Vệt buồn phân ly
Cưới nhau khi đang tuổi ăn tuổi lớn, rồi gồng gánh thêm lít nhít những đứa con nơi “rừng xanh núi đỏ”, đã có không ít ông bố, bà mẹ trẻ ở huyện vùng biên Mường Lát phải tha hương kiếm kế sinh nhai. Con đường ấy giúp có tiền, có gạo, có tương lai cho lũ trẻ phất phơ nơi quê nhà, nhưng không ít mái ấm đã tan vỡ từ những cuộc ly hương ấy.
Ly hôn là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của nhiều gia đình ở huyện vùng biên Mường Lát. (Ảnh minh họa)
Sau nhiều lần hòa giải của hai bên gia đình, rồi chính quyền địa phương, cuối cùng chuyện vợ chồng của Lâu Văn Sung và Thao Thị Lợ (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) ở xã Pù Nhi đã khép lại sau bản án của Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát. Sung và Lợ còn trẻ, khỏe, ai rồi cũng có thể đi tiếp bước nữa, lo hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng sau phiên tòa, những đứa con của họ, đứa được giao cho bố, đứa theo mẹ... khiến chúng đã phải chia lìa.
Sung và Lợ cùng tuổi (sinh năm 1999). Sung ở Pa Đén, xã Pù Nhi, còn Lợ người bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu. Như nhiều trai gái người Mông, năm 2015 lúc chưa đầy 16 tuổi, ưng cái bụng, họ được gia đình tổ chức đám cưới để về chung một nhà. Qua những mùa trăng, khi những rẫy sắn, nương ngô không thể đủ bữa cho gia đình 5 miệng ăn, hai người đã quyết định gửi 3 đứa con nhỏ nhờ ông bà nội nuôi nấng, rồi khăn gói ra Bắc Ninh làm công nhân từ khoảng năm 2018.
Thời gian đầu cuộc sống nơi đất khách, hai vợ chồng thuê chung một phòng trọ rồi chăm chỉ làm ăn. Năm vài lần, dịp nghỉ lễ, tết, họ dành thời gian về thăm nhà, chơi với những đứa nhỏ để vơi phần nhung nhớ. Có tiền, những đứa trẻ nhà Sung cũng có thêm bộ quần áo mới, được học hành, bữa cơm có thêm miếng cá, miếng thịt.
Nhưng rồi là công nhân, vợ ca ngày, chồng ca đêm, tối vắng chồng Lợ thường theo bạn đi chơi, mua những áo váy đắt tiền, làm móng tay, móng chân... Con gái Mông uống được rượu, Lợ còn được những người đàn ông, đàn bà trong xóm trọ rủ rê nhậu nhẹt giải sầu. Sau đó, người bản nói Lợ có bạn trai mới. Sung nhiều lần chạm mặt, nhưng khuyên mãi cũng chẳng được. Rồi anh đi tìm một cô gái Mông khác ở tận Điện Biên cùng công ty thi thoảng “trút bầu tâm sự”. Hạnh phúc rạn nứt từ đó, Lợ và Sung, mỗi người đều vun vén cho sự lựa chọn của riêng mình. Chỉ có những đứa trẻ của họ ở nhà chịu cảnh thiếu thốn, bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo. Kể cả họ, đến khi nộp đơn ra tòa ly hôn, tài sản chung chẳng có gì ngoài một chiếc xe máy cũ kỹ.
Khai trước Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát, Sung nói mình chẳng còn tình cảm với vợ. Còn Lợ cũng chẳng còn tình cảm với chồng. Bởi trước đó, dù chung nơi làm việc nhưng họ đã mỗi người một giường trên đất khách. Hai người thuận tình ly hôn. Biết tin, 3 đứa con gái, đứa đầu 9 tuổi, còn đứa út mới 6 tuổi, chúng lít nhít bủng beo, chẳng đứa nào không khóc.
Theo bản án của tòa, Sung nuôi 2 đứa, đứa đầu và đứa út. Còn Lợ nuôi đứa thứ hai. Sau phiên tòa, cả hai đều gửi chúng lại cho ông bà nội ngoại nơi núi rừng Mường Lát để tha hương. Từ một gia đình tuy nghèo nhưng đầm ấm, có bố có mẹ, giờ những đứa trẻ ấy bữa đến trường, bữa lang thang nơi góc rừng, xó núi. Chẳng ai biết, rồi cuộc sống của chúng sẽ về đâu.
Một cặp vợ chồng trẻ khác cũng đã phải nhờ tòa án giải quyết ly hôn là Vàng Thị Vảng và Cư A Ho (tên nhân vật đã được thay đổi - PV), cùng sinh năm 2000, ở bản Xi Lô, xã Mường Lý. Hai người được gia đình tổ chức đám cưới khi mới 14 tuổi, có với nhau 3 đứa con, 1 trai, 2 gái. Rồi Ho đi làm công nhân ở tỉnh Nam Định. Sống nơi đô thị hào nhoáng, phồn hoa hơn quê mình, Ho thấy nhiều phụ nữ hơn người vợ đầu bù tóc rối, nên nảy sinh thích thú... Rồi những cuộc gọi điện về thăm vợ con cứ thưa dần. Về sau, những đồng tiền Ho gửi về quê cũng nhỏ giọt dần. Năm mấy bận chồng về thăm, chẳng lần nào Vảng không khóc vì những quát mắng, đánh đập. Chị nghĩ, Ho chẳng quan tâm đến gia đình, không thương mẹ con chị nữa, lại hay quát mắng, đánh đập, nên viết đơn nhờ tòa án phân xử.
Sau ly hôn, cuộc sống của người phụ nữ ở huyện vùng biên Mường Lát đã khó lại càng khó khăn hơn.
Một ngày mây u ám năm 2023, Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát mở phiên tòa xét xử việc tranh chấp ly hôn và nuôi con chung của họ. Cư A Ho vẫn vắng mặt dù đã được tòa thông báo triệu tập nhiều lần. Căn cứ theo nguyện vọng và điều kiện của hai người, hội đồng xét xử đã quyết định cho người mẹ được nuôi 3 con nhỏ. Chị mang con về quê mẹ ở Suối Phái, xã Tam Chung rau cháo nuôi nhau.
Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát Nguyễn Tiến Dũng buồn rầu, cho biết: Số vụ ly hôn của vợ chồng trẻ trên địa bàn huyện đang tăng trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2023 Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát đã thụ lý, giải quyết 49 vụ án hôn nhân gia đình, tăng 10 vụ so với năm 2022. Từ ngày 1/10/2023 đến 20/3/2024 đã thụ lý, giải quyết 30 vụ hôn nhân gia đình. Chưa kể, án loại này tăng vào dịp cuối năm; và hầu hết số vụ ly hôn là thuận tình của những cặp vợ chồng tuổi 9x hoặc 2k.
Phía sau mỗi phiên tòa, nguyên nhân ly hôn được khái quát là do bất đồng quan điểm, không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng thường xuyên cãi vã... Nhưng cái gốc của vấn đề, theo ông Nguyễn Tiến Dũng có một phần là họ kết hôn còn quá sớm, khi kiến thức, kỹ năng, sức khỏe còn chưa đảm bảo. Phần lớn số vụ này là tảo hôn, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Và khi đang còn tuổi ăn tuổi chơi, có thêm những đứa trẻ, lại thiếu kiến thức, nên những ông bố, bà mẹ ấy dễ dàng buông bỏ gia đình cũng là điều dễ hiểu.
Có một thực tế khác, theo tính toán sơ bộ của Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát, trong số những vụ ly hôn trẻ mà tòa thụ lý, giải quyết trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 thì số cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng hoặc cả hai đi làm ăn xa chiếm đến quá nửa.
Tôi nhớ lại một ngày đông, chứng kiến cảnh một bé trai người Mông chừng 5 tuổi vừa dùng tay áo quệt nước mắt trên gò má xanh xao, vừa phải dỗ dành đứa em đang òa khóc trên sân tòa. Bên trong, phiên tòa sơ thẩm vụ ly hôn của bố mẹ chúng vẫn phải diễn ra. Dẫu biết pháp luật thượng tôn, những ông bố, bà mẹ được quyền ly hôn khi hạnh phúc không còn cứu vãn, nhưng chúng tôi đứng đó, lòng vẫn thắt lại trong trời lạnh giá...
Bài và ảnh: Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-12-15 22:10:00
Human Act Prize 2024: Kết nối nguồn lực, lan tỏa cảm hứng, kiến tạo cộng đồng
-
2024-12-15 18:56:00
Tất bật ở “thủ phủ’ đào phai hoa kép xứ Thanh
-
2024-03-30 14:31:00
Trường Sơn - Cảm xúc ngày trở lại
Những con đường “thay áo mới”
Ai cũng giữ lý, thì sẽ có người phải chịu thiệt
Huyện Triệu Sơn lý giải nguyên nhân phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối chuyển trường
[Góc nhìn]: Ngăn bạo bệnh
Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2026 giữa Hội LHPN tỉnh và Tổ chức TCVM Thanh Hóa
Tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
Mưa đá, lốc xoáy gây thiệt hại tại xã Yên Nhân
Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an xã
Đẩy mạnh phong trào trồng rừng, trồng cây đầu năm