(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví âm nhạc dân gian xứ Thanh như một bản hòa tấu đa sắc, đa thanh thì âm nhạc dân gian của mỗi một tộc người thiểu số trên mảnh đất ấy như những giai điệu trong trẻo, mát lành, vừa mang những nét tương đồng nhưng lại cũng rất độc đáo, rất riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khua luống - thanh âm bản làng người Thái

Nếu ví âm nhạc dân gian xứ Thanh như một bản hòa tấu đa sắc, đa thanh thì âm nhạc dân gian của mỗi một tộc người thiểu số trên mảnh đất ấy như những giai điệu trong trẻo, mát lành, vừa mang những nét tương đồng nhưng lại cũng rất độc đáo, rất riêng.

Khua luống - thanh âm bản làng người Thái

Khua luống của đồng bào người Thái ở xã Xuân Phúc (Như Thanh).

Nào tiếng cồng, tiếng chiêng trầm ấm vang lên trên khắp các bản Mường; tiếng khèn lá, kèn môi dìu dặt, thiết tha theo chân chàng trai, cô gái người Mông hò hẹn; nào tiếng sáo, tiếng khèn bè, tiếng khua luống của đồng bào dân tộc Thái như hòa cùng điệu múa xòe làm nên điệu hồn ngây ngất, đắm say lòng người. Giữa sự đa dạng của các loại nhạc cụ ấy, khua luống là nét đẹp văn hóa truyền thống điển hình của đồng bào người Thái ở xứ Thanh.

Khua luống hay còn gọi là quánh long, là một loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào người Thái nói chung và đồng bào người Thái ở tỉnh Thanh nói riêng. Cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, khua luống có nguồn gốc từ đời sống lao động sản xuất, gắn liền với hoạt động giã gạo của những người phụ nữ Thái. Hằng ngày, khi những nếp nhà của bản vẫn còn vùi mình say ngủ trong sương mù bảng lảng, người phụ nữ Thái đã phải thức dậy, bắt đầu một ngày làm việc của mình bên luống giã gạo. Nhịp chày giã gạo lúc khoan thai, lúc lại dồn dập. Cũng có những lúc ngẫu hứng, nhịp chày phá cách khua vào thành luống hoặc khua vào nhau tạo nên âm thanh rộn ràng.

Về mặt cấu tạo, khua luống thường được làm từ nửa thân khúc gỗ có đường kính khoảng 60 – 70cm, dài khoảng 3m. Phần thân trên của khúc gỗ dùng để khoét lòng máng; phần thân dưới được vạt ở hai đầu, nhìn xa trông giống như chiếc thuyền độc mộc. Ở đầu luống có đục một cái lỗ tròn, đường kính và chiều sâu khoảng 10cm. Người Thái khi làm luống thường sử dụng các loại gỗ: Kiêng, mít, sú... Gỗ làm luống phải được chọn từ thân cây già, đoạn gần gốc cây thì khi khua tiếng mới đanh và vang. Chày khua luống là một đoạn gỗ tròn dài khoảng 1 – 1,4m, đường kính khoảng 6-7cm; đoạn giữa của chày được tiện gọt khoảng 10cm, đường kính còn lại khoảng 3-4cm, chia chày làm hai đoạn bằng nhau, phần thắt eo này giúp tay cầm chày được thoải mái và chắc chắn hơn. Âm thanh của khua luống được tạo ra theo nhịp chuyển động của người cầm chày khua vào luống. Mỗi một chuyển động như thế sẽ tạo nên những âm sắc khác nhau. Khi khua chày vào thành luống, âm thanh phát ra nghe lách cách rất vui tai nhưng khi chày khua vào lòng luống, âm thanh nghe được lại trở nên trầm ấm, sâu lắng. Theo cặp đôi, đầu chày khua vào nhau tạo ra âm thanh giòn giã, sinh động.

Khác với đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu hay một số nơi thuộc vùng núi phía Bắc nước ta cũng có khua luống nhưng quy định số người chơi phải chẵn và cân đối, tham gia khua luống của đồng bào Thái xứ Thanh thường là phụ nữ với số lượng từ 10 người trở lên. Khi tổ chức khua luống bao giờ cũng chia thành hai bè tiết tấu. Một bè do người làm “cái” thực hiện, một bè do những người làm “con” thực hiện. Người làm “cái” là người “cầm chịch” điều khiển việc thay đổi tiết tấu của luống. Ngoài việc dẫn dắt nhịp độ và thực hiện những tiết tấu thông thường của điệu luống, người làm “cái” còn phải đảm nhiệm gõ những tiết tấu phức tạp hơn so với mọi thành viên khác như đảo phách, nghịch phách... làm phong phú thêm cho thanh âm của các điệu luống. Người làm “con” thường được tổ chức thành từng đôi, mỗi luống có từ 1 đến 4 đôi con. Những người làm “con” thực hiện 1 bè tiết tấu và chịu sự chi phối của người làm “cái”. Bè của người làm “cái” và những người làm “con” bao giờ cũng kết hợp với nhau tạo thành tiết tấu đa dạng, hòa quyện. Cùng hòa tấu với luống còn có bộ coong giàm gồm: 1 trống cái và 4 cồng chiêng. Tất cả cồng chiêng và trống khi hòa tấu đều được treo trên giá, mỗi loại chỉ có duy nhất 1 người chơi. Khua luống của người Thái ở xứ Thanh về cơ bản đều giống nhau nhưng mỗi nơi lại vẫn có phương thức khác nhau để thể hiện bản sắc của mình, chủ yếu trên các phương diện: Hòa tấu, âm điệu, tiết tấu, số lượng bài bản... Ở Thanh Hóa, sự khác biệt đó được biểu hiện khá rõ ngay trong mỗi huyện, thậm chí mỗi bản, mường. Chẳng hạn, so với điệu luống ở xã Tân Thành (Thường Xuân), khua luống ở xã Luận Khê (Thường Xuân) tuy cùng một huyện nhưng có nhiều điểm khác nhau. Về số lượng, làn điệu và người chơi: Khua luống ở xã Tân Thành có 16 điệu, thường có từ 7 người chơi nhưng khua luống ở xã Luận Khê chỉ có 12 điệu với ít nhất 6 người chơi. Nói vậy để thấy được rằng, khua luống vừa có sự đa dạng lại vừa có sự thống nhất làm nên tính nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn không phải loại nhạc cụ dân gian nào cũng có được.

Trong đời sống văn hóa của người Thái xứ Thanh, khua luống thường được diễn tấu trong các dịp vui xuân, đón tết, lễ hội hoặc trong bản có các sự kiện vui, buồn như đám cưới, đám tang với nhiều điệu luống khác nhau như: Luống trong đám cưới (Loong chính một, Loong chính soỏng, Loong chính sảm); luống trong ngày tết (Loong chính si, Loong tạp xạc, Loong pha lươm); luống chào khách, luống chúc sức khỏe (Loong chính boong bù); luống chia tay (Loong cam quảng)... Tuy nhiên có một điều tối kỵ trong tâm niệm của người Thái là không được làm luống trùng với năm làm nhà. Nếu trong năm làm nhà mà không có luống hoặc luống hỏng thì đi giã nhờ gạo hay xin luống cũ về dùng, chờ năm sau mới làm. Đồng bào người Thái xứ Thanh quan niệm rằng: Luống có hình dáng giống chiếc quan tài của người chết nên phải tránh làm nhà trùng với năm làm luống nếu không gia chủ sẽ gặp nhiều rủi ro trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Trong cuốn “Âm nhạc dân gian xứ Thanh” do Nhà Xuất bản Thanh Hóa ấn hành, các tác giả Nguyễn Liên, Hoàng Minh Tường đã có những nhận định rất tinh tế: “Văn hóa phản ánh hiện thực của cuộc sống qua từng thời kỳ lịch sử, trong đó âm nhạc dân gian là một bộ phận cấu thành văn hóa”. Thực tế cho thấy, âm nhạc dân gian của mỗi tộc người xứ Thanh chính là tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất, con người, phương thức sống và cuộc đấu tranh vật lộn với tự nhiên – xã hội khắc nghiệt để có thể trụ vững, tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước. Khua luống cũng vậy. Theo thời gian, từ hoạt động giã gạo đơn thuần, khua luống đã trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm tính nghệ thuật. Từ những thanh âm tưởng chừng như đơn điệu, qua năm tháng, khua luống đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Thái xứ Thanh. Người Thái qua bao nhiêu thế hệ vẫn đau đáu gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp trong nghệ thuật khua luống để thanh âm của bản làng vang mãi cùng đại ngàn bao la.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài Và Ảnh: Nguyên Linh

Từ khóa:Đồng bào

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]