Các nước châu Âu chỉ trích gay gắt chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary
Ngày 5/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến thăm Moscow sau Kiev để “tiếp tục sứ mệnh hòa bình”. Liệu những nỗ lực của Thủ tướng Orban có thể ảnh hưởng đến diễn biến cuộc xung đột và phản ứng của châu Âu như thế nào?
Nội dung chương trình nghị sự
Theo Reuters, trong cuộc gặp Thủ tướng Orban ngày 5/7, Tổng thống Putin cho biết ông sẵn sàng lắng nghe quan điểm của nhà lãnh đạo Hungary về Ukraine. “Tôi hiểu rằng lần này ông đến không chỉ với tư cách là đối tác lâu năm của chúng tôi mà còn với tư cách là chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu”, ông Putin nói với ông Orban.
Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cho biết thêm ông mong nhà lãnh đạo Hungary sẽ phác thảo “lập trường của các nước châu Âu” về Ukraine. Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng chuyến thăm là dịp để hai bên trao đổi về việc xây dựng quan hệ song phương “trong tình hình khó khăn như hiện nay”, và triển vọng sắp tới của cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông đã có một cuộc gặp “thẳng thắn và hiệu quả” với Thủ tướng Hungary Orban, với việc hai bên đã thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine và quan hệ Nga-EU. Tổng thống Putin cho biết ông đã nhắc lại đề xuất của mình cho hòa bình ở Ukraine, nhấn mạnh các đề xuất của Nga sẽ là chìa khóa để giải quyết xung đột. Cũng theo ông Putin, ông Orban đã kêu gọi ngừng bắn nhưng Kiev vẫn chưa sẵn sàng chấm dứt xung đột.
Về quan hệ Nga-EU, nhà lãnh đạo Nga mô tả mối quan hệ đang ở “mức thấp nhất” và cảm ơn ông Orban vì đã đến thăm Nga, xem đây là một nỗ lực để khôi phục đối thoại giữa hai bên.
Về phần mình, Thủ tướng Orban cho biết, sau khi đàm phán với Tổng thống Ukraine và Nga, ông nhận ra rằng bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích giữa các bên là rất lớn. Theo ông Orban, “cần phải thực hiện rất nhiều bước để tiến gần hơn đến việc kết thúc chiến tranh”. Thủ tướng Hungary khẳng định: “Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện bước quan trọng nhất - chúng tôi đã thiết lập các mối liên hệ và tôi sẽ tiếp tục làm việc theo hướng này”.
Thủ tướng Orban lưu ý rằng, ông muốn tìm ra con đường ngắn nhất để chấm dứt tình trạng xung đột hiện nay. “Tôi muốn nghe ý kiến của Tổng thống Putin về ba vấn đề khác nhau: ông ấy nghĩ gì về các sáng kiến hòa bình hiện có, lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình, chúng có thể được tổ chức theo trình tự nào, và thứ ba, tìm hiểu tầm nhìn của ông ấy về mối quan hệ giữa Nga và châu Âu sau chiến tranh”, nhà lãnh đạo Hungary cho biết.
Phản ứng của châu Âu về chuyến thăm
Thủ tướng Orban đến Moscow không chỉ với tư cách là thủ tướng của Hungary; vào ngày 1/7/2024, Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Châu Âu. Và mặc dù điều này không có nghĩa là Hungary có thêm quyền lực trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, song tại Kiev, Thủ tướng Orban nhấn mạnh vấn đề giải quyết hòa bình cuộc xung đột Ukraine sẽ là vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn này. Đồng thời, Budapest lưu ý rằng họ sẽ hợp tác bình đẳng với tất cả các thành viên EU, tôn trọng lập trường của các nước này.
Các chuyên gia tin rằng khả năng Hungary, quốc gia có quan điểm khác biệt với đường lối chung của EU, bao gồm cả vấn đề xung đột ở Ukraine, gây ra “thiệt hại tiềm tàng” cho Liên minh châu Âu (EU) là rất hạn chế. Chức chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu của Hungary rơi vào giai đoạn sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, và dễ hiểu khi tại thời điểm này, mọi sự chú ý và nguồn lực đều hướng vào việc bầu cử các ủy viên châu Âu mới và thành lập các cơ quan EU.
Tuy nhiên, ở châu Âu, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Orban sau cuộc đàm phán với Tổng thống Ukraine Zelensky đã gây ra nhiều lo ngại. Người đứng đầu Hội đồng châu Âu sắp mãn nhiệm, Charles Michel, đã viết trên mạng xã hội X rằng, Thủ tướng Hungary không có thẩm quyền thay mặt cho các quốc gia thành viên EU để liên lạc với Nga. Theo ông Charles Michel, các cuộc đàm phán về xung đột ở Ukraine “không thể diễn ra nếu không có sự tham gia của Kiev”.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell, người có thể sớm được thay thế bởi Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, lưu ý rằng chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Orban chỉ diễn ra trong khuôn khổ quan hệ Nga-Hungary. “Lập trường của EU về cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine là loại trừ các liên hệ chính thức giữa EU và Tổng thống Putin. Như vậy, Thủ tướng Hungary không đại diện cho EU dưới bất kỳ hình thức nào”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu nói.
Người đứng đầu Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đã viết trên tờ X ngày 5/7 rằng, chính sách xoa dịu sẽ không đạt được hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Bà kết luận: “Chỉ có sự đoàn kết và quyết tâm mới mở đường cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Eric Mamer cho biết, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary đã “làm suy yếu sự thống nhất của EU”. Euractiv dẫn lời các quan chức châu Âu lưu ý rằng, ông Orban đã không thông báo cho EU về kế hoạch tới thăm Moscow. Đồng thời, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, kết quả của chuyến thăm sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ diễn ra vào tuần tới.
The Guardian nhận định, chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Orban có thể gây ra sự tức giận ở EU, mà theo quan điểm của các nước này, Hungary “đã làm mọi thứ trong những năm gần đây để phá hoại sự đoàn kết và pháp quyền của châu Âu, và giờ đây lại đại diện cho khối”. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của cánh hữu ở Pháp và khả năng Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ, ông Orban có thể cảm nhận được rằng tình hình địa chính trị đang thay đổi. Tờ RBC của Nga tiết lộ một nguồn tin thân cận với Thủ tướng Orban cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã có tham vọng trở thành người hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraine”.
Hungary có thể trở thành trung gian hòa giải?
Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary Orban phản ánh thực tế rằng, Hungary có quan điểm tương đối khác so với các nước châu Âu trong vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga. Dù là thành viên của EU và NATO, Hungary từ chối gửi vũ khí tới Ukraine và chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, đồng thời sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn EU thông qua những biện pháp như vậy. Trong khi các quốc gia ở Tây Âu nỗ lực loại bỏ khí đốt của Nga kể từ khi cuộc xung đột nổ ra năm 2022, Hungary vẫn mua phần lớn khí đốt từ Nga. Tháng 6 vừa qua, Hungary báo hiệu không có kế hoạch dừng nhập khẩu khí tự nhiên từ Nga và sẽ tăng cường hợp tác với Moscow trong những lĩnh vực không bị trừng phạt.
Trong khi đó, bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích giữa các bên liên quan là rất lớn, bất chấp thực tế các nước này đều bày tỏ sẵn sàng đi đến các cuộc đàm phán hòa bình. Tại Hội nghị thượng đỉnh SCO, Tổng thống Putin lưu ý rằng Moscow hoan nghênh hòa giải nhưng nhấn mạnh các nguyên tắc của Nga. Còn Tổng thống Zelensky, trong một cuộc phỏng vấn với Philadelphia Induirer, nói rằng các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga thông qua các bên trung gian, có thể là bất kỳ quốc gia nào, đều có thể thực hiện được bằng cách tương tự với các thỏa thuận về hành lang ngũ cốc.
RBC dẫn nhận định của Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ phát triển và hỗ trợ Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, ông Andrei Bystritsky cho rằng, các sáng kiến như chuyến đi của Thủ tướng Hungary Orban tới Nga và Ukraine là một nỗ lực nhằm hình thành một khái niệm có thể chấp nhận được về tương lai sau xung đột. “Tất nhiên, sẽ không thực tế khi trông đợi vào bất kỳ kết quả đột phá nào từ chuyến thăm Moscow của ông Orban. Tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Astana, Tổng thống Nga một lần nữa giải thích các điều kiện để có thể đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, vấn đề của mọi cuộc đàm phán là chúng đòi hỏi rất nhiều liên hệ và nỗ lực. Nhưng việc ông Orban đến Moscow mở ra triển vọng phát triển một cuộc thảo luận về cách thế giới sẽ được cấu trúc sau khi kết thúc xung đột”, chuyên gia lưu ý.
Theo chuyên gia Andrei Bystritsky, nhà lãnh đạo Hungary tập trung vào việc chấm dứt xung đột vì lo ngại các nguy cơ bất ổn và rủi ro an ninh đang ngày càng nghiêm trọng. “Trong mọi trường hợp, chuyến thăm này cho thấy một số giới tinh hoa phương Tây vẫn có ý định ngăn chặn leo thang”, chuyên gia Andrei Bystritsky kết luận. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) đối với 14 quốc gia thành viên EU, người dân ở hầu hết các nước châu Âu ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Chỉ ở Estonia, đa số người được hỏi tự tin vào khả năng chiến thắng của Ukraine (chiếm 38%).
Giám đốc Trung tâm Thông tin Châu Âu, Phó Giáo sư Khoa Luật Châu Âu tại Đại học Ngoại giao Moscow Nikolai Topornin cũng tin rằng sẽ chưa thể có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine sau các hoạt động ngoại giao con thoi của Thủ tướng Orban. Tuy nhiên, chuyên gia Nikolai Topornin cho rằng, Thủ tướng Hungary có thể đóng vai trò “đai dẫn động” để cố gắng truyền động lực cho các cuộc đàm phán giữa Nga-Ukraine trong tương lai. “Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhấn mạnh chuyến thăm này là sáng kiến cá nhân của ông Orban, nhưng vai trò chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu của Hungary đã mang lại màu sắc mới cho chuyến thăm. Không có ai ở EU thực hiện những sáng kiến như vậy, và do đó chuyến đi này đáng được quan tâm đặc biệt. Trước hết, chính trị gia Hungary có thể truyền đạt tới Moscow kết quả chuyến thăm Kiev của ông, điều chưa được thảo luận công khai. Phía Ukraine cũng có thể sẽ đưa ra một số giả định về thỏa thuận dàn xếp nhằm chấm dứt xung đột. Và nếu không có những liên hệ như vậy thì các cuộc đàm phán hòa bình và tìm kiếm sự thỏa hiệp chắc chắn là điều không thể”, chuyên gia kết luận.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-21 17:19:00
Cuộc xung đột Nga - Ukraine 2024: Còn dai dẳng, quyết liệt và khó lường
-
2024-12-20 10:35:00
Công bố nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024
-
2024-07-05 17:13:00
Định hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Nội các mới ở Anh
Israel bên bờ vực chiến tranh toàn diện với Hezbollah
Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024: Cơ hội để Nga thúc đẩy không gian Đại Á - Âu
Chuyển động quân sự đáng chú ý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Rạn nứt lớn trong chính trường Pháp sau kết quả vòng bầu cử sớm
Bầu cử Tổng thống Iran: Tìm hy vọng giữa thách thức
Nguy cơ leo thang “cuộc chiến” thương mại mới giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu
Giải thích làn sóng gia nhập BRICS tại Đông Nam Á
Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga
Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới