(Baothanhhoa.vn) - Huyện Mường Lát có đường biên giới dài hơn 100 km tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Vốn là vùng đất cực Tây của tỉnh Thanh Hóa với 95,5% là đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thế nhiều tên bản nơi đây gắn liền với đói nghèo, lạc hậu. Thế nhưng, kể từ khi có tổ chức đảng lãnh đạo, cùng sự tiên phong của những “hạt giống đỏ”, đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều bản đã vượt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo để xây cuộc sống mới ấm no.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xóa bỏ “Phép vua thua lệ làng” nơi Cổng Trời: Bài cuối - Có Đảng dẫn đường - đồng bào Mông xây dựng cuộc sống mới không đói nghèo

Huyện Mường Lát có đường biên giới dài hơn 100 km tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Vốn là vùng đất cực Tây của tỉnh Thanh Hóa với 95,5% là đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thế nhiều tên bản nơi đây gắn liền với đói nghèo, lạc hậu. Thế nhưng, kể từ khi có tổ chức đảng lãnh đạo, cùng sự tiên phong của những “hạt giống đỏ”, đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều bản đã vượt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo để xây cuộc sống mới ấm no.

Xóa bỏ “Phép vua thua lệ làng” nơi Cổng Trời: Bài cuối - Có Đảng dẫn đường - đồng bào Mông xây dựng cuộc sống mới không đói nghèo

Anh Giàng A Chống, bí thư chi bộ, trưởng bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát – người gieo “hạt giống đỏ” và xây dựng tổ chức đảng vững mạnh. Ảnh: T.H

Đồng bào Mông một lòng theo Đảng

Ven theo dòng suối Lát, sau hơn 2 giờ quăng quật với đèo Nháp, dốc Đá, chúng tôi có mặt ở bản Ón - bản tận cùng của xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Bên hiên nhà, bí thư chi bộ, trưởng bản Giàng A Chống tay lấm lem dầu mỡ đang thay bộ nhông xích cho chiếc xe máy có phần cũ kỹ theo thời gian. Anh vồn vã đón chúng tôi. “Bản Ón có 115 hộ đồng bào Mông, sinh sống ở 3 địa điểm khác nhau. Nhóm hộ xa nhất là sinh sống trên đỉnh núi Pá Tộn. Đường sá đi lại trong bản hay ra trung tâm xã chủ yếu là đèo dốc nên cứ khoảng 2 tháng mình lại phải thay bộ nhông xích mới” - anh Chống bộc bạch.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mới di cư về bản Ón, cuộc sống của bà con chỉ biết dựa vào nương rẫy. Không điện, không đường, không trường, không trạm y tế và xa trung tâm xã nên cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây cứ quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu. Một phần nguyên nhân khiến dân bản chưa nhận thức, khơi thông được ý chí tự vươn lên khỏi nghèo nàn, lạc hậu là do thiếu vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Kết luận số 50-KL/TU, ngày 20-4-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Phát triển đảng viên và chi bộ ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” ra đời như “ngọn đuốc” soi đường cho các cấp ủy đảng huyện biên giới Mường Lát xóa “trắng” đảng viên, xóa “trắng” chi bộ và chi bộ sinh hoạt ghép. Bắt tay vào thực hiện Kết luận số 50-KL/TU, Ðảng bộ xã Tam Chung đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung điều động, biệt phái cán bộ, công chức xã và cán bộ, chiến sĩ biên phòng có kinh nghiệm về 4 bản đồng bào Mông gồm: Suối Phái, Suối Lóng, Pom Khuông, Ón để thành lập các chi bộ đảng. Tháng 9-2011, Chi bộ bản Ón được thành lập, anh Giàng A Chống được bầu giữ chức bí thư chi bộ. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Giàng A Chống luôn đi đầu trong việc đưa cây trồng mới về vùng đất bản Ón, nhằm tìm hướng đi trong sản xuất cho đồng bào mình. Tận dụng 2.000m2 đất ven sườn núi sau nhà anh đưa cây dứa gai, cây bưởi Diễn vào trồng thử nghiệm. Ngoài ra, anh còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện nay, gia đình anh Giàng A Chống có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng từ đàn gà thịt, vườn dứa gai và nương ngô.

Không chỉ gương mẫu “đi trước, làm trước”, Giàng A Chống còn phát huy vai trò người đi tìm, gieo những “hạt giống đỏ” cho Đảng. Xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu, anh Giàng A Chống đã cùng các đồng chí trong chi ủy không quản nắng mưa, ngày đêm đến từng hộ gia đình vận động đoàn viên thanh niên, quân nhân xuất ngũ tham gia các phong trào thi đua của bản, để từ đó tìm và gieo được những “hạt giống đỏ” bồi dưỡng, giúp đỡ giới thiệu cho Đảng. Anh Giàng A Chống cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, Chi bộ bản Ón kết nạp được 12 đảng viên mới. Nghị quyết Đại hội Chi bộ bản Ón, nhiệm kỳ 2020-2022, vẫn xác định công tác tạo nguồn phát triển Đảng là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, mỗi năm chi bộ phấn đấu kết nạp từ 2 đảng viên trở lên”. Song song với xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, chăm lo phát triển đảng viên, Chi bộ bản Ón cũng tập trung lãnh đạo nâng cao năng suất, sản lượng của 50 ha lúa nương, phát triển đàn trâu, bò lên khoảng 450 con, động viên con em trong bản tham gia xuất khẩu lao động, đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Anh Giàng A Chống phấn khởi khoe: “Vào năm 2015, ở bản Ón chỉ có gia đình mình và Giàng A Khoa - đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi, là không thuộc diện hộ nghèo, số hộ dân còn lại đều thuộc diện hộ nghèo. Số cháu học hết bậc THCS, THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay, ở bản Ón đã có điểm trường tiểu học và mầm non, với 148 em trong độ tuổi được đến lớp, đến trường. Mừng hơn, trong bản đang có 30 em đang học THCS và 20 em đang học THPT. Điện lưới quốc gia cũng được kéo về bản. Nhờ vậy, nâng thu nhập bình quân đầu người của bản lên 15 triệu đồng/năm, tương đương với khoảng 40 bì lúa nương; bản không còn hộ đói”.

Già Thao Nhé Cợ chính là người có công rất lớn trong xây dựng chi bộ, xóa “trắng” đảng viên ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi. Già Cợ năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, già Cợ thuộc lớp người thấm thía những khó khăn, khổ cực của quê hương trong cái thời chưa có đường, chưa có điện lưới, chưa có trường học và thiếu lương thực. Năm 1977, Chi bộ bản Pù Ngùa được thành lập với 5 đảng viên. Với sự tin tưởng, tín nhiệm của các đảng viên, ông Thao Nhé Cợ được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ bản Pù Ngùa. Bằng tâm huyết của mình, ông Cợ đã cùng cán bộ xã, chiến sĩ biên phòng đến từng hộ dân để vận động bà con không di cư tự do, ở lại Pù Ngùa xây dựng đời sống mới. Đồng thời, chăm lo gieo những “hạt giống đỏ” giới thiệu cho Đảng. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, mà đứng đầu là ông Thao Nhé Cợ, đời sống của bà con bản Pù Ngùa đã bắt đầu đổi thay, tình trạng “no ba tháng, đói chín tháng” đã chấm dứt. Năm 2012, do tuổi cao, ông xin thôi giữ chức Bí thư Chi bộ bản Pù Ngùa. “Tre già măng mọc”, người được bầu làm Bí thư Chi bộ bản Pù Ngùa là anh Thao Chứ Pó - con trai ông Cợ. Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, anh Pó luôn dốc hết tâm huyết để cùng với tập thể chi bộ lãnh đạo bà con dân bản thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh biên giới. Những năm gần đây, do mưa bão, lũ quét, nhiều hộ dân trong bản Pù Ngùa bị mất đất canh tác do sạt lở đất. Trước những khó khăn của người dân, anh Pó đã đưa sáng kiến kêu gọi các hộ dân có nhiều đất canh tác cho những hộ thiếu đất mượn một phần diện tích để sản xuất. Không những vậy, gia đình anh đã tiên phong cho hộ nghèo trong bản mượn 2 ha để sản xuất. Việc làm của anh đã tạo sức lan tỏa đến tất cả đảng viên trong Chi bộ bản Pù Ngùa. Anh Pó phấn khởi cho biết: “Nhiệm kỳ vừa qua, chi bộ kết nạp được 3 đảng viên mới. Từ 5 đảng viên ban đầu, nay chi bộ đã có 30 đảng viên. Hơn 40 năm qua, các thế hệ đảng viên của bản luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng Pù Ngùa ngày càng khởi sắc. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mông bản mình vẫn một lòng theo Đảng”.

Bằng quyết tâm chính trị cao và sự nỗ lực bền bỉ của các cấp ủy, cán bộ, cùng cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn, đến tháng 3-2014, Đảng bộ huyện Mường Lát đã xóa được bản “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép, theo Kết luận số 50-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã chỉ đạo đảng bộ các xã Tam Chung, Trung Lý, Mường Lý thành lập 24/26 chi bộ ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần đưa 26/26 bản đồng bào Mông có chi bộ đảng. Bên cạnh đó, dưới sự giúp đỡ, bồi dưỡng của các chi bộ, toàn huyện có 278/380 quần chúng ưu tú người dân tộc thiểu số là những “hạt giống đỏ” đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Quả ngọt

Không hẹn trước, trên đường từ bản Ón trở về phố huyện Mường Lát, chúng tôi được anh Lò Văn Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung cho ghé thăm mô hình chăn nuôi của đảng viên Giàng A Khoa. Trên thửa ruộng bậc thang trước nhà, Khoa thành thạo từng đường cày để chuẩn bị gieo cấy vụ lúa mới. Anh Hiền phấn khởi khoe: “Giàng A Khoa là người đầu tiên ở bản Ón khai hoang đưa cây lúa nước vào gieo trồng được hơn 10 năm nay. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, vất vả, diện tích đất trồng lúa nước, xây dựng các mô hình nông nghiệp được xem như “của hiếm”, nhiều lúc tưởng chừng con đường thoát khỏi đói nghèo đồng bào Mông bản Ón rơi vào bế tắc. Nhưng từ những “hạt nhân” đi đầu là các đảng viên được kết nạp theo Kết luận số 50-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa như Giàng A Khoa, đồng bào đã học tập, nắm được quy trình trồng rừng, chăn nuôi, khai hoang lúa nước và cơ hội thoát nghèo được mở ra”. Năm 2012, Giàng A Khoa được kết nạp Đảng. Lập gia đình với 2 bàn tay trắng, cuộc sống của vợ chồng Khoa cũng khốn khó như bao hộ dân khác trong bản. Qua kênh Hội Nông dân xã Tam Chung, anh được vay 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn được vay, anh đầu tư mua máy xay xát gạo, mở cửa hàng tạp hóa để phục vụ bà con trong bản, cũng như giải bài toán thu nhập cho gia đình. Anh chia sẻ: “Được các đồng chí đảng viên trong chi bộ động viên, cùng với mong muốn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, cuối năm 2013, tôi đã đầu tư vốn xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu. Khi đàn bồ câu bắt đầu xuất bán và cho thu nhập ổn định, tôi sửa chữa, gia cố lại vườn nhà để nuôi gà bản địa. Ngoài ra, tận dụng đất đai rộng lớn, tôi còn đầu tư chăn nuôi trâu, bò”. Đến nay, trong khu vườn của gia đình anh đang nuôi hơn 300 con gà bản địa, 40 con trâu, bò và 200 con chim bồ câu. Hàng tuần, anh Khoa đều chở gà, chim bồ câu xuống chợ huyện để bán. Bên cạnh đó, các thương lái cũng về bản Ón tìm mua trâu, bò nhà anh Khoa. Theo nhẩm tính của anh Khoa, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 150 triệu đồng. Với mô hình chăn nuôi hiệu quả, anh Khoa đã trở thành tấm gương thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở nơi “thâm sơn cùng cốc” nhất của huyện Mường Lát.

Khác với Giàng A Khoa, năm 2014, đảng viên trẻ Giàng Seo Lềnh, ở bản Khằm 2, xã Trung Lý được các đoàn viên tín nhiệm bầu giữ chức bí thư đoàn xã. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Lềnh là sự gần gũi, thân thiện, cái chân chất hòa lẫn với sự nhiệt huyết, năng động, không ngại khó khăn toát lên từ trong dáng vẻ. Trên cương vị người “thổi lửa” cho phong trào đoàn ở xã Trung Lý, anh Lềnh xác định việc tập hợp, thu hút đoàn viên thanh niên chính là “chìa khóa” đưa các hoạt động của đoàn đến thành công và có sức lan tỏa trong xã hội. Với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, mỗi bản cách nhau cả chục cây số nên việc tập hợp đoàn viên tham gia các hoạt động gặp không ít trở ngại. Khắc phục khó khăn này, anh đã cùng với các đồng chí trong ban chấp hành đoàn xã Trung Lý thường xuyên về với các chi đoàn để vận động, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần xung kích “không sợ khổ, không sợ khó”, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương. Cùng với đó, ban chấp hành đoàn xã chủ động triển khai nhiều hoạt động gắn với các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, nhằm thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Thuật lại câu chuyện tình nguyện ở bản Tung, anh Lềnh nhớ lại: “Mùa mưa bão năm 2018, toàn bộ tuyến đường vào bản Tung với chiều dài khoảng hơn 5 km đã bị đất sạt lở mất lối đi. Để kịp thời kết nối lại giao thông vào bản, đoàn xã đã huy động gần 100 đoàn viên thanh niên không quản mưa gió vừa đào đường, vừa vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân đang bị chia cắt. Việc làm ý nghĩa của đoàn viên thanh niên trong xã, đã giúp bà con bản Tung vơi bớt những khó khăn”. Không chỉ có bản Tung, từ năm 2015 đến nay, đoàn viên thanh niên xã Trung Lý đã chung tay tình nguyện sửa chữa, mở mới gần 50 km đường giao thông vào các bản Sa Lao, Pa Búa, Cánh Cộng, Cá Ráng, Cò Cài, Suối Hộc. Thông qua các hoạt động của đoàn xã, anh Lềnh còn kịp thời phát hiện, bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng nhiều “hạt giống đỏ”. Trong năm 2020, đoàn thanh niên xã có 10 đồng chí được kết nạp Đảng. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp và bùng phát ở một số huyện, thành phố trong tỉnh, phát huy tinh thần xung kích, nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã đã xung phong tham gia cùng các lực lượng chức năng trực gác, kiểm soát người, phương tiện giao thông tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn xã. Không chỉ nhiệt huyết với phong trào đoàn, Sùng A Lềnh còn là tấm gương tiêu biểu về sự nỗ lực vượt qua những khó khăn trong đời sống bằng cách phát triển sản xuất. Nhận thấy, diện tích đất vườn rừng của gia đình có điều kiện thích hợp để trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Lềnh đã bỏ công sức đào ao thả cá, kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và đàn gia cầm. Với việc xuất bán khoảng 100 con gà, 2 con lợn thịt và khoảng 60 tạ cá mỗi năm, gia đình Sùng A Lềnh cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Trên đỉnh Cổng Trời hôm nay, xã Trung Lý hiện lên với các công trình cơ sở hạ tầng khang trang. Phấn khởi hơn, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc nơi đây đã dần bứt ra khỏi cái đói, cái nghèo. Cùng với duy trì 140 ha lúa nước 2 vụ, 87 ha lúa nương, 250 ha ngô, 285 ha sắn, đồng bào các dân tộc thiểu số trong xã đã xóa bỏ tập quán chăn nuôi đại gia súc thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại. Toàn xã có 15 hộ dân nuôi từ 10 đến 38 con trâu, bò. Anh Lò Văn Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý, cho biết: “Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên 17,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 81% năm 2015, xuống còn 53,77%. Lương thực bình quân đạt 461 kg/người/năm, tăng 13,5% so với năm 2015. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ học sinh đến lớp đầu cấp hàng năm đạt 99%...”.

Đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cho biết: “Qua 10 năm triển khai Kết luận số 50-KL/TU, ngày 20-4-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, công tác phát triển đảng viên ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và xóa bản “trắng” chi bộ, chi bộ sinh hoạt ghép trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngoài Giàng A Khoa ở bản Ón và Sùng A Lềnh ở bản Khằm 2, trên địa bàn huyện còn nhiều đồng chí đảng viên sau khi đứng vào hàng ngũ của Đảng luôn nỗ lực phấn đấu, thực hiện và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trở thành cán bộ cốt cán của các xã và nhiều thôn, bản. Tiêu biểu như anh Giàng A Lâu, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý; anh Thào A Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tà Cóm - một cán bộ cơ sở năng động, nhiệt tình trong tuyên truyền, vận động đồng bào Mông không vướng vào các loại hình tệ nạn xã hội; thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn; anh Tráng A Tua, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Suối Phái – người luôn tận tâm với nhiệm vụ “đãi cát tìm vàng” giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng... Cùng đó, các chi bộ đảng được thành lập đã phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, nhất là phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”.

Trần Thanh - Minh Hiếu


Trần Thanh - Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]