Từ vụ kiện đòi lại đất nông nghiệp đến tội danh hủy hoại tài sản
Câu chuyện kiện đòi lại đất nông nghiệp cho mượn xảy ra tại một xã ven biển. Năm 1994, UBND xã giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP, định mức giao đất cơ bản là 363m2/khẩu loại I. Gia đình bà Kỳ lúc đó có 10 khẩu loại I, diện tích được giao theo định mức tại các xứ đồng. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chồng bà Kỳ từ năm 1994 thể hiện, tổng diện tích đất nông nghiệp được giao là 3.892m2, trong đó có 797m2 tại xứ đồng Nương Ngọn.
TGVPL tư vấn pháp luật cho đối tượng tại trụ sở Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Ảnh: CTV
Năm 2002, gia đình bà Kỳ đổi toàn bộ đất ở xứ đồng Nương Ngọn lấy đất ở xứ đồng Sông của hộ ông Khang (một gia đình cùng thôn). Khoảng năm 2006, hai gia đình trả lại đất cho nhau. Đến năm 2007, con trai và con dâu bà Kỳ nợ tiền gia đình ông Khang nên hộ bà Kỳ đã thống nhất giao đất tại xứ đồng Nương Ngọn cho ông Khang mượn canh tác, lấy hoa lợi, lợi tức trừ nợ.
Năm 2017, bà Kỳ đòi lại đất tại xứ đồng Nương Ngọn, nhưng ông Khang lấy lý do con trai bà Kỳ chưa trả hết tiền nợ nên không đồng ý trả đất. Bà Kỳ buộc phải khởi kiện đòi lại đất đã cho mượn.
Trong vụ việc dân sự nêu trên, bà Kỳ - một người cao tuổi, khuyết tật đã đề nghị sự trợ giúp của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Với sự trợ giúp của các trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), câu chuyện kiện đòi lại đất cho mượn đã được giải quyết ổn thỏa vào cuối năm 2022. Cụ thể, tòa án đưa vụ án dân sự ra xét xử và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Kỳ, buộc ông Khang phải trả lại cho gia đình bà 602,2m2 đất tại xứ đồng Nương Ngọn. Phần diện tích đòi lại được giảm 194,8m2 so với diện tích 797m2 mà bà Kỳ yêu cầu. Nguyên do là trong quá trình quản lý sử dụng đất đai, địa phương có thực hiện việc dồn điền, đổi thửa ở xứ đồng Nương Ngọn của gia đình bà Kỳ bị giảm đi, đất trồng lúa nước ở nơi khác tăng lên, song tổng diện tích đất nông nghiệp nhà bà Kỳ không thay đổi.
Chưa dừng lại ở đó, giữa năm 2023, vì mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, vì thiếu hiểu biết pháp luật, sự nóng giận, bà Kỳ bỗng trở thành bị cáo trong một vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản”. Theo đó, tài sản bị hủy hoại là 3 cây dừa xiêm có tổng giá trị 2,5 triệu đồng mà ông Khang trồng từ năm 2017 trên phần đất nông nghiệp của gia đình, giáp ranh với đất của bà Kỳ tại xứ đồng Nương Ngọn.
Vốn đã mâu thuẫn từ trước, bà Kỳ thấy 3 cây dừa của nhà ông Khang trồng trên đất và cho rằng đó là phần đất ông Khang mượn của gia đình bà nên bà đào dừa lăn lên bờ để ông Khang trồng ở vị trí khác. Tuy nhiên, 2 tuần sau, bà Kỳ đi ra đồng lại thấy 3 cây dừa mình đào trước đó đã được trồng lại ở vị trí cũ. Vì quá tức giận, bà về nhà lấy dao mang ra chặt đứt ngang ngọn 3 cây dừa. Vài ngày sau, bà lại ra đồng, tiếp tục dùng cuốc đào và lăn 3 gốc dừa lên bờ ruộng. Phát hiện 3 cây dừa của mình bị chặt đứt, ông Khang đã gửi đơn đề nghị công an giải quyết vụ việc. Bà Kỳ bị khởi tố về tội “Hủy hoại tài sản” theo Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh một lần nữa lại tiếp tục phân công TGVPL tham gia vụ án, bào chữa cho bà Kỳ. Vụ án được đưa ra xét xử vào cuối năm 2023, bà Kỳ phải nhận mức án 6 tháng tù treo về hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Từ vụ kiện đòi lại đất nông nghiệp của bà Kỳ đến tội danh hủy hoại tài sản chỉ vì phút nóng giận, thiếu kiểm soát hành vi. TGVPL Lê Thị Phượng - người được phân công tham gia tư vấn, trợ giúp cho bà Kỳ trong vụ án kiện đòi đất nông nghiệp chia sẻ: Khi thực hiện tư vấn, trợ giúp cho đối tượng trong vụ án dân sự kiện đòi tài sản, TGVPL đã nhiều lần dặn dò phải thật sự bình tĩnh, cư xử đúng pháp luật trong mọi tình huống. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là vì sự nóng giận tức thời đã khiến một vụ việc mâu thuẫn dân sự nhỏ nhặt chuyển thành một vụ án hình sự; từ hàng xóm láng giềng, thậm chí là có chút quan hệ họ hàng trở thành mối quan hệ bị cáo - bị hại. Bà Kỳ đã phải tự kiểm điểm bản thân và chịu bản án của pháp luật. Từ vụ việc trên, có lẽ nhiều người sẽ rút ra được bài học trong cuộc sống hằng ngày, đó là phải nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giao tiếp, ứng xử văn minh, văn hóa, tránh những mâu thuẫn nhỏ phát sinh dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Minh Hiền
(Tên nhân vật TGPL đã được thay đổi).
{name} - {time}
-
2024-12-22 08:00:00
Điểm nóng 22/12: Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bồi thường bao nhiêu?
-
2024-12-22 07:59:00
Từ 2025, Công an xã được xử lý vi phạm giao thông trong trường hợp nào?
-
2024-10-23 11:16:00
“Mắt thần” góp phần giữ bình yên cuộc sống
Tạm giữ hình sự đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ
Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến: Kỹ năng bảo vệ
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh
Phê chuẩn khởi tố bị can, lệnh tạm giam các đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép ma túy
Xử lý gần 200 xe tự chế, xe kéo
Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến: Kỹ năng nhận biết
Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến: Kỹ năng phòng tránh
Viện KSND huyện Quảng Xương tăng cường công tác kiểm sát, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật
Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến: Kỹ năng phát hiện