(Baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được xem là một điển hình, một mẫu mực hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc. Trong mối quan hệ hiếm có ấy, tình đồng chí, tình anh em giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn có thể ví như “nguồn riêng giữa dòng chung”, với nhiều thành quả quan trọng đạt được đã và đang góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Lào.

Vun đắp mối quan hệ Thanh Hóa - Hủa Phăn: “Mãi mãi xanh tươi - đời đời bền vững”!

Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được xem là một điển hình, một mẫu mực hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc. Trong mối quan hệ hiếm có ấy, tình đồng chí, tình anh em giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn có thể ví như “nguồn riêng giữa dòng chung”, với nhiều thành quả quan trọng đạt được đã và đang góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Lào.

Vun đắp mối quan hệ Thanh Hóa - Hủa Phăn: “Mãi mãi xanh tươi - đời đời bền vững”!

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và đồng chí Văn Xay Pheng Xum Ma, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn cùng các đại biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn năm 2022. Ảnh: Phong Sắc

Tài sản chung vô giá

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam và Lào là một minh chứng hết sức thuyết phục rằng, để sinh tồn và phát triển, hai dân tộc phải nương tựa, đoàn kết, giúp đỡ nhau đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Trong sứ mệnh cao cả ấy, Thanh Hóa - địa bàn chiến lược trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ đối với cách mạng Lào và tỉnh Hủa Phăn.

Từ bao đời nay, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ chiến đấu chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Điển hình là đầu thế kỷ XV, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lâm vào tình thế khó khăn, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã dựa vào vùng biên giới Việt – Lào để xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Hay trong công cuộc trung hưng đầu thế kỷ XVI, An Thạch Hầu Nguyễn Kim đã dựa vào Ai Lao để khôi phục lại Nhà Lê.

Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) và lãnh đạo công cuộc cách mạng ở 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia), thì quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt – Lào, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn càng thêm gắn bó bền chặt. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cơ quan Trung ương của bạn (Chính phủ kháng chiến Lào, Mặt trận Itxala, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào) đã nhiều lần đóng căn cứ trên đất Thanh Hóa, hoặc đóng trụ sở ở khu vực biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn để lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Năm 1955, Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng được thành lập tại khu vực Sơn Thủy, huyện Quan Hóa (nay thuộc huyện Quan Sơn), tỉnh Thanh Hóa.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng giúp bạn xây dựng, bảo vệ và mở rộng căn cứ Lào Bắc (thời kỳ kháng chiến chống Pháp); xây dựng, bảo vệ, phát triển toàn diện Thủ đô kháng chiến của bạn tại Hủa Phăn (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). Khu căn cứ và vùng giải phóng Lào Bắc mở rộng đến đâu, Thanh Hóa cung cấp, vận chuyển lương thực, công cụ sản xuất và vũ khí giúp bạn đến đó. Đồng thời, Thanh Hóa cũng tích cực giúp bạn xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tăng cường quốc phòng - an ninh...

Trong quá trình ấy đã diễn ra một sự kiện hết sức ý nghĩa, đánh dấu bước chuyển mới về chất trong mối quan hệ giữa hai tỉnh. Đó là tháng 4-1967, đoàn cán bộ tỉnh Hủa Phăn do đồng chí Na khặng Phăn phi thum, Bí thư Tỉnh ủy Hủa Phăn làm Trưởng đoàn đã sang hội đàm với Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tỉnh bạn đề nghị kết nghĩa với tỉnh Thanh Hóa và mong muốn Thanh Hóa giúp đỡ để Hủa Phăn từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, từ ngày 26-4 đến ngày 2-5-1967, lãnh đạo hai tỉnh đã tiến hành hội đàm hữu nghị về hợp tác kinh tế, văn hóa. Cuộc hội đàm đã thành công tốt đẹp và kết thúc vào 4 giờ chiều ngày 2-5-1967. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã lấy ngày 2-5 làm ngày truyền thống để mở đầu cho mối tình kết nghĩa bền vững, lâu dài và hướng tới tương lai tốt đẹp này.

Có thể khẳng định, mối quan hệ Thanh Hóa – Hủa Phăn vốn được tôi luyện qua thử thách khắc nghiệt nhất của chiến tranh và được nâng thành mối tình kết nghĩa sắt son, đã trở thành tài sản chung vô giá của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc hai tỉnh. Đồng thời, dù ở giai đoạn cách mạng nào, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa cũng không ngừng nỗ lực góp phần tô thắm quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào nói chung, Thanh Hóa – Hủa Phăn nói riêng, “mãi mãi xanh tươi – đời đời bền vững”!

Dấu ấn của tình hữu nghị

Cuộc chiến đấu vì nền độc lập tự do của hai dân tộc Việt – Lào đã tôi luyện ý chí và sức mạnh đoàn kết trên cơ sở của chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả; đồng thời, ngày càng khắc sâu tình cảm đặc biệt như anh em ruột thịt giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân và quân đội hai nước. Trong dòng chảy của tình hữu nghị Việt - Lào suốt chiều dài lịch sử, Thanh Hóa - Hủa Phăn đã vun đắp nên mối quan hệ gắn bó thủy chung, trong sáng giữa hai tỉnh. Đặc biệt, quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trong xây dựng và phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... đã và đang để lại nhiều dấu ấn sâu đậm của tình hữu nghị hai địa phương, hai đất nước.

Điển hình là giai đoạn từ năm 1965-1985, Thanh Hóa đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp đỡ tỉnh bạn khảo sát tình hình thực tế và xây dựng các mô hình thí điểm trong sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, y tế... Từ năm 1986-2010, Thanh Hóa đã đầu tư không hoàn lại giúp tỉnh Hủa Phăn xây dựng hàng chục công trình kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh và nhận thầu xây dựng nhiều công trình khác. Đồng thời, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giúp bạn hàng ngàn cán bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang của hai tỉnh đã hợp tác chặt chẽ với đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới. Đặc biệt, Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của hai Đảng, chính sách, pháp luật của hai nước vào hoàn cảnh cụ thể. Từ đó, định ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp tiến hành hợp tác; đồng thời, khắc phục những điểm khác biệt, phát huy những điểm tương đồng, sáng tạo và đổi mới phương thức nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác và phát triển toàn diện.

Giai đoạn 2011-2015 tiếp tục ghi nhận nhiều dấu ấn hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, giao thương, trao đổi hàng hóa giữa hai tỉnh. Theo đó, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai tỉnh đạt 62.851.597 USD, gấp 3,4 lần so với giai đoạn 2006-2010 và gấp 2,5 lần so với mục tiêu đề ra. Thanh Hóa đã viện trợ cho tỉnh bạn xây dựng nhiều công trình như Trường cấp 3 Phăn Săm, Trường Tiểu học Xốp Bâu, cầu Nặm Săm, Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn... Cũng trong giai đoạn này, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, phát thanh - truyền hình, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn giữa các ngành, lĩnh vực... Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận đào tạo 538 lưu học sinh tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng sang theo học các chuyên ngành kinh tế, tài chính, sư phạm, ngoại ngữ, nông nghiệp, y tế,... góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới của hai tỉnh, hai dân tộc.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của hai tỉnh đạt 73.970.087 USD, tăng 18% so với giai đoạn 2011–2015. Tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 723 lưu học sinh tỉnh Hủa Phăn (tăng 105% so với giai đoạn 2011–2015); trong đó có 339 lưu học sinh trong diện được hỗ trợ kinh phí (cao gấp 2,1 lần so với giai đoạn trước). Cùng với đó, tỉnh Hủa Phăn đã tích cực hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt chiến sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hai tỉnh đã sát cánh, hỗ trợ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa cam kết tiếp tục hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn 317,878 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo lưu học sinh, khám chữa bệnh cho cán bộ và Nhân dân tỉnh Hủa Phăn tại tỉnh Thanh Hóa...

Thúc đẩy hợp tác, hướng tới tương lai

Phát huy truyền thống từ mối quan hệ đoàn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng; trên tinh thần tôn trọng quyền độc lập, tự chủ và lợi ích riêng của mỗi dân tộc; đồng thời, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã và đang tích cực thúc đẩy nhằm nâng tầm mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai địa phương và hướng đến tương lai phát triển phồn vinh của hai dân tộc. Theo đó, để cụ thể hóa các nội dung thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn giai đoạn 2021–2025 đã ký kết, thời gian tới, hai tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao nhận thức và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn ngày càng phát triển.

Cùng với đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn sang đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại mỗi tỉnh. Đồng thời, tổ chức các đoàn du lịch, xúc tiến đầu tư thương mại sang hai tỉnh nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Tích cực xúc tiến thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu Na Mèo nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn... Cùng với đó, hai bên cũng tiếp tục dành học bổng và tạo điều kiện cho cán bộ, học sinh và sinh viên sang học tập, nghiên cứu tại mỗi nước; tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật, các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch Thanh Hóa tại tỉnh Hủa Phăn và du lịch Hủa Phăn tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, hai tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế, nhất là khám, chữa bệnh cho cán bộ, Nhân dân tỉnh Hủa Phăn tại tỉnh Thanh Hóa; đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến của tỉnh Hủa Phăn; chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh khác tại khu vực biên giới.

Quan hệ truyền thống bao đời được “đơm hoa kết trái” thành mối tình kết nghĩa thủy chung đặc biệt Thanh Hóa – Hủa Phăn, ví như suối nguồn mát lành đã thấm vào tâm hồn, đã ngấm vào máu của bao thế hệ người dân. Để rồi, “Muôn đời ta vấn đinh ninh/ Hủa Phăn - Thanh Hóa thắm tình anh em”. Nhìn lại chặng đường suốt mấy mươi năm qua, với nhiều thành tựu đạt được, thế hệ hôm nay càng thêm tự hào và kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của hai tỉnh, hai đất nước. Bởi, quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Thanh Hóa – Hủa Phăn, không chỉ là tài sản chung vô giá, mà đã trở thành nguồn sức mạnh vĩ đại - nhân tố bảo đảm cho mọi thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước ở mỗi địa phương, dân tộc.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]