Xuân Minh - sáng mãi tinh thần cách mạng
Là vùng quê nổi tiếng với những trang sử cách mạng hào hùng, Nhân dân xã Xuân Minh (Thọ Xuân) với tinh thần anh dũng, bất khuất đã chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Để đến thời bình chính tinh thần cách mạng đó là “ngọn đuốc” thắp sáng để người dân và chính quyền xây dựng, phát triển quê hương giàu mạnh.
Di tích cách mạng đình làng Phong Cốc. Ảnh: Vân Anh
Về thăm Xuân Minh, điều đầu tiên mà người dân nơi đây muốn giới thiệu với chúng tôi là 13 di tích được công nhận cụm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đây là những bằng chứng hào hùng cho cái nôi của phong trào cộng sản những năm 30 của thế kỷ XX, được chính quyền thực dân coi là “sào huyệt cộng sản”, là “trung tâm sự chống đối và lật đổ chính phủ”.
Đó là đình làng Phong Cốc, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng tỉnh nhà, như: đêm 4/5/1930, một cuộc họp kín gồm 10 đồng chí chuyển hóa từ hoạt động Tân Việt sang hoạt động cộng sản; tháng 6/1931 một chiếc xe Com-măng-ca của Pháp đến đọc lệnh bắt hai cán bộ cốt cán của Đảng bộ Thanh Hóa là Nguyễn Xuân Thúy và Nguyễn Văn Hồ; đây là nơi vận động, tuyên truyền giác ngộ quần chúng trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), đặc biệt một cuộc đấu tranh lớn chống Tây đoan bắt và bắn chết người trong làng; năm 1946 đình Phong Cốc là nơi đặt máy in tiền tài chính của chính phủ... Là di tích Nhà ông Nguyễn Xuân Oanh, ngôi nhà này chính là nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (tháng 2/1941) để hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và quyết định thành lập vành đai căn cứ địa. Đó là một Hội nghị cực kỳ quan trọng quyết định sự phát triển của phong trào cách mạng Thanh Hóa, và vì thế mà chiến khu Ngọc Trạo ra đời - đỉnh cao của thời kỳ phản đế cứu quốc của Thanh Hóa. Bản thân ông Oanh là cán bộ cốt cán của phong trào cách mạng trong tổng Thử Cốc, ông cũng là hạt nhân góp phần chắp nối sự liên lạc với các cán bộ, đảng viên còn lại để thống nhất thành lập củng cố Đảng bộ Thanh Hóa vào năm 1934. Di tích Nhà ông Đỗ Huy Trinh với các sự kiện: ngày 7/3/1934 Hội nghị đại biểu các cơ sở Đảng ở trong tỉnh đã được triệu tập dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Tạo và Lê Chủ. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 7 ủy viên; tháng 6/1940 một cuộc họp của Ban vận động mặt trận phản đế cứu quốc tỉnh đã được tổ chức gồm 10 đại biểu và bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh ủy phản đế lâm thời gồm 3 đồng chí Nguyễn Đức Nhuận, Lưu Văn Ban và Đỗ Đông Uyên... 13 di tích là hàng trăm câu chuyện về tinh thần cách mạng dũng cảm, bất khuất, kiên cường của người dân Thanh Hóa nói chung và người dân xã Xuân Minh nói riêng. Chính tinh thần đó, mà 3 làng Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê đã được Đảng - Nhà nước trao tặng Bằng có công với nước năm 1964.
Những câu chuyện cách mạng được người dân Xuân Minh kể với niềm tự hào trong niềm vui của sự chiến thắng. Trước đây, là chiến thắng giặc Pháp, giặc Mỹ xâm lược, sau này là “chiến thắng” những khó khăn, thử thách trên con đường xây dựng và phát triển quê hương. Bởi vậy, câu chuyện tiếp theo mà người dân Xuân Minh muốn kể cho chúng tôi là thành tựu trên quê hương cách mạng.
Đến nay, Xuân Minh đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí XDNTM nâng cao. Một trong những thành công lớn nhất của xã là đã xây dựng được cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, cùng với đó là hệ thống giao thông thuận lợi, khang trang. Theo ông Võ Văn Quang, Chủ tịch UBND xã thì “XDNTM cũng như một cuộc cách mạng mà ở đó người dân là chủ thể, mọi việc đều là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Với truyền thống và tinh thần của một vùng quê cách mạng lâu đời, chính quyền và người dân Xuân Minh đã đồng lòng với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, khó đến đâu chính quyền và người dân gỡ đến đó”. Người dân sẵn sàng hiến đất, đóng góp xã hội hóa, bỏ công, bỏ sức XDNTM”. Từ đó, đường giao thông nông thôn được mở rộng từ 3 - 9m, 100% được bê tông hóa và nhựa hóa. Không gian xanh, sạch, đẹp hiện hữu khắp thôn, xóm với 100% đường làng được bao phủ bởi hàng rào xanh, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường trong khu dân cư...
Lĩnh vực nông nghiệp mà trọng tâm là xây dựng vùng lúa giống tập trung với diện tích trên 170ha. Vùng lúa này không chỉ cung cấp nhu cầu về giống cho người dân địa phương mà còn xuất bán ra thị trường góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Cùng với đó, xã Xuân Minh khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi xây dựng các gia trại, trang trại. Trên địa bàn xã Xuân Minh hiện đã hình thành được 7 trang trại tổng hợp, 4 trang trại quy mô lớn, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư từng bước được quy hoạch, phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung ở các trang trại, gia trại tổng hợp, xa khu dân cư. Đặc biệt, trong những năm qua địa phương đã thu hút, chấp thuận chủ trương đầu tư của 5 công ty. Đây được xem là bước đột phá, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Trong xã đã thành lập được 7 doanh nghiệp, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế trên địa bàn cũng đạt được nhiều thành tựu. Hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, sân chơi thiếu nhi... đều được sửa chữa, xây mới, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93 - 95%, 5/5 thôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Các hương ước, quy ước, nếp sống văn minh được người dân chấp hành nghiêm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,8 triệu đồng/người/năm.
Ngày nay, trên quê hương Xuân Minh những di tích lịch sử cách mạng như hòa vào những thành tựu kinh tế - xã hội, làm tô thắm thêm vẻ đẹp của một vùng quê cách mạng. Và đây chính là động lực để Nhân dân và chính quyền Xuân Minh tiếp tục giành “chiến thắng” trong công cuộc XDNTM những năm tiếp theo.
Vân Anh
- 2024-09-06 16:14:00
Làng cổ Tường Vân
- 2024-08-30 09:38:00
Trần Văn Vĩnh - dũng tướng dưới triều vua Minh Mạng
- 2024-07-06 14:31:00
Hội thảo khoa học “Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông”
Lý Thường Kiệt với vùng đất Châu Ái - Thanh Hóa
Dấu ấn Tướng quân Lê Hoành trên đất Cao Ngọc
Về đất Đạt Tài
Thám hoa Mai Anh Tuấn - “sĩ phu có khí phách”
Dấu ấn Võ quan Tào sơn Hầu trên đất Ngàn Nưa
Khai quốc công thần Nguyễn Lý - Vị tướng tài ba
Về nghe trống hội cung đình Hoằng Phú
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên
Trên đất Bàn Thạch xưa