Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc chiến kim tiền
Chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang bước vào giai đoạn cuối, chứng kiến cuộc đua gay cấn của hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump. Cuộc chạy đua năm nay ghi nhận nhiều dấu mốc lịch sử, không chỉ vì tính chất cân bằng của cuộc đua, số lượng cử tri đi bầu cử sớm, mà còn về số tiền mà hai ứng viên kêu gọi được.
Chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 hứa hẹn sẽ phá kỷ lục về nhiều chỉ số. Trong số những thành tựu khác (chẳng hạn như việc gần 53 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử hay nhiều tạp chí hàng đầu từ chối đứng về phía một trong các ứng cử viên), các ứng cử viên và đảng phái chính trị của Mỹ trong chiến dịch này đã thu được số tiền quyên góp lớn nhất cho quỹ bầu cử của họ.
Ở Mỹ, việc gây quỹ cho các chiến dịch tranh cử được thực hiện bởi các tổ chức của ứng viên tổng thống nhận đóng góp từ các nhà tài trợ. Ở Mỹ cũng tồn tại Ủy ban Hành động chính trị (PAC), tổ chức cho phép các thành viên góp tiền để gây ảnh hưởng chính trị, chủ yếu là để ủng hộ hay phản đối một ứng viên bầu cử. Theo Trung tâm Brennan, nguồn tài trợ cho các cuộc bầu cử và chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ “bị chi phối bởi một số ít các nhà tài trợ giàu có” và mỗi chu kỳ bầu cử mới của Mỹ đều ghi nhận những con số kỷ lục mới.
Theo tổ chức Người Mỹ vì Công bằng Thuế (ATF), các nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử năm nay đến từ 150 gia tộc tỷ phú. Họ đã phá kỷ lục về chi tiêu cho chiến dịch tranh cử khi phân bổ 1,9 tỷ USD để hỗ trợ các ứng viên tổng thống và quốc hội tính đến ngày 30/10. Con số này nhiều hơn gần 60% so với số tiền thu được trong toàn bộ chiến dịch bầu cử năm 2020. Khả năng tổng số tiền sẽ vượt qua mốc 2 tỷ USD cho đến ngày kết thúc cuộc bầu cử.
Nhiều ý kiến cho rằng, kỷ lục về số tiền quyên góp lớn từ các cá nhân, được thiết lập vào năm 2022 trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cũng sẽ bị phá vỡ. Khi đó, số tiền đóng góp lên tới 881 triệu USD, và vị trí đầu tiên trong số tiền đóng góp thuộc về nhà tài trợ “ruột” của đảng Dân chủ George Soros. Đối với năm nay, ngoài cuộc đua vào Nhà Trắng, một cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát hai viện của Quốc hội Mỹ, cũng đang diễn ra gay gắt không kém và được giới tài phiệt Mỹ đặc biệt quan tâm.
Theo David Cass, Giám đốc điều hành ATF, chi tiêu cho chiến dịch tranh cử ngày càng lớn có vẻ như át đi tiếng nói và mối quan tâm của cử tri Mỹ, đồng thời cảnh báo về “sự sụp đổ của hệ thống quản lý tài chính tranh cử” ở Mỹ. Ông David Cass cho rằng, đã đến lúc cần phải hạn chế ảnh hưởng chính trị của những gia đình giàu nhất nước Mỹ bằng cách đưa ra các giới hạn về số tiền quyên góp của họ cho các chiến dịch bầu cử.
Ở cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, Kamala Harris, đang tích cực khai thác luận điểm cho rằng, đối thủ của bà, ông Donald Trump, đại diện cho lợi ích của tầng lớp giàu nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, bản thân bà Harris cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của giới tinh hoa nước Mỹ. Đầu tháng 9, CBS News đã công bố lá thư ủng hộ Kamala Harris có chữ ký của đại diện 90 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ. Trong số đó, có tỷ phú Mark Cuban, Earvin Johnson hay Lauren Powell Jobs.
Forbes đã thống kê có ít nhất 80 tỷ phú ủng hộ Kamala Harris; đặc biệt, chiến dịch tranh cử của bà được tài trợ bởi Bill Gates và cựu Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer và CEO của JPMorgan Chase Jamie Dimon. Trong khi đó, 3 nhà tài trợ hàng đầu của Donald Trump bao gồm tỷ phú Timothy Mellon (người thừa kế của chủ ngân hàng Andrew Mellon), Miriam Adelson (là vợ của cố tỷ phú sòng bài Sheldon Adelson) và đặc biệt là Elon Musk, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Theo Ủy ban bầu cử liên bang, tổng số tiền gây quỹ cho chiến dịch Biden - Harris gần gấp ba lần so với chiến dịch của ông Trump: 997,2 triệu USD so với 388 triệu USD. Quỹ Chiến thắng Harris, quỹ đang quyên tiền cho cả chiến dịch Harris và đảng Dân chủ, trong các cuộc bầu cử năm nay, đã thu về 1,2 tỷ USD (dữ liệu tính đến ngày 30 tháng 10).
Báo cáo về con số tài trợ cuối cùng sẽ được Ủy ban bầu cử liên bang công bố vào tháng 12, nhưng không loại trừ khả năng con số đó sẽ không phản ánh đúng về số tiền thực tế mà giới tài phiệt Mỹ đổ vào chiến dịch bầu cử. Cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào hồi kết, tính cạnh tranh không chỉ thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận cử tri trước cuộc bầu cử, mà còn sự khó đoán định ở 7 bang chiến địa. Vậy liệu những ưu thế về số tiền quyên góp được, sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới tài phiệt có phải là yếu tố quyết định đến chiến thắng của một trong hai ứng viên tổng thống trong cuộc đua năm nay?
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-21 08:11:00
“Thời đại hoàng kim” của nước Mỹ bắt đầu
-
2025-01-21 06:47:00
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng: Ổn định hay biến động?
-
2024-11-04 14:55:00
Tại sao cử tri ở các tiểu bang dao động lại quyết định đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?
Trump - Harris: Cuộc chiến giành sự ủng hộ của cử tri gốc Latinh
Cuộc đình công của Boeing sẽ tác động mạnh tới thị trường việc làm Mỹ
Bầu cử Tổng thống Mỹ giai đoạn chạy nước rút: Trump và Harris bất phân thắng bại
Bầu cử Mỹ: Donald Trump và Kamala Harris sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế như thế nào với tư cách là tổng thống?
Bầu cử Mỹ: Các nhà lãnh đạo kinh tế lo lắng về sự trở lại của Donald Trump
Những tin đồn về việc Triều Tiên đưa quân tới hỗ trợ Nga có thể đẩy xung đột Ukraine lên nấc thang mới
Bầu cử Mỹ: “Sự trở lại” của Obama có đủ để ngăn chặn Trump hay không?
“Lập Nhà nước Palestine độc lập là điều cần thiết để đạt hòa bình ở Trung Đông”
Iran và Israel sẽ sử dụng vũ khí gì nếu chiến tranh trên không xảy ra?