Để hành trình “lên rừng, xuống biển” đầu năm thêm ý nghĩa
Dịp đầu xuân người dân xứ Thanh lại nô nức hành hương “lên rừng, xuống biển”. Hành trình này không chỉ đưa mỗi người về các điểm đến văn hóa tâm linh, để chiêm bái, cầu mong một năm mới vạn sự hanh thông, mà hơn cả, đó chính là nét đẹp văn hóa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) đón hơn chục nghìn lượt khách mỗi ngày trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Những ngày này các trọng điểm văn hóa tâm linh trong hành trình “lên rừng, xuống biển” trên địa bàn tỉnh như Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh), Khu di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)... thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày đến dâng hương, vãn cảnh. Để góp phần mang đến cho du khách chuyến hành hương ý nghĩa đầu xuân, ngay từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn các địa phương đã thành lập ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn điểm đến. Cùng với đó, ban quản lý di tích cũng bố trí đặt công khai biển nội quy ở các khu vực để du khách thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tham quan di tích biết và thực hiện.
Tuy nhiên, ở những thời gian cao điểm tại một số di tích vẫn còn diễn ra tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy lẫn nhau, thậm chí có những lời lẽ không phù hợp... làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm ở chốn linh thiêng.
Ngày mùng 4 tết vừa qua, chúng tôi có dịp gặp gia đình chị Lê Thị Thúy ở Đông Sơn tại Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na. Chị Thúy cho biết: “Năm nào gia đình cũng dành thời gian đi Phủ Na, sau đó đi đền Độc Cước cầu mong cho một năm mới công việc thuận lợi, hanh thông. Cũng như những người khác, khi đến với Phủ Na chúng tôi thường tản bộ đến tận khu vực đền Cô Chín để xin “nước thánh”. Năm nay đường lên khu vực này quá đông, trong khi rất nhiều người chờ đến lượt để lấy nước thì một số người phía sau chen lấn, xô đẩy, thúc giục... khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu, bực bội. Còn riêng bản thân tôi cảm thấy chuyến đi vơi đi một phần ý nghĩa”.
Thực tế, ở tất cả các trọng điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh đều bố trí các cụm loa tuyên truyền về các nội dung như thực hiện ứng xử văn minh, giới thiệu về điểm đến, nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống... Tuy nhiên, một số người hành hương “lên rừng, xuống biển” đầu năm chỉ là theo “phong trào”, ứng xử chưa thực sự phù hợp, thậm chí không cần biết di tích thờ ai, nhân vật được thờ phụng có công gì với đất nước. Đi lễ nhưng mang nặng sự tính toán, cố tình nhét tiền lẻ lên tay phật hoặc các ban thờ mặc dù đã có biển khuyến cáo và nội quy đặt tại di tích.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn Lê Trung Thành, hành trình “lên rừng, xuống biển” đầu năm kết nối với các điểm di tích trên địa bàn TP Sầm Sơn như đền Độc Cước, đền Cô Tiên và đền thờ Tô Hiến Thành thu hút đông đảo Nhân dân và du khách, vì vậy chỉ trong 7 ngày của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thành phố đón khoảng hơn 65 nghìn lượt khách, trong đó chủ yếu là khách đến các di tích. Theo đó, cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác đón tiếp, phục vụ khách đến dâng hương, vãn cảnh, mỗi điểm di tích đều được bố trí các cụm loa phát thanh, tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ nơi thờ tự. Bên cạnh đó, tại khu vực di tích nghiêm cấm các hành vi mê tín dị đoan như xem quẻ, bói tay... Ban Tổ chức lễ hội sẽ phối hợp với lực lượng chức năng kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh tiêu cực diễn ra tại các điểm di tích, với mong muốn hành trình “lên rừng, xuống biển” của mỗi người dân đều khép lại một cách trọn vẹn, ý nghĩa. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh các điểm đến văn hóa tâm linh trên địa bàn TP Sầm Sơn văn minh, an toàn và hấp dẫn.
Có thể nói, những năm gần đây hành trình “lên rừng, xuống biển” đầu năm của người dân và du khách khi đến với xứ Thanh ngày càng trở nên ý nghĩa, bởi công tác quản lý và tổ chức lễ hội được các địa phương, ban quản lý di tích chú trọng thực hiện có hiệu quả, thường xuyên đổi mới, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, có lúc, có nơi ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng ăn xin, chèo kéo khách rút quẻ, bói tay... trong khu vực di tích. Đây là tình trạng cần được các địa phương, lực lượng chức năng chấn chỉnh kịp thời. Và hơn hết, để hành trình “lên rừng, xuống biển” thật sự trở nên trọn vẹn, ý nghĩa, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, mỗi người dân, du khách cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành nội quy, quy định điểm đến, thực hiện ứng xử văn minh khi đi lễ chùa đầu năm và chủ động lên án, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan ở chốn linh thiêng.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2024-11-28 14:53:00
Hòn đảo này miễn thị thực tới 30 ngày: Làm gì để khám phá trọn vẹn Phú Quốc?
-
2024-11-28 14:43:00
DANAGO đón tiếp 550 du khách MICE du lịch Đà Nẵng
-
2024-02-23 19:00:00
[E-Magazine] – Phấp phới mưa xuân
Tết Nguyên tiêu Đền thờ Trần Nhật Duật xuân Giáp Thìn 2024
Du xuân qua miền di sản
“Chất keo” gắn kết cộng đồng
[Podcast] - Tản văn: Nhãn tự mùa xuân
Gợi ý lịch trình khám phá Phú Quốc độc, lạ chỉ từ 1,5 triệu đồng
Phim Việt “tung hoành” bảng xếp hạng doanh thu khủng năm 2023
Hàng trăm ngàn du khách lên núi Bà Đen, Tây Ninh mỗi ngày để dâng đăng cầu an dịp đầu xuân năm mới
Hà Trung khai trương phòng đọc sách, báo Xuân Giáp Thìn
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa