(Baothanhhoa.vn) - 9 tháng năm 2021, Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP 8,06%, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ và nằm trong top đầu cả nước. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của sản xuất công nghiệp - lĩnh vực chiếm khoảng 35% cơ cấu tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.

Vững đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh: Bài 3 - Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất chủ lực

9 tháng năm 2021, Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP 8,06%, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ và nằm trong top đầu cả nước. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của sản xuất công nghiệp - lĩnh vực chiếm khoảng 35% cơ cấu tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.

Vững đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh: Bài 3 - Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất chủ lựcNhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 sắp hoàn thành đi vào hoạt động. Ảnh: Minh Hằng

Do những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trong tỉnh đã bị tác động nặng nề bởi các yếu tố nguyên liệu đầu vào, vận chuyển hàng hóa, thị trường, giá cả tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, trong thời điểm xảy ra đợt dịch bệnh thứ 4, trên địa bàn tỉnh đã có một số nhà máy, dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động do xuất hiện F0; một số huyện và TP Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong hoạt động vận chuyển, đi lại và sinh hoạt của người lao động.

Trong bối cảnh đó, với kinh nghiệm thực tế và nội lực sẵn có, nhiều DN đã chủ động xây dựng các phương án dự trữ nguyên liệu, tìm kiếm thị trường tiềm năng, đa dạng các kênh tiêu thụ hàng hóa; đồng thời, triển khai chặt chẽ các phương án phòng, chống dịch bệnh để duy trì sản xuất hiệu quả và bảo đảm an toàn cho người lao động. Ông Hoàng Tất Thành, Trưởng Phòng Doanh nghiệp và Lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) tỉnh, cho biết: Ý thức phòng, chống dịch là yếu tố then chốt để giữ vững và ổn định sản xuất, các DN tại KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh và Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh về phòng, chống dịch. Bên cạnh các đơn vị có điều kiện về cơ sở vật chất triển khai “3 tại chỗ”, hầu hết các DN trong KKTNS đều tuân thủ chỉ đạo theo phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến”. An toàn dịch bệnh và chủ động trong xây dựng kế hoạch khắc phục khó khăn, hoạt động sản xuất tại KKTNS&CKCN đã được giữ vững. Hiện nay, do nhu cầu sản xuất, hoàn thành đơn hàng ký kết và mở rộng thị trường tiêu thụ, các DN trên địa bàn KKTNS&CKCN đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 15.625 lao động.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua, Thanh Hóa được đánh giá trong 3/14 địa phương ở khu vực miền Trung duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao so với cùng kỳ, sau Hà Tĩnh và Quảng Nam.

Kết thúc 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Thanh Hóa tăng 15,26% so với cùng kỳ (con số này của cả nước là 4,14%). Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 6,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,96%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 20,93% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đạt 135.357 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ và đạt 83,6% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, sở dĩ tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đạt kết quả tốt nhờ động lực từ một số sản phẩm chủ lực được mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng trưởng tốt. Hiện, đã có một số sản phẩm đạt hoặc dự ước vượt kế hoạch sản xuất năm và tăng trưởng cao so với cùng kỳ, điển hình như: sản phẩm dầu ăn 130,7 triệu lít, đạt 158% kế hoạch; clinker 4 triệu tấn, bằng 143% kế hoạch; sắt thép ước 1,8 triệu tấn, bằng 138% kế hoạch. Một số sản phẩm tăng khá so cùng kỳ, như: xăng các loại 2,028 triệu tấn, tăng 7,5%; dầu diesel 3,205 triệu tấn, tăng 8,1%; đường kết tinh 96,8 nghìn tấn, tăng 25,1%; quần áo các loại 286 triệu cái, tăng 22%; xi măng 13,2 triệu tấn, tăng 4,9%... Bên cạnh đó, một số các nhà máy, dự án mới đi vào hoạt động cũng đã gia tăng sản lượng đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Từ rà soát, thống kê sản lượng, đơn hàng từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương đánh giá, đa phần các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều hoàn thành kế hoạch. Chỉ có 3 sản phẩm dự báo khó hoàn thành là điện sản xuất, bia, thuốc lá.

Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình trong nước, thế giới và thực tế bối cảnh của tỉnh, Thanh Hóa dự kiến GRDP năm 2021 sẽ tăng trưởng 12,3% trở lên. Trong đó, sản xuất công nghiệp được xác định là động lực sản xuất quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự báo tình hình thị trường, Sở Công Thương nhận định: Đối với lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có định hướng xuất khẩu như hàng may mặc, da giày, thép, xi măng... tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sẽ gia tăng trong giai đoạn kinh tế của các nước trên thế giới từng bước được phục hồi trong bối cảnh kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 sau tiêm chủng vắc-xin. Một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm, như: Trạm nghiền xi măng Long Sơn; dự án may mặc, da giày trên địa bàn các huyện Triệu Sơn, Yên Định..., sẽ gia tăng sản lượng hàng hóa công nghiệp của tỉnh.

Để cùng hỗ trợ các DN vượt khó, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của DN, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là các DN chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. Trước hết, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện khung y tế phòng, chống dịch để sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19, ổn định đời sống người lao động, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, DN bị tác động vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Nhóm PV Kinh tế



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]