám sát thực tế tại các bộ phận tiếp nhận giải quyết hồ sơ các cấp thì mới hiệu quả

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]