(Baothanhhoa.vn) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 8-12, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày thông báo công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 8-12, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày thông báo công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày thông báo công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. (Ảnh: Minh Hiếu)

Theo đó, MTTQ các cấp đã tích cực tham gia công tác xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia góp ý vào 28 dự thảo luật, văn bản của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh. Đồng thời, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 247 hội nghị phản biện xã hội đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

MTTQ tỉnh biên tập và phát hành 21.600 cuốn Thông tin Công tác Mặt trận, 1.250 cuốn sổ tay tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp và Nhân dân trong tỉnh, đăng tải 1.600 tin, bài, phóng sự; cấp phát gần 85.000 tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền.

MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 42 cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật. MTTQ các cấp đã tiếp 463 lượt công dân, tiếp nhận 684 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, phần lớn các đơn, thư tập trung vào lĩnh vực đất đai; đã chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 352 đơn thư; hướng dẫn và trả lời 118 đơn thư; lưu 214 đơn thư do không đủ điều kiện xử lý.

Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp được thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra và đi vào nền nếp, có chất lượng, tập trung giám sát những vấn đề được Nhân dân quan tâm; đã chủ trì thực hiện 2.045 cuộc giám sát, trọng tâm giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ năm 2021; công tác chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68; nghị quyết 126 của Chính phủ; các Ban thanh tra Nhân dân giám sát 1.224 vụ việc, kiến nghị giải quyết 618 vụ việc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát được 786 công trình, dự án; qua giám sát đã kiến nghị với chính quyền 214 công trình có những tác động làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và cộng đồng dân cư.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII

Đại biểu tham dự kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Minh Hiếu)

Cử tri và Nhân dân trong tỉnh tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ đồng bộ của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể. Cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực, phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.

Cử tri và Nhân dân trong tỉnh bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao đối với các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, nhất là ngành Y tế, lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng, cán bộ cơ sở. Đặc biệt, trong gian khó, truyền thống đoàn kết, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào đã được phát huy cao độ, lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, những người con quê hương trong và ngoài nước, tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tính đến ngày 7-12-2021 các tập thể, cá nhân đã ủng hộ tiền, hàng hóa, trang thiết bị vật tư y tế trị giá 914 tỷ 64 triệu đồng; cùng với đó Nhân dân trong tỉnh đã tích cực ủng hộ trên 2.300 tấn lương thực, thực phẩm chung tay cùng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch. Công tác tiếp nhận, phân bổ nguồn lực cho các địa phương, đơn vị được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Thường trực Tỉnh ủy. Từ diễn đàn này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trân trọng cảm ơn những tấm lòng của Nhân dân trong và ngoài tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết một lòng, tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề Nhân dân trong tỉnh còn băn khoăn, lo lắng đó là:Tình hình dịch bệnh COVID-19 mặc dù được kiểm soát, song trên cả nước và trong tỉnh vẫn diễn biến phức tạp; việc tổ chức chuyển đổi chiến lượng phòng chống dịch sang “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả phòng chống dịch bệnh COVID-19” ở một số địa phương chưa kịp thời; một bộ phận tổ chức, người dân chưa thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhiều nơi còn biểu hiện chủ quan, lơ là mất cảnh giác, công tác quản lý giám sát công dân tại địa phương còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, việc triển khai tiêm chủng tại một số địa phương còn chậm; việc nhập dữ liệu tiêm chủng lên phần mềm quản lý chưa kịp thời, hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn; một số địa phương đã để xảy ra lây nhiễm trong trường học, nhà máy, trong cộng đồng, trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em chưa được nhiều, gây lo lắng trong Nhân dân; dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu phi còn xảy ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, tình trạng thiếu việc làm, suy giảm thu nhập của một bộ phận người dân do số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể, chấm dứt hoạt động có chiều hướng tăng; sức tiêu thụ nội địa và giá cả một số mặt hàng nông sản giảm mạnh trong khi giá đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân; tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhất là vùng miền núi còn khó khăn; nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp có xu hướng tăng... làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, đời sống, tư tưởng của Nhân dân trong tỉnh.

Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII. Trong đó, về phát triển sản xuất, để nâng cao hiệu quả của kinh tế nông nghiệp, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục có các giải pháp dự báo, định hướng thông tin thị trường, thực hiện tốt quy hoạch và xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả có múi, không để xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp; đẩy nhanh cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp, tăng cường quản lý giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ thành lập và hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp; thúc đẩy các giải pháp liên kết vùng sản xuất; thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vào thực tiễn đời sống Nhân dân.

Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và có cơ chế đột phá trong thu hút đầu tư các khu kinh tế trọng điểm, trung tâm kinh tế động lực của tỉnh để tạo không gian phát triển mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành, thị xã Bỉm Sơn), phía Tây (Lam Sơn, Sao Vàng); đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, nhất là khu kinh tế Nghi Sơn, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho phát triển của từng địa phương và cả tỉnh.

Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị HĐND, UBNĐ tỉnh, các ngành có liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các cầu, tràn qua các tuyến giao thông trên địa bàn các huyện. Sớm đấu mối với Ban Quản lý dự án đường cao tốc Bắc - Nam chỉ đạo các đơn vị nhà thầu thi công cam kết về các giải pháp khắc phục những ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng một số tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất của Nhân dân bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công dự án cao tốc Bắc Nam tại các huyện.

Cử tri và Nhân dân các huyện đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng quan tâm kiểm tra, rà soát và đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống các công trình đập, kênh tiêu, cống, trạm bơm tiêu úng tại các địa phương trong tỉnh để phục vụ cho sản xuất của Nhân dân, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ tại huyện Cẩm Thuỷ, Thường Xuân, Thọ Xuân. Chỉ đạo ngành điện lực chủ động phối hợp với các huyện rà soát, xử lý dứt điểm việc di dời cột điện về đúng vị trí trên các tuyến đường liên xã sau khi thi công mở rộng đường, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, chống sạt lở các tuyến đê biển, tuyến đê sông trên địa bàn các huyện.

Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ việc cấp quyền sử dụng đất cho người dân tại các địa phương; sửa đổi, bổ sung và thống nhất các quy định của UBND tỉnh để khắc phục những hạn chế khó khăn trong công nhận hạn mức đất ở đối với những thửa đất sử dụng ổn định trước ngày 18-12-1980 tại những phường được thành lập từ các xã của các huyện sáp nhập về thành phố hoặc những xã trước đây của thị xã, thành phố Thanh Hóa. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kết luận số 620 - KL/TU ngày 4-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh về thực hiện thu hồi đất của các Ban Quản lý rừng phòng hộ giao cho UBND các huyện, thị, xã quản lý. Rà soát, thực hiện việc thu hồi đất đối với các dự án đã đăng ký đầu tư, có bố trí quỹ đất nhưng chậm triển khai, trong đó có dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã dừng thi công 10 năm nay, trong khi người dân không có đất sản xuất gặp rất nhiều khó khăn; có chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ phí môi trường rừng cho các địa phương.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường theo dõi, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước tại Sông Yên, Sông Hoàng huyện Quảng Xương; đoạn kênh V10 xã Đồng Tiến huyện Triệu Sơn; các Doanh nghiệp chế biến lâm sản dọc hai bờ sông Mã, sông Chu, sông Lò, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân; kiểm tra, giải quyết tình trạng một số doanh nghiệp khai thác đá, quặng, phân bón, sản xuất gỗ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Như Xuân. Có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, trong các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm không đảm bảo quy định, gây bức xúc trong Nhân dân.

Về văn hóa - xã hội, cử tri và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đề nghị HĐND, UBND tỉnh rà soát xem xét, bố trí kinh phí để đầu tư tôn tạo, phục hồi, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, cấp tỉnh gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Quan tâm sớm triển khai dự án khu du lịch Hàm Rồng - Núi Đọ; khu di tích lịch sử Thành Hoàng Nghiêu tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn. Tiếp tục xem xét, phân bổ tăng thêm biên chế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế cơ sở, nhất là các xã miền núi; nghiên cứu xem xét phục hồi chức danh y tế thôn; có cơ chế, chính sách cụ thể về xã hội hoá việc xây nhà dưỡng lão, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi; sớm triển khai xây dựng Nhà văn hoá Thiếu nhi trên địa bàn TP Thanh Hoá.

Cử tri và Nhân dân đề nghị tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện đề án “Tăng cường cơ sở vật chất trường học ở các huyện miền núi, nhất là các xã khó khăn, các trường Dân tộc nội trú”. Rà soát và thực hiện nghiêm việc phân bổ ngân sách cho sự nghiệp giáo dục đào tạo ở các huyện, thị, thành phố đảm bảo việc bố trí đủ nguồn chi cho công tác chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Nhà nước; sớm có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định về luân chuyển, điều động giáo viên trong ngành giáo dục để đảm bảo sự ổn định thống nhất trong tỉnh.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan khảo sát, hướng dẫn việc cấp lại, đổi bằng Tổ quốc ghi công cho các hộ gia đình liệt sỹ, do bị hỏng, mất; rà soát, đối chiếu sửa lại họ, tên thân nhân liệt sĩ vì có trường hợp có sai sót, khi làm thủ tục, giải quyết chế độ chính sách gặp nhiều khó khăn; hướng dẫn, giúp đỡ về thủ tục hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sỹ Nguyễn Công Mẹo, quê quán: xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, hy sinh ngày 31-1-1968 trên đường băng Tân Sơn Nhất.

Về cơ chế, chính sách, cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh nâng mức bồi thường đất nông nghiệp trong bảng giá đất hiện hành (được quy định tại Quyết định số 44/2019/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định bảng giá các loại đất thời kỳ 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa).

Về an ninh trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác, cử tri đề nghị HĐND, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho cho lực lượng công an xã hoàn thành nhiệm vụ, yên tâm công tác; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ an ninh trật tự và các tổ an ninh xã hội ở khu dân cư nhằm động viên, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh - trật tự ở khu dân cư.

Đề nghị các ngành chức năng, chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải trên địa bàn các huyện nhất là các địa phương đang triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 217, 217B đoạn đi qua các xã Hà Đông, Hà Lĩnh, Hà Long, huyện Hà Trung và xã Xuân Du, Phượng Nghi, Mậu Lâm huyện Như Thanh; sớm di dời kho đạn CK1 tại khu phố Xuân Điền, thị trấn Bến Sung đến vị trí mới để bảo đảm an toàn cho Nhân dân. Kiểm tra tình trạng một số doanh nghiệp ép giá, tự định giá một số nguyên liệu như sắn, mía, cao su, gỗ… gây bất lợi cho Nhân dân trên địa bàn huyện Như Xuân.

Cử tri các huyện đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý hiện tượng dùng chất nổ, xung kích điện đánh bắt hải sản gây ô nhiễm và hủy diệt tài nguyên biển; kiểm tra, khảo sát xác định nguyên nhân sự việc nổ lòng đất tại địa bàn Cụm dân cư số 3, thôn Yên Tôn Thượng, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc.

Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị các ngành chức năng xem xét giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ ngừng việc tập thể, phát sinh tệ nạn xã hội; xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật như lừa đảo, tín dụng đen tại các doanh nghiệp, nhà máy; kiểm tra xử lý nghiêm việc phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương

Tại kỳ họp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị HĐND, UBND tỉnh sớm xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh covid-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục, mở rộng sản xuất nhất là các ngành du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Đề nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy để thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37-NQ/QH của Quốc hội (khóa XV). Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự đột phá mạnh mẽ trong xây dựng Thanh Hóa theo tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chỉ đạo ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và bao phủ vắc xin cho Nhân dân, đặc biệt cho trẻ em dưới 18 tuổi đảm bảo an toàn và hiệu quả cao; tăng cường đầu tư nguồn lực cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; quan tâm giải quyết các chính sách, giúp đỡ những người trở về quê từ vùng dịch sớm ổn định việc làm và đời sống; chỉ đạo các địa phương chủ động đánh giá, xác định rõ cấp độ dịch và nguy cơ lây lan dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn để địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các địa phương sớm đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua, có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân nhất là cán bộ cơ sở, tổ COVID cộng đồng, cán bộ ngành y tế, lực lượng tuyến đầu, các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch.

NHÓM PV


NHÓM PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]