(Baothanhhoa.vn) - Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, bỗng nhiên rụng lá, héo khô rồi chết bất thường trong sự nuối tiếc của người dân. Điều đáng nói, đa phần cây chết sau khi được phong “Cây di sản Việt Nam”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm nguyên nhân hàng loạt cây di sản, cây cổ thụ bị chết:

Bài 1: “Hồn làng” trút lá, người dân nuối tiếc khôn nguôi

Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, bỗng nhiên rụng lá, héo khô rồi chết bất thường trong sự nuối tiếc của người dân. Điều đáng nói, đa phần cây chết sau khi được phong “Cây di sản Việt Nam”.

Bài 1: “Hồn làng” trút lá, người dân nuối tiếc khôn nguôi

Phần gốc cây gạo di sản làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa (Nông Cống) đã chết. Ảnh: Lê Đồng

Nằm ven dòng sông Chu hiền hòa, xã Phú Yên (Thọ Xuân) vốn bình lặng, nên thơ. Bên cạnh những bãi ngô chạy dài miên man phía triền sông là cây gạo cổ thụ có tuổi đời khoảng gần 600 năm tuổi. Nhưng nay, “lão mộc” này đã trút lá, héo khô và đang dần mục rỗng.

Theo các thông tin liên quan mà chúng tôi thu thập được tại xã Phú Yên, cây cổ thụ này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam” vào cuối năm 2015. Khi còn sống, cây có đường kính phần gốc khoảng 4m, chu vi gần chục người ôm mới xuể. Được coi là một trong những cây lớn nhất tại Việt Nam tại thời điểm được vinh danh, với chiều cao tới gần trăm mét, cao hơn hẳn với thảm thực vật trong vùng. Nhìn từ phía thị trấn huyện Thọ Xuân, nhiều người dễ dàng nhận ra một cây xanh cao vút, tỏa bóng rộng cả trăm mét bên triền sông. Một số thông tin về mặt dã sử địa phương còn ghi lại: Nơi có cây gạo này chính là An Lãng trang và cách đây hơn 500 năm cũng là nơi dừng chân của Lê Lợi, khi dẫn quân từ vùng núi Thanh Hóa tiến về đồng bằng, đuổi giặc Minh xâm lược. Dưới gốc cây gạo này, năm 1967 đã diễn ra lễ truy điệu sống của một trung đội nữ dân quân, trước giờ đi tháo bom nổ chậm của máy bay Mỹ ném xuống phá đê sông Chu. Cạnh cây gạo là một ngôi đền cổ, nên cây được người dân địa phương phủ lên những câu chuyện linh thiêng, huyền bí và hết đỗi trân trọng.

Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 năm khi được vinh danh thành cây di sản, cây gạo bỗng nhiên bị “bệnh”, héo dần rồi chết. Gần đây, cành cây mục rơi xuống nhiều nên xã Phú Yên từng phải ngăn đường, sợ gây tai nạn cho người đi qua. Một số cư dân địa phương đã châm lửa đốt cây để tránh nguy cơ những cành cổ thụ rơi xuống, gây tai họa.

Trong khí trời hanh heo của những ngày đầu đông, nhìn thân cây cổ thụ đã hết cành đứng trơ trọi, càng gợi lên sự xót xa tiếc nuối. Tuy bị gãy cành và cháy cụt, nhưng phần gốc và thân của cây vẫn còn vững chãi, cao khoảng 25m, với lớp than đen bao phủ. Hướng ánh mắt đượm buồn về phần còn lại của thân cây vô tri, ông Lê Văn Phương, 57 tuổi, nhà gần cây gạo, chua xót: Tiếc lắm! Không những con em xã Phú Yên mà người dân nhiều xã trong vùng đều coi cây gạo này như một phần của quê hương, những người xa quê đều gợi nhớ cây gạo. Nhà tôi sống gần cây gạo, tuổi thơ thế hệ chúng tôi đã gắn bó với cây như người bạn. Những đêm sáng trăng, các thế hệ trẻ em vui đùa dưới gốc cây, người dân tập trung ngồi mát buổi trưa, chuyện trò vui vẻ. Khi đi xa về, đến thị trấn Sao Vàng cách đó gần chục cây số, tôi đã nhìn thấy tán cây gạo vươn cao, biết đó là làng quê mình.

Ở tuổi thất tuần, cụ bà Hoàng Thị Bỉnh, không khỏi cảm thán khi nói về hiện tượng cây gạo bị chết: Cây gạo chết là một mất mát lớn của làng quê chúng tôi, các chú ạ! Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, gắn gần hết đời người với những kỷ niệm liên quan đến cây gạo. Ngoài các trò chơi với bạn bè trang lứa quanh gốc cây, khi còn đi học, cứ đến gốc gạo là chúng tôi nghỉ một lát để tránh nắng. Gắn với mọi hoạt động của các thế hệ trong làng, người dân địa phương coi “cụ” như “hồn làng”.

Cùng thời điểm với cây gạo ở xã Phú Yên trút lá, cây gạo cổ thụ tại thôn Hào Lương, xã Xuân Lam, cùng huyện Thọ Xuân cũng chết không rõ nguyên nhân. Đi trên con đường liên xã từ xã Xuân Lam đến xã Xuân Thiên, người đi dễ nhận ra một cây cổ thụ cao vút toàn cành cụt, phần thân đã khô. Một cây gạo cổ thụ khác tại khu vực nghĩa trang Mậu Dịch ở xã Xuân Thiên gần đây cũng chết không rõ nguyên nhân. Cũng tại huyện Thọ Xuân, đáng tiếc nhất, có lẽ là sự “ra đi” của cây gạo đại thụ tại thôn Phú Cường, xã Xuân Yên, mà theo người dân địa phương, đường kính của cây lên tới 6 – 7m. Đứng tại vị trí cây chết, nay đã được mở rộng thành đường đi, anh Trịnh Đình Kiên, người dân địa phương chỉ cặn kẽ chỗ nào là gốc, đường kính cụ thể của gốc cây, phía các rễ lớn tỏa ra từ gốc... “Từng được coi là cây lớn nhất tỉnh, khi chết đi, người dân địa phương đều cảm thấy tiếc nuối. Từ các cụ già đến hậu thế như chúng tôi coi cây như “linh vật” che chở dân làng” – anh Trịnh Đình Kiên khẳng định.

Một cây gạo cổ thụ khác với “tuổi đời” khoảng 600 năm tại làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa (Nông Cống) cũng chết “tức tưởi” sau khi được gắn biển vinh danh Cây di sản Việt Nam. Phần thân cây còn lại vẫn cao khoảng chục mét, hiện đã mục rỗng, các cây ký sinh bám đầy, phủ xanh. Bà Đậu Thị Hường, 68 tuổi – cư dân địa phương hoài niệm: Tôi không thể quên được những mùa hoa nở, đỏ rực cả một vùng trời. Chim chóc làm tổ nhiều vô kể, kêu ríu rít cả ngày. Lúc cây đang héo khô dần rồi trút lá, sáng nào tôi cũng ra xem có lên được chồi non không, nhưng rồi điều kỳ diệu đã không xảy ra. Khoảng năm 2014, 2015, cây đã chết khô trong sự nuối tiếc của chính quyền và người dân địa phương.

Từng được coi là biểu tượng cho sự trường tồn, là “hồn làng”, cây gạo cổ thụ của làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa) cũng đã chết vào năm 2015, nay chỉ còn dấu tích là phần gốc mục. Đây cũng là Cây di sản Việt Nam, được phong danh hiệu vào năm 2012. Với đường kính phần gốc tương đương một chiếc ô tô con, các thế hệ trẻ em trong làng thường chạy xung quanh, chơi trốn tìm trong các bạnh vè, các hốc rễ. Gắn với ngôi đình Hổ Đàm linh thiêng, người dân địa phương ra sức bảo vệ cây cổ thụ khoảng 10 người ôm này. Bà Lê Thị Nhinh, 70 tuổi, nhà gần cây gạo, trải lòng: Tôi đi miền Nam giữ cháu mấy năm, khi về, biết cây gạo đã chết mà trong lòng hụt hẫng như mất đi một người bạn thân. Trước khi mục, chính quyền xã Thiệu Lý đã tổ chức bán đấu giá cho một thợ mộc trong vùng.

Có thể, còn nhiều cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam khác trên địa bàn tỉnh cũng bị chết trong ít năm gần đây. Những cây đã trường tồn qua bão tố, thiên nhiên khắc nghiệt, rồi bom đạn chiến tranh... hàng trăm năm, tại sao nay lại chết, nhất là sau khi được vinh danh cây di sản? Vấn đề đặt ra là, phải tìm ra nguyên nhân, có biện pháp bảo tồn bền vững những cây cổ thụ còn lại – những “báu vật” làng quê phải mất nhiều đời mới có thể trồng tái tạo.

Lê Đồng

Bài 2: Do thiên nhiên hay con người vô tình “bức tử”?



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]