(Baothanhhoa.vn) - Trong tiến trình vận động và phát triển của nước ta, Tổng tuyển cử đã thực sự trở thành ngày hội toàn dân khi cử tri cả nước được cầm trên tay lá phiếu và sử dụng lá phiếu ấy để thực hiện quyền công dân, quyền tự do dân chủ bầu ra những con người tài đức, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Vì những ý nghĩa lớn lao ấy nên trải qua biết bao thăng trầm, theo thời gian, ký ức về những ngày Tổng tuyển cử vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người, nhiều thế hệ.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày tổng tuyển cử

Trong tiến trình vận động và phát triển của nước ta, Tổng tuyển cử đã thực sự trở thành ngày hội toàn dân khi cử tri cả nước được cầm trên tay lá phiếu và sử dụng lá phiếu ấy để thực hiện quyền công dân, quyền tự do dân chủ bầu ra những con người tài đức, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Vì những ý nghĩa lớn lao ấy nên trải qua biết bao thăng trầm, theo thời gian, ký ức về những ngày Tổng tuyển cử vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người, nhiều thế hệ.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày tổng tuyển cử

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải (TP Thanh Hóa) - ĐBQH khóa V, khóa VI vẫn luôn khắc ghi trong lòng ký ức về ngày Tổng tuyển cử năm 1976 và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI năm 1976.

Cha tôi ứng cử ĐBQH khóa I, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Ký ức về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của ông Nguyễn Thiện Phùng (78 tuổi, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa) gắn liền với kỷ niệm tươi đẹp, niềm tự hào sâu sắc về người cha của mình – ông Nguyễn Văn Mại hay còn gọi là ông phán Mại (vì có nhiều năm công tác tại Tòa sứ Thanh Hóa). Ông Mại sinh năm 1913, quê quán ở làng Phượng Đình, xã Hoằng Anh (nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa).

Cuộc đời cụ Mại trải qua nhiều công việc, vị trí, đã có thời gian làm đến chức Trưởng phòng 2, Bộ Tài chính của Chính phủ Trần Trọng Kim. Tuy nhiên, chính thực tế công việc và những nhận thức về tình hình, hoàn cảnh đất nước, cuộc sống của người dân, từ năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cụ Mại quyết định từ bỏ tất cả danh vọng mà mình đã dày công gây dựng, tin tưởng đi theo Cụ Hồ, theo cách mạng.

Cuối năm 1945 - đầu năm 1946, mang theo tinh thần, nhiệt huyết được cống hiến sức lực, trí tuệ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, cụ Mại mạnh dạn ra ứng cử ĐBQH khóa I. Ông Nguyễn Thiện Phùng hồi tưởng lại những điều mà cụ Mại khi còn sống đã chia sẻ cùng con cháu: Công tác chuẩn bị, các ban bầu cử được thành lập tới tận làng, xã do UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được thống kê cẩn thận và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Ông Phùng cho biết thêm: Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ông Mại đã đi đến một số chợ như: chợ Điếm, chợ Chớp... để vận động cử tri, vận động bà con ủng hộ mình thông qua lá phiếu bầu cử.

Ngày 6-1-1946, cử tri vô cùng phấn khởi, háo hức cầm trên tay lá phiếu bầu cử để lựa chọn ra những người con ưu tú, tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Trên các nẻo đường, cờ, băng rôn, khẩu hiệu được trang hoàng rực rỡ, từng dòng người hòa vào nhau mừng vui, rôm rả. Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ấy đã thực sự trở thành ngày hội lớn. Lần đầu tiên trong đời, cử tri được hưởng quyền lợi chính trị lớn lao, ý nghĩa như thế. Tại Thanh Hóa, 96% tổng số cử tri trong toàn tỉnh đã đi bỏ phiếu.

Cũng như những ứng viên khác, ông Mại vừa phấn khởi, vui mừng vừa có chút hồi hộp. Đó là niềm vui, phấn khởi chung của tất cả công dân một quốc gia độc lập, có quyền tự do dân chủ. Và trong đó còn có cả sự hồi hộp của một ứng viên khi đứng trước sự lựa chọn, tin yêu của quốc dân đồng bào dành cho mình. Cuộc bầu cử kết thúc, tuy không trúng cử nhưng cụ Mại vẫn giữ riêng cho mình niềm tự hào, xúc động và lời cảm ơn chân thành tới cử tri đã yêu mến, tin tưởng bỏ phiếu cho mình. Ông Phùng chia sẻ: Nhiều năm về sau, khi ngồi thưởng trà hay trò chuyện cùng con cháu về ngày Tổng tuyển cử năm 1946, cụ Mại vẫn tấm tắc khen ngợi sự khéo léo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền giữa bối cảnh trình độ dân trí còn thấp lúc bấy giờ. Cụ Mại nói: Ở Thanh Hóa khi ấy, vào khoảng thời gian chuẩn bị Tổng tuyển cử, từ trong quần chúng Nhân dân lan truyền mấy câu vè: “Thụy - Thông - Oánh - Hỷ - Đắc - Kỳ - Tĩnh - Thuần - Huệ - Ngọc - Thực - Kỳ - Đức - Bân/ Ai ơi xin chớ ngại ngần/ Bỏ cho người ấy là chân anh tài”. Mấy câu vè ngắn gọn, đơn giản nhưng dễ nhớ, dễ thuộc nên người người, nhà nhà cứ đến các bàn bỏ phiếu lại đọc vanh vách bốn câu thơ ấy như để nhắc nhở mình bỏ phiếu làm sao cho đúng, trúng. Quả thực, trong đợt bầu cử ấy, tất cả 14 người được nhắc đến trong bốn câu vè ấy đều trúng cử. Đó là các ông: Nguyễn Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại), Lưu Văn Bân, Hoàng Sỹ Oánh, Đặng Văn Hỷ, Lê Tất Đắc, Nguyễn Xuân Kỳ, Lê Đỗ Kỳ (bố vợ của nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” nổi tiếng), Nguyễn Văn Tĩnh, Lê Trọng Thuần, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Hữu Ngọc, Nguyễn Đình Thực, Lê Trần Đức, Đặng Phúc Thông; ngoài ra còn có ông Phạm Thúc Tiêu tuy không có trong câu vè nhưng cũng trúng cử.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là sự kiện trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới, đặt những “viên gạch” đầu tiên cho lịch sử hình thành và phát triển Quốc hội. Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của đại đoàn kết toàn dân.

Tổng tuyển cử năm 1976 - ngày hội của nước Việt Nam thống nhất

Cùng với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử sau đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn mãi là mốc son quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của đất nước.

Ngày 25-4-1976, trong không khí tưng bừng, phấn khởi, cờ hoa rực rỡ, trên 23 triệu cử tri trên khắp cả nước đã nô nức cầm trên tay lá phiếu, tiến hành bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn, đạt kết quả tốt với tỷ lệ 98,77% cử tri tham gia. Cử tri đã bầu ra 492 ĐBQH gồm đủ các thành phần. Các thành phần đại biểu của Quốc hội được cử tri tin tưởng bỏ phiếu lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Chính bởi hoàn cảnh đặc biệt, ý nghĩa lớn lao như thế mà dấu ấn về cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 và Quốc hội khóa VI ấy mãi là hồi ức tươi đẹp, đáng trân trọng, tự hào trong cuộc đời nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải (TP Thanh Hóa) - ĐBQH khóa V, khóa VI. Ông Hải tâm sự: “Cái vui sướng, vinh dự nhất đời tôi là được trúng cử ĐBQH vào giai đoạn lịch sử đặc biệt khi đất nước thống nhất, non sông từ nay liền một dải. Đó là sự kiện lớn lao, trọng đại, ý nghĩa vô cùng”. Ông Hải không thể nào quên kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI ấy, đại biểu từ hai miền Nam – Bắc gặp nhau trong niềm vui, niềm xúc động như vỡ òa, lâng lâng khó diễn tả thành lời.

Vui mừng đấy, rộn ràng đấy nhưng kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI (từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976) đã rất tập trung, nghiêm túc thảo luận, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng đặt ra của đất nước như: bầu, phê chuẩn các chức danh, các cơ quan của bộ máy Nhà nước Việt Nam độc lập, thống nhất; biểu quyết thông qua Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca... Với kết quả của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, công việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Nhân dân, đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước. Cũng tại kỳ họp này, ông Hải được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Hẳn rằng, qua bao nhiêu tháng năm, ký ức, tư liệu, hiện vật về những ngày Tổng tuyển cử của đất nước vẫn in hằn trong tâm trí nhiều người, nhiều thế hệ. Càng hiểu biết hơn, ta càng thêm trân trọng và càng thêm thấm thía ý nghĩa lớn lao của ngày hội non sông ấy. Mặc dù diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, song thắng lợi của hai cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 và 1976 đã biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sâu sắc nhận định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà... Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]