(Baothanhhoa.vn) - Khoác ba lô về đến đồi “Ba cây thông” thì trời đã về chiều, Lừng ngồi ở triền đồi lấy lại sức. Kể từ lúc rời trận địa đi viện vừa tròn ba tháng. Lẽ ra Lừng có thể về tuyến sau an dưỡng. Như mấy thằng cha cùng điều trị dạy khôn: “Lấy cái giấy báo thương, uống ít ký ninh cho tim tăng nhịp rồi về trường đại học, cuộc chiến tranh biết đến bao giờ...”. Lừng buồn lắm. Họ là những chàng trai trẻ đã ngán bom đạn. Nằm thâu đêm bàn tán về đàn bà và hát những bài nhăng nhít. Nghe những câu ấy, Lừng không khỏi đỏ mặt. Mà tại sao cô y sĩ Thuý cứ cười bò, miệng thì bảo các anh im đi nhưng cứ ngồi nán lại. Lừng không hiểu được những điều lẩn khuất trong khối đời khổng lồ này... Lừng xin về trận địa trước cặp mắt trố ra nhìn của mọi người. Ở trận địa anh tìm thấy sự an toàn hơn. Anh nương tựa vào đồng đội... xốc lại ba lô, nín thở Lừng trèo dốc. Một thằng bạn nào hò một câu:

Vở kịch thiếu vai

Khoác ba lô về đến đồi “Ba cây thông” thì trời đã về chiều, Lừng ngồi ở triền đồi lấy lại sức. Kể từ lúc rời trận địa đi viện vừa tròn ba tháng. Lẽ ra Lừng có thể về tuyến sau an dưỡng. Như mấy thằng cha cùng điều trị dạy khôn: “Lấy cái giấy báo thương, uống ít ký ninh cho tim tăng nhịp rồi về trường đại học, cuộc chiến tranh biết đến bao giờ...”. Lừng buồn lắm. Họ là những chàng trai trẻ đã ngán bom đạn. Nằm thâu đêm bàn tán về đàn bà và hát những bài nhăng nhít. Nghe những câu ấy, Lừng không khỏi đỏ mặt. Mà tại sao cô y sĩ Thuý cứ cười bò, miệng thì bảo các anh im đi nhưng cứ ngồi nán lại. Lừng không hiểu được những điều lẩn khuất trong khối đời khổng lồ này... Lừng xin về trận địa trước cặp mắt trố ra nhìn của mọi người. Ở trận địa anh tìm thấy sự an toàn hơn. Anh nương tựa vào đồng đội... xốc lại ba lô, nín thở Lừng trèo dốc. Một thằng bạn nào hò một câu:

Vở kịch thiếu vai

Minh họa: MD

Nước sông đổ lộn nước đồng

Con gái... xóm núi gọi chồng bằng mi.

Gió vẫn lạnh lùng. Tết đến nơi rồi nhưng ở đồi cao như chưa có tiết xuân. Từ trong thung tiếng gió cuốn, ì ầm xa vời như tiếng động cơ máy bay... Không hiểu tết này có thằng nào được về tranh thủ không - Bọn “nhà văn khẩu đội” đã làm xong bích báo chưa, Lừng có đến ba bốn bài thơ rồi, nếu cần sẽ ký tên lung tung cho nó điệu bộ...

- Chúng mày ơi! Văn Lừng về kia rồi! - Khẩu đội réo vang tên Lừng như chào đón một tướng lĩnh đến trận địa.

- Trời ơi! Người anh hùng của đồi “Ba cây thông” về rồi!

- Có thuốc lào Quảng Xương không hở?

Chúng bế Lừng và ba lô đặt uỵch giữa công sự pháo. Chúng lộn tung ba lô ra như thể người nhặt thi thể sau trận đánh.

Bây giờ thì Lừng đã nhìn mặt từng đứa. Lừng rất sợ vắng bóng từng đồng đội. Lừng cười vang cả trận địa quên đi nỗi mệt nhọc:

- Chúng mày làm trò khỉ gì mà bôi mặt mũi lấm lem thế kia?

- Ôi nhà văn gì mà ngu lâu thế không biết. Đang nháp vai cho vở kịch giao thừa đấy!

- Vở gì các cậu? - Lừng hỏi.

-Vở kịch mà anh viết ấy! - Thằng Mến em út vẫn chưa chịu buông khỏi cổ Lừng nói.

- Quái thật, vẫn vở kịch “Khẩu đội và cô em gái” ấy à!

- Biết làm sao được, không ai viết được vở mới, đành bỏ luôn vai của cậu đi cho dễ.

- Thôi chúng mày... Tao có ít lương khô dành dụm ở viện đưa về, 709 đấy, liên hoan rồi sẽ nói chuyện kịch cạc...

Nhìn khuôn mặt nhọ nhem của đồng đội anh phải nén lại tiếng cười... trái tim Lừng mách bảo, ta về đây là đúng rồi...

* * *

Chuyện về vở kịch chẳng lấy gì làm lý thú lắm. Đơn vị phát động tiết mục tự biên tự diễn, khẩu đội cử Lừng viết. Như người ta chỉ cần một bài tấu loại trực ban ngủ gật, đi phép chậm ngày báo động đêm ngủ quên, hoặc quá lắm là mâu thuẫn nội bộ, giải quyết nội bộ, rồi thông cảm tiến bộ là cùng. Nhưng Lừng chơi trội làm cho mỗi pháo thủ một vai, thằng nào vai của thằng ấy - Nếu chỉ pháo thủ còn có gì thú vị, phải có “cô em cho nó tươi mát” - Ai lại lấy chuyện quan hệ của chính mình ra mà sáng tác chứ. Chuyện của Lừng với cô Sương trong hang đá, chả hiểu thế nào bị phát hiện. Thằng bố láo mới “hư cấu” ra cô Sương như người anh hùng không bằng. Vác đạn tải thương lại còn lo được cả cháo dê cho trận địa. Quân địch thì phao tin đồn nhảm, cô ta mà đuổi dê đi đến đâu là y như rằng bom bỏ vào trận địa... chính tay người yêu lại được giao cho việc hệ trọng phải kiểm tra xem trong phân dê có đặt máy phát tín hiệu không... Một tâm trạng thật khó tả... chú chàng yêu cô gái chăn dê kia lắm... sợ người yêu là gián điệp nhưng một bên là nhiệm vụ, sống còn của trận địa... Anh đành mò vào chuồng dê để kiểm tra... thật không may, có anh lính ở trận địa khác đến tán cô nàng, phát hiện ra có kẻ trộm dê... hô hoán cho dân quân trói dẫn ra làng... thật là bẽ bàng làm sao... Ai thanh minh cho nỗi niềm ấy? Nhưng rồi chuyện gì xảy ra tất yếu nó phải đến. Trong một trận chiến đấu, cô gái chăn dê kia đã tóm được tên giặc lái chui vào núp trong chuồng dê... Thằng Mỹ, xỏ thế nó cũng bắt chước tiếng dê kêu đến giỏi... Lừng nằm ốp bụng viết. Hắn viết thật xúc động. Hắn muốn nói cho mọi người tình yêu của mình và cô chăn dê kia là sáng đẹp. Hắn muốn tình yêu của mình cũng được bộc bạch ra cho mọi người hay... Ai ngờ cô Sương giận ra mặt. Anh nói anh yêu em thật, sao lại có chuyện đem ra mà bêu riếu nghề nuôi dê của cha em, thế còn nói chi cho nát chuyện, đằng này có đứa lại xui Sương lên báo cáo đơn vị, rằng anh Lừng đã bôi nhọ tình cảm quân dân... May cho Lừng cái trận máy bay thả bom bi ấy đã cứu được đàn bò và dê nhà Sương ở đồi Phân lân, chứ mối tình ấy tưởng đã tan rồi...

Lừng động viên cho Sương cùng khẩu đội diễn. Không anh nào chịu đóng thằng Mỹ cả, chúng nó viện lý mình nhỏ con vả lại không phải là kịch sỹ. Chúng nó đòi được đóng cặp người yêu cùng cô gái chăn dê... Lừng nát cả đầu óc mà chẳng tài nào tìm ra giải pháp. Chỉ còn cách điều đình cho cậu Mến đóng người yêu của cô gái thôi... Sương thì thào vào tai Lừng, cái đoạn hôn nhau là anh bảo với nó cấm đấy. Em nghe mấy ông lính nhà anh xui, cứ hôn thử, kịch ấy mà, không có khuyết điểm đâu...

May mà chưa kịp diễn thì Lừng đi viện...

* * *

Lừng hỏi Mến:

- Các cậu vẫn diễn vở cũ hả?

- Anh tính đào đâu ra vở mới!

- Thằng nào đóng người yêu của Sương?

- Em đóng! - Mến hăm hở nói.

- Thế Sương cũng chịu à?

- Đầu tiên chị ấy bảo ứ đóng, nhưng sau cả khẩu đội van nài nên mới xuôi!

- Xuôi là thế nào?

- Là giao hẹn đóng nhưng đến đoạn khó nhất thì...

- Thì làm sao?

- Thì nhanh nhanh chứ còn biết làm sao...

- Thế ai đóng vai giặc Mỹ.

- Phải nhờ ông anh nuôi trưởng thôi.

- Anh ta cũng chịu à!

- Chịu chứ... nghe đâu anh ta cũng rất thích đóng vai người yêu của chị Sương...

- Thế mà cũng nói chuyện... Tớ không nhất trí để các cậu được tự tiện thay tớ diễn đâu.

- Quái lạ!. Bây giờ khẩu đội thuộc lòng cả rồi cậu lại giở trò.

- Hay thế này!. Bọn mình bảo với anh nuôi trưởng để cậu đóng giặc lái Mỹ?

Lừng phì cười:

- Không được... vở kịch của tớ... tớ không cho ai được diễn cả.

- Hay là... - Thằng Mến chưa kịp nói hết câu.

- Cậu có không về nữa lại hóa hay... cậu toàn gây ra chuyện rắc rối...

- Hay là... Em không đóng vai đó nữa... vai đó để cho anh... có được không hở khẩu đội?

Lừng ôm lấy các bạn, nước mắt giàn giụa... Dẫu thế nào mình cũng về trận địa cơ mà!

* * *

Trời càng trở nên lạnh. Núi đá như bức tường thành chắn gió từ sông Mã thổi thốc về. Những đợt gió cuồng mù mưa thổi vào đồi “Ba cây thông” lạnh lắm. Ở các công sự một nòng pháo gác lên bờ công sự. Một đầu mũ sắt đính vào bên cạnh như thể gộp đá. Bất động. Tiếng gió thổi vào họng súng nghe man dại. Tiếng ca nô xa lắm từ sông Mã dội về nghe bồi hồi và nhớ nhung da diết. Ở góc trận địa, nơi khuất lấp hào giao thông, đặt những hòm đạn dự trữ, có tiếng thì thào. Nghe như tiếng của đất:

- Em bắt đền anh đấy!

- Anh đền cho em đây...

Sự khát khao của lời nói, sự dội lạnh của tiếng ca nô... Như âm bản nào xa xôi... mông lung... quạnh vắng...

- Tại sao không viết thư cho em?

- Có người anh nuôi rồi!

- Xấu... Ai bảo?

- Biết rồi!

- Không! Em không nghe anh nữa... Em về đây!

- Anh đùa một tý thôi!

- Kiểu đùa!

- Đền nhá...

Gió vẫn thở than thườn thượt... chỉ có những nòng pháo biết được hướng gió... Trong sự bất tận của lạnh lùng...

- Anh cũng diễn kịch cùng em đấy!

- Thật không?

- Thật!

- Anh đóng vai giặc chứ!

- Hừm...

- Anh có nói không, em về đây!

- Anh đóng vai người yêu của em...

- Rõ khéo... Anh ghen chắc?

- Anh thề là không!

- Có phải anh giành vai của Mến không?

- Không phải thế... cả khẩu đội yêu cầu anh mà!

- Anh sợ em... phải không?

- Đừng nói nữa... Anh buồn lắm!

Gió vẫn thổi vô hồi vào họng pháo. Những chiếc mũ sắt như những con mắt. Ca nô từ mạn sông Mã dội về... xa lắm như thể của miền ký ức...

* * *

Đã mười giờ rồi. Còn hai tiếng nữa là giao thừa. Khẩu đội của Lừng đang hóa trang để trình diễn. Chưa bao giờ Lừng thấy hạnh phúc như vậy. Lừng được diễn vở kịch do chính tay mình viết. Được đóng kịch cùng người yêu. Mai kia anh sẽ nói điều này cùng con cái mình. Rằng bố mẹ đã từng sống... từng yêu và khát vọng...

Lừng tìm được niềm ấm cúng nơi đồng đội, cả khẩu đội quây quần, ánh mắt chứa chan niềm vui.

- Xin giới thiệu vở kịch: Cô gái chăn dê và khẩu đội pháo... Tác giả Văn Lừng...

Tiếng vỗ tay vang cả trận địa.

Người ta nín lặng chờ đợi. Tiếng thì thào của họng pháo. Lừng xuất hiện. Sương xuất hiện. Mến xuất hiện. Các chàng pháo thủ xuất hiện...

Tiếng đổ vỡ của vỏ đạn pháo, báo động. Tiếng kéo đạn vào nòng pháo loạt xoạt. Tiếng hô bắn. Tiếng bom nổ...

* * *

Sau này Sương mới kể lại với tôi, người yêu của nàng đã ngã xuống vào đêm ấy... Tôi đã hỏi nàng một câu mà suốt đời ân hận:

- Thế em và khẩu đội có diễn vở kịch ấy không?

Tôi tưởng Sương giận. Nàng trả lời giọng buồn lắm.

- Có anh ạ! Phải sống để chiến đấu, diễn trong nước mắt. Còn vai của anh Lừng để trống...

Tôi ôm lấy nàng. Không biết được, ở mái tóc của em có mùi khói...

Truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]