(Baothanhhoa.vn) - Khi đã tối khuya, nằm trên chiếc giường tầng ở khu ký túc xá, thả bộ não cho nó thư giãn, tôi mới nhớ tới bức thư của mẹ, tự nhủ thầm cũng chẳng muộn vì thường thì những bức thư mẹ gửi cho tôi chẳng có gì mới. Tôi hờ hững mở phong thư mỏng dẹt, chỉ độc một dòng chữ:

Người đồng đội của bố tôi

Khi đã tối khuya, nằm trên chiếc giường tầng ở khu ký túc xá, thả bộ não cho nó thư giãn, tôi mới nhớ tới bức thư của mẹ, tự nhủ thầm cũng chẳng muộn vì thường thì những bức thư mẹ gửi cho tôi chẳng có gì mới. Tôi hờ hững mở phong thư mỏng dẹt, chỉ độc một dòng chữ:

- Chú Hiệp đã mất, con có về được không?

Một dòng chữ ấy đủ khiến tôi bàng hoàng, hụt hẫng. Tôi thả bức thư ra giường, ngả người nhắm mắt hồi tưởng lại nhiều chuyện trong quá khứ. Gương mặt chú Hiệp cứ hiển hiện trước mắt như một sự ám ảnh. Mặc dù sự ra đi của chú không có gì là bất ngờ. Tôi biết chú đã bị bệnh từ lâu, nghe nói là bệnh nan y, nhưng là bệnh gì thì tôi không rõ. Da chú đã trắng lại cứ xanh xao dần, nom càng yếu ớt. Thỉnh thoảng chú vẫn ra thăm tôi ở trường đại học và đem theo những món quà mẹ gửi. Bao giờ chú cũng viện một lý do, một cái cớ “nhân tiện” nào đó. Tôi tiếp chuyện chú theo kiểu cho phải phép chứ không mặn mà. Nhưng dường như chú không để ý đến điều đó. Lúc nào cũng thấy chú tươi cười, lúc nào cũng ân cần nhỏ nhẹ... Nhiều lúc, tôi vẫn tự hỏi: Tại sao không thể thoải mái đón nhận tình cảm, sự quan tâm của chú? Có lẽ vì tôi là một đứa con gái ích kỷ chăng? Hay vì tôi quá yêu bố tôi, hay vì tôi không muốn san sẻ tình cảm của mẹ với bất kỳ ai, ngoài bố? Có lẽ vì tất cả.

Đêm ở khu ký túc xá sinh viên thật chẳng yên tĩnh tý nào. Những âm thanh đủ loại cứ liên tục len vào từng căn phòng. Hết tiếng nước chảy xì xọp, lại đến tiếng chân guốc lách cách nơi cầu thang, đôi khi còn cả tiếng đàn ghi ta từ một ban công nào đó vọng đến, thả vào không trung những âm thanh sâu lắng. Những hình ảnh, ký ức về chú Hiệp vẫn cứ thế hiện diện trong tâm trí tôi, tựa như từng thước phim quay chậm, sắc nét, chân thực.

Ngày chú Hiệp xuất hiện lần đầu tiên ở nhà tôi có lẽ là một ngày đau đớn nhất trong cuộc đời. Chú đến báo, bố tôi đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt với quân địch. Mẹ và tôi đã ôm chầm lấy nhau, òa khóc nức nở khi nhìn thấy những đồ vật của bố được chú Hiệp trao lại. Tôi nghe loáng thoáng chú kể rằng: Chú đã ở bên bố giây phút cuối, bố nắm tay chú và gửi gắm chú nhiều điều. Chú đã gói ghém những đồ vật cá nhân của bố giữ gìn cẩn thận trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh để hy vọng một ngày nào đó có dịp trao lại cho mẹ con tôi.

Mẹ nhìn những kỷ vật của bố, nước mắt lã chã. Tôi sờ vào từng thứ như cảm nhận được hơi ấm của bố tôi: cái bát ăn cơm màu xanh rêu, cái lược bé xíu, cả cái khăn mặt đã ố vàng khô cứng mà tôi vẫn thích áp lên mặt tưởng như bố đang áp bộ râu quai nón cọ vào má tôi. Mặc cho chú Hiệp và mẹ còn ngồi nói chuyện, tôi ôm những kỷ vật của bố vào giường nằm, đắp kín chăn rồi thì thào nói chuyện với bố. Tôi khoe tôi đã đi học và được mấy điểm mười rồi, nhưng mẹ vẫn bảo còn phải cố gắng nữa, giá bố ở nhà thể nào bố cũng bế bổng tôi lên cười thích thú và khen tôi thật nhiều. Lúc nhỏ tôi yêu bố hơn cả mẹ, vì bố thường bênh tôi, mẹ thì nghiêm khắc đe nẹt. Bố thường bảo: - “Con còn nhỏ, biết gì”; trong khi đó mẹ lại cau mày quát: - “Bé không vin lớn gãy cành”. Đôi khi chỉ vì tôi mà mẹ giận bố, không thèm nấu cơm, để bố con tôi có dịp đi ăn quà. Bố tôi là người ăn to nói lớn, bản thân ông cũng cao to thô, trái ngược hẳn với cái tướng thư sinh của chú Hiệp. Hôm bố tôi lên đường nhập ngũ, mẹ phải gửi tôi ở nhà bà ngoại để tôi khỏi làm bận chân người ra trận. Khi tôi trở về hỏi bố đâu, chỉ thấy mắt mẹ đỏ hoe, mẹ bảo: - Bố đi ít bữa rồi về. Tôi tin thế, khóc tấm tức vài hôm rồi cũng nguôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn căm ghét cái ngày chú Hiệp - người đàn ông lạ mặt ấy đến nhà tôi, cứ như chính ông là nguyên nhân khiến bố tôi không trở về nữa. Tại sao ông vẫn trở về lành lặn đẹp đẽ thế, còn bố tôi thì không?.

Hồi đó trong các bữa cơm tẻ nhạt triền miên của mẹ con tôi, thỉnh thoảng đã có những bữa cơm thịnh soạn bởi có thêm một người đàn ông. Mẹ tôi lúc đó là thợ may của một HTX, nên mỗi khi chú Hiệp đến chơi, mẹ thường bỏ việc về sớm để lo cơm nước mời chú. Hôm nào như vậy mẹ có vẻ rất vui, sẵn sàng chi không dè sẻn những thực phẩm ngon và say sưa chế biến những món ăn mà hình như chú Hiệp thích. Y hệt ngày xưa mẹ thường đối với bố tôi. Điều đó khiến tôi tức tối như một cơn ghen. Dần dà tôi đã biến những bữa cơm như vậy thành một không khí nặng nề đến khó thở. Biết chú Hiệp thích ăn tỏi, nên các món xào mẹ thường cho tỏi, và thế là tôi kiên quyết không đụng đũa, mặc cho mẹ và chú dỗ dành. Có lần tôi nghe chú Hiệp dặn mẹ ở dưới bếp: - Em đừng cho tỏi vào nữa nhé, con nó không ăn được, nhưng mẹ thì chiều chú lắm, mẹ vẫn làm riêng một đĩa cho chú.

Chú Hiệp ở khác tỉnh với mẹ con tôi, nên thỉnh thoảng chú mới đến chơi, những lần như vậy, bao giờ chú cũng ở lại cả ngày, tối mới khoác ba lô ra đi, mẹ bảo chú đi tìm chỗ ngủ, mai mới có xe về sớm. Tôi cũng áy náy, nhưng không muốn chú ngủ lại nhà tôi, mặc dù nhà tôi không thiếu chỗ cho chú ngả lưng.

Một hôm sau bữa cơm chiều, chú đang giúp mẹ tôi giằng cửa, che chắn lại một số chỗ trong nhà, thì cơn bão ập đến. Hôm đó lần đầu tiên thật tình tôi muốn chú ở lại. Mẹ xăng xái kê chỗ cho chú ngủ. Tôi cũng lặng lẽ lên giường nằm không tỏ thái độ gì. Từ bên ngoài, tôi nghe tiếng chú Hiệp thủ thỉ nói với mẹ: - Mẹ con em cứ ngủ đi, anh ngồi đây canh chừng mưa gió thế nào, anh thức quen rồi”. Rồi chú tự pha một ấm trà đặc, vừa uống vừa ngồi lặng người đi. Mẹ lên giường với tôi, tôi yên tâm ôm lấy mẹ nhắm mắt ngủ. Gió bên ngoài đã lặng, chỉ còn có mưa, mưa tầm tã. Tôi vững dạ, vì dù sao trong nhà tôi cũng có một người đàn ông. Có lẽ tôi đã ngủ được một giấc say cho đến sáng bảnh, nếu không bị một tiếng sấm rền vang đến rung rinh cả nhà cửa. Tôi giật mình tỉnh dậy, định quờ tay ôm lấy mẹ ngủ tiếp thì chẳng thấy mẹ đâu cả. Hai bên tôi trống không lạnh lẽo. Tôi định gọi mẹ nhưng bỗng tôi nghe có tiếng thì thào hình như cả tiếng thút thít của mẹ. Tôi bỗng tỉnh như một con mèo và nảy ra ý định nghe trộm. Tôi rón rén ra khỏi giường, hé tấm cửa buồng nhìn ra bên ngoài. Chiếc đèn bão vặn nhỏ leo lét một thứ ánh sáng mờ ảo, nhưng cũng đủ cho tôi thấy rõ hai người. Mẹ đang úp mặt vào ngực chú Hiệp, vai rung lên cùng với tiếng khóc nấc nghẹn ngào. Chú ôm mẹ, đưa tay vuốt mái tóc đen dài, vừa như an ủi, đồng cảm vừa như có gì thổn thức, giằng xé tâm can.

Trời vẫn mưa ầm ào, tôi không nghe rõ họ đang nói gì, nhưng hình như cả hai đều đang đau khổ lắm chứ chẳng sung sướng gì. Song, trong tôi vẫn trào lên nỗi ghen tuông như chính bố tôi đã chứng kiến tất cả. Tuy nhiên, tôi vẫn bình tĩnh lên giường giả vờ ngủ, cố kìm ý nghĩ mở toang cửa hét lên. Sáng hôm sau thức dậy, mẹ vẫn đi làm, tôi cố giữ thái độ bình thường, nhưng không ăn bữa sáng mà mẹ tôi đã chuẩn bị, chú Hiệp nhìn theo ái ngại.

Hôm đó, chú Hiệp ở lại nhà tôi cả ngày, dọn dẹp, chẻ một đống củi to, sửa lại cái ghế, đóng lại chạn bát đã gãy vài thanh... nghĩa là chú làm tất cả những việc mà trước kia bố tôi vẫn làm. Song điều đó khiến tôi thực sự điên tiết, vì đáng lẽ đó phải là bố tôi chứ không phải là một người đàn ông khác. Khi mẹ con tôi trở về, thì căn nhà hình như khác hẳn, cái gì cũng gọn gàng, ngăn nắp. Một bữa cơm tươm tất do chính tay chú nấu với những món ăn hơi lạ so với những món của mẹ con tôi. Chú bảo món này chỉ vùng quê chú mới có. Mẹ con tôi cứ ngây ra, nhất là mẹ, đôi mắt mẹ rực lên đầy hạnh phúc. Mẹ trở nên lúng túng một cách lạ thường. Tôi rất khó chịu nhưng cũng thương mẹ nên đành im lặng, nín nhịn để hạ nhiệt cơn tức giận.

Bữa cơm hôm ấy, tôi ăn không thấy ngon, nhưng mẹ tôi thì cứ như một thiếu nữ lần đầu tiên đến nhà bạn trai. Mẹ ăn nhỏn nhẻn, chậm chạp, suýt xoa khen ngon và ánh mắt thì không giấu nổi vẻ đằm thắm. Tôi biết mẹ đã thích chú rồi, không cản được nữa, nên lặng lẽ thở dài và lên giường nằm. Tôi nghe tiếng họ đùa nhau nơi bể nước lúc rửa bát, dọn dẹp gì đó và sau đó là ngồi trò chuyện ở bàn nước. Không nén nổi sự ghen tuông, tôi giục mẹ đi làm, nhưng mẹ bảo chiều nay mẹ xin nghỉ để đưa chú Hiệp ra ga. Tôi bỗng thấy tủi thân, nhớ và thương bố tôi da diết. Tôi úp mặt vào gối khóc lặng lẽ và giả vờ ngủ khi chú Hiệp định vào chào tạm biệt tôi. Tôi nghe mẹ nói: -Thôi đừng, nó ngủ rồi, lát về em sẽ nói lại với nó. Ta ra ga kẻo trễ tàu.

Có lẽ thái độ khác thường của tôi, mẹ đã hiểu ra, đôi khi mẹ cũng định nói điều gì đó với tôi, song lại buồn bã quay đi. Tôi luôn luôn bị ám ảnh một ngày nào đó, chú Hiệp sẽ cưới mẹ tôi, tôi phải gọi người đàn ông ấy bằng cha và mẹ tôi không còn là của riêng tôi nữa, những ký ức, kỷ niệm về bố sẽ bị quên lãng trong căn nhà này.

Một hôm tôi đi học về sớm, tôi đến chỗ mẹ làm việc để lấy chìa khóa nhà. Tôi định đi thẳng vào chỗ bàn máy của mẹ đang làm việc thì chợt nghe có tiếng mọi người đang trêu đùa mẹ. Tôi dừng lại ngoài cửa nghe ngóng: - Đẹp trai thế mà còn cứ dùng dằng cái gì nữa, cưới đi thôi, để lâu kẻ khác nó cuỗm mất đấy, - Lão ấy yêu cậu thực sự đấy, chứ không thiếu gì gái tân bám gót, - Tớ mà được người như lão ấy ấy mà, tớ xích từ lâu rồi, người đâu mà... này cậu hỏi thử lão ấy xem, lão đi bộ đội thì làm gì, có biết bắn súng không hí hí... Tiếng cười ồn ã lẫn với tiếng đạp máy khâu xành xạch kéo dài mãi, khiến tôi điên cả đầu. Tôi bỏ ra ngoài, đi lang thang trên đường một lúc rồi ghé vào nhà đứa bạn, rủ nó cùng học nhóm, mãi tối tôi mới mò về nhà và tôi thật sự ân hận khi thấy mẹ tôi bơ phờ, hai mắt đỏ hoe. Thấy tôi, mẹ không gắt mà chỉ lo lắng hỏi:

- Con đi đâu giờ mới về làm mẹ lo quá!

Giá ngày đó có điện thoại di động như bây giờ thì đâu đến nỗi mẹ phải bỏ cả buổi chiều đạp xe khắp thành phố đi tìm tôi. Từ đó tôi không dám làm điều gì khiến mẹ phải lo lắng nữa. Thực lòng tôi vẫn yêu mẹ lắm. Thấy mẹ buồn tôi cũng vô cùng đau đớn. Thế là tôi lại dồn hết nỗi bực tức cho chú Hiệp, như thể chú là tất cả nguồn cơn. Có lần mẹ bảo: - Chú Hiệp đã xin được việc ở tỉnh mình rồi, chú sẽ có dịp đến chơi với mẹ con mình luôn luôn, nhưng không ở lại lâu, vì chú có nhà tập thể của cơ quan. Cứ đều đặn, chủ nhật chú lại đến nhà tôi và ăn một bữa cơm.

Tình cảm giữa mẹ tôi và chú Hiệp, đó là điều hiện hữu, có thật. Tôi cảm nhận sâu sắc điều đó. Nhưng có điều, nó vẫn cứ ngập ngừng, chững lại ở những cử chỉ quan tâm, chăm sóc, ân cần như đã từng... Nhiều khi tôi có cảm giác hay chính tôi là nguyên nhân cản trở việc này. Tôi đã nhận ra những vết chân chim nơi đuôi mắt mẹ, mẹ tôi cũng là một người đàn bà nhan sắc, nhưng với thời gian thì không thắng nổi. Còn chú Hiệp, thì vẫn thế, vẫn qua lại với hai mẹ con tôi một cách kiên trì, bền bỉ như thế.

Tôi vào đại học, tất cả đều do một tay chú Hiệp lo lắng, từ khâu giấy tờ, đưa đi nhập trường, đến chỗ ăn, chỗ ở chu đáo. Có mấy đứa bạn mới bảo tôi: - Đằng ấy có ông bố đẹp trai hết sảy, lại yêu con gái đến thế. Sướng thật!. Khi tiễn chú ra về, ở lại một mình tôi vẫn trào lên ý nghĩ cay đắng: Vậy là từ nay, hai người tha hồ mà tự do nhé.

Vậy mà giờ đây, khi nhìn vào dòng chữ trên lá thư mẹ gửi, trước dòng tin báo chú Hiệp đã mất, tôi bỗng òa khóc. Tự sâu thẳm, tôi biết mình đã sớm chấp nhận, đã quen thuộc với sự ân cần, chăm sóc của chú. Nhìn dấu bưu điện, bức thư đã đi được ba, bốn ngày rồi, lòng tôi không khỏi xót xa, ân hận vì đã không thể gặp mặt chú lần cuối cùng.

**********

Nhiều năm về sau, trong ngôi nhà ba tầng khang trang, mẹ tôi sống qua những ngày cô đơn, bình lặng. Người thiếu phụ xinh đẹp ngày nào bây giờ tóc đã bạc, hàng ngày chăm chỉ quét dọn, thắp hương lên chiếc bàn thờ rộng, nơi đó đặt hai tấm ảnh, thờ hai người đàn ông. Trong ảnh họ đều còn rất trẻ, tướng mạo khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở nụ cười rất tươi, rất mãn nguyện, chỉ có người đàn bà hàng ngày ngồi lần tràng hạt tụng kinh trước họ là u buồn, một nỗi buồn như từ cõi xa xăm.

Khi đã là một người đàn bà trung niên, tôi mới có đủ can đảm để hỏi mẹ: “Vì sao mẹ và chú Hiệp không lấy nhau, có phải vì con không?”. Mẹ kể cho tôi: - Chú Hiệp không dám lấy mẹ, mặc dù chú rất yêu mẹ và mẹ cũng vậy. Không phải vì ai cả. Kể cả cái phút cuối cùng, bố con đã nắm tay chú nhờ chú chăm sóc hai mẹ con mình. Chú Hiệp đã hứa và mọi việc đáng lẽ sẽ đúng như ý nguyện của bố con. Nếu không có một lần chú đến thăm một người đồng đội cũ và được chứng kiến những đứa trẻ tật nguyền. Chú tìm thêm một vài đồng đội nữa và được biết những đứa con họ cũng như vậy. Té ra cả đơn vị chú và cũng của bố con nữa đã lọt vào khu rừng có nhiễm chất độc dioxin của Mỹ rải trước đó vài hôm. Họ đã bị bao vây và phải ăn lá rừng, uống nước suối thấm đẫm thứ chất độc tàn hại đó. Chú đã nói rằng chú không muốn những đứa con mà mẹ sinh ra sẽ gây thêm nỗi đau cho mẹ, cho cả hai. Chú đã coi con như con gái và chấp nhận cuộc sống hờ hững vậy để chăm sóc hai mẹ con ta.

Ngước mắt nhìn lên ban thờ, tôi bật khóc, lòng thầm gọi tên: Chú Hiệp...

Truyện ngắn của Cẩm Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]