(Baothanhhoa.vn) - Từ ngày 6-9/6/2024, hơn 370 triệu cử tri từ 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tham gia bỏ phiếu để bầu ra 720 đại biểu của Nghị viện châu Âu (EP), thể chế chính trị quan trọng hàng đầu của EU. Kết quả cuộc bầu cử EP sẽ tác động ra sao đến chính sách của EU thời gian tới?

Bầu cử Nghị viện châu Âu 2024: Sự trỗi dậy của cánh hữu

Từ ngày 6-9/6/2024, hơn 370 triệu cử tri từ 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tham gia bỏ phiếu để bầu ra 720 đại biểu của Nghị viện châu Âu (EP), thể chế chính trị quan trọng hàng đầu của EU. Kết quả cuộc bầu cử EP sẽ tác động ra sao đến chính sách của EU thời gian tới?

Bầu cử Nghị viện châu Âu 2024: Sự trỗi dậy của cánh hữu

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của cánh hữu

Theo cập nhật của hãng tin AFP vào sáng ngày 10/6 (theo giờ Việt Nam), các đảng cực hữu đã đạt được những thắng lợi đáng kể, nhất là ở những quốc gia được phân bổ số ghế lớn, như Pháp, Đức... Tuy chưa thể đạt đa số, phe cực hữu của châu Âu vẫn được cho là đã cực kỳ thành công trong cuộc bầu cử này.

Giải thích về sự thành công của cánh hữu, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Rome Natalie Tocci cho rằng, các đảng cánh hữu đã tích cực tận dụng những hạn chế trong điều hành, quản lý của chính quyền đương nhiệm để đánh vào tâm lý cử tri, nhờ đó đạt được những kết quả khả quan trong cuộc bầu cử lần này. Điển hình như về kinh tế, số liệu thống kê của Eurostat, tăng trưởng kinh tế của châu Âu bằng 0 trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2023. Điều đó tiếp nối chuỗi không tăng trưởng liên tục kể từ quý 3/2022 của 20 nước sử dụng đồng Euro. Bên cạnh đó, Thỏa thuận xanh - với mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050, đã tác động nặng nề đến người nông dân châu Âu, và một cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn khu vực như là một hệ quả tất yếu xảy ra.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia Natalie Tocci, mặc dù đạt được kết quả vượt trội hơn so với những lần bầu cử trước đây, song cánh hữu vẫn không thể chiếm đa số tuyệt đối tại EP. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan, lẫn khách quan. Trước hết, cần phải thừa nhận, sự trỗi dậy của cánh hữu không phải nằm ở những vượt trội của các đảng này về chương trình hành động, mà nhiều cử tri châu Âu coi phe cánh hữu và những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu chỉ là “một loại ứng cử viên phản diện”. Xu hướng phát triển của các đảng cánh hữu ở châu Âu thực chất là sự tích tụ của tâm lý phản kháng. “Những tâm lý phản kháng này không phản ánh nhiều xu hướng phát triển của các đảng cánh hữu, mà là sự bất mãn của người dân đối với các chính quyền trong giải quyết các cuộc khủng hoảng mà khu vực này phải đối mặt, từ đại dịch COVID-19 đến cuộc xung đột Nga-Ukraine”.

Thứ hai, cánh hữu bị cản trở bởi sự thống trị nghiêm ngặt của quan điểm Đại Tây Dương trong không gian truyền thông châu Âu. Trên thực tế, ở các nước EU không có tờ báo nào công khai cánh tả hay cánh hữu. Về mặt hình thức, toàn bộ báo chí châu Âu đều trung lập, nhưng trên thực tế, 90% trong số đó tuân theo chương trình nghị sự tự do và toàn cầu hóa truyền thống. Kết quả là, các đảng cánh hữu trên khắp EU là đối tượng của các chiến dịch gây áp lực và phản tuyên truyền liên tục từ phần lớn các phương tiện truyền thông chính thống, điều này tất nhiên đã ảnh hưởng đến kết quả của cánh hữu tại cuộc bầu cử. Nghĩa là, họ sẽ không có đa số để có quyền thực hiện chương trình nghị sự của riêng mình. EPP, những người theo chủ nghĩa tự do, những người theo chủ nghĩa xã hội và những người theo chủ nghĩa xanh luôn chiếm quyền ưu thế trong EP.

T hứ ba, sự ổn định trong các cuộc bầu cử EP được duy trì từ nhiều nhiệm kỳ do được tổ chức ở 27 quốc gia thành viên EU khác nhau. Nếu như cánh hữu hay một đảng chính trị nắm quyền ở một quốc gia, thì ở quốc gia châu Âu khác, phe đối lập lại chiếm ưu thế và nắm quyền. Do vậy mà trong các cuộc bầu cử EP luôn có sự đền bù, dẫn đến một hiệu ứng cân bằng và không có nhiều đột phá. Có chăng là sự lớn mạnh hơn đôi chút của cánh tả khi giành được nhiều số ghế hơn so với các cuộc bầu cử trước đây.

Thứ tư, sự thiếu đoàn kết, thống nhất của nhóm bảo thủ vẫn đang diễn ra khá sâu sắc, khiến cho ý tưởng về một liên minh rộng lớn hơn của các nhóm này dường như khó xảy ra. Đặc biệt, ngay cả các nhóm cực hữu cũng bị chia rẽ và theo đuổi các mục tiêu chính trị khác nhau. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni ủng hộ phe Cải cách bảo thủ, trong khi nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Pháp Marine Le Pen ủng hộ nhóm Bản sắc và Dân chủ cực hữu. Không những ở cấp độ châu Âu mà ở cả từng nước, có ít nhất 2 trào lưu cực hữu đối lập nhau. Chẳng hạn như ở Pháp, có nhiều đảng cực hữu, đảng của ông Eric Zemmour hay đảng của bà Marine Le Pen, nhưng họ không có cùng quan điểm trong nhiều vấn đề: (1) Về kinh tế, nếu như đảng của bà Marine Le Pen “mượn” rất nhiều từ chương trình của phe cực tả, mang hơi hướng chủ nghĩa kinh tế nhà nước khi muốn có nhiều biện pháp xã hội và sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế, thì đảng cực hữu của ông Eric Zemmour, nằm trong nhóm phe Bảo thủ và Cải cách châu Âu (CRE), chủ trương tự do mậu dịch nhiều hơn và muốn giảm bớt vai trò cũng như sự can thiệp của nhà nước trong kinh tế; (2) Về các vấn đề quốc tế, điểm khác biệt lớn giữa hai trào lưu cực hữu này là các đảng thuộc nhóm CRE chủ trương ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khá bám chặt vào phe phương Tây, và tỏ ra kiên quyết ủng hộ Ukraine. Ngược lại, những đảng thuộc nhóm ID tỏ ra thấu hiểu cho Nga, mong muốn ngưng trừng phạt Nga và không muốn hỗ trợ Ukraine.

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện tác động ra sao đến chính sách của EU thời gian tới

Hãng thông tấn TASS dẫn nhận định của Denis Dubrovin, Trưởng Văn phòng đại diện TASS tại Bỉ, mặc dù phe cánh hữu trỗi dậy và gia tăng một số ghế trong EP so với các cuộc bầu cử trước đây, song điều này không thay đổi quá nhiều chính sách đối nội, đối ngoại của châu Âu thời gian tới. Nghị viện châu Âu chỉ là một nghị viện trên danh nghĩa. Nó không có vai trò quyết định trong việc hoạch định chủ trương, chính sách của EU, mà chủ trương, chính sách được xác định bởi Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu. EU không phải là một quốc gia và EP không phải là cơ quan lập pháp. Nghị viện châu Âu có chức năng chính là cùng Hội đồng châu Âu ban hành luật pháp, giám sát các cơ quan của EU, đặc biệt là Ủy ban châu Âu.

Ngoài ra, các đảng cánh hữu được định nghĩa chính xác bằng thuật ngữ những người theo chủ nghĩa dân tuý. Các đảng này chỉ sử dụng những lời lẽ cánh hữu trong cuộc tranh giành quyền lực, nhưng khi lên nắm quyền, quan điểm của họ trở nên mềm mỏng hơn và những khẩu hiệu cấp tiến gần như đều bị loại bỏ. Ví dụ, đối với Thủ tướng Giorgia Meloni ở Ý hay Geert Wilders ở Hà Lan. Thủ tướng Meloni ngày nay có lẽ được coi là một trong những người ủng hộ chính của Chủ tịch von der Leyen. Wilders, người vừa thành lập liên minh cầm quyền ở Hà Lan, đã làm dịu đi quan điểm của mình rất nhiều. Trong khi trước đây, ông chủ trương xây dựng mối quan hệ với Nga, rời khỏi EU và từ bỏ đồng Euro, thì giờ đây ông hướng tới chủ quyền lớn hơn, giảm di cư và xóa bỏ “các quy tắc cuồng loạn về khí hậu và nitơ”. Ukraine được nhắc đến trong chương trình bầu cử của ông chỉ một lần và duy nhất trong bối cảnh cần sự hỗ trợ trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nguyên nhân của điều này là do cánh hữu tận dụng sự bất mãn của cử tri, đổ lỗi cho chính quyền đương nhiệm về những khó khăn, thách thức mà các nước này đang phải đối mặt. Khi lên nắm quyền, các đảng cánh hữu sẽ thay đổi chiến lược, trong đó tính đến lập trường của các đối tác liên minh của mình.

Tâm điểm của sự chú ý là kết quả cuộc bầu cử EP sẽ tác động ra sao đến sự hậu thuẫn của châu Âu đối với Chính quyền Kiev. Phó Giám đốc Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Vladislav Belov, nhận định: Chủ đề về sự hỗ trợ của EU đối với Ukraine chủ yếu mang tính chiến thuật và chỉ phục vụ như một phương tiện để kiếm vốn chính trị, gây áp lực chính trị và sẽ không có tác động đáng kể đến vị trí của EU trong cuộc xung đột này. Có chăng, tiếng nói của cánh hữu trong EP có thể dẫn đến các vấn đề cục bộ và trì hoãn đàm phán trong một số lĩnh vực nhất định cũng như các dự án tốn kém liên quan đến việc phân phối số tiền đáng kể, chẳng hạn như để sản xuất hoặc mua vũ khí cho quân đội Ukraine. Về mặt lý thuyết, việc tích tụ những vấn đề như vậy trong bối cảnh những khó khăn khách quan liên quan đến việc quân sự hóa nền kinh tế các nước châu Âu mà EU tuyên bố, có thể tạo ra hiệu ứng nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump khi ngày càng mạnh mẽ, tự chủ hơn. Các nước châu Âu đã duy trì một mặt trận thống nhất chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cưu mang hàng triệu người di cư, chật vật tách khỏi nguồn cung khí đốt của Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay và hạn chế xuất khẩu đối với Nga, huấn luyện binh sĩ cho Ukraine và đề xuất Ukraine gia nhập EU. Gói viện trợ trị giá 53 tỷ USD của EU dành cho Ukraine được thông qua vào tháng 2/2024 tập trung vào viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, trong đó bao gồm cam kết duy trì viện trợ trong nhiều năm tới với khoản chi khổng lồ. Rõ ràng, lần đầu tiên kể từ năm 2007, EU đã có đủ tự tin để mở rộng khối. Tháng 12/2023, EU gia hạn quy chế ứng viên cho Gruzia, khởi động các cuộc đàm phán kết nạp Moldova và Ukraine. Theo chuyên gia Vladislav Belov, EU muốn duy trì quan hệ xuyên Đại Tây Dương hữu hảo, song khả năng ông Trump thắng cử có thể sẽ lại gây ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ đồng minh giữa hai bên. Do đó, thời gian tới, châu Âu sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và mua sắm vũ khí, đạn dược để hỗ trợ Ukraine. Thậm chí, ngay cả khi Ukraine không đưa ra những yêu cầu cấp thiết về viện trợ quân sự, châu Âu cũng cần nâng cao năng lực sản xuất vũ khí, đạn dược, bởi quân đội các nước châu Âu cần tái bổ sung nguồn cung và xử lý vấn đề thiếu hụt.

Thực tế, chính phủ các nước châu Âu dường như cũng đã tính tới những rào cản từ phe cánh hữu trong EP mà đã có nhiều bước đi đối phó thời gian qua. Thay vì đạt được thoả thuận trong trong khuôn khổ EU, các nước phương Tây đã ký thoả thuận hợp tác quân sự song phương với Ukraine, tránh khỏi những rào cản từ EP. Theo đó: (1) Ngày 27/5/2024, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đến thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Pedro Sanchez. Kết thúc hội đàm, lãnh đạo Ukraine-Tây Ban Nha đã ký kết thỏa thuận an ninh song phương. Theo đó, Tây Ban Nha cam kết viện trợ quân sự trị giá 5 tỷ Euro cho Ukraine trong 3 năm tới. Tây Ban Nha cũng sẽ cung cấp thêm cho Ukraine các xe tăng Léopard và tên lửa Patriot. Thống kê từ Viện Kiel của Đức cho biết viện trợ quân sự của Madrid dành cho Kiev cho đến hiện nay vẫn rất hạn chế với khoảng 330 triệu euro kể từ khi xung đột nổ ra; (2) Ngày 28/5/2024, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có cuộc gặp với Thủ tướng Bỉ và tiến hành ký thoả thuận an ninh song phương. Theo đó, thỏa thuận này bao gồm ít nhất 977 triệu Euro hỗ trợ quân sự của Bỉ cho Ukraine trong năm nay, bên cạnh việc cam kết hỗ trợ trong 10 năm tới, là khoản viện trợ được thiết kế để giúp Kiev chống lại lực lượng Nga và ngăn chặn sự xâm lược từ quốc gia khác trong tương lai. Bỉ cam kết sẽ chuyển giao 30 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine từ nay đến năm 2028. Như vậy, Bỉ đã trở thành quốc gia thứ 11 ký kết thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, sau Tây Ban Nha, Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Italy, Canada, Hà Lan, Phần Lan và Latvia.

Rõ ràng, các nước châu Âu đã can thiệp quá sâu vào cuộc xung đột Nga-Ukraine nên sẽ không thể dễ dàng rút ra khỏi cuộc xung đột này. Không chỉ tác động từ Mỹ, các khoản viện trợ khổng lồ mà các nước châu Âu giành cho Ukraine khi chưa đổi lại được bất cứ lợi ích nào sẽ khiến các nước này không còn đường lui. Đáng chú ý, việc một số nước châu Âu “bật đèn xanh” cho quân đội Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga sẽ khiến cuộc xung đột này, cũng như căng thẳng trong quan hệ Nga-châu Âu leo lên một “nấc thang” mới. Thời gian tới, châu Âu sẽ tăng cường viện trợ quân sự, cung cấp vũ khí tấn công tầm xa, nâng cao năng lực tác chiến trên không cho quân đội Ukraine. Ưu tiên của châu Âu là làm chậm bước tiến của quân đội Nga ở Kharkov, đồng thời giúp quân đội Ukraine tổ chức phản công, chiếm lại ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu các cuộc phản công không đem lại hiệu quả, và quân đội Ukraine tiếp tục để mất thêm nhiều vùng lãnh thổ quan trọng, thì các nước châu Âu nhiều khả năng sẽ tìm cách dần rút lui khỏi cuộc xung đột. Khi đó, một kịch bản phân chia lãnh thổ Ukraine làm nhiều phần hoàn toàn có thể xảy ra.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]