Thu phí quản lý hạ tầng tại Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, đúng hay sai?
Tranh cãi, chưa thống nhất về vấn đề thu phí quản lý hạ tầng tại Khu Công nghiệp (KCN) Đình Hương - Tây Bắc Ga (giai đoạn 2) là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự việc “lùm xùm” liên quan đến việc cấp nước cho gần 100 doanh nghiệp (DN) mà Báo Thanh Hóa đã phản ánh những ngày vừa qua. Sau cuộc họp của Ban Quản lý KKTNS và các KCN với chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp (DN) thứ cấp, vấn đề cấp nước đã đi tới những thống nhất cơ bản. Còn vấn đề thu phí quản lý hạ tầng, các bên liên quan cần phải phối hợp giải quyết trên cơ sở tôn trọng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký kết, hướng tới sự phát triển chung của KCN.
Vận hành gần 10 năm chưa thu phí dịch vụ
KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (giai đoạn 2) có diện tích sau điều chỉnh là 49,55 ha. Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng (Công ty Tân Phục Hưng) - chủ đầu tư hạ tầng cho biết, hiện đã đầu tư hơn 416 tỷ đồng vào các hạng mục chính như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí xây lắp, tư vấn, quản lý dự án... Trong đó, cơ sở hạ tầng bao gồm các hạng mục chính như san nền, làm đường giao thông, hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy, cây xanh...
KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga giai đoạn 2 hiện đã lấp đầy 100%.
Cũng theo đại diện DN chủ đầu tư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của KCN này cơ bản hoàn thành vào năm 2018. Trước đó, từ năm 2014, KCN này bắt đầu có DN thuê đất và sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên công ty chưa thu phí dịch vụ quản lý hạ tầng hàng chục năm nay. Để thực hiện các dịch vụ duy tu cơ sở hạ tầng cơ bản, Công ty Tân Phục Hưng hiện đang tự chi phí khoảng 1 tỷ đồng/năm từ nguồn lợi nhuận kinh doanh khác mà chưa thu của các DN thứ cấp.
Tuy nhiên, với số kinh phí này, chủ đầu tư hạ tầng mới chỉ thực hiện được công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, chưa thực hiện được đầy đủ các hạng mục như chiếu sáng, vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, bảo vệ an ninh và hệ thống PCCC.
Một tuyến đường trong KCN với nhiều cây xanh, được quét dọn khá sạch sẽ.
“Chúng tôi tự nhận thấy, công tác quản lý hạ tầng ở KCN hiện nay chưa tốt như mong muốn của tỉnh Thanh Hoá cũng như chính DN. Cùng với đó, sau hơn 10 năm đi vào sử dụng, một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN đã bắt đầu xuống cấp, phải tiến hành duy tu, sửa chữa. Hơn nữa, sự hoàn thiện của các quy định pháp luật về quản lý KCN, nhất là trong công tác PCCC đặt ra yêu cầu cho chủ đầu tư phải tổ chức vận hành bài bản, chuyên nghiệp hơn. Do đó, việc triển khai ký hợp đồng thu phí dịch vụ hạ tầng vào thời điểm này là không thể trì hoãn”, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Phục Hưng cho biết.
Theo đó, từ tháng 7/2023, Công ty Tân Phục Hưng đã thông báo và tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến và thương thảo với các DN tại đây để thu phí quản lý hạ tầng KCN. Công ty Tân Phục Hưng ban đầu đề xuất mức phí là 9.000 đồng/m2, ngang bằng KCN Bỉm Sơn và một số KCN ở các tỉnh lân cận, tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sau khi nhận được phản hồi từ các DN thứ cấp về việc chưa thống nhất với đơn giá này, Công ty Tân Phục Hưng đã xây dựng dự toán lại và đưa ra mức đơn giá giảm xuống còn 7.500 đồng/m2/năm. Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN đã có văn bản số 1321/BQLKKTNS ngày 7/5/2024 đề nghị Công ty Phục Hưng căn cứ đơn giá đã xây dựng để làm cơ sở thương thảo hợp đồng với các nhà đầu tư thứ cấp. Mức phí này hiện đang bằng với các KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga giai đoạn 1 và thấp hơn đơn giá đăng ký ban đầu.
Theo chủ đầu tư, việc triển khai thu phí dịch vụ quản lý hạ tầng nhằm duy tu một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN đã bắt đầu xuống cấp và xây dựng KCN xanh, sạch hơn.
Theo thuyết minh xây dựng đơn giá dịch vụ quản lý hạ tầng làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng, các hạng mục mà chủ đầu tư thực hiện bao gồm: Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật khi hư hỏng, xuống cấp, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải công cộng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, nạo vét cống rãnh đảm bảo thoát nước, duy trì điện sáng công cộng, đảm bảo an ninh trật tự, PCCC chung của KCN... Với đơn giá 7.500 đồng/m2/năm, chủ đầu tư hạ tầng dự kiến thu được gần 2,8 tỷ đồng phí dịch vụ/năm; dự toán chi khoảng 3 tỷ đồng/năm. Hiện đơn giá này đã được 19/87 nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất với Công ty Tân Phục Hưng đồng thuận.
“Chúng tôi mong muốn xây dựng 1 KCN đàng hoàng, ngăn nắp, sạch sẽ hơn. Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh lâu dài cho các DN thứ cấp; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị trong lòng TP Thanh Hoá và cũng là điều kiện tăng giá trị cho KCN này”, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Phục Hưng Trịnh Ngọc Khánh cho biết thêm.
Có cơ sở pháp lý thu phí hạ tầng KCN
Theo phản ánh của hàng chục DN đang sản xuất, kinh doanh tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (giai đoạn 2), sở dĩ họ chưa đồng thuận ký phụ lục hợp đồng thu phí quản lý hạ tầng, bởi một số hạng mục công việc là nghĩa vụ mà nhà đầu tư hạ tầng đương nhiên phải bảo đảm khi cho thuê đất gắn liền với cơ sở hạ tầng.
Vận hành thử họng nước PCCC bên ngoài tường rào các DN thứ cấp.
Theo ý kiến của một số DN, họ chỉ đồng thuận đóng tiền với một số hạng mục công việc như: hệ thống chiếu sáng công cộng; dịch vụ vệ sinh, thu gom và vận chuyển rác thải; dịch vụ bảo vệ vòng ngoài của KCN; chăm sóc cây xanh... với đơn giá phù hợp.
Còn phía Công ty Tân Phục Hưng cho rằng, các DN tại đây phải đóng phí để công ty có kinh phí cho công tác: Quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN (bao gồm: hệ thống giao thông, vỉa hè; hệ thống thoát nước mưa, nước thải; hệ thống cấp nước, trạm bơm tăng áp và họng cứu hỏa trên đường...)...
Công ty Tân Phục Hưng hằng ngày phải thuê người dọn vệ sinh trong KCN.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên tìm đến cơ quan quản lý nhà nước là Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh. Theo đại diện Ban này, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân nhiều nhà đầu tư thứ cấp chưa được giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng dẫn đến đa phần các DN đang hiểu khi thuê đất gắn liền với cơ sở hạ tầng thì toàn bộ cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của họ, đồng thời họ có quyền quyết định các vấn đề liên quan và không phải nộp thêm bất cứ khoản phí nào. Tuy nhiên, toàn bộ hạ tầng của KCN là do Công ty Tân Phục Hưng đầu tư, do đó thuộc quyền sở hữu, quản lý, vận hành KCN và cũng là trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng. Các DN chỉ có quyền được sử dụng hạ tầng này trong toàn bộ thời gian thuê.
Về vấn đề nghĩa vụ nộp phí dịch vụ hạ tầng và các hạng mục được cấu thành đơn giá cũng đã thể hiện rõ trong hợp đồng này. Theo đó, tại Điều 6.4 có nêu: “Giá thuê quyền sử dụng đất gắn với cơ sở hạ tầng chưa bao gồm phí dịch vụ”. Tiếp đó, tại Điều 6.5 cũng nêu: “Sau khi nhận được phê duyệt về mức phí dịch vụ áp dụng tại KCN của Ban Quản lý KKTNS và các KCN tỉnh Thanh Hoá, các bên sẽ ký kết phụ lục hợp đồng, quy định cụ thể về loại phí dịch vụ này”.
Khái niệm về “dịch vụ quản lý hạ tầng” cũng được giải thích tại Điều 1.1.10: “bao gồm nhưng không giới hạn ở dịch vụ vệ sinh công cộng và bảo vệ bên ngoài hàng rào địa điểm, tất cả các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa các hạng mục của cơ sở hạ tầng thuộc bên A quản lý”.
Khái niệm phí “dịch vụ quản lý hạ tầng” bao gồm nhưng không giới hạn ở dịch vụ vệ sinh công cộng và bảo vệ bên ngoài hàng rào địa điểm, tất cả các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa các hạng mục của cơ sở hạ tầng.
Cũng theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN, các vấn đề liên quan đến trách nhiệm vận hành, quản lý KCN, quy định về hình thành đơn giá và việc thẩm định giá quản lý dịch vụ hạ tầng được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KKT, KCN và các quy định pháp luật liên quan. Việc thực hiện thu phí dịch vụ quản lý hạ tầng để duy trì, quản lý, vận hành KCN hiện đang được thực hiện tại 390 KCN trên cả nước, với mức phí dịch vụ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đơn giá các dịch vụ cũng như tiêu chuẩn riêng của từng KCN.
KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, giai đoạn 2 có gần 100 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Như vậy, việc Công ty Tân Phục Hưng triển khai thu phí quản lý hạ tầng KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga (giai đoạn 2) là có cơ sở pháp lý, vấn đề là các bên đều phải lắng nghe, thương thảo và đưa ra mức thu hợp lý nhất. Được biết, sau khi Báo Thanh Hóa có các bài viết, Ban Quản lý KKTNS và các KCN đã tổ chức một hội nghị với sự tham gia của Công ty Tân Phục Hưng và các DN trong KCN để giải quyết các khúc mắc và vấn đề chưa đồng thuận. Ban cũng đã giải thích rõ từng vấn đề liên quan đến Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất gắn với cơ sở hạ tầng, về nghĩa vụ nộp phí dịch vụ hạ tầng để duy trì công tác quản lý, vận hành cho các DN.
Ban Quản lý KKTNS và các KCN cũng đề nghị Công ty Tân Phục Hưng tiếp tục xem xét, hoàn chỉnh đơn giá dịch vụ quản lý hạ tầng và các dự thảo hợp đồng gửi tới các DN thứ cấp nghiên cứu; đồng thời tổ chức cuộc họp với các DN thứ cấp có mời Ban và Sở Công Thương tham dự để thảo luận, cho ý kiến trước ngày 23/8.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-12-14 08:40:00
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn: 8 nhiệm vụ trọng tâm để tăng tốc, bứt phá
-
2024-12-14 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 14/12/2024
-
2024-08-17 10:00:00
Gặp mặt con em Triệu Sơn đang công tác, làm ăn sinh sống ở mọi miền Tổ quốc
Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Báo chí tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 17/8/2024
Điểm nóng 17/8: Chủ tịch UBND thành phố và sở TN&MT thua kiện cụ bà 93 tuổi
[Góc nhìn]: Đất hứa xa xôi
Danh sách các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII
Thủ tướng chủ trì họp xây dựng luật, sửa đổi một số luật về lĩnh vực tài chính
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 16/8
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 16/8
Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư