(Baothanhhoa.vn) - Nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường, một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ thủy canh..., góp phần mang lại lợi ích cao hơn và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất rau an toàn

Nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường, một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ thủy canh..., góp phần mang lại lợi ích cao hơn và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất rau an toàn

Sản phẩm rau, củ, quả an toàn của Công ty TNHH MTV DVTM nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 được bán tại hội chợ.

Được xem là một trong những địa phương có diện tích trồng rau an toàn (RAT) lớn, huyện Hoằng Hóa đã phát triển được gần 60 ha trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 53.000m2 sản xuất rau trong nhà lưới tại các xã Hoằng Giang, Hoằng Kim, Hoằng Trinh, Hoằng Hợp... Hiện tại, vùng RAT chủ yếu sản xuất các loại rau cải, su hào, cà chua, dưa chuột... Theo tìm hiểu được biết, phương pháp sản xuất được bà con nông dân áp dụng theo hướng hữu cơ tập trung từ khâu xử lý đất, trồng cây con trong vườn ươm, dùng nước sạch để tưới, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học, sau khi phun thuốc đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Mô hình RAT được trồng trong nhà lưới khép kín, sử dụng vòi phun sương tự động, hệ thống chứa nước sạch để tưới; sử dụng màng phủ nông nghiệp, tăng cường dùng phân hữu cơ hoai mục trồng các giống rau su hào, bắp cải, cải bó xôi, xà lách xoăn... Kết quả cho thấy, RAT được trồng theo đúng quy chuẩn phát triển tốt, năng suất cao, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo tính toán của người dân, việc trồng RAT mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5 đến 7 lần so với trồng lúa. Hiện nay, sản phẩm RAT theo mô hình VietGAP của các xã đã được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị, như: BigC, Co.opmart và các bếp ăn tập thể của một số đơn vị, doanh nghiệp.

Phát huy thế mạnh về điều kiện đất đai, kinh nghiệm sản xuất, những năm qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai mô hình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP ở nhiều địa phương trong huyện. Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển vùng RAT của tỉnh, huyện đã hỗ trợ nâng cấp đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng nhà lưới; đưa nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, chú trọng tập huấn kiến thức, kiểm soát quy trình sản xuất để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, toàn huyện xây dựng vùng sản xuất RAT tập trung, diện tích trên 39 ha tại các xã Thọ Hải, Xuân Lai, Thọ Xương, Tây Hồ, Trường Xuân. Ước tính mỗi năm, vùng sản xuất RAT của huyện cho sản lượng hàng trăm tấn rau, quả các loại. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng RAT; đồng thời, tích cực đấu mối, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ngoài các địa phương như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tại các địa phương như Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Nông Cống... đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những vùng sản xuất RAT tập trung. Các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất RAT tại các địa phương đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4-2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với 219 chuỗi cung ứng RAT. Diện tích rau được sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt 8.560 ha, chiếm 17% diện tích sản xuất toàn tỉnh; trong đó, rau được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) có xác nhận đạt trên 53% (tương đương với trên 82.000 tấn sản phẩm được xác nhận/tổng sản lượng tiêu dùng gần 155.000 tấn). Điển hình là: chuỗi liên kết sản xuất ớt 2.200 ha; khoai tây 800 ha; rau cải chân vịt 300 ha; đậu tương rau 200 ha; hành tỏi 150 ha; bí xanh, bí ngô 78 ha; ngô ngọt, ngô đường 200 ha... Chuỗi liên kết sản xuất rau được các công ty đầu tư sản xuất, chuyển giao kỹ thuật; đồng thời, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi thu mua đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm được cung cấp qua các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh TPAT có xác nhận còn thấp. Nguyên nhân, do thị trường tiêu thụ RAT gặp nhiều khó khăn, giá bán còn cao do chi phí sản xuất cao, nên khả năng cạnh tranh thấp, gây khó khăn cho việc duy trì, phát triển và mở rộng các chuỗi cung ứng TPAT. Chưa tạo được động lực thúc đẩy người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng TPAT.

Tìm hiểu thực tế tại các vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung và được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, tại các xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), xã Vạn Hòa (Nông Cống), xã Thọ Hải (Thọ Xuân), phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa)... Theo đó, tại các vùng RAT, hiện nay mới có khoảng 30% sản lượng rau, củ, quả được tiêu thụ theo hợp đồng liên kết; trong đó, chỉ có 3 - 5% được nhập bán cho các siêu thị, còn lại tiêu thụ ở các chợ truyền thống hoặc chợ đầu mối. Ngoài ra, việc kích cầu tiêu thụ RAT từ liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân tuy đã có, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn... Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất RAT tập trung còn khó khăn, do tập quán canh tác rau màu của nông dân vẫn là nhỏ lẻ, manh mún; chưa đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng phục vụ sản xuất từng bước được đầu tư cải tạo, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của công nghệ sản xuất RAT. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ vào lĩnh vực sản xuất RAT. Một số doanh nghiệp tham gia sản xuất RAT chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Khả năng thay đổi tập quán canh tác truyền thống để tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới của nông dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn tư tưởng “rẻ thì mua” nên rau sạch, an toàn khó cạnh tranh với rau thường, gây khó khăn cho việc tiêu thụ và phát triển sản xuất, đặc biệt là đối với mô hình RAT.

Nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao, nhất là nhu cầu về nguồn cung cho bếp ăn tập thể của các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng... mở ra thị trường tiềm năng cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân mở rộng, phát triển sản xuất. Để nhân rộng các mô hình sản xuất RAT tại các địa phương, các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị và các hộ nông dân sản xuất RAT; tích cực ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong sản xuất RAT, góp phần tạo nguồn sản phẩm rau sạch hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì sự phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]