(Baothanhhoa.vn) - Trời trở rét cũng là lúc những “trái tim nóng” hướng về biên giới phía Tây. Xe chở gạo, hàng hóa, đồ dùng học tập và nhiều nhất là áo ấm âm thầm tìm về với những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, chỉ mong san sẻ chút hơi ấm đồng bằng để những ngày vào đông dần ấm tình người.

Yêu thương trao gửi non cao

Trời trở rét cũng là lúc những “trái tim nóng” hướng về biên giới phía Tây. Xe chở gạo, hàng hóa, đồ dùng học tập và nhiều nhất là áo ấm âm thầm tìm về với những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, chỉ mong san sẻ chút hơi ấm đồng bằng để những ngày vào đông dần ấm tình người.

Yêu thương trao gửi non caoNiềm vui của cô trò điểm trường Cá Giáng khi được nhận áo ấm của cô trò Trường Tiểu học Điện Biên 2.

Kết thúc chuyến công tác ở Mường Lát, tôi trở về khi thành phố đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Trái ngược lại với khung cảnh buồn dìu dịu của góc phố trong đêm đông, lòng tôi ngổn ngang, bận rộn với những suy nghĩ, rằng Mường Lát nghèo và xa nhưng ở đó có những thứ không thể đong đếm được, ấy là nghĩa tình của người miền xuôi dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số ruột thịt.

...Trời lạnh, khởi hành từ thị trấn Mường Lát đến Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý và Trường Tiểu học Trung Lý 1, tại bản Táo, xã Trung Lý, trên chiếc xe máy có lẽ không phải là lựa chọn của phái nữ, nhưng đó thực sự là một sự lựa chọn thú vị nếu ai đó muốn tận hưởng mùi vị của núi rừng, muốn biết cuộc sống của đồng bào vùng cao diễn ra như thế nào... Con đường quanh co đèo dốc, những khúc rẽ liên tục khiến chân ga buồn, mỏi. Nhưng càng đi khung cảnh càng hùng vĩ và khoáng đạt. Những ngọn núi điệp trùng, rừng già bạt ngàn trầm tĩnh, sông Mã hiền hòa uốn quanh chân núi... Bức họa miền sơn cước mở ra trước mắt chúng tôi với những dáng nét riêng thật ấn tượng.

Yêu thương trao gửi non caoĐường đến điểm trường bản Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng.

Gần 12h, chúng tôi có mặt tại Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý. Ngôi trường được xây dựng nơi lưng núi, khuôn viên ngăn nắp, sạch đẹp. Phóng tầm mắt ra xa là dãy núi còn bồng bềnh trong mây. Quên cả mệt mỏi sau hành trình, những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười tươi rói nở rạng rỡ trên gương mặt cả chủ và khách. Thầy Nguyễn Duy Thủy, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý phấn khởi, giọng hiền hòa: “Đúng lúc quá, mời hai cô vào ăn bữa cơm nhạt với thầy trò chúng tôi”. Và trong bữa cơm tình cờ ấy, chúng tôi đã gặp anh H.Đ. - một người anh trong nghề. Anh có chuyến công tác lên vùng cao, tiện thể mang 400 áo ấm lên cho các em Trường Tiểu học Trung Lý 2, tại bản Cò Cài. Áo ấm là món quà của cô trò Trường Tiểu học Điên Biên 2, TP Thanh Hóa gửi tặng. Anh bảo phải lên gấp vì trời trở lạnh đột ngột, các thầy cô dưới xuôi sợ áo ấm lên chậm một ngày các em sẽ phải chịu lạnh thêm một ngày nên mình tranh thủ. Nhỏ nhặt thôi nhưng câu chuyện là minh chứng rõ ràng nhất cho cái gọi là tình người không có biên giới. Người gửi cho người chưa từng quen, chưa từng biết mặt. Người nhận quà của những người cũng chưa từng biết tên, biết tuổi. Mọi ranh giới về mặt địa lý bị xóa nhòa, chỉ còn lại tấm lòng đau đáu dành cho nhau.

Được theo anh trong chuyến đi ấy, tôi thật sự rất may mắn. Anh em chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều điều, chuyện làm nghề, làm giáo dục, làm từ thiện... chuyện nào cũng ngồn ngộn chất liệu thực tế. Hàng chục năm lăn lộn với giáo dục vùng cao, anh hiểu hơn ai hết cái khó, cái khổ nơi đây. Xe chúng tôi dừng chân tại điểm trường bản Tài Chính, xã Mường Lý. Các thầy cô đã đợi ở đó từ lúc nào. Mọi người xúm vào dỡ hàng từ ô tô xuống vì chặng đường phía trước chỉ xe máy hoặc đi bộ mới có thể vào được.

Trường Tiểu học Trung Lý 2 bé nhỏ, nằm treo leo bên hông núi, ngút sâu trong rừng rậm. 2 nghĩa là ra đời sau Trường Tiểu học Trung Lý 1 nhưng 2 cũng có nghĩa là thiếu thốn và buồn. Tôi không có ý định so sánh vì giống như mọi trường học vùng cao khác thì Trường Tiểu học Trung Lý 1 cũng có vô vàn những khó khăn. Nhưng vừa rời Trường Tiểu học Trung Lý 1 để đặt chân đến Trường Tiểu học Trung Lý 2, thì sự ngẫm ngợi cứ quanh quẩn trong đầu. Một cái tên, 2 số phận và khoảng cách “vời vợi” giữa 1 và 2. Dù khoảng cách ấy chỉ 40km nhưng đó là khoảng cách của cách sông, cách đò, hiểm trở và heo hút.

Yêu thương trao gửi non caoĐiểm trường chính Trường Tiểu học Trung Lý 2, tại bản Cò Cài vào buổi sáng.

Dù thiếu thốn song Trường Tiểu học Trung Lý 2 vẫn là một tổ ấm của 393 học sinh và 25 thầy cô ở 6 điểm trường (điểm trường chính tại bản Cò Cài, 5 điểm lẻ tại Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Pá Búa, Lìn). Thấy người lạ xuất hiện ở trường, những đứa trẻ tròn xoe mắt tò mò. Trẻ con nơi nào cũng hồn nhiên, ngây thơ và đáng yêu như vậy. 1 năm, 2 năm, 3 năm, những đứa trẻ sẽ lớn lên, đôi chân sẽ đủ dài, đôi tay đủ rộng để leo qua hết những dãy núi, để biết đến phía bên kia dòng sông có một cuộc sống rất khác. Các thầy, cô giáo của trường đến từ nhiều huyện, xã của tỉnh nhưng vì duyên nghiệp họ về đây cắm bản. Hằng tuần, hằng tháng, các thầy cô thay phiên nhau bồng bềnh trên chiếc xe máy hàng chục km đường rừng về thăm gia đình, người thân để lấy lại cân bằng rồi trở lại trường. Cuộc sống cứ thế trôi đi đan xen giữa hiện thực và ước mơ.

Được biết, đây không phải là chuyến đầu tiên anh H.Đ. mang quà vào Trường Tiểu học Trung Lý 2. Trước đó, anh “nhặt nhạnh” chỗ nọ, chỗ kia mang vào cho các em học sinh khi là quần áo, tất, sách, bút, ủng, giầy, bánh kẹo... Còn cho thầy, cô giáo là xoong nồi, bát đĩa, dao thớt, gia vị mắm muối, dầu ăn, khăn quàng... Nghe thì có vẻ hơi buồn cười vì mang tiếng là quà dưới xuôi nhưng lại giống mấy bà cô đi chợ. Song lên đến đây mới thấy vốn sống của mình còn hạn hẹp quá, sự thiếu trước hụt sau của cuộc sống thầy trò nơi đây không thể nào giấu nổi.

Ai cũng nói, thời đại 4.0, miền núi đã tiến gần với đồng bằng, nông thôn cũng sát hơn với thành thị, khoảng cách giàu nghèo đã ngày càng được thu hẹp, vậy mà vẫn có những nơi, những người hạnh phúc chỉ là chiếc áo, chiếc nồi, gói muối, chai nước mắm... thôi ư? Câu hỏi cứ ám ảnh mãi trong tôi cho đến khi được trò chuyện với các thầy, cô giáo. Đặc biệt là sau chuyến đi vào các điểm trường lẻ Cá Giáng, Tà Cóm, Cánh Cộng... với thầy giáo Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2. Con đường dốc đá lổn nhổn xóc tung người, bên núi cao, bên vực sâu cứ thế hiện ra dưới bánh xe. Ngồi trên yên xe máy, tôi cứ ngỡ mình đang cưỡi ngựa. Suốt đường đi, thầy chẳng nhắc gì đến khó khăn, vất vả của nghề, thầy chỉ nhắc đi nhắc lại “nếu có gì khiếm nhã thì thông cảm” vì đường xấu quá: “Em gái thông cảm nhé, điều kiện ở đây còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Điểm trường này còn dễ đi, chứ nhiều điểm trường khác cứ trời mưa là không tìm được đường vào trường. Mùa hè còn đỡ, sang đông thời tiết mưa rét các em đến trường gian nan, vất vả hơn tí". Tôi cố tỏ ra là mình ổn, có cái gì đó thật khó chấp nhận nếu giờ phút này đây bộc lộ sự yếu đuối sợ hãi này trước những vất vả, gian nan, thiếu thốn đã thành quen thuộc của những thầy, cô giáo nơi đây.

Yêu thương trao gửi non caoNhiều đứa trẻ ở điểm trường Cá Giáng đến trường với những đôi chân không dép, chiếc quần đùi mỏng, chiếc áo ba lỗ trong mùa đông mưa rét.

Gần một ngày trời rong ruổi với cái cảm giác nghẹt thở cố giấu và cả những xúc cảm trong câu chuyện bình dị của thầy, tôi chợt nhận ra mọi lời ngợi ca hay than thở về hoàn cảnh của những thầy trò nơi đây đều chẳng có ý nghĩa gì. Vì họ chưa bao giờ bi quan về hoàn cảnh của mình cũng như chưa bao giờ nghĩ rằng những việc họ làm là phi thường, những khó khăn hàng ngày phải trải qua là rất lớn. “Có chỗ nọ chỗ kia chứ em! vùng núi sao so với đồng bằng được, giờ có đường cho xe máy đi đã là may rồi. Những năm trước, bọn anh toàn đi bộ, ngã thì đứng dậy, mệt thì tìm hốc đá ngủ một giấc rồi đi tiếp. Mưu sinh có trăm nghề, trăm nẻo, mình đã chọn nghề giáo, chọn non cao thì đó là sứ mệnh, đâu chẳng giống nhau. Yêu nghề thì chẳng dám nói vì hoa mỹ quá, chỉ nghĩ là trách nhiệm với công việc của mình, vì mình đã chọn công việc này... bấu víu vào đó sẽ có thêm niềm tin và nghị lực để tiến bước”.

Cảm giác nghẹn ứ nơi cổ họng, muốn nói gì đó tiếp lời thầy sau những chia sẻ rất chân tình trên. Nhưng không biết lời chia sẻ hay động viên sẽ phù hợp vào lúc này. Chẳng có sự hy sinh nào ở đây cả, tất cả là sự lựa chọn. Các thầy cô nơi đây đã chọn việc gian khó để được sống và làm công việc có ích cho gia đình, xã hội. Còn vất vả thì công việc nào chẳng vất vả, khó khăn thì nơi nào chẳng có. Ngã đau thì đứng dậy khóc một chút thôi rồi đi tiếp vì phía trước vẫn còn có con đường, con đường đó dẫn đến trường, đến tương lai của những đứa trẻ vùng cao vốn đã thiệt thòi trăm bề và đến tổ ấm bé nhỏ của những thầy cô yêu nghề...

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]