Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân
Để đồng hành cùng các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ; hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ, an toàn, phát huy tính liên kết và tương trợ giữa các thành viên. Từ đó đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế HTX kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đẩy lùi tín dụng đen; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định an ninh trật tự khu vực nông thôn.
Ông Lê Văn Hùng, thôn Sỹ Nhân, xã Thiệu Duy được vay vốn QTDND Duy Thanh (Thiệu Hóa) phát triển kinh tế hiệu quả.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành chức năng, đến nay, QTDND Duy Thanh (Thiệu Hóa) không chỉ góp phần quan trọng trong công cuộc XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mà nhiều năm liền, quỹ luôn đứng ở tốp đầu trên địa bàn tỉnh, được UBND tỉnh, Liên minh HTX, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Hiện quỹ hoạt động trên địa bàn các xã Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Quang và thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa). Tính đến đầu tháng 8/2024 quỹ có gần 2.500 thành viên tham gia, tổng nguồn vốn đạt gần 127 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay hơn 95 tỷ đồng.
Là một trong những thành viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của QTDND Duy Thanh để xây dựng mô hình trang trại hiệu quả, ông Lê Văn Hùng, thôn Sỹ Nhân, xã Thiệu Duy phấn khởi cho biết: "Vay vốn tại quỹ, thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh và gần nhà là những điều kiện thuận lợi giúp những người nông dân như chúng tôi mỗi khi cần vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh là sẽ đến ngay với quỹ. Từ nguồn vốn vay ban đầu chỉ vài chục triệu đồng, sau nhiều lần đầu tư, mở rộng sản xuất, đến nay, trang trại của gia đình tôi ngày càng phát triển, hiện có 400 con thỏ, hàng chục con lợn thịt, hàng trăm con gia cầm các loại và hơn 2ha diện tích trồng dưa chuột, ớt xuất khẩu, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.”
Với mục tiêu chính là tương trợ, hỗ trợ thành viên phát triển, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đã cung cấp đủ, đúng và kịp thời nguồn vốn vay cho thành viên tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo có điều kiện ứng dụng mô hình sản xuất mới, tạo được việc làm cho thu nhập ổn định. Tính đến trung tuần tháng 8/2024, toàn tỉnh có 67 QTDND được cấp phép hoạt động địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố tại 178 xã, phường, thị trấn với tổng thành viên tham gia là 124.650 người, tăng 4.328 thành viên so với đầu năm, bình quân mỗi quỹ có 1.828 thành viên. Trong đó, có 64 QTDND hoạt động thực sự hiệu quả, 3 quỹ đang trong giám sát đặc biệt của NHNN Thanh Hóa. Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND đạt 9.227 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 6.081 tỷ đồng; tổng nợ xấu là 26,2 tỷ đồng, chiếm 0,43% tổng dư nợ. Ngoài ra, nhiều quỹ còn có các dịch vụ chuyển tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân giao dịch. Phần lớn các quỹ luôn bám sát sự chỉ đạo của NHNN Thanh Hóa, tổ chức hoạt động bảo đảm an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thành viên, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi.
Để bảo đảm cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững, NHNN Thanh Hóa đang tập trung triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan tới hoạt động của QTDND. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm tra theo chuyên đề, kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các QTDND có vi phạm thể lệ, chế độ, kiểm tra việc khắc phục tồn tại, sai phạm theo các kết luận thanh tra, kiểm tra. Đối với các quỹ trong diện kiểm soát đặc biệt, NHNN Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Cụ thể, đối với QTDND Vân Sơn (Triệu Sơn), NHNN Thanh Hóa đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Quốc tế chi trả toàn bộ 50,75 tỷ đồng cho các khách hàng tiền gửi.
NHNN Thanh Hóa vẫn triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các QTDND gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của QTDND để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn và an toàn hoạt động của QTDND. Đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các QTDND yếu kém thực hiện phương án tái cơ cấu để nâng cao chất lượng hoạt động...
Bài và ảnh: Khánh Phương
{name} - {time}
-
2024-12-15 10:05:00
Chuyên gia: Đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam “vẫn được duy trì”
-
2024-12-15 07:00:00
Bản tin Tài chính 15/12: Giá vàng sụt giảm, rủi ro tiềm ẩn
-
2024-08-17 12:52:00
Hội tụ sản phẩm hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa và khu vực phía Bắc
Bàn giao con giống và vật tư chăn nuôi vịt bầu cho người dân xã Trí Nang
Bản tin Tài chính 17/8: Giá vàng thế giới lập đỉnh, giá vàng trong nước có tăng theo?
Mở rộng thị trường, hợp tác cùng phát triển
Vietjet kỷ niệm 10 năm bay Buôn Ma Thuột - Vinh
Kỳ vọng những dự án giảm nghèo
Sản xuất rau trái vụ nâng cao thu nhập
Bản tin Tài chính 16/8: Giá vàng nhẫn giảm nhẹ
Hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân có 124.650 thành viên tham gia hoạt động
Định vị hàng hóa xứ Thanh trên thị trường (Bài cuối): Kết nối, kỳ vọng đưa sản phẩm xứ Thanh “cất cánh”