(Baothanhhoa.vn) - Nhận xét về đất và người Thanh Hóa, trải qua thời gian đã có nhiều học giả trong nước và nước ngoài có cái nhìn và nhận xét khá xác đáng về miền đất này. Sử gia Phan Huy Chú cảm khái trước người và đất xứ Thanh đã ghi những dòng tuyệt bút: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông... Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu... Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh - miền đất địa linh, nhân kiệt (kỳ 2)

Nhận xét về đất và người Thanh Hóa, trải qua thời gian đã có nhiều học giả trong nước và nước ngoài có cái nhìn và nhận xét khá xác đáng về miền đất này. Sử gia Phan Huy Chú cảm khái trước người và đất xứ Thanh đã ghi những dòng tuyệt bút: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông... Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu... Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Xứ Thanh - miền đất địa linh, nhân kiệt (kỳ 2)

Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc.

Khâm sứ Trung Kỳ, Pasquier thì cho rằng: Thanh Hóa “một bộ phận của nước Đại Việt giàu cảnh đẹp thiên nhiên nhất cũng như về những ký ức lịch sử và truyền thuyết”. Tiến sĩ người Pháp H. Le Breton thì nhận xét: “Thanh Hóa níu giữ và quyến luyến như mọi địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại... Thanh Hóa... còn là một hình ảnh của Bắc Kỳ thu nhỏ, nó có châu thổ trù phú và phì nhiêu, vùng Trung du cây cỏ bạt ngàn đồi lượn sóng, vùng cao lầm lỳ mà rừng đại ngàn um tùm bao phủ”. Các học giả đã có những cách nhìn khá bao quát và đặc sắc về bức tranh toàn cảnh, phản ánh về điều kiện tự nhiên, lịch sử của tỉnh Thanh và không giấu nổi cảm xúc vừa tự hào xen lẫn niềm kiêu hãnh.

Lịch sử của miền đất này gắn liền với sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Theo GS Trần Quốc V­ượng: “Xứ Thanh là vị trí địa - chiến l­ược, địa - chính trị, địa - văn hóa quan trọng của Việt Nam”. Đền Đồng Cổ - vùng núi sông kỳ tú và linh thiêng từng in dấu Vua Hùng. Theo sách Tam Thai sơn linh tích cho biết: Vào thời Hùng Vương, nhà vua đi dẹp loạn Hồ Tôn xâm lược ở phương Nam. Đại quân theo đường núi tiến đến chân núi Khả Lao (nay thuộc làng Đan Nê, Yên Thọ, Yên Định) nghỉ đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã. Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Ðồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần báo mộng. Khi giáp trận, quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng phong cho thần núi Khả Lao là “Đồng Cổ đại vương”, cho xây miếu thờ thần Đồng Cổ để nhớ công lao của thần... Sách Lĩnh nam chích quái cũng ghi lại: Năm 258 trước công nguyên, Vua Hùng (không rõ vị vua thứ mấy) khi đi đánh giặc Lâm Ấp nghỉ chân ở núi Tam Thai được thần báo mộng giúp sức. Khi thắng trận trở về phong cho thần là “Đồng Cổ đại vương”... Ghi chép ở Thượng Điện đền Đồng cổ: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (256 – trước công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê – Trịnh (1630), miếu được xây dựng khang trang, to đẹp hơn... Miếu thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp Vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp vua Lê - chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước...”. Như vậy, từ thuở dựng nước, miền đất Cửu Chân từng lưu lại dấu tích của Vua Hùng và chính Đồng Cổ - nơi tụ khí thiêng của non nước đã giúp Vua Hùng thắng giặc ngoại xâm, giữ bình yên cho muôn dân, trăm họ.

Thanh Hóa vừa là đất “phên dậu” lại vừa là đất “thang mộc”, đất “quân vương” của các ông vua, bà chúa - người đứng đầu các triều đại phong kiến Việt Nam suốt từ Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn... đồng thời cũng là Kinh Đô của các triều đại nhà Hồ (Tây Đô), thời Lê sơ (Lam Kinh), thời Lê Trung hưng (Kinh Đô Vạn Lại), đất kinh kỳ ấy đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và tiếp cận, lưu dấu ấn sâu sắc về chính trị, kinh tế - xã hội... của các thời đại lúc bấy giờ, đồng thời cũng thể hiện sắc thái riêng của xứ Thanh lan tỏa và hóa quyện vào đất Việt.

Trải qua nhiều nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, xứ Thanh miền đất “địa linh nhân kiệt”, “là sân khấu chính trị” của các vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Lê Trung hưng, Nguyễn... đã sản sinh cho non sông, đất nước nhiều bậc quân vương, anh hùng hào kiệt và cả các văn thần, võ tướng. Tiến sĩ người Pháp H. Le Breton cho rằng: “Thanh Hóa... là sân khấu của các bản trường ca lớn của lịch sử Đại Việt”. “Muốn hiểu thấu đáo lịch sử Đại Việt, phải hiểu lịch sử Thanh Hóa... Thanh Hóa đã sản sinh ra các vị khai sáng các triều đại nổi tiếng nhất...” . “Rừng già che đậy những phế tích kinh kỳ của các triều đại. Những bức tường thành... do nhà Hồ dựng nên đang còn sừng sững giữa vòng vây của bao lèn núi. Không có một ngã ba đường nào mà không còn như lưu lại những vang vọng của giáo gươm xô sát...”.

Các di tích lịch sử tiêu biểu in dấu các vương triều, như: Đền Bà Triệu, Khương Công Phụ; đền Lê Hoàn thời Tiền Lê; Đền Đồng Cổ, đền thờ Lý Thường Kiệt và hệ thống chùa, Bảng Môn Đình thời Lý; đền thờ Trần Hưng Đạo, bia Tràng Kênh, Trần Nghệ tông và chùa Thông, chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân... thời Trần; Thành Nhà Hồ, Cung Bảo Thanh - thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của muôn dân thời Đại Việt; Khu Di tích Lam Kinh, Thái miếu Bố Vệ thời Hậu Lê; khu bái lăng Đa Bút, Yên Phú, lăng Lê Đình Châu, Nguyễn Văn Nghi, Quận Mãn, Ngô Thì Hiến, Ngô Thì Hải..., hành cung Vạn Lại, Yên Trường... thời Lê Trung hưng; Lăng miếu Gia Miêu - Triệu Tường thời Nguyễn, Khu Di tích Ba Đình, chiến khu du kích Ngọc Trạo, cụm di tích Hàm Rồng...

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của xứ Thanh từ thuở xa xưa mang đậm dấu ấn chung của cả nước và có sắc thái riêng, đặc biệt thấy rõ trong các di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn tôn giáo, về Phật giáo có các chùa được xây dựng từ khá sớm, thư tịch xưa cho biết, ngay từ đời Đường đã có chùa Sơn Tĩnh của sư Vô Ngại, các chùa Hương Nghiêm (Thiệu Hóa), Trinh Nghiêm (Kẻ Ngo) và Minh Nghiêm (Đông Sơn) do Lê Lương, một phú hộ ở hương Bối La thuộc Ái Châu cho xây dựng. Thời Lý có chùa Báo Ân (An Hoạch) xây năm 1099-1100; chùa Linh Xứng (Hà Trung) xây năm 1126 do Lý Thường Kiệt khởi xướng; chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (huyện Hậu Lộc) dựng năm 1118 đời Vua Lý Nhân tông, hiện trong chùa còn lưu giữ được các bệ sen và tấm bia dựng năm 1118; chùa Hưng Phúc hương Yên Duyên (Quảng Xương) khởi dựng năm 1264, trùng tu mở mang vào năm 1326, trong chùa còn tấm bia nói về việc quân Toa Đô nguyên soái của đạo quân xâm lược Nguyên Mông bị hương binh Thanh Hóa đánh bại phải rút ra biển vào năm Ất Dậu (1285)...

Mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Hàng trăm vị nhân thần, thiên thần, nhiên thần, nam thần, nữ thần được thờ tại Thanh Hóa như là một sự quần tụ các vị thần được thờ trong cả nước về đây, từ các vị thần thời đại Hùng Vương, An Dương Vương đến các vị anh hùng liệt nữ có công với dân với nước trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc đã nói lên lòng ngưỡng vọng tâm linh của con người ở vùng đất này đối với cả nước.

Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa qúy giá và đặc sắc, mà chính ở các di tích này còn tiềm ẩn nhiều thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực, các nghi lễ, tục kiêng khem... biết ơn tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc, tiêu biểu như lễ hội làng Phú Điền (Hậu Lộc), Am Tiên (Triệu Sơn), Xuân Du (Như Thanh)... tưởng nhớ Bà Triệu với tiếng cồng vọng mãi ngàn năm; hội làng Đồng Cổ (Đan Nê); Hội làng Phú Khê tôn vinh vị Thành hoàng có công giúp vua Lý bình Chiêm; lễ hội Lam Kinh - nhớ vua Lê dựng nghiệp, Hội làng Tép thờ Lê Lai - dũng tướng liều mình cứu chúa; Hội làng Trung Lập thờ vua Lê Đại Hành người xây dựng triều đại Tiền Lê, mở ra thời kỳ phát triển cho vương triều Lý, trong hội có lệ tục cày ruộng tịch điền, khuyến khích việc canh nông... Các làng chài ven sông, biển mở hội cầu ngư tôn vinh các vị thần Biển, như: Độc Cước, Nguyễn Phục, Hoàng Tá Thốn, Bà Triệu, Quang Trung, Đường Công Quang Lộc, Kim Cương tướng quân, Đức ông... phù trợ, giúp đỡ ngư dân có cuộc sống bình yên, đánh bắt được nhiều tôm, cá.

Nghệ thuật âm nhạc, diễn xướng in đậm dấu ấn các thời đại ở Thanh Hóa đã được nhắc tới với “nhiều đặc tính và tập quán, truyền thuyết và lễ nghi huyền bí mà nỗi u hoài cao ngạo bỗng rạng nét tươi vui qua vẻ phô trương, đầy màu sắc của các đình đám riêng biệt ít nơi nào có...”. “... các thiếu nữ vai đeo đèn nhịp nhàng múa hát, ảo tưởng lễ hội, ảo tưởng hân hoan, ảo tưởng một nền nghệ thuật tinh tế...” . Nghệ thuật trình diễn ấy biểu hiện trong trò Ngô Triệu giao quân (lễ hội đền Bà Triệu), trò Chiềng làng Trịnh Xá (thời Lý), Trò Xuân Phả, trò Tiên Cuội... (thời Lê) với các tích trò gắn với các nhân vật là người Chăm Pa, Trung Hoa, Ai Lao, Xiêm Thành, Hòa Lan... tiến cống Đại Việt. Các lễ hội và trò diễn đều diễn tích gắn với các nhân vật lịch sử, người có công dựng xây, khai sơn, phá thạch, dựng ấp, lập làng, sáng tạo nghề nghiệp và truyền nghề, bảo vệ non sông, xã tắc... được lập đền, dựng bia thờ phụng; qua đó giúp cho người dân không chỉ trong nước mà cả quốc tế hiểu biết, tự hào, khám phá và nhận biết về hiện thực lịch sử của con người và miền đất nơi đây đã góp phần làm đẹp cho truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Với vị thế địa - chính trị, văn hóa quan trọng, Thanh Hóa là một “trọng trấn”, một nơi “hội tụ vượng khí của non sông” đã tạo cơ sở vững chắc cho vùng đất này suốt từ thời kỳ tiền sơ sử, trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc và cho đến hôm nay. Xứ Thanh - miền đất địa linh, nhân kiệt với những giá trị lịch sử, văn hóa trải qua hàng nghìn năm đã góp phần hình thành và tạo nên bản lĩnh, khí phách con người Thanh Hóa anh hùng, đầy dũng khí, v­ượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai và các thế lực bạo tàn, song lại thấm đẫm tính nhân văn, giầu lòng nhân ái và đức hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của non sông, gấm vóc. Sự trân quý đó đã được cha ông khắc ghi và truyền lại cho cháu con nối đời làm rạng danh, lan tỏa: “Thanh Hoa địa giới Đông - Nam trấn/ Mỗi tấc non sông một tấc vàng”.

Phát huy vị thế của miền đất anh hùng, trong các cuộc kháng chiến, chiến tranh cách mạng và xây dựng đất nước và thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH đất nước, quê hương, các thế hệ người dân xứ Thanh đã có những đóng góp quan trọng vì sự vững mạnh và phồn vinh của dân tộc. Nhân lên niềm tự hào và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đất nước, quê hương vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương và của mỗi người dân tỉnh Thanh biến những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu ấy trở thành nguồn lực, nền tảng tinh thần, sức mạnh nhằm xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hoàng Bá Tường (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]