Tự ý sử dụng thuốc nam: Nguy hiểm, biết rồi nói mãi!
Dù các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo về tác hại của việc tự điều trị bệnh bằng các bài thuốc nam dân gian, truyền miệng, nhưng các bệnh viện vẫn tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện do biến chứng, nguy kịch, bởi sử dụng thuốc nam bừa bãi.
Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc nam.
Tử vong vì uống nước sắc từ lá và rễ cây
Đầu năm 2025, nghe thông tin trên huyện Lang Chánh có thầy lang bốc thuốc “mát tay” chữa các bệnh xương khớp, tăng huyết áp, thậm chí chữa khỏi cả bệnh ung thư, một nhóm gồm 9 người ở phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) đã lên khám bệnh, lấy thuốc. Bà Chu Thị Minh cao tuổi nhất trong nhóm (70 tuổi), cơ thể mang nhiều bệnh nền. Về nhà, bà nấu thuốc uống theo hướng dẫn của thầy lang với hy vọng sẽ “hợp thầy, hợp thuốc”. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 tiếng sau, bà có biểu hiện tím tái, khó thở, rồi tử vong.
Trước sự việc trên, cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ số thuốc bà Minh đã uống để làm các xét nghiệm cần thiết và tiến hành khám nghiệm tử thi theo quy trình điều tra. Đồng thời, cán bộ địa phương cũng thông báo cho những người đi cùng bà đến các đơn vị y tế khám phòng nguy cơ ngộ độc. Nhận tin, các bệnh nhân đã uống thuốc nam chủ động đến Bệnh viện 71 Trung ương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra. Một trong số đó là anh Trần Văn Sinh, 52 tuổi, nhập viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng chóng mặt, nôn nhiều, đau thượng vị, suy hô hấp. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy tích cực. Sau một ngày, bệnh nhân có chuyển biến tích cực, đã rút được ống nội khí quản.
Trước đó, ông Sinh được bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa chẩn đoán bị ung thư phổi và yêu cầu nhập viện điều trị. Thế nhưng, vì nghe người cùng quê nói bốc thuốc nam uống để điều trị ung thư sẽ có tiến triển tốt nên ông thử vận may. Ông Sinh cho biết: “Thuốc tôi mua là gồm lá và rễ cây, thầy lang dặn uống thay nước hằng ngày. Tôi uống xong chừng 4 tiếng thì bắt đầu đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, khó thở”.
Bị đau nhức xương khớp đã lâu, bà Lê Thị Tiến, 49 tuổi từ chối đi khám và điều trị ở bệnh viện vì ngại. Nhưng bà lại sẵn sang theo đoàn lên huyện Lang Chánh gặp thầy lang bốc thuốc nam. Bà mua 1 triệu đồng gồm 4 - 5 loại lá, rễ cây về nấu uống. Sau khi uống cốc nước thuốc vài tiếng, bà thấy người mệt, hoa mắt... Từ thông tin bà Minh chết, bà Tiến tức tốc đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra. Tại đây, bà được chẩn đoán ngộ độc thứ cấp nên phải điều trị và ở lại bệnh viện theo dõi.
Trong số đó, anh Trần Văn Thắng (28 tuổi) lại rất khỏe mạnh. Anh cho biết bốc thuốc lá nam về uống cho mát. Vì còn trẻ, sức đề kháng tốt nên biểu hiện ngộ độc thuốc của anh không rõ nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện 2 ngày để theo dõi. Đây là vụ ngộ độc thuốc nam tập thể gây xôn xao, xảy ra cuối tháng 2/2025.
Lợi bất cập hại
Theo thạc sĩ, bác sĩ, Đỗ Khánh Toàn, Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp giống những trường hợp trên. Có người vì sợ phải phẫu thuật, có người thì nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh, cũng có người theo trường phái tâm linh mà không dùng đến thuốc... Trường hợp của ông Sinh, cơ thể vốn dĩ đã yếu vì mang bệnh ung thư. Việc uống thuốc nam không rõ nguồn gốc và thành phần, đến khi nhập viện thì bệnh tình càng chuyển biến xấu đi, khiến ông phải thở oxy, nguy cơ cao bị suy gan, suy thận. Nhiều người bệnh đã phải lọc máu hoặc chạy thận vì biến chứng.
Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc nam.
Thực tế, nhiều bài thuốc dân gian, cổ truyền có tác dụng tốt đối với người bệnh, được giới chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, đánh giá, công nhận và được phép lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, mỗi cây thuốc có dược tính và độc tính khách nhau. Trong khi thuốc nam khó kiểm soát được liều dùng do đơn vị tính thường là thang thuốc, bao gồm nhiều vị thuốc khác nhau. Phối hợp thuốc không đúng có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ và độc tính.
Chung nhận định này, lương y Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP Thanh Hóa chia sẻ: "Khác với các vị thuốc đông y được sao chế để loại bỏ độc tính, hạn chế tác dụng phụ trước khi phối hợp, thuốc nam đa số là do người dân lên rừng kiếm cây, lá mang về băm bỏ, phơi khô mà không loại bỏ được độc chất, mủ cây... và dùng theo truyền miệng, kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng”.
Để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân không nên đặt cược sức khỏe, tính mạng mình vào những bài thuốc trôi nổi, đồn thổi thiếu căn cứ. Có bệnh, người dân nên đến bệnh viện thăm khám, điều trị một cách kịp thời, khoa học và chuyên sâu nhất. Nếu người bệnh muốn sử dụng các phương pháp khác ngoài thuốc tây có thể đến Bệnh viện Y dược cổ truyền Thanh Hóa, Hội Đông y tỉnh để được thầy thuốc chuyên khoa y học dân tộc khám và chỉ định, sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-04-24 10:12:00
Nỗ lực phòng, chống bệnh sốt rét quay trở lại
-
2025-04-24 08:44:00
Bộ Y tế đề nghị thu hồi 12 loại sữa bột là hàng giả trên toàn quốc
-
2025-04-22 18:29:00
Quyết liệt triển khai, sớm đưa Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam vào sử dụng
Một triệu thiết bị – Một tương lai mới cho sức khỏe Việt
Siết chặt kiểm soát mua bán thuốc trên mạng: Cấm bán thuốc kê đơn qua sàn thương mại điện tử
Giá đỗ tẩm “nước kẹo” độc hại như thế nào?
Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Câu lạc bộ Thầy thuốc họ Ngô Việt Nam tư vấn sức khỏe và tặng quà tại xã Định Hoà
Sở Công Thương Hà Nội thông tin về vụ sản xuất sữa giả
Cả nước đã ghi nhận hơn 76.300 trường hợp mắc sởi, thêm 2 ca tử vong