(Baothanhhoa.vn) - Trong năm 2023, các cơ quan chức năng tiếp tục ghi nhận thêm nhiều vụ việc lừa đảo qua các hình thức liên lạc điện thoại và mạng xã hội. Tình trạng này đang được cảnh báo có xu hướng “bùng nổ” vào dịp cuối năm. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác và chủ động phòng tránh để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Cẩn trọng với bẫy lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp cuối năm

Trong năm 2023, các cơ quan chức năng tiếp tục ghi nhận thêm nhiều vụ việc lừa đảo qua các hình thức liên lạc điện thoại và mạng xã hội. Tình trạng này đang được cảnh báo có xu hướng “bùng nổ” vào dịp cuối năm. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác và chủ động phòng tránh để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Cẩn trọng với bẫy lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp cuối nămNgười dùng cần thận trọng với tin nhắn, cuộc gọi lạ liên lạc đến.

Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng năm 2023, đã có hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Cũng theo tổng hợp phản ánh của đơn vị, các phương thức lừa đảo hiện nay vẫn tập trung chủ yếu vào các thủ đoạn: Giả danh cơ quan chức năng thông báo đến người bị hại liên quan đến vụ án hình sự; quảng cáo cho vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, tải app nạp tiền làm cộng tác viên; gọi, nhắn tin yêu cầu tích hợp thông tin nhà đất, giấy phép lái xe vào ứng dụng VneID; lừa đảo là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công - với các dịch vụ mua hàng trực tuyến; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận; lừa đảo gửi link nội dung hấp dẫn về vụ việc giật gân, nhạy cảm để cài cắm các ứng dụng ăn cắp thông tin cá nhân sử dụng cho mục đích chiếm đoạt tài sản; cài link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen...

Mặc dù các thủ đoạn là không mới, song có biến tướng rất tinh vi và vẫn khiến không ít người nhẹ dạ, cả tin sập bẫy mất tiền, hoặc thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân... Những đối tượng nằm trong “tầm ngắm” của các nhóm lừa đảo trên mạng đó là người cao tuổi, học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng... Đặc biệt, đối tượng người cao tuổi thời gian gần đây thường xuyên bị “sập bẫy” do cả tin và không cảnh giác trước môi trường phức tạp trên internet cũng như kiến thức về công nghệ thông tin còn hạn chế. Một hình thức lừa đảo khác mà Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cần cảnh giác là việc giả mạo ngân hàng yêu cầu người dùng cung cấp mật khẩu OTP; các cuộc gọi, nhắn tin trên mạng xã hội mời tham gia chiến dịch và tuần lễ giảm giá, siêu khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm... Đặc biệt, hình thức mời nhận quà được cảnh báo sẽ “bùng phát” mạnh vào thời điểm hiện nay. Theo đó, đánh vào tâm lý ham khuyến mại của người tiêu dùng, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn nhằm dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các chương trình trúng thưởng. Tại đây, đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân đóng nhiều khoản phí để tham gia và bảo đảm sẽ được nhận lại tiền và quà tặng. Đến khi số tiền đóng vào càng lớn, người tham gia muốn lấy lại buộc phải làm theo điều khiển của các đối tượng tải các phần mềm độc hại về máy và bị chiếm quyền điều khiển, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi và môi trường trực tuyến. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai xây dựng chuỗi series “Điểm tin tuần” với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; tăng cường các biện pháp kỹ thuật như giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; thúc đẩy phát triển Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia an ninh mạng, trong năm 2023, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những bước phát triển thần kỳ và tiếp tục sẽ bùng nổ nhiều ứng dụng mới. Bên cạnh những mặt tích cực, điều này cũng sẽ kéo theo những công cụ phục vụ mục đích xấu như lừa đảo, tấn công mạng; do đó việc lừa đảo trực tuyến sẽ gia tăng cả về phương thức, thủ đoạn và độ tinh vi.

Do đó, cùng với giải pháp giám sát của cơ quan chức năng, biện pháp phòng tránh tốt nhất vẫn là bản thân mỗi người nâng cao cảnh giác khi sử dụng các dịch vụ. Người dân cần tránh mở các đường link lạ, tránh các cuộc gọi người lạ tiếp cận và kiểm tra thông tin kỹ trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng liên lạc qua mạng xã hội.

Bài và ảnh: Bách Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]