(Baothanhhoa.vn) - Cứ đúng ngày 8-2 âm lịch hằng năm, lễ hội truyền thống làng Duy Tinh – chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (xã Văn Lộc, Hậu Lộc) lại tưng bừng khai hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội truyền thống làng Duy Tinh - chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

Cứ đúng ngày 8-2 âm lịch hằng năm, lễ hội truyền thống làng Duy Tinh – chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (xã Văn Lộc, Hậu Lộc) lại tưng bừng khai hội.

Lễ hội truyền thống làng Duy Tinh - chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

Rước kiệu tại lễ hội truyền thống làng Duy Tinh - chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh.

Làng văn hóa Duy Tinh là lỵ sở của Thanh Hóa qua hai triều đại Lý – Trần. Đây là một ngôi làng cổ hơn ngàn năm tuổi và là làng văn hóa tiêu biểu trong cả nước trong những năm 90 của thế kỷ XX. Duy Tinh còn là nơi cảnh quan đẹp, giao lưu buôn bán sầm uất, rộng lớn của một vùng, như lời cổ còn ghi:

“Duy Tinh giáp bộ, giáp phường

Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường

giao thông

Vui thay trên bến dưới sông

Thuyền bè tấp nập theo dòng

về đây”.

Nhắc đến làng văn hóa Duy Tinh không thể không nhắc đến chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh – ngôi chùa cổ có từ thời Lý, nơi thờ vị anh hùng Lý Thường Kiệt. Trải bao năm tháng tác động của thời tiết, chiến tranh, nhiều hạng mục trong ngôi chùa đã bị hư hỏng, xuống cấp. Song, được các cấp chính quyền, giáo hội phật giáo, sự hảo tâm của các tổ chức, cá nhân và nhân dân đóng góp, đến nay ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo khang trang nhưng vẫn giữ được nét uy nghi, cổ kính. Từ năm 1995 đến nay, chùa đã được đầu tư trùng tu, nâng cấp, xây mới nhiều hạng mục công trình như: Mở rộng khuôn viên, nâng cấp sân, đường đi lối lại trong chùa, xây cầu vòng bằng đá bắc qua hồ sen, xây hai dãy nhà hai bên to cao ngoảnh mặt vào nhau dùng để thờ các vị khai sinh ra chùa; đồng thời là nơi làm việc, tiếp khách, nơi nghỉ của các sư. Trùng tu to cao hơn, nhưng kiểu cách kiến trúc chùa vẫn không có gì thay đổi. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, là một trong số rất ít chùa cổ có từ thời Lý còn lại ở Thanh Hóa. Chùa còn nhiều hiện vật cổ quý hiếm như: Kiểu dáng kiến trúc, tượng Phật, tấm bia thời Lý (khắc năm 1118), tấm bia thời Lê (khắc năm 1604), bệ đá hình sư tử đội tòa sen, các tượng gỗ có từ thế kỷ thứ XVII, chuông đúc thời Gia Long (năm 1818), ngói lá đề, gạch hoa thời Lý... Năm 1990, chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lễ hội truyền thống làng Duy Tinh - chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là sự kết hợp giữa chùa và nhân dân làng Duy Tinh, suy rộng ra là sự gắn kết giữa đạo Phật và dân tộc Việt Nam. Lễ hội là một hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua lễ hội để tưởng nhớ, tri ân tới công đức cao dầy của các thánh nhân, tiền bối, các danh nhân văn hóa, các vị anh hùng liệt sĩ, những người đã khai sinh, khai sáng cho quê hương, đất nước. Đồng thời, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa tiên tiến, đậm đà dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng và tham quan di tích lịch sử văn hóa của nhân dân và du khách.

Lễ hội truyền thống làng Duy Tinh - chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh năm nay được tổ chức trong 2 ngày 8 và 9 tháng 2 Kỷ Hợi. Trước ngày lễ hội, nhân dân chuẩn bị dựng rạp, kiệu, cáng, quần áo, mũ... Nhà chùa chuẩn bị đúc oản, đồ lễ, bánh trái... Phần lễ được tổ chức với các nội dung như: Khai mạc, rước kiệu. Đi đầu đoàn rước kiệu là đoàn múa kỳ lân, sau đó lần lượt có kiệu song loan, rước thần Cao Sơn, do 4 người khiêng. Đi trước kiệu là người cầm bảng có chữ “Thượng đẳng tối linh thần”, tiếp đó là đoàn người cầm gươm, giáo, cờ... Đi sau kiệu song loan là đoàn tế của các cụ trong làng, tiếp đến là đội bát âm cử nhạc lưu thủy, kiệu bát cống, rước Đức Thánh Bà Hoàng Cảm Linh Nhâm. Đi trước kiệu là đoàn tế nữ quan, cáng rước Đức Thánh Mẫu, đi trước cáng là 12 cô gái trẻ đẹp, sau cùng là dân làng, khách thập phương. Kiệu được rước bắt đầu từ chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, đi vòng quanh làng, rồi lại trở về chùa, ở chùa sẽ tổ chức đại tế. Vào phần hội sôi nổi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, cờ tướng, bắt trạch trong chum, thi nấu cơm chạy thẻ, thi đấu môn bóng cửa, bóng chuyền, giao lưu môn bóng đá và văn nghệ giữa các làng... thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Không chỉ có ngày lễ hội truyền thống, vào ngày rằm, mùng 1, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh vẫn tấp nập khách hành hương tế lễ, niệm phật, cầu quốc thái dân an, vạn vật tốt tươi, muôn sự tốt lành. Hương thơm danh tiếng của ngôi chùa cổ linh thiêng vẫn mãi còn đằm sâu trong tâm thức nhân dân.

Ông Luyện Hữu Công, Chủ tịch UBND xã Văn Lộc cho biết: Việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm của làng và của chùa là dịp để nhân dân ôn lại truyền thống, đồng thời đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với những giá trị tiêu biểu đặc sắc ấy, mới đây, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân cùng nhau vun đắp, gìn giữ và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài Và Ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]