(Baothanhhoa.vn) - Chẳng biết tự bao giờ, mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Mùa xuân như đồng hiện cùng thi ca, song hành suốt chiều dài lịch sử văn học. Trong thơ mới, mùa xuân được khắc họa phong phú, đa tầng, đa nghĩa với nhiều cách tân, sáng tạo, độc đáo ở cả nội dung, hình thức, tư tưởng... Giữa vườn xuân đa sắc, đa hương, Xuân Diệu xác lập cho mình một vị thế đặc biệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu

Chẳng biết tự bao giờ, mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Mùa xuân như đồng hiện cùng thi ca, song hành suốt chiều dài lịch sử văn học. Trong thơ mới, mùa xuân được khắc họa phong phú, đa tầng, đa nghĩa với nhiều cách tân, sáng tạo, độc đáo ở cả nội dung, hình thức, tư tưởng... Giữa vườn xuân đa sắc, đa hương, Xuân Diệu xác lập cho mình một vị thế đặc biệt.

Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu

Vẻ đẹp, sức sống mùa xuân trên rực rỡ sắc hoa đào.

Cuốn sách “Văn học Việt Nam (1900–1945)” của các tác giả Phan Cự Đệ - Trần Đình Hượu – Nguyễn Trác – Nguyễn Hoành Khung – Lê Chí Dũng – Hà Văn Đức”, NXB Giáo dục Việt Nam nhận định: “Thơ mới lãng mạn ra đời cũng mang theo một cái “tôi” cá nhân, một cái “tôi” cá thể hóa trong cảm thụ thẩm mỹ. Cái “tôi” trong thơ mới, ở một chừng mực nào đó, đã nói lên được một nhu cầu lớn về mặt giải phóng tình cảm, phát huy bản ngã, tự do cá nhân”... “Trong những khát vọng của cái “tôi” cá nhân, thơ mới lãng mạn tập trung đấu tranh cho quyền tự do yêu đương, cho lối cảm xúc riêng, cho cái nhìn cá thể hóa, cho sự đổi mới thi pháp và tư duy thơ, cho sự sáng tạo những hình thức biểu hiện phong phú, mang sắc thái độc đáo của phong cách cá nhân”... Ở đó, phong trào thơ mới đã làm một cuộc cách mạng trong thi pháp và tư duy thơ, đã đưa ra một cái nhìn cá thể hóa về thiên nhiên, tạo vật thông qua cái tôi chủ thể - trữ tình. Không có hiện tượng đối lập giữa phương tây và phương đông, hiện đại và truyền thống thơ mới. Thơ mới là một tổng hợp tài tình đông và tây, dân tộc và hiện đại, từ đó mở ra “một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh), mở đầu cho sự phát triển của thi ca Việt Nam hiện đại.

“Xuân và ý niệm thời gian trong thơ mới 1932–1945” in trong cuốn sách “Những thời xanh tráng lệ - Khảo luận văn học Việt Nam tiền chiến”, NXB Văn học, TS. Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội) đã sâu sắc chỉ ra rằng: “Cảm thức “Xuân” trong thơ mới như là một ý niệm, một tri thức của loại hình. Xuân ở đây không chỉ là mùa (thời gian tự nhiên, vật lý), nó còn hàm nghĩa những giá trị thuộc về bản sắc cá thể, về cuộc đời, về giá trị quan, thẩm mỹ quan của con người cá nhân tư sản trong môi trường đô thị kiểu phương tây thời thơ mới”.

Nói cách khác, xuân là một phạm trù có tính biểu trưng trong tư duy, mỹ cảm của thi sĩ thơ mới. Từ đó, thơ mới phân biệt với thơ trung đại, khẳng định tư cách hiện diện của mình trên diễn trình thi ca dân tộc”. Theo TS. Nguyễn Thanh Tâm, “trong hình dung để mô tả, xuân trong thơ mới bao gồm các nét nghĩa: Thời gian vật lý (mùa – danh từ), đặc tính của thời gian (đẹp, hài hòa, ấm áp, đầy màu sắc – tính từ), đặc tính của con người (tuổi trẻ, tình yêu, xuân tình – tính từ)”. Lần giở lại những trang thơ mới, đọc lại những thi phẩm viết về mùa xuân của nhiều chân dung văn học nổi bật đã góp phần làm nên “một thời đại trong thi ca” để cảm nhận rõ sự cuốn hút, độc đáo, hấp dẫn từ sắc xuân, khí xuân ấy. Xuân Diệu – “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “ông hoàng thơ tình” ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ độc giả bởi những vần thơ. Cùng với tình yêu, mùa xuân hiện diện trong thơ Xuân Diệu với đủ đầy những cung bậc cảm xúc, từ thanh tân, mơn mởn, căng tràn nhựa sống đến sự chuyển hóa, tàn phai, từ tha thiết, rạo rực, đắm say đến hoài niệm, khao khát, nuối tiếc.

Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu, với ý nghĩa là thời gian vật lý (mùa – danh từ) bao giờ cũng đẹp đến nao lòng. Khí xuân, sắc xuân căng tràn, vừa gợi lên nét thanh tân, dịu dàng mà cũng không kém phần ngọt ngào, quyến rũ: Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si/ Và này đây ánh sáng chớp hàng mi/ Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa”. Mùa xuân đẹp đến nỗi tiếng thơ bật lên như lời cảm thán, ngỡ ngàng: “Trời xanh thế! Hàng cây thơ biết mấy!/ Vườn non sao! Đường cỏ mộng bao nhiêu” (Xuân đầu).

Như đã nói ở trên, mùa xuân là mạch nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Thơ mới cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, thơ mới mang đến một diện mạo xuân, hồn xuân khác hẳn so với thời kỳ văn học trước đó. Cái khác biệt ấy từ đâu mà có nếu không phải là tâm thế của chủ thể sáng tạo đã khác. Mỗi chủ thể là một cá tính sáng tạo, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, là thế giới quan, nhân sinh quan khác biệt được hình thành từ tri thức, quan điểm, tình cảm riêng khác. Mùa xuân trong thơ mới hiện diện như là “đặc tính của tuổi trẻ, tình yêu, xuân tình – cái phần non tươi, ngọt ngào, đẹp đẽ, hấp dẫn, đáng sống, đáng hưởng thụ và cũng đáng tiếc, đáng thương xót, ngậm ngùi (khi đi qua) nhất của con người, cuộc đời”: “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi/ Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi” (Nguyên đán). “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu/ Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều/ Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.../ Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa/ Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta/ Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa/ Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng” (Xuân không mùa).

Cái xuân tình ấy được Xuân Diệu lẩy lên qua những vần thơ: “Giữa vườn inh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi/ Mùa xuân chín ửng trên đôi má/.../ Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười (Nụ cười xuân); “Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng/ Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/ Cho no nê thanh sắc của thời tươi/ - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” (Vội vàng)... Vời vợi xuân là khi “ông hoàng thơ tình” viết: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Chỉ bằng một câu thơ, Xuân Diệu đã nâng tầm cả mùa xuân của đất trời. Cái sự “ngon” ấy không còn thuộc về đặc tính của thời gian vật lý, vượt thoát ra khỏi khuôn khổ bàn tay tạo hóa. Đó là xuân của lòng người, là sự tinh tế, táo bạo, mới mẻ trong cách tri nhận, bày tỏ cảm xúc, thi liệu.

Trong thơ Xuân Diệu nói riêng, thơ mới nói chung, khi viết về mùa xuân luôn tồn tại hai thái cực trong cảm xúc. Song hành với cái rạo rực, say đắm thì luôn tồn tại một nỗi thấp thỏm, lo âu, tiếc nuối trước sự chảy trôi của thời gian, hữu hạn của xuân: “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian/ Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại/ Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi/ Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời” (Vội vàng). Xuân không là bất biến cũng giống như tuổi trẻ, tình yêu không là vĩnh hằng, đời người hữu hạn trước cuộc sống vô thường: “Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng!/ Những mặt hồng chia rẽ hết cười” (Xuân rụng).

Ám ảnh về thời gian là tuyến tính, quy luật khắc nghiệt của tạo hóa cũng chính là đang nhận thức sâu sắc về cái tôi giữa cuộc đời. Đây là cảm xúc chủ đạo, góp phần định hình và xác lập vị thế của thơ mới trong dòng chảy thi ca Việt. Mỗi độ xuân sang, trong cái hân hoan, rạo rực, những vần thơ của Xuân Diệu nói riêng, thơ mới nói chung như càng thổi bừng lên sức sống, khát khao, say đắm với đời, với người.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]