Vươn tầm cao mới trong sự nghiệp “trồng người”
Từ các lớp chuyên, trường chuyên, hơn 50 năm qua, các thế hệ học sinh chuyên tốt nghiệp THPT đã “lớp lớp lên đường tung cánh muôn phương, đem tâm trí thanh xuân dâng cho Tổ quốc”...
Trường THPT chuyên Lam Sơn mãi là niềm tự hào của đất học xứ Thanh.
Thực hiện Quyết định ngày 14/9/1965 của Thủ tướng Chính phủ, lớp 8 năng khiếu về Toán đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được thành lập vào năm học 1965-1966. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh mãi tới năm học 1969-1970, Ty Giáo dục mới tổ chức thi tuyển chọn hai lớp 8 và 9 Toán đặc biệt (sau đó gọi là lớp chuyên Toán) đặt tại Trường cấp 3 Lam Sơn. Đến năm học 1972-1973, mới mở lớp 8 chuyên Văn đầu tiên. Cũng do chiến tranh, các lớp chuyên Văn, Toán phải sơ tán lên Trường cấp 3 Vĩnh Lộc. Sau ngày Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh Việt Nam được ký kết (27/1/1973), các lớp chuyên Văn, Toán mới trở về Trường cấp 3 Lam Sơn. Do thiếu phòng học, nhà trường phải mượn một nhà thờ (ở phía Bắc thị xã Thanh Hóa) đã bị bom đánh sập một góc để một vài lớp chuyên học tập. Năm học 1975-1976, Trường cấp 3 Hàm Rồng được thành lập ngay trên khu đất các lớp chuyên của trường Lam Sơn đang học, vì thế Trường cấp 3 Hàm Rồng được giao quản lý luôn 6 lớp khối chuyên Văn, Toán.
NGND Phạm Ngọc Quang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn (1998-2003) phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” năm 2000 của nhà trường.
Tháng 8/1982, Trường cấp 3 Lam Sơn xây dựng xong tòa nhà 4 tầng khang trang, hiện đại, toàn bộ 6 lớp chuyên Văn, Toán được chuyển về Trường cấp 3 Lam Sơn. Cũng trong năm học 1982-1983, Ty Giáo dục tuyển 2 lớp chuyên Lý: 9F, 8F (hệ phổ thông 10 năm). Năm học 1983-1984, có một dấu ấn đặc biệt đối với trường Lam Sơn: học sinh Nguyễn Thúc Anh đoạt Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế tại Praha (Tiệp Khắc). Đó là tấm Huy chương quốc tế đầu tiên mở đầu cho sự bứt phá ngoạn mục vươn ra biển lớn của giáo dục mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa. Các lớp chuyên Nga được mở từ năm học 1984-1985. Chuyên tiếng Anh, tiếng Pháp bắt đầu xuất hiện vào năm học 1989-1990, sang năm học 1991-1992 thì có lớp 10 chuyên Tin. Năm học 1990-1991, do cải cách giáo dục nên không có các lớp 10 chuyên, thay vào đó nhà trường được phép mở các lớp 9 chuyên (THCS) và phụ trách các đội tuyển THCS dự thi học sinh giỏi toàn quốc, khởi đầu cho một giai đoạn trong trường Lam Sơn có các lớp 9 chuyên.
Ngày 20/8/1992, theo Quyết định 1093/TC/UBTH của UBND tỉnh Thanh Hóa, trường Lam Sơn được tách thành hai trường: các lớp khối chuyên lập thành Trường THPT chuyên Lam Sơn, các lớp còn lại lập thành Trường THPT Đào Duy Từ. Từ đây, Trường chuyên Lam Sơn bắt đầu bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng với sứ mạng lớn lao: Bồi dưỡng học sinh năng khiếu các bộ môn văn hóa, góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Mặc dù còn phải chung cơ sở vật chất, chung địa điểm với trường bạn Đào Duy Từ với bao khó khăn thuở ban đầu, nhưng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 1993, trường Lam Sơn đã gặt hái bội thu: Khối 11 (dự thi học sinh giỏi lớp 12) đạt 31 giải với 3 giải nhất, có 2 học sinh dự thi Olympic quốc tế mang về 1 Huy chương Bạc, khối 9 đạt 11 giải trong đó có 1 giải nhất. Năm học 1993-1994, bắt đầu có thêm lớp 10 chuyên Hóa và đến năm học 1996-1997 thì mới có lớp 10 chuyên Sinh.
Vào năm học 1997-1998, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia cho cấp tiểu học và THCS, vì vậy trường không tuyển lớp 9 chuyên nữa, thay vào đó trường được mở 2 lớp chuyên Toán và sau đó là 2 lớp chuyên tiếng Anh. Từ năm học 2001-2002, xuất hiện các lớp 10 chuyên Sử, 10 chuyên Địa. Như vậy đến năm học 2001-2002, Trường chuyên Lam Sơn có đủ 11 môn chuyên là: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Văn, Sử, Địa, Anh, Pháp, Nga. Đến năm học 2016-2017, do tình hình thực tế trong nước và trong tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định không mở các lớp chuyên Nga, chuyên Pháp, thay vào đó là tăng cường 2 lớp chuyên Toán, 2 lớp chuyên Anh cho mỗi khối. Cho đến nay (11/2024) trường có 34 lớp (khối 12 và khối 11 mỗi khối 11 lớp, khối 10 có 12 lớp vì tăng thêm 1 lớp 10 chuyên Văn) với 1.194 học sinh; 115 cán bộ, giáo viên. TS. Toán học Nguyễn Thanh Sơn (cựu học sinh chuyên Toán khóa 1990-1994) là hiệu trưởng, TS. Nguyễn Văn Dũng và Ths. Lại Thị Thu Hiền (cựu học sinh chuyên Văn khóa 1984-1987) là phó hiệu trưởng.
Từ tháng 7/2000, trường chuyển sang địa điểm mới ở số 89 Hàn Thuyên, chấm dứt một thời kỳ cơ sở vật chất khó khăn, chung sân, chung tường rào, chung dãy nhà học với trường bạn Đào Duy Từ. Giai đoạn này trường Lam Sơn đã có những bước đi bứt phá, ngoạn mục. Liên tục trong suốt 11 năm từ 1993-2003, trường luôn có học sinh dự thi Olympic quốc tế, quốc tế khu vực và đoạt giải. Trường vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động” năm 2000. Đặc biệt, năm 2008 có 2 học sinh đoạt 2 HCV Toán quốc tế. Đến năm 2018 trường lại đạt một mốc mới: có 2 HCV về Tin học và Vật lý, 1 Huy chương Bạc về Hóa học.
Từ cuối năm 2016, trường lại chuyển về địa điểm mới 307 Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa và “an cư lập nghiệp” cho đến ngày nay.
Có thể nói, từ năm học 1992-1993, con tàu Lam Sơn đã thực sự vươn ra đại dương. Chỉ tính riêng từ năm 1984 cho đến nay, trường Lam Sơn đã đạt được 2.006 giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 100 giải nhất. Theo số liệu do Việt Nam Economy thống kê về xếp hạng các trường THPT xuất sắc nhất Việt Nam trong các kỳ thi Olympic quốc tế tính tới năm 2024 thì Trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa xếp thứ 3 với 51 giải, sau chuyên KHTN Hà Nội (238 giải), chuyên Amsterdam-Hà Nội (78 giải), xếp trên chuyên ĐHSP Hà Nội (48 giải).
Một điều thú vị là trong 51 giải Olympic quốc tế đó, có tới 10 HCV rải đều cho cả 5 môn thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học. Những gương mặt tiêu biểu cho “đất học” tỉnh Thanh trên bầu trời Olympic quốc tế là các em: Đỗ Quang Yên (1999), Lê Ngọc Anh (2008), Hoàng Đức Ý (2008), Lê Quang Dũng (2017) (HCV Toán quốc tế); Nguyễn Khánh Duy (2016), Nguyễn Văn Chí Nguyên (2019) (HCV Hóa quốc tế); Nguyễn Ngọc Long (2018), Nguyễn Khánh Linh (2019) (HCV Vật lý quốc tế); Hoàng Minh Trung (2018) (HCV Sinh học quốc tế); Trịnh Hữu Gia Phúc (2019) (HCV Tin học quốc tế). Các giáo viên có học sinh dự thi Olympic quốc tế là các thầy cô: Phạm Ngọc Quang, Nguyễn Anh Dũng, Lê Văn Hoành, Lê Văn Quỳnh, Cao Giang, Mai Đình Loát, Nguyễn Thanh Hùng, Lưu Xuân Tình, Trần Kiên, Hoàng Văn Giao, Đào Hồng Ánh, Nguyễn Văn Hưng, Kim Ngọc Chính, Lê Văn Vinh, Trịnh Văn Hoa, Trịnh Thị Lan Anh, Nghiêm Quang Khải, Mai Châu Phương, Nguyễn Thanh Sơn, Trịnh Thọ Trường, Ngô Xuân Ái, Nguyễn Thị Phương, Đỗ Xuân Phong, Lê Hồng Điệp, Nguyễn Đặng Phú, Lê Thị Thủy, Phạm Thị Nga, Nguyễn Đình Thanh, Nguyễn Hoàng Hà, Nguyễn Bá Tư,...
Từ các lớp chuyên, trường chuyên, hơn 50 năm qua, các thế hệ học sinh chuyên tốt nghiệp THPT đã “lớp lớp lên đường tung cánh muôn phương, đem tâm trí thanh xuân dâng cho Tổ quốc”. Đến nay nhiều người đã là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, không ít người là GS.TSKH, PGS.TS, là các nhà khoa học làm công tác quản lý hoặc giảng dạy tại các trường đại học và học viện, là các bác sĩ tài năng, là giáo viên giỏi các cấp trong các nhà trường phổ thông, là các doanh nhân thành đạt, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, là lực lượng lao động chủ chốt trong xã hội, đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể tên một vài cựu học sinh tiêu biểu là: TS. Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XII, XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ (nguyên học sinh chuyên Văn khóa 1977-1980); TS. Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh (nguyên học sinh chuyên Lý Lam Sơn khóa 1994-1997); Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc (nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Bộ Công an, cựu học sinh chuyên Toán khóa 1972-1975); Ths. Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (cựu học sinh chuyên Lý khóa 1989-1989); TS. Lê Hồng Sơn (cựu học sinh chuyên Văn khóa 1978-1981) và TS. Hà Minh Hải (cựu học sinh chuyên Toán khóa 1983-1986) là 2 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; NGƯT Vương Văn Việt - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (cựu học sinh chuyên Toán khóa 1969-1971); GS.TS Đỗ Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni (cựu học sinh chuyên Toán khóa 1988-1991, Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế năm 1991); GS.TSKH Nguyễn Lê Minh, GS.TSKH Trần Văn Tấn (cựu học sinh chuyên Toán khóa 1990-1994); PGS.TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc Viện nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Đại học Bách khoa Hà Nội (cựu học sinh chuyên Toán khóa 1997-2000, Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế năm 2000),... Tiếng vang “chuyên Lam Sơn” lan truyền đi không chỉ trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặc trưng nổi bật của khối chuyên, trường chuyên Lam Sơn là có một tập thể vừa giỏi về chuyên môn vừa tâm huyết với nghề nghiệp. Tập thể đó tuy mỗi người có một cá tính, một lối sống và cách làm việc khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung: đôn hậu, lạc quan, chân tình, cần mẫn, luôn luôn có ý thức vượt khó vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hội tụ thành một nét đẹp mang “phong cách Lam Sơn”. Điều đáng mừng là thế hệ giáo viên dạy chuyên hiện nay có nhiều thầy, cô giáo trẻ, thực sự có năng lực, không ít người nguyên là học sinh cũ của trường. Đó chính là nguồn tài sản quý báu nhất của nhà trường. Nguồn tài sản đó như mạch nước trong lành từ những ngọn núi cao liên tục đổ về làm cho dòng sông Lam Sơn không bao giờ vơi cạn, để dòng sông trong xanh vẫn luôn đầy ắp đôi bờ, xuôi về biển cả. Xin được chúc Trường THPT chuyên Lam Sơn anh hùng tiếp tục vươn tới những tầm cao mới trong sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng với niềm tin yêu mong đợi của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Hà Nội, tháng 11/2024
NGND Phạm Ngọc Quang
Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa,
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn (1998-2003)
{name} - {time}
-
2024-12-21 16:01:00
Từ năm 2025, trường học được xây tăng thêm tầng
-
2024-12-21 13:27:00
Hoằng Hóa: 8 năm liên tục giữ vị trí tốp đầu kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh
-
2024-11-15 13:29:00
Kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Cao đẳng Y dược Hợp Lực
Tuyển sinh lớp 10: Phó Thủ tướng chỉ đạo xem xét sớm công bố môn thi thứ ba
Chung kết hội thi học sinh, sinh viên thanh lịch TUCST năm 2024
Trường Tiểu học Thái Hòa: Nỗ lực vượt khó vươn lên
Sự chăm lo cần thiết
Củng cố, duy trì kỷ cương dạy và học trong các nhà trường
Trường CĐ Y tế Thanh Hóa có 4 giải tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc
Thanh Hóa có 6 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024
Thanh Hóa có 1 giảng viên được vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương
Thị xã Bỉm Sơn đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập