(Baothanhhoa.vn) - Trường học sinh miền Nam (HSMN) trên miền Bắc ra đời cách đây 70 năm (từ cuối năm 1954) khi đất nước ta tạm chia cắt thành 2 miền Nam, Bắc theo Hiệp định Giơnevơ, và đã ngừng hoạt động gần 50 năm (từ năm 1975) sau ngày thống nhất đất nước. Tuy rời trường HSMN đã lâu, trường cũng không còn hoạt động nhưng những hình ảnh về trường HSMN, tình cảm của thầy cô, của Nhân dân miền Bắc đối với chúng tôi trong những ngày sống, học tập ở ngôi trường này không bao giờ phai mờ.

Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc 1954-1975 là hình ảnh của nước Việt Nam thống nhất

Trường học sinh miền Nam (HSMN) trên miền Bắc ra đời cách đây 70 năm (từ cuối năm 1954) khi đất nước ta tạm chia cắt thành 2 miền Nam, Bắc theo Hiệp định Giơnevơ, và đã ngừng hoạt động gần 50 năm (từ năm 1975) sau ngày thống nhất đất nước. Tuy rời trường HSMN đã lâu, trường cũng không còn hoạt động nhưng những hình ảnh về trường HSMN, tình cảm của thầy cô, của Nhân dân miền Bắc đối với chúng tôi trong những ngày sống, học tập ở ngôi trường này không bao giờ phai mờ.

Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc 1954-1975 là hình ảnh của nước Việt Nam thống nhất

Ảnh tư liệu.

Sắp đến 70 năm ngày thành lập trường HSMN, tôi nguyên là một trong những học sinh miền Nam trên đất Bắc đầu tiên, muốn nêu những cảm nghĩ của mình về trường HSMN trên đất Bắc. Những cảm nghĩ này có trong tôi từ những năm tháng sống, học tập ở trường HSMN và càng sâu đậm khi tôi được tham gia chuẩn bị cho tổng kết thành quả 45 năm hoạt động của nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1990), trong đó có tổng kết công tác đào tạo trong hệ thống trường HSMN trên đất Bắc (1954-1975) của Bộ Giáo dục do bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng chủ trì.

Để phục vụ tổng kết công tác đào tạo trong hệ thống trường HSMN trên đất Bắc, Bộ Giáo dục cho thành lập Ban liên lạc HSMN Trung ương. PGS, TS Lê Bữu, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao được chỉ định làm Trưởng ban liên lạc. Bộ Giáo dục cũng chỉ đạo thành lập Ban liên lạc HSMN ở từng tỉnh phía Nam. Do ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có hàng nghìn cán bộ nguyên là HSMN đang công tác, sinh sống nên Bộ Giáo dục cho thành lập Ban liên lạc HSMN khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Tại cuộc họp đầu tiên tại Hội trường Trường Đại học Dược Hà Nội với sự có mặt gần 500 anh chị em nguyên là HSMN đang công tác, sinh sống tại Hà Nội, tôi được chỉ định làm Trưởng ban liên lạc HSMN khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Lúc bấy giờ (năm 1990), tôi là Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội. Tôi làm Trưởng ban liên lạc HSMN Hà Nội từ 1990 đến 2005. Sau tôi, cố GS. Lê Du Phong làm Trưởng ban liên lạc từ 2005 đến 2020.

Hiện nay, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn là Trưởng ban liên lạc HSMN khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Trong thời gian làm Trưởng ban liên lạc HSMN khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tôi tham gia chuẩn bị cho tổng kết công tác đào tạo trong các trường HSMN trên đất Bắc. Qua hoạt động này, tôi hiểu thêm nhiều điều về quá trình hình thành hệ thống trường HSMN trên miền Bắc, sự chăm lo của Đảng, Bác Hồ, Chính phủ và Nhân dân miền Bắc đối với HSMN, tình cảm của anh chị em nguyên là HSMN đối với Nhân dân miền Bắc, đối với các thầy, cô giáo đã từng nuôi dạy giúp đỡ mình.

Theo một số tài liệu, tổng số HSMN học ở các trường HSMN trên đất Bắc khoảng 30.000 người. Số học sinh này là con em cán bộ, bộ đội các tỉnh từ bờ Nam sông Bến Hải đến Mũi Cà Mau đã tham gia kháng chiến chống Pháp 1945-1954 và chống Mỹ 1954-1975. Học sinh miền Nam được đưa ra miền Bắc hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1955. Trong đợt này, khoảng 15.000 HSMN được đưa ra Bắc bằng đường biển trên các tàu Liên Xô (cũ) và tàu Ba Lan và một số ít vượt sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 - ranh giới tạm chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc.

Giai đoạn 2 từ cuối năm 1968 đến trước năm 1975. Giai đoạn này, trên 15.000 học sinh miền Nam được đưa ra miền Bắc theo từng tốp nhỏ đi theo đường Trường Sơn.

Tôi là người xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm 1955, vào buổi chiều, một cán bộ xã đến thông báo với mẹ tôi: "Nhà chị chuẩn bị cho một cháu ra miền Bắc học tập. Chị chuẩn bị để 3 ngày nữa có người đến đón và đưa cháu ra miền Bắc".

Gia đình tôi có 5 anh em, tôi là anh cả. Lúc đó tôi 13 tuổi, đang học lớp 4. Cha tôi là cán bộ kháng chiến chống Pháp đã tập kết ra Bắc từ cuối năm 1954. Cả nhà, các cô chú bác đều không hiểu vì sao sau 2 năm đất nước sẽ thống nhất mà lại đưa trẻ con ra miền Bắc học tập. Tuy nghĩ như vậy nhưng gia đình, chú bác thống nhất cho tôi ra miền Bắc. Sau 3 ngày, tôi và các bạn cùng xã được một cán bộ xã đón và đưa vào cảng Quy Nhơn, Bình Định bằng ô tô ray (loại tàu hỏa 2 toa nhỏ do ô tô bánh sắt kéo trên đường ray). Lúc tàu bắt đầu lăn bánh, tất cả chúng tôi đều khóc to và đòi về nhưng không được. Những người đi tiễn là mẹ, chú bác cũng khóc và đều giơ cao 2 ngón tay và chúng tôi cũng bắt chước giơ 2 ngón tay, ý nói 2 năm nữa con trở về. Và thực tế, sau 20 năm tôi mới gặp lại mẹ và các em.

Khi đến cảng Quy Nhơn, Bình Định, chúng tôi thấy nhiều ô tô, đại bác bỏ trên bãi biển. Chúng tôi tò mò hỏi xe, súng to này của ai. Người dân địa phương cho biết xe, súng đó là của bộ đội bỏ lại. Vì sao lại bỏ súng to và xe? Không ai biết.

Ở cảng Quy Nhơn, chúng tôi được cho ăn uống, tắm rửa và nghỉ một tối ở nhà dân. Hôm sau, chúng tôi được những thuyền to chở từng tốp lên tàu thủy Ba Lan. Tàu rất to. Sau này chúng tôi được biết đó là tàu vạn tấn. Những bạn nhỏ không thể leo thang lên tàu thì được thủy thủ Ba Lan bế lên tàu. Trên tàu chúng tôi được đưa xuống các khoang tàu. Ở các khoang đều có sạp gỗ. Chúng tôi nằm trên các sạp gỗ. Trên tàu tôi thấy toàn học sinh, rất ít cán bộ, bộ đội.

Sau 3 ngày đêm, tàu đến Vịnh Hạ Long. Tờ mờ sáng, chúng tôi được đưa về Quý Cao, Ninh Giang trên tàu chiến của Pháp. Sau đó, chúng tôi về Đông Quan, Thái Bình. Trước và sau chuyến tàu tôi đi còn có những chuyến tàu Liên Xô, Ba Lan hác chở học sinh, cán bộ, bộ đội miền Nam cập bến Sầm Sơn, Cửa Lò...

Sau này, trong quá trình đọc tài liệu phục vụ tổng kết công tác giáo dục trong hệ thống trường HSMN trên đất Bắc, chúng tôi mới biết Bác Hồ và Chính phủ ngay từ đầu đã nhận định chính quyền Pháp, Mỹ và tay sai có ý đồ phá hoại tổng tuyển cử thống nhất đất nước ta sau 2 năm theo Hiệp định Giơnevơ và chia cắt đất nước ta lâu dài. Vì vậy, Trung ương có quyết định: Bộ đội bỏ lại xe cộ, súng to để lấy chỗ đưa thật nhiều con em cán bộ bộ đội ra miền Bắc học tập và Trung ương đã cử đặc phái viên vào Nam chỉ đạo thực hiện quyết định này. Vì vậy, những chuyến tàu thủy cuối cùng chủ yếu chở học sinh.

Khi đến Đông Quan, Thái Bình, học sinh nam nữ được tách riêng. Chúng tôi được chia thành nhóm 4 đến 5 người về sống trong nhà dân. Các gia đình dành cho chúng tôi chỗ rộng, đẹp nhất trong nhà. Chúng tôi được phát chăn, màn cá nhân, 2 bộ quần áo dài, hai bộ đồ lót, bát ăn cơm, khăn mặt. Hàng ngày, chúng tôi ăn 3 bữa và ăn tập trung tại bếp ăn tập thể. Trong thời gian này, chúng tôi được thầy cô giáo chỉ bảo, hướng dẫn làm quen với cách sống tập thể, sống xa gia đình, hòa nhập vào tập thể gồm nhiều người từ các vùng miền khác nhau.

Sau gần 2 tháng sống ở Đông Quan, Thái Bình, chúng tôi được chuyển về Sơn Tây bằng tàu thủy. Ở Sơn Tây, chúng tôi cũng ở nhà dân và ăn ở bếp ăn tập thể. Chúng tôi bắt đầu học tập. Trường chúng tôi lúc đó được đặt tên là trường HSMN số 19, có khoảng 500 học sinh. Thầy cô giáo là người miền Bắc và cả người miền Nam tập kết. Anh chị, cô chú nuôi toàn người miền Bắc. Hầu hết chúng tôi dưới 15 tuổi. Trừ một số ít người có học bạ như tôi, còn nhiều người trong chúng tôi không biết mình đang học lớp mấy. Vì vậy, để xếp lớp, nhà trường tổ chức kiểm tra. Tất cả chúng tôi được xếp vào các lớp từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi lớp khoảng 40 học sinh, có thầy chủ nhiệm. Đối với các lớp nhỏ, ngoài thầy hoặc cô chủ nhiệm còn có cô bảo mẫu phụ trách tắm giặt, chăm lo sức khỏe, ăn uống. Sau này, chúng tôi biết năm đầu tiên ở tất cả các trường HSMN ở Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Tây... đều tổ chức như vậy và trường HSMN trên miền Bắc lúc đầu chỉ có trường cấp I.

Trong năm học đầu tiên, nhiều người ốm đau, nhớ nhà buồn, khóc, bỏ ăn, bỏ học. Thầy cô giáo chủ nhiệm, bảo mẫu, cô chú nuôi chăm lo chúng tôi như con em ruột thịt của mình. Cho đến nay hình ảnh các thầy cô, hình ảnh các cô bảo mẫu, cô chú nuôi vẫn không phai mờ trong chúng tôi. Đến giữa năm học, bác Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ đến thăm trường HSMN số 19 Sơn Tây chúng tôi và một số trường HSMN ở các địa phương khác.

Kết thúc năm học đầu tiên, tất cả các trường HSMN ở các địa phương chuyển về Hà Đông, Hải Phòng. Sau này chúng tôi mới biết Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã có chủ trương đưa tất cả các trường HSMN về gần Trung ương, về thành phố. Thực hiện chủ trương này, một số trường HSMN chuyển về Chương Mỹ, Hà Đông còn phần lớn các trường chuyển về thành phố Hải Phòng. Trường HSMN số 19 Sơn Tây chuyển về Cầu Rào bên cạnh và trường HSMN số 21. Đây là 2 trường cấp I toàn học sinh nam. Trong thành phố Hải Phòng có các trường HSMN số 4, trường HSMN số 13 là trường cấp I cho nữ, các trường HSMN số 6 cấp 2 cho nữ, các trường HSMN số 14, số 24 cấp 2 gần cầu Tam Bạc cho nam... Về sau này, từ năm 1958, có thêm trường HSMN số 8 cấp III cho cả nam nữ. Chúng tôi gọi Hải Phòng là thủ đô của HSMN.

Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc 1954-1975 là hình ảnh của nước Việt Nam thống nhất

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuy hết sức bận nhưng vẫn dành thời gian thăm các trường HSMN ở Hà Đông, Hải Phòng. Có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm các trường HSMN ở Hải Phòng, bác nói HSMN là “hạt giống đỏ”.

Trong giai đoạn này, Nhân dân miền Bắc còn rất nhiều khó khăn, các bạn học sinh miền Bắc cùng trang lứa với chúng tôi ăn vẫn chưa no, mặc vẫn chưa đủ ấm nhưng Chính phủ đã quyết định xây dựng những khu trường riêng cho HSMN. Chúng tôi không còn ở trong nhà dân nữa. Mỗi trường có khoảng 500 học sinh. Nhà ở, lớp học, nhà ăn ở các khu trường mới ở Hải Phòng đều là nhà cấp 4 trừ một số trường tận dụng cơ sở cũ. Mỗi lớp ở trong một nhà. Thầy chủ nhiệm lớp ở phòng đầu nhà. Các trường được bổ sung thêm nhiều thầy cô mới tốt nghiệp từ trường sư phạm bên Trung Quốc về. Từ năm 1958 về sau, một số trường HSMN được xây dựng ở Kim Bảng (Hà Nam), Đông Triều (Hải Dương)...

Từ khi các trường HSMN chuyển về thành phố, ngoài chương trình phổ thông, chúng tôi còn được học tiếng Trung Quốc, được học nhạc, thể dục thể thao. Các trường thành lập các đội văn nghệ. Các thầy cô giáo, các cô chú phục vụ chăm sóc chúng tôi rất tận tình. Đáp lại, không ai bảo ai nhưng từ tình cảm sâu đậm của mình, chúng tôi luôn nói một câu: “Khi nào đất nước thống nhất, chúng em mời thầy cô vào thăm quê em”.

Đối với các gia đình Nhân dân cạnh trường, chúng tôi gây phiền nhiễu không ít nhưng bà con bỏ qua hết. Ngày Tết các gia đình còn mời chúng tôi về ăn Tết cùng. Chúng tôi không bao giờ quên tình cảm đó của thầy cô giáo, của Nhân dân miền Bắc đối với chúng tôi. Vì thế, khi thành lập các ban liên lạc HSMN, điều đầu tiên chúng tôi đề cập đến là tổ chức các đoàn về thăm các địa phương trước đây có trường HSMN, mời thầy cô giáo, các cô chú phục vụ trường HSMN “về thăm quê em”, về thăm các tỉnh phía Nam.

Giai đoạn từ 1990-2005, anh chị em nguyên là HSMN ở các tỉnh đã tổ chức từng đoàn về thăm các địa phương nơi trước đây có trường HSMN, quyên góp xây dựng trường học, nhà trẻ cho một số nơi như Đông Triều - Hải Dương, Chương Mỹ - Hà Đông (nay là Hà Nội), Kim Bảng - Hà Nam... Chúng tôi đã tổ chức 4 đợt mời gần 300 thầy cô đã từng công tác ở các trường HSMN vào thăm các tỉnh phía Nam. Ban liên lạc HSMN Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chuẩn bị vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, đưa đón thầy cô từ các địa phường về Hà Nội và ngược lại khi về. Các ban liên lạc HSMN các tỉnh phía Nam đón, đưa các thầy cô đi tham quan, ăn nghỉ trong thời gian thăm miền Nam. Năm 1991, chúng tôi đã trình Bộ Giáo dục danh sách trên 400 thầy cô đã công tác ở các trường HSMN trên 10 năm để Bộ xem xét tặng Bằng khen. Bộ Giáo dục đã quyết định tặng Bằng khen cho trên 400 thầy cô; cựu HSMN ở Hà Nội đã có quà chúc mừng thầy cô được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục.

Trong quá trình hoạt động của ban liên lạc HSMN ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, chúng tôi thống nhất làm biểu tượng hạt giống đỏ đặt ở Hải Phòng. Cố KTS. Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên HSMN đã thiết kế và tạo hạt giống đỏ bằng đá quý và xin phép đặt tại Bảo tàng thành phố Hải Phòng. Về sau biểu tượng hạt giống đỏ được UBND thành phố Hải Phòng cho đặt tại khuôn viên tượng đài Nữ tướng Lê Chân ở trung tâm thành phố Hải Phòng. Riêng đối với Hải Phòng, chúng tôi đã có ý tưởng quyên góp để xây một trung tâm đào tạo học sinh giỏi nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Từ năm 2005 đến năm 2020, định kỳ 5 năm chúng tôi tổ chức kỷ niệm ngày thành lập trường HSMN. Mỗi lần tổ chức như vậy, khoảng 3.000 người nguyên là HSMN hiện sinh sống ở khắp vùng miền đất nước tập trung về Hà Nội. Điều đầu tiên anh chị em nguyên HSMN khi tập trung về Hà Nội là vào Lăng viếng Bác, sau đó tỏa về thăm các địa phương trước đây đã nuôi nấng che chở mình. Cuối cùng, chúng tôi tổ chức mít tinh kỷ niệm. Tại các buổi lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đến dự và phát biểu chào mừng. Lần nào chúng tôi cũng mời tất cả các thầy cô đã giảng dạy nuôi dưỡng chúng tôi ở trường HSMN, mời lãnh đạo các địa phương có trường HSMN về dự.

Trong thời gian trên, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng biểu tượng thể hiện tình cảm Nam Bắc một nhà đặt tại Sầm Sơn - Thanh Hóa nơi đón tiếp nhiều cán bộ, bộ đội và HSMN tập kết. Cố KTS Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên HSMN đã thiết kế Tượng đài bằng đá Bà mẹ miền Nam (đất phương Nam) trao đứa con (bộ đội, cán bộ, HSMN) cho bà mẹ miền Bắc (đất phương Bắc). Chúng tôi muốn đặt tượng đài tại nơi Nhân dân đón tiếp cán bộ, bộ đội, HSMN tập kết. Lãnh đạo thành phố Sầm Sơn, đại diện ban liên lạc HSMN Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã báo cáo ý tưởng trên với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và được các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủng hộ. Sau này, Ban liên lạc HSMN và Ban liên lạc người miền Nam tập kết đã tổ chức xây dựng khu lưu niệm to hơn, xứng tầm với giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam.

Tuy thời gian sống và học tập ở trường HSMN không lâu, sau khi tốt nghiệp PTTH ở các trường HSMN, chúng tôi vào các trường đại học trong nước, ngoài nước rồi tỏa đi công tác khắp mọi miền Tổ quốc nhưng hình ảnh trường HSMN, hình ảnh của thầy cô, tình cảm của Nhân dân các địa phương có trường HSMN luôn sống mãi trong chúng tôi.

Đầu năm 2024, chúng tôi về xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi có trường HSMN. Lãnh đạo xã - những cán bộ rất trẻ đã đón tiếp chúng tôi và kể những câu chuyện về trường HSMN mà các anh chị được thế hệ trước kể lại. Đặc biệt, một điều hết sức cảm động, lãnh đạo xã đưa chúng tôi ra thắp hương cho 6 HSMN không may qua đời và yên nghỉ ở đây. Các ngôi mộ được xây trong khuôn viên thoáng mát, có lối đi rộng rãi và được trông nom chu đáo. Có thể nói, tình cảm Nam Bắc một nhà được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Vì vậy, tôi nghĩ, trường HSMN là một minh chứng hết sức sinh động, để mỗi người chúng ta hiểu một cách sâu sắc câu nói của Bác Hồ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn; song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

PGS. TS. Phan Túy

Nguyên Trưởng ban liên lạc HSMN ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]