(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví văn hóa dân tộc là dòng sông, thì văn hóa xứ Thanh hẳn là dòng sông màu mỡ phù sa. Từ những nét riêng độc đáo gắn với mảnh đất, con người nơi đây, đến sự hòa chung cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Thanh đã kết tụ nên những tinh hoa của “dòng sông văn hóa” xứ Thanh.

Tinh hoa miền di sản

Nếu ví văn hóa dân tộc là dòng sông, thì văn hóa xứ Thanh hẳn là dòng sông màu mỡ phù sa. Từ những nét riêng độc đáo gắn với mảnh đất, con người nơi đây, đến sự hòa chung cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Thanh đã kết tụ nên những tinh hoa của “dòng sông văn hóa” xứ Thanh.

Tinh hoa miền di sảnLễ hội đền Bà Triệu.

Nhiều nhà văn hóa đã khẳng định, văn hóa xuất hiện khi con người biết lao động sáng tạo. Từ quá trình đó, con người từng bước hoàn thiện cả thể chất, tinh thần, vóc dáng, tư duy, ý chí và bồi đắp nên giá trị chân thiện mỹ. Hay nói cách khác, văn hóa là thành quả của sự kết tinh từ kinh nghiệm, trí tuệ và sự sáng tạo của con người trong hình thành, lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là những thành quả được cha ông dày công vun đắp, gìn giữ, phát triển trở thành những tinh hoa văn hóa và để lại cho con cháu mai sau.

Chiếu theo dọc dài của lịch sử dân tộc, thì mỗi dấu mốc phát triển của dân tộc đều được ghi dấu trên mảnh đất xứ Thanh. Từ buổi bình minh của loài người, xứ Thanh đã lưu dấu những trầm tích của sự hình thành, cư trú của người Việt cổ. Và, trên hành trình phát triển của con người, xứ Thanh cũng trở thành mảnh đất gắn với nền văn hóa Đông Sơn - một đỉnh cao rực rỡ của văn hóa dân tộc. Đến thời kỳ đấu tranh dựng nước, mảnh đất xứ Thanh với địa hình hiểm trở, núi non hùng vĩ đã trở thành nơi “luyện võ, nuôi quân” của nhiều vị vua, tướng lĩnh. Hơn thế, xứ Thanh còn tự hào là vùng đất “thang mộc”, “đất căn bản làng vua”... Và, là nơi từng khiến bao tao nhân, mặc khách say lòng “tức cảnh sinh tình”.

Theo dòng thời gian và sự biến động lịch sử, những trầm tích văn hóa ấy được kết tinh, lắng đọng vào nhau tạo nên một kho tàng văn hóa xứ Thanh khá đồ sộ, phong phú với những đình, đền, chùa có lịch sử trăm năm, thậm chí nghìn năm hay những lễ hội, lễ tục, trò diễn được chắt lọc từ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Tất cả được xem là những tinh hoa văn hóa của xứ Thanh. Điều này càng được khẳng định rõ hơn khi những năm gần đây nhiều di sản văn hóa của xứ Thanh đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý và không gian sinh hoạt của một cộng đồng, để đến với các nền văn hóa khác và trở thành tài sản chung của toàn nhân loại, được vinh danh là di sản văn hóa quốc gia và di sản quốc gia đặc biệt.

Tinh hoa miền di sảnNghinh môn Khu di tích lịch sử Lam Kinh cạnh cây đa thị hàng trăm năm tuổi.

Nói đến di sản văn hóa vật thể xứ Thanh là nói đến những “chứng nhân lịch sử” như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; Khu di tích lịch sử Lam Kinh - di tích quốc gia đặc biệt; đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn; hang Con Moong - di tích khảo cổ học quốc gia đặc biệt, được lựa chọn đưa vào lộ trình xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa thế giới... Trong đó, hang Con Moong là một di tích khảo cổ học độc đáo tại Thanh Hóa gồm hàng chục hang động, mái đá phân bổ trong không gian rộng hơn 20.000ha tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương. Hang Con Moong là một quần thể hang động có giá trị trong việc nghiên cứu Tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hang mới, nhiều dấu tích của người Việt cổ thể hiện sự phát triển liên tục của nhiều nền văn hóa cổ xưa. Những giá trị nổi bật của hang Con Moong đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định. PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử từng khẳng định: “Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật hang Con Moong chính là sự tương thích của con người với biến động môi trường trong suốt hàng vạn năm, những thành tựu vĩ đại mà cộng đồng cư dân tiền sử đạt được, đã được bảo tồn nguyên vẹn trong hang Con Moong và các di tích xung quanh”.

Còn đối với di sản văn hóa phi vật thể không thể không nhắc đến những đại diện tiêu biểu cho văn hóa xứ Thanh như: Lễ hội Lam Kinh gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Anh hùng dân tộc Lê Lợi; Lễ hội đền Bà Triệu - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 và Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; Ngũ trò Viên Khê - di sản đặc trưng cho văn hóa nông nghiệp; trò Chiềng, trò Xuân Phả... Ở khu vực miền Tây xứ Thanh, đồng bào các dân tộc còn lưu giữ và thực hành nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc như: Lễ hội Pồn Pôông của người Mường, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái (Như Thanh)...

Về với “miền di sản”, đặc biệt là trong tiết xuân, khí xuân đang căng tràn nhựa sống, du khách sẽ được “thả hồn” vào tinh hoa văn hóa xứ Thanh - đại diện tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Để rồi, trong những phút giây lắng lòng với di sản văn hóa, mỗi người dân sẽ hiểu thêm về cội nguồn, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình, thêm yêu và tự hào về lịch sử - văn hóa của dân tộc. Từ đó, chuyển hóa thành hành động bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, đưa văn hóa thực sự trở thành hồn cốt, động lực phát triển toàn diện.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]