“Bón lót” là gì?
“Bón lót” là từ mà những cư dân trồng trọt sử dụng hàng ngày, nhưng chỉ mới được một số cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản sau 1975 thu thập và giải nghĩa. Đáng chú ý, Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) và Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) đều giảng “bón lót” là “Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa”. Riêng từ điển của GS Nguyễn Lân có thêm ví dụ “Đã bón lót rồi, nên cấy kịp thời”.
Gần đây, trong một trò chơi tìm hiểu về tiếng Việt trên truyền hình, một vị cố vấn của chương trình đã giảng nghĩa từ “bón lót” như sau:
“Chúng ta luôn sử dụng chữ lót để chỉ các phần phụ, ví dụ như chúng ta mặc một cái áo thì có phần bên trong và bón lót cũng tương đương như thế. Tức là nó là một sự chăm sóc cho cái cây mạ hoặc cái cây lúa nào đó trước thời gian gieo cấy. Và đây là cái động thái giúp cho cây mạ nó khỏe mạnh hơn trước khi cấy trồng. Bây giờ thì tôi thấy trong nông nghiệp ít khi người ta bón lót, bởi vì các giống mới rất khỏe mạnh nên không có cái việc này nữa. Nhưng mà xưa kia nếu nhà nông mà quên hay vì lý do nào đó không bón lót cho cây thì cây nó không khỏe mạnh được”.
Định nghĩa và cách hiểu về “bón lót” trên đây có một số điểm cần đính chính:
1 - “Bón lót” không phải chỉ áp dụng cho cây mạ và cây lúa
Trong thâm canh cây trồng, từ đậu, lạc, ngô, khoai... đến các loại cây công nghiệp, mía, dứa, cà phê, rồi cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp, đều áp dụng biện pháp kỹ thuật “bón lót”.
2 - Từ “lót” trong “bón lót” không phải để chỉ “các phần phụ”, cũng không đồng nghĩa với “lót” trong “áo lót”
“Lót” hiểu theo nghĩa khái quát là phần THÊM VÀO phía trong hay phía dưới, nhằm bổ sung vật, chất vốn không có, hoặc tạo ra sự ngăn cách, khiến vị trí đó trở nên êm, ấm, sạch sẽ, lâu bền, tốt, đẹp hơn. Theo đây, “lót” trong “áo lót” là tạo sự ngăn cách khiến cho áo ngoài trở nên sạch đẹp hơn; trong khi “lót” trong “bón lót”, lại là sự bổ sung vật chất xuống phía dưới để tạo dinh dưỡng cho cây ngay sau khi cấy trồng.
3 - Không phải mọi sự “chăm sóc” cho cây đều có nghĩa là “bón lót”
Việc “chăm sóc cho cái cây mạ hoặc cái cây lúa nào đó trước thời gian gieo cấy” hoàn toàn không có nghĩa là “bón lót”. Lý do, “bón lót” phải được hiểu là bón trước khi gieo cấy, gieo trồng (phân lót phải nằm phía dưới gốc, rễ, hạt giống); còn “chăm sóc” nói chung được hiểu là bón phân để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây, sau khi đã gieo, trồng. Theo đây, bón phân “chăm sóc” thì người ta chỉ có thể bón lên bề mặt của đất (sau đó phân thấm dần xuống phía dưới cung cấp dinh dưỡng cho cây), hoặc bón xung quanh bộ rễ của cây (đánh vồng quanh gốc cây, bón phân xong thì lấp đất lại), chứ không thể bón xuống phía dưới gốc rễ giống như bón lót.
4 - Càng giống mới, càng phải bón lót
Vị cố vấn nói bây giờ “ít khi người ta bón lót bởi vì các giống mới rất là khỏe mạnh nên không có cái việc này nữa”, là sai và ngược hoàn toàn với thực tế canh tác.
Xưa kia cấy trồng theo lối quảng canh, không tăng vụ, đất có thời gian tái tạo dinh dưỡng nên tương đối màu mỡ. Bởi thế, kể cả không bón lót (với lúa gọi là “cấy chay”), thì cây vẫn cho năng suất khá. Riêng với mạ thì ít khi nông dân bón lót, vì đất chuyên mạ (“dược mạ”, Thanh Hóa gọi là “nác mạ”), sau khi nhổ cấy thường được luân canh bằng rau muống, ngô, khoai, đậu, lạc; đến mùa gieo mạ cho vụ mới thì đất đã được tái tạo, bổ sung chất dinh dưỡng (mạ cần, cây vụ trước không cần). Mặt khác, với giống cũ, thời gian cây mạ đứng chân trên ruộng tạm khá dài, đất lại màu mỡ nên mạ rất tốt, có khi còn phải cắt bớt ngọn trước khi cấy. Đây chính là những lí do xưa kia nếu không bón lót cho mạ thì cũng không có vấn đề gì lớn.
Ngày nay, nhà nông có ý thức thâm canh cây trồng hơn nhiều, phân bón cũng sẵn nên hầu như cấy trồng bất cứ loại cây nào người ta đều bón lót. Riêng với cây mạ, cây lúa thì gần như 100% bón lót trước khi gieo cấy.
Giống lúa mới rất khỏe, nhưng chính vì khỏe mạnh nên chúng phàm ăn. Mặt khác với giống lúa mới ngắn thì sau khi bén rễ hồi xanh, cây lúa đã cần ngay dinh dưỡng để hấp thu và đẻ nhánh kịp thời, chạy đua với thời gian để sinh trưởng, chứ không thể đứng chờ bón bổ sung như giống lúa dài ngày xưa kia được. Hơn nữa, khi các chân đất đã bị thoái hóa, bạc màu rất nhiều so với trước kia, nếu không được bón lót thì năng suất cây trồng sẽ rất thấp.
Như vậy, về khâu “bón lót” nói chung, phải giải nghĩa là: bón phân trước khi cấy, trồng hoặc gieo hạt, nhằm tạo dự trữ, cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-21 10:14:00
Triển lãm sách, báo Xuân Ất Tỵ 2025 tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa
-
2025-01-21 09:04:00
Thọ Xuân: Chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân Ất Tỵ 2025
-
2024-12-20 19:00:00
[E-Magazine] – Mùa đan len
Khai mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN năm 2024
Triển lãm “Ký ức và niềm tin”: Xúc động xem lá đơn xin nhập ngũ viết bằng máu
Đọc sách cũ trong thời đại số
Sắp diễn ra lễ hội hoa lớn nhất miền Bắc tại Mê Linh, Hà Nội
Báo Hong Kong ví “như lạc tới Nam Âu” khi du lịch Phú Quốc
[Podcast] - Tản văn: Tháng mười hai đã buông rèm chờ xuân
Tạo sân chơi bổ ích cho phong trào văn nghệ cơ sở
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Bắc miền Trung nhiệm kỳ XI (2025 - 2030)
“Vang mãi khúc quân hành”: Tôn vinh các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam