Về đất Đạt Tài
Làng Đạt Tài (xã Hoằng Hà, Hoằng Hóa) là vùng đất cổ yên bình với không gian văn hóa làng truyền thống và những mỹ tục đặc sắc được người dân giữ gìn, trao truyền qua thời gian. Nhắc đến Đạt Tài, ta còn nhớ đến làng quê xứ Thanh có nghề mộc phát triển suốt hàng trăm năm, tiếng vang khắp xa gần.
Trong nhịp chảy trôi của đời sống hiện đại, làng Đạt Tài đang đổi thay, phát triển từng ngày. Ảnh: Khánh Lộc
Theo các tài liệu lưu truyền tại địa phương, vào khoảng thời Lý, một nhóm người làm nghề chài lưới đã theo sông Tuần Ngu (một nhánh của sông Mã) mưu sinh. Đến vùng đất Đạt Tài thấy nơi đây trũng thấp, nhiều tôm cá nên đã dừng chân gây dựng cơ nghiệp, lập nên xóm làng, gọi là Kẻ Trể. Sau đó, là làng Trể, rồi Nặc Tài Trang.
Vào cuối thời Trần, tình hình đất nước nhiều bất ổn khiến cho nhiều dòng họ ngoài phía Bắc phải di dời, chạy vào phía Nam. Vùng đất Nặc Tài Trang bấy giờ cũng trở thành chốn tìm về, dừng chân của những gia đình trốn chạy tao loạn. Đến khoảng đầu thế kỷ XVI, một tốp thợ mộc từ đất Ý Yên (Nam Định) vào xứ Thanh làm nghề. Thấy nơi đây địa thế thuận lợi, người thợ cả đã quyết định ở lại, dựng nhà, lập gia đình, làm nghề và truyền nghề cho người dân Nặc Tài Trang. Về sau, Nặc Tài Trang được đổi tên thành Đạt Tài.
Thợ mộc Đạt Tài không chỉ giỏi làm đình, chùa, nhà thánh, mà còn giỏi đóng tủ, giường, bàn ghế... Tương truyền, khi Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh qua đất Đạt Tài, trước danh tiếng cũng như sự tài hoa, khéo léo của người thợ nơi đây, ông đã “để lại” ở văn chỉ làng đôi câu đối: “Thiện tích thông minh Hoằng Hóa dục/ Thánh phù công dụng Đạt Tài năng”, được hiểu là: Trời phú thông minh, Hoằng Hóa phát/ Thánh phù công dụng, Đạt Tài lừng danh (theo sách Lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Hà).
Sách Lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Hà chép: Nghệ nhân làng nghề Đạt Tài từng đảm nhiệm thi công nhiều công trình kiến trúc lớn, mang giá trị nghệ thuật cao, như tổ thợ ông Lê Văn Phan trùng tu Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội... Dấu tích bàn tay tài hoa của thợ mộc Đạt Tài đang còn tồn tại ở công trình kiến trúc lớn là ngôi đền Trà Cổ ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Khi làm xong công trình, tốp thợ nghệ nhân Đạt Tài đã làm bức hoành phi đề bốn chữ cổ: Nam - Sơn - Tịnh - Thọ lưu niệm lại đền Trà Cổ với ý nghĩa ngôi đền sẽ bền vững mãi mãi như núi nước Nam.
Và ngay ở xứ Thanh, khi ghé thăm những công trình kiến trúc cổ xưa, không khó để hậu thế “bắt gặp” dấu tích của nghề mộc Đạt Tài. Một lần ghé thăm đình làng Phú Điền - một di tích kiến trúc gỗ bề thế, chắc chắn với nhiều mảng chạm khắc gỗ tinh xảo, được nghe người dân giới thiệu, ngôi đình cổ có công sức không nhỏ của người thợ mộc làng Đạt Tài. Đặc biệt, sự nổi tiếng của người thợ Đạt Tài còn được khẳng định ở không ít các công trình nhà gỗ truyền thống với tuổi đời cả trăm năm còn lưu giữ ở nhiều làng quê xứ Thanh.
Người Đạt Tài vẫn thường tự hào, dù có theo nghề, mưu sinh bằng nghề hay không, nhưng đã là nam giới là phải biết đến đục, chạm... Dẫu vậy, nghề mộc ở làng Đạt Tài không phải lúc nào cũng phát triển rực rỡ. Đã từng có những giai đoạn vì nhiều nguyên do, nghề truyền thống của làng rơi vào trầm lắng. Nhưng tình yêu, đam mê với nghề đã giúp người dân giữ và sống bằng nghề. Ông Nguyễn Đình Kiên, trưởng làng Đạt Tài cho biết, hiện nay ở Đạt Tài có khoảng 70% hộ dân làm nghề mộc.
Cùng với làm nghề mưu sinh, các thế hệ người dân Đạt Tài còn chung tay tạo dựng, vun đắp nên những công trình kiến trúc gỗ đẹp trên quê mình. Xưa kia “làng Đạt Tài có 4 đình, 3 nghè, 2 chùa, 1 đền và 1 văn chỉ. Ở mỗi giáp có 1 đình, là đình Hưng, đình Tây, đình Đông, đình Quán. Mỗi đình thường từ 5 đến 7 gian...” (sách Lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Hà). Cùng với đình, nghè là không gian thiêng, nơi người dân Đạt Tài thờ các vị thần. Đáng tiếc, nhiều công trình kiến trúc giá trị ở Đạt Tài đến nay đã không còn.
Bên cạnh nghề mộc lâu đời, ở Đạt Tài còn có lễ hội vật cù truyền thống. Theo các bậc cao niên trong làng, không ai biết đích xác lễ hội vật cù có từ bao giờ. Dân gian kể rằng, thuở xa xưa ở vườn làng có 3 con sư tử thường vờn cù, chơi đùa cùng nhau, gọi là “hý cù”. Nương theo tích đó, người Đạt Tài đã cùng nhau tổ chức trò chơi - lễ hội vật cù vào dịp đầu xuân, gửi gắm ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, người dân làm nghề thuận lợi.
Lễ hội vật cù làng Đạt Tài diễn ra vào ngày mùng 2 tết. Khác với các lễ hội truyền thống thường diễn ra vào buổi sáng, lễ hội vật cù làng Đạt Tài lại bắt đầu vào chính ngọ (12 giờ trưa). Lúc này, người dân lên nghè Tây kính cáo Thành hoàng làng. Những trai đinh khỏe mạnh đảm nhận việc rước kiệu Thành hoàng và rước cù từ nghè Tây lên chùa Quán. Sau các nghi lễ thành kính, người dân tập trung về sân đình cùng đua tài tranh cù.
Trong nhịp chảy trôi của đời sống hiện đại, ta cảm nhận được Đạt Tài đang đổi thay, phát triển từng ngày. Tiếng đục, tiếng chạm, tiếng máy xẻ gỗ vang vọng từ ngõ nhỏ đến đường lớn khắp làng, mang theo niềm vui, gửi gắm tâm huyết và khát vọng thịnh vượng của người dân làng mộc truyền thống xứ Thanh.
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-05-31 15:15:00
Thám hoa Mai Anh Tuấn - “sĩ phu có khí phách”
Dấu ấn Võ quan Tào sơn Hầu trên đất Ngàn Nưa
Khai quốc công thần Nguyễn Lý - Vị tướng tài ba
Về nghe trống hội cung đình Hoằng Phú
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên
Trên đất Bàn Thạch xưa
Về thăm Đền thờ Tiến sỹ Đào Xuân Lan
Thái úy Hà Thọ Lộc: Người con ưu tú của đất Mường Khoòng
Trên quê hương anh hùng Nguyễn Bá Ngọc
Tướng quân Phan Độc Giác trên đất Đông Hoàng