Vườn bậc thang trên đất sỏi
Gần một thập kỷ miệt mài đào đắp, cải tạo, một cựu chiến binh ở xã Hà Lai (Hà Trung) đã biến đồi hoang toàn lau lách và cây bụi thành khu vườn trại xanh mướt. Đáng nói, khu đồi gan gà trơ cứng với sỏi đá và những viên quặng sắt nhiều hơn đất mà địa phương giao không ai dám nhận trước đây, nay đem về nguồn thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Khu vườn đồi sỏi quặng trơ cứng ở xã Hà Lai được cựu chiến binh Nguyễn Như Xuân cải tạo trồng cây thành công.
Chuẩn bị bước sang tuổi 70, nhưng ông Nguyễn Như Xuân ở thôn Phú Thọ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát như thời trai trẻ. Chỉ cần quanh quẩn với khu vườn đồi mỗi ngày cũng giúp ông có đủ lượng vận động để duy trì sự dẻo dai. Khu vườn quanh năm tươi tốt của ông là nhờ tính hay lam hay làm cùng sự năng động, ham học hỏi để phát triển nông nghiệp hiện đại của chủ nhân. Bước vào cổng phía Đông là con đường bê tông kiên cố rộng chừng 1,5m dẫn những vị khách tham quan lạc vào tầng thứ nhất của khu vườn với nhiều chậu hoa giấy, mẫu đơn và cây ăn quả tầm thấp như ổi, na. Các bậc thang và những đoạn đường dốc kiên cố tiếp tục đưa lối lên tầng thứ 2 của khu vườn với cả trăm gốc bưởi da xanh, bưởi ruột hồng và bưởi đường chín muộn hơn chục năm tuổi quanh năm tỏa bóng. Trên các tầng cao hơn và phía Tây của ngọn đồi - nơi có nhiều ánh nắng nhất, được ông trồng hơn năm chục gốc mít không hạt và bơ, bởi đây là những cây chịu được hạn và độ dốc.
Có được kết quả như hôm nay là quá trình cải tạo đến chai sần da tay, còn mồ hôi và sự vất vả thì không thể kể xiết. Theo ông, khu vườn đồi hơn 5.200m2 này vốn là đất hoang có độ dốc lớn, đặc biệt không có nguồn nước tưới. Do địa phương kêu gọi nhưng không ai nhận thầu để cải tạo nên nơi đây chỉ lau lách rồi gai góc mọc đầy. Năm 1992, gia đình ông mạnh dạn nhận thầu để cải tạo theo Dự án PAM - 4304. Đến năm 1996, khi dự án kết thúc, khu đất được chuyển sang thầu theo đất 02 thuộc rừng sản xuất. Đến những năm 2015, 2016, khi tích lũy đủ vốn và kiến thức, gia đình ông mới quyết tâm phát triển vườn cây theo hướng hàng hóa bài bản.
“Ruộng bậc thang thì có ở khắp các vùng miền núi, nhưng vườn bậc thang thì chúng tôi mới thấy ở đây. Tuy nhiên, đó lại là cách làm khả dĩ nhất của ông Nguyễn Như Xuân để có thể cải tạo khu đồi cằn sau nhà. Trực tiếp thăm khu sản xuất mới thấy khâm phục ý chí và nghị lực của ông”. Ngô Ngọc Cảnh (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ VAC - Trang trại, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa) |
Quan sát trên thực địa, khu đồi Tinh nơi ông Xuân đang canh tác có đất màu xám gan gà, lởm chởm đá sỏi và quặng sắt trong đất. Như để thử độ cứng, ông dùng xà beng đâm mạnh xuống đất, nhưng nhát đâm cũng chỉ làm lở sâu được vài phân dưới lưỡi sắt. Với độ cứng này, cây trồng nhỏ khó có thể cắm rễ mà phát triển. Đất đá cằn cỗi bạc màu, lại không có nước tưới, nên những năm đầu ông đã thử nhiều loại cây trồng nhưng phần nhiều chết khô, số còn sống thì cằn cỗi, chậm phát triển.
Ấy thế mà với bàn tay cần mẫn, sau nhiều năm ông đã đào lần lượt hàng trăm hố sâu trên đồi đá sỏi ấy để trộn phân chuồng và đất mùn rồi trồng từng cây vào mỗi hố. Để chủ động nguồn nước tưới, ông xây dựng các bể bê tông lớn trên đỉnh đồi, rồi dùng máy bơm công suất lớn bơm từ hồ trước nhà lên dự trữ. Lấy ngắn nuôi dài, ông dần đầu tư hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt từ trên các bể xuống đến từng gốc cây. Không những chủ động nguồn nước, mà phần đất ở các gốc luôn ẩm ướt khiến đất mềm ra, cây có thể phát triển bộ rễ như bình thường, rồi ngày càng tươi tốt. Khi hệ thống cây đã lớn, ông xây các ô chuồng dưới những tán cây ngay trên đồi để phát triển đàn gà theo hướng bán hoang dã.
“Nhớ lời Bác Hồ “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, biết khó khăn nhưng là người lính trở về, tôi vẫn quyết chí để đào núi như lời Bác dạy. Ngày ngày mở lối rồi chặt cây bụi, cây gai ròng rã nhiều tháng trời. Nhưng đó mới là bước đầu, bởi để trồng được cây, phải tiếp tục cải tạo. Xác định khu đất dốc cần phải được san bằng, rồi tôi quyết tâm chia thành các khoảng có độ cao đồng mức để tạo thành các mặt phẳng, trở thành khu vườn bậc thang 4 tầng độc đáo”. CCB Nguyễn Như Xuân |
Trong quá trình làm vườn, ông luôn tìm tòi, đi thăm nhiều mô hình để tích lũy kinh nghiệm. Nhiều năm qua, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm sạch được ông áp dụng. Toàn bộ phân bón được tận dụng từ phân gà và chất hữu cơ hoai mục, hạn chế dùng phân hóa học.
Những cây bưởi trên vườn đồi đều lúc lỉu với hàng trăm quả. Men theo các tuyến đường bê tông nội vườn, nhiều đoạn người đi phải liên tục cúi người để tránh va vào các loại trái cây xỏa xuống. Cũng chính vì canh tác theo hướng hữu cơ, bưởi ở đây ngọt thanh, để được lâu sau khi hái nên vào chính vụ thương lái tìm đến tận vườn để mua. Theo hạch toán của chủ vườn, nhiều năm gần đây khu vườn đều cho tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thêm cho 3 đến 5 lao động thời vụ để thu hoạch.
Gọi là vườn đồi nhưng khu canh tác bậc thang này lại nằm sát con đường trục thôn, tỏa bóng mát chạy dài hàng trăm mét nên nhiều người biết đến. Cây trồng theo hàng lối, phát triển xanh tốt quanh năm, lại áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên xã Hà Lai đã lựa chọn vườn này làm điểm vườn mẫu theo tiêu chí của xã NTM nâng cao. Hằng năm, đã có nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Chủ vườn cũng là thành viên tích cực của Câu lạc bộ những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của huyện.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2025-01-15 10:01:00
Prudential khai trương Văn phòng Tổng đại lý theo mô hình mới tại huyện Thiệu Hóa
-
2025-01-15 07:38:00
Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị trong năm 2024
-
2024-05-17 16:31:00
DDCI: “Chìa khóa” tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cấp cơ sở
Xây dựng chính sách xứng tầm làm “bệ đỡ” cho công nghiệp chế biến, chế tạo
Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân
Nhiều ưu đãi nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Viettel
Bộ Tài chính thực hiện công khai các dự án đầu tư công giải ngân 0% kế hoạch
Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2024
Giảm 2 lần liên tiếp, giá xăng RON95-III lùi về ngưỡng 23.135 đồng/lít
Hiệu quả áp dụng công nghệ số trong quản lý vật tư thiết bị ở Nhà máy Thủy điện Trung Sơn
Đa dạng các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại xã Quảng Ninh
Phát huy vai trò chủ lực đầu tư nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn