Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong dòng chảy số
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng khiến cho dữ liệu cá nhân được khai thác và sử dụng phổ biến trên môi trường mạng. Hơn lúc nào hết, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, trong dòng chảy số, việc quản trị dữ liệu cá nhân đã và đang đặt ra không ít thách thức.
MobiFone Thanh Hóa là một trong những đơn vị viễn thông được đánh giá bảo mật thông tin tốt cho khách hàng.
Theo thống kê của Tập đoàn công nghệ Bkav, năm 2023, hệ thống giám sát và cảnh báo virus của Bkav ghi nhận khoảng 745.000 máy tính bị nhiễm virus đánh cắp tài khoản (Facebook, ngân hàng...), tăng 40% so với năm 2022. Đáng chú ý, nếu như năm 2022, các virus này chỉ đánh cắp dữ liệu tài khoản, mật khẩu, cookies..., thì năm 2023, virus đã được “nâng cấp” để đặc biệt nhắm vào các tài khoản Facebook kinh doanh, truy vấn thêm các thông tin về phương thức thanh toán, số dư tài khoản ngân hàng... Sau đó, “tin tặc” sử dụng chính tài khoản nạn nhân để âm thầm chạy quảng cáo thay vì ngay lập tức chiếm tài khoản, hòng kiếm thêm lợi nhuận, nâng cao thứ hạng (SEO) các trang web phát tán mã độc...
Cũng theo khảo sát an ninh mạng của Bkav, tỷ lệ người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục gia tăng. Nếu năm 2022, con số này là 69,6%, thì năm 2023 là 73%. Vấn nạn lừa đảo tài chính qua mạng bùng nổ trong những năm gần đây và nạn nhân thuộc mọi tầng lớp, địa bàn.
Tại Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2023 đã ghi nhận 16 cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bị lây nhiễm mã độc, kết nối vào mạng máy tính ma botnet; 434 máy tính nhiễm mã độc đã được xử lý, 954 máy tính có kết nối đến các tên miền độc hại ngoài internet, 940 máy tính tồn tại các lỗ hổng bảo mật. Thực hiện ứng cứu 464 lượt sự cố liên quan đến phần mềm dùng chung.
Cũng qua tổng hợp số liệu năm 2023, lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 119 vụ, 219 đối tượng liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài. Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là 61 vụ, gây thiệt hại 15 tỷ đồng; phát hiện 2 vụ, 5 đối tượng phạm tội liên quan đến lĩnh vực thanh toán số, thanh toán điện tử; 2 vụ liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi tiền điện tử trên không gian mạng; 20 vụ, 103 đối tượng liên quan đến đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng; 23 vụ, 38 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên không gian mạng...
Trước tính chất phức tạp và mức độ nguy hiểm của tội phạm lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông... các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân người dùng.
Cam kết bảo mật thông tin khách hàng bằng việc ban hành quy trình về bảo mật thông tin khách hàng đang sử dụng dịch vụ của MobiFone, ông Hàn Ngọc Cường, Phó Giám đốc MobiFone Thanh Hóa cho biết: "Là một trong những đơn vị viễn thông được đánh giá bảo mật thông tin khách hàng tốt nhất, MobiFone đã được cấp chứng chỉ quốc tế về an toàn thông tin. Bên cạnh sản phẩm, dịch vụ chất lượng và chế độ chăm sóc khách hàng chu đáo, để đảm bảo an toàn thông tin khách hàng, MobiFone cũng đã đưa ra những cảnh báo, nhắc nhở khách hàng thông qua hệ thống tin nhắn SMS, ứng dụng My MobiFone khi khách hàng sử dụng các dịch vụ số của MobiFone, hoặc thông báo trên Trang thông tin điện tử của MobiFone... yêu cầu khách hàng tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp mã OTP cho người khác, bao gồm cả nhân viên trực tiếp của MobiFone. Đồng thời, cảnh báo khách hàng không truy cập vào các đường link lạ trên mạng xã hội...".
Trong kỷ nguyên số, dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, do đó, bên cạnh nỗ lực phát triển dữ liệu số, xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị và tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và hỗ trợ trong công tác ra quyết định, giúp nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp nhận thức và ý thức về vai trò của dữ liệu cá nhân trong đời sống, xã hội, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc nâng cao hiểu biết, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số đang bước vào giai đoạn cao trào và phát triển kinh tế số là mục tiêu hướng tới trong giai đoạn tới.
Để nâng cao nhận thức của mọi tổ chức, cá nhân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam chính thức sử dụng khái niệm dữ liệu cá nhân, quy định chi tiết về nguyên tắc bảo vệ, xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các chủ thể có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân... góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như tạo hành lang pháp lý quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên số.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2025-01-15 14:41:00
“Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp”
-
2025-01-15 13:22:00
Chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân
-
2024-01-17 09:38:00
Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số
Chuyển đổi số giúp nông sản mở rộng thị trường tiêu thụ
Xã Quảng Bình: Chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh và hiện đại
Thúc đẩy chuyển đổi số
Tuổi trẻ Đông Sơn xung kích, tình nguyện vì cộng đồng
Dấu ấn chuyển đổi số ở Như Thanh
Đẩy mạnh cài đặt chữ ký số cho người dân
Khẳng định vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Dấu ấn ở Quảng Thắng
Thúc đẩy chuyển đổi số để trở thành đô thị thông minh