Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump như thế nào?
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đối mặt với không ít sóng gió, nổi bật trong đó là cuộc chiến tranh thương mại và xu hướng cạnh tranh gay gắt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa hai cường quốc. Vậy trong nhiệm kỳ thứ hai sắp tới của ông Trump, quan hệ Mỹ - Trung sẽ có những thay đổi như thế nào?
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử hôm 5/11, phản ứng của chính quyền Bắc Kinh đối với sự kiện này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, nhất là những sóng gió trong quan hệ giữa hai cường quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Về mặt chính thức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng tới ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump, trong đó ông nhắc lại bài học lịch sử: “Trung Quốc và Mỹ thắng lợi nhờ hợp tác và thất bại từ đối đầu”. Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ning, cho rằng sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại mà Donald Trump cam kết sẽ thực hiện và sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế thế giới. Ông Mao Ning đã gọi vấn đề Đài Loan là “vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất” trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ; đồng thời, Bắc Kinh phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Chính quyền Mỹ, theo quan điểm của Bắc Kinh, nên tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” và tiếp cận các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, Donald Trump, một mặt cam kết sẽ áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm từ Trung Quốc (60% trở lên tùy từng mặt hàng); mặt khác, không ít lần nói về “mối quan hệ tốt” với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài ra, ông Trump còn hứa sẽ “ngắt kết nối” Nga và Trung Quốc, mà theo quan điểm của ông, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã không có những biện pháp cần thiết để ngăn hai nước này xích lại gần nhau. Trong vấn đề Đài Loan, ông Trump nhiều lần nói rằng Đài Loan phải trả tiền để được Mỹ bảo vệ và cáo buộc Đài Loan đã “đánh cắp” ngành công nghiệp chip của Mỹ thời gian qua. Trong bối cảnh đó, ngày 8/11, Reuters đưa tin Đài Loan cam kết sẵn sàng ký kết các hợp đồng vũ khí lớn, như một động thái “nhằm xoa dịu” phản ứng của chính quyền Donald Trump.
Nhận định về vấn đề này, Lu Xiang, nhà nghiên cứu chuyên về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo, trong nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, ưu tiên tập trung hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế, như sản xuất dầu đá phiến và ô tô sử dụng nhiên liệu thông thường. Tuy nhiên, khác với Kamala Harris, ông Trump thiên về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn, và điều này có thể giúp Trung Quốc dễ thích nghi hơn trong trường hợp xấu nhất là một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước có thể xảy ra.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đặt ra câu hỏi về sự chuẩn bị của chính quyền nước này đối với chiến thắng của ông Trump sau bài học từ nhiệm kỳ đầu của ông. Một bài báo đăng trên tờ South China Morning Post cho biết, các cuộc thảo luận về cách chuẩn bị cho khả năng Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai đã bắt đầu vào mùa Xuân. Được biết, tất cả các tổ chức tư vấn quan hệ quốc tế hàng đầu ở Trung Quốc đều được giao nhiệm vụ nghiên cứu về khả năng giành chiến thắng của các ứng viên và đề xuất các giải pháp hoạch định đường lối đối ngoại.
Về vấn đề này, theo nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow, Bộ Ngoại giao Nga Igor Denisov nhận định, phản ứng của Trung Quốc trước việc ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai là “kiềm chế nhưng mang tính xây dựng”. Theo chuyên gia Igor Denisov, các quan chức cấp cao trong chính quyền Trung Quốc nêu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, đồng thời chỉ ra những thiệt hại mà cả hai nước sẽ phải đối mặt nếu kịch bản một cuộc chiến tranh thương mại 2.0 có thể xảy ra.
“Bắc Kinh không loại trừ khả năng về một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt và một làn sóng kiềm chế mới đối với Trung Quốc, đặc biệt là về những điểm nhạy cảm, như công nghệ và vấn đề Đài Loan”, ông Igor Denisov nhấn mạnh.
Theo chuyên gia người Nga, những kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump đã cho Trung Quốc bài học quý. Thực tế thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp nhằm củng cố chủ quyền kinh tế và công nghệ, phát triển công nghệ của riêng mình và gia tăng khả năng phòng thủ, các biện pháp được cho là nhằm củng cố sức mạnh nội sinh của Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng đáp trả nếu áp lực và các biện pháp bảo hộ của Mỹ gia tăng.
Bên cạnh vấn đề thương mại, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong quan hệ giữa hai cường quốc. Hiện nay, nguy cơ leo thang ở eo biển Đài Loan vẫn rất lớn. Mỹ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, điều này khiến Trung Quốc không hài lòng và làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố bất ngờ. Tuy nhiên, cả hai bên đều cố gắng tránh xung đột trực tiếp vì hiểu rằng một cuộc đối đầu toàn diện sẽ không có lợi cho cả hai bên.
Rõ ràng, Trung Quốc chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump 2.0. Trong đó, Đài Loan có lẽ là vấn đề quan trọng nhất, trong khi chiến tranh thương mại leo thang là khó tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra là chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đẩy căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung lên mức độ nào? Và Trung Quốc sẽ làm gì để đối phó với chính sách cứng rắn của Mỹ dưới thời Donald Trump?
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-05 15:01:00
Lựa chọn nhân sự phụ trách vấn đề quốc tế của ông Trump dự báo quan hệ Mỹ - Nga sẽ gặp nhiều sóng gió
-
2024-12-05 13:04:00
Phản ứng khác nhau của các quốc gia trước biến động chính trị tại Hàn Quốc
-
2024-11-14 10:34:00
Hội nghị COP29: EU công bố kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane
Tại sao cách tiếp cận của Trump đối với Ukraine lại khác biệt?
Kế hoạch hòa bình ở Ukraine của Donald Trump liệu có thành công?
Tương lai cuộc xung đột Nga - Ukraine dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Liệu bộ trưởng quốc phòng mới có cứu được Israel?
Trump đã trở lại, và lần này thì khác
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ ra sao khi Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ?
Doanh nghiệp châu Á trăn trở trước ngưỡng cửa nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump
Liệu Trump có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine “trong 24 giờ” không?
Ukraine buộc phải đối mặt với thực tế tàn khốc sau chiến thắng của Trump