Với các loại hình bảo hiểm khác, thông thường số tiền chi trả bảo hiểm chiếm khoảng 70% tổng thu. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự hiện chỉ khoảng 4%, con số này cho thấy chính sách gần như không phát huy tác dụng.

Tỉ lệ bồi thường quá thấp, có nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy?

Với các loại hình bảo hiểm khác, thông thường số tiền chi trả bảo hiểm chiếm khoảng 70% tổng thu. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự hiện chỉ khoảng 4%, con số này cho thấy chính sách gần như không phát huy tác dụng.

Tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 4%

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố số liệu cập nhật theo báo cáo nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự. Theo đó, trong 11 tháng của năm 2024, tổng doanh thu là 736,9 tỷ đồng; ước tính chi phí bồi thường là 28,5 tỷ đồng; tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 4%.

Số liệu Bộ Tài chính công bố trước đó cho thấy: 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431,78 tỷ đồng, chi bồi thường là 41,9 tỷ đồng, dự phòng bồi thường là 35,86 tỷ đồng. Các khoản chi trên chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng... cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh.

Tỉ lệ bồi thường quá thấp, có nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy?

Bảo hiểm xe máy bắt buộc thu hơn 730 tỷ, bồi thường chỉ 28,5 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Theo Bộ Tài chính, với mức phí bảo hiểm 55.000 đồng hoặc 60.000 đồng, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng, bảo hiểm sẽ chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn; về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn.

“Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm”, Bộ Tài chính cho hay.

Cần cân nhắc về tính hiệu quả

Trao đổi với một số báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia tài chính cho biết, với các loại hình bảo hiểm khác, thông thường số tiền chi trả bảo hiểm chiếm khoảng 70% tổng thu. Tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe máy hiện nay là quá thấp, gần như chính sách không phát huy tác dụng.

"Nhiều năm qua, bảo hiểm xe máy là dạng bảo hiểm bắt buộc, người dân vẫn đóng nhưng khi xảy ra va chạm, hầu như người dân tự giải quyết với nhau. Bởi thủ tục hưởng bồi thường bảo hiểm tương đối phức tạp, tốn thời gian, nhưng mức bồi thường bảo hiểm có khi chỉ vài trăm nghìn đồng", ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, số tiền chi ra để mua bảo hiểm xe máy không lớn nhưng với hàng chục triệu xe máy, số tiền cả nước thu về rất lớn. Do đó, nên bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc để giảm phiền hà cho người dân, ai thấy cần thiết thì mua.

Tỉ lệ bồi thường quá thấp, có nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy?

Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy. (Ảnh minh họa: KT)

“Trong trường hợp vẫn bắt buộc mua bảo hiểm xe máy, Bộ Tài chính phải có giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong khâu ghi nhận và bồi thường bảo hiểm”, ông Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh.

Thời gian qua, cử tri nhiều địa phương như An Giang, Đồng Nai, TP.HCM... cũng gửi tới Bộ Tài chính đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm đối với xe máy theo hướng tự nguyện khi người dân có nhu cầu thay cho bắt buộc hiện nay. Lý do đưa ra là khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh, người dân gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục bảo hiểm.

Tỉ lệ bồi thường quá thấp, có nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích, xét về bản chất, bảo hiểm xe máy có vai trò rất quan trọng, cần thiết trong bối cảnh Việt Nam có quá nhiều vụ tai nạn xe máy, và không ít người đi xe máy gây tai nạn không đủ tiền đền bù cho nạn nhân. Khoản tiền bảo hiểm sẽ góp phần đảm bảo an sinh cho người bị nạn. Nhìn nhận ở góc độ này, nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy.

Tuy nhiên, trên thực tế, người dân phản ứng khá tiêu cực với việc bắt buộc mua bảo hiểm xe máy bởi quan ngại về chuyện tới lúc gặp rủi ro lại khó nhận bồi thường vì thủ tục phức tạp, doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra nhiều quy định kiểu “bắt bí” để có cớ “phủi tay”.

Chẳng hạn, theo quy định pháp luật, khi tai nạn xảy ra, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng; không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, không ít trường hợp tai nạn, vì quá hoảng, không nhớ ra những việc phải làm ngay, dẫn đến không đáp ứng điều kiện để được thanh toán bồi thường, đành ngậm ngùi chịu mất quyền lợi.

“Nếu thực trạng này không được cải thiện, có thể bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá về tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.

Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội.

VCCI lập luận, bảo hiểm bắt buộc là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của Nhà nước vào quyền tự do thoả thuận của người dân và doanh nghiệp, một trong những quyền dân sự được bảo vệ.

Điều 14.2 của Hiến pháp và Điều 2.2 của Bộ luật Dân sự quy định rằng quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết "vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”. Như vậy, để hạn chế quyền này, cơ quan nhà nước phải chứng minh được rằng lợi ích công cộng thu được từ việc hạn chế quyền vượt xa chi phí phải bỏ ra.

Theo khảo sát của VCCI, trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội nhưng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không.

Theo VOV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]