(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh - vùng đất địa linh nhân kiệt, luôn có vị thế chiến lược quan trọng đối với vận mệnh quốc gia dân tộc. Nhà bác học Phan Huy Chú từng nhấn mạnh: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ có cảnh đẹp nơi xung yếu. Các triều đại trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến thời Lê lại là một nơi căn bản. Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh thành ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên xảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”1.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa trong tầm nhìn và khát vọng phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xứ Thanh - vùng đất địa linh nhân kiệt, luôn có vị thế chiến lược quan trọng đối với vận mệnh quốc gia dân tộc. Nhà bác học Phan Huy Chú từng nhấn mạnh: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ có cảnh đẹp nơi xung yếu. Các triều đại trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến thời Lê lại là một nơi căn bản. Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh thành ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên xảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”1.

Thanh Hóa trong tầm nhìn và khát vọng phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các công trình, dự án tạo động lực cho Thanh Hóa bứt phá, phát triển.

Với tầm nhìn xa rộng của một bậc vĩ nhân, Đại nhân - Đại trí - Đại dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao đất và người xứ Thanh, truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của Nhân dân Thanh Hóa, được kết tụ trong biết bao tấm gương tiêu biểu như Bà Triệu, Lê Hoàn, nhất là tầm vóc vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, tiêu biểu cho khí phách, trí tuệ, sức mạnh của con người xứ Thanh. Khi dân tộc Việt Nam bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong thời khắc quyết định cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở lại căn cứ địa Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện và dựa vào sức mình là chính để đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quyết định lịch sử vào thăm Thanh Hóa ngày 20-2-1947.

Chuyến thăm diễn ra chỉ vỏn vẹn một ngày, trong không khí vô cùng khẩn trương của hoàn cảnh kháng chiến và kiến quốc, nhưng Người đã có nhiều hoạt động để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào, chiến sĩ và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, những chỉ dẫn quý báu của Người trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh đã truyền nguồn động lực to lớn, nhiệt huyết cách mạng cho toàn đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa, niềm tin, khát vọng về một Thanh Hóa phát triển kiểu mẫu, phồn vinh, hạnh phúc.

Giữa “nước sôi lửa bỏng” của chiến tranh, bộn bề công việc kháng chiến và kiến quốc cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên trên cương vị đứng đầu Chính phủ. Người vui mừng được gặp gỡ và nói chuyện với đồng bào, cán bộ, lấy làm “hân hạnh” được nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa. Sau khi thông tin nhanh về tình hình kháng chiến, tình hình địch - ta, kinh nghiệm kháng chiến của tổ tiên, Người bày tỏ niềm tin dù “kháng chiến rất cực khổ, rất gay go, rất khó khăn, nhưng sẽ thắng lợi”2.

Song để sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, đòi hỏi tinh thần hy sinh, phấn đấu của toàn dân tộc, của mỗi địa phương, của tỉnh Thanh Hóa “người đông, đất rộng, của nhiều”3, ở tinh thần “kháng chiến khắp mọi mặt, kiến thiết khắp mọi mặt”4.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, kháng chiến phải gắn liền với kiến quốc, “kháng chiến hóa văn hóa”, “văn hóa hóa kháng chiến”. Khi vào thăm Thanh Hóa, một vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm và đưa ra chỉ dẫn mang tầm tư tưởng lớn, trước hết đó là đổi mới và phát triển về văn hóa, để văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc kháng chiến, cũng như kiến thiết quốc gia, kiến tạo Thanh Hóa thành tỉnh gương mẫu, kiểu mẫu. Trong đó, không chỉ là vấn đề sớm diệt giặc dốt, nâng cao trình độ dân trí, tạo tiền đề quan trọng để đồng bào nâng cao nhận thức chính trị, ý thức vươn lên làm chủ tương lai, vận mệnh của mình, mà còn phải ra sức giáo dục đạo đức mới, xây nền giáo dục mới, để đồng bào chứng tỏ cho thế giới biết “nước ta là nước văn minh”.

Một trong những phương lược của Đảng cầm quyền, của chính quyền dân chủ Nhân dân, đó là trong toàn bộ các quyết sách chính trị, phải mưu cầu ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Vì nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Đối với việc xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục tiêu xuyên suốt và nhất quán biểu hiện sinh động tính nhân văn của chế độ và cho thấy khát vọng, tầm nhìn về sự nghiệp giải phóng và phát triển xã hội, về chăm lo quốc kế dân sinh, hướng đến phồn vinh, hạnh phúc cho đồng bào, đó là:

“Làm cho người nghèo thì đủ ăn.

Người đủ ăn thì khá giàu

Người khá giàu thì giàu thêm.

Người nào cũng biết chữ,

Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”5.

Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc tất thành, phải ra sức củng cố về mặt quân sự, song điều cốt yếu nữa, đó là phải tạo được sức mạnh văn hóa chính trị. Sức mạnh đó phải được thể hiện tập trung ở sức mạnh tinh thần và lực lượng của toàn dân tộc, phải cố kết dân tộc thành một khối thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập thống nhất là sự đoàn kết”6. Đó là tầm nhìn viễn kiến của Người về chính trị để quy tụ lòng dân, sức dân, mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chính trị là “Đoàn kết” và “Thanh khiết”, đó là hai mặt không tách rời của chính trị, thống nhất biện chứng. Bởi vì, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết vừa là một chiến lược cách mạng, vừa là cội nguồn của thắng lợi. Đoàn kết để tin tưởng, đoàn kết để gia cường sức mạnh tổng hợp, đoàn kết để dẫn đến “đại thành công” của cách mạng. Song, để Đảng lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, cần phải có nhân tài, phải xây dựng được đội ngũ những người cách mạng có đức, có tài. Người đã đặt cán bộ ở vị trí, vai trò có tính chất quyết định đối với cách mạng: “Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy, thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”7. Trong kháng chiến và kiến quốc, điều đó lại càng trở nên quan trọng và bức thiết hơn bao giờ hết. Nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Hồ Chí Minh đưa ra những tiêu chuẩn đầu tiên, là gốc của người cán bộ và luận giải các mối quan hệ: Đối với mình; đối với đồng chí mình, đối với công việc, đối với Nhân dân và đối với Đảng - rất toàn diện và sâu sắc. Người khẳng định: Muốn giữ danh giá của Đảng, “phải giữ danh giá của mình”. Người cán bộ phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết và trước hết. Đồng thời, phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới có thể trở thành người cán bộ chân chính, mới có thể “lãnh đạo được Nhân dân”, xứng đáng với vai trò, trọng trách và sự ủy thác quyền lực của Nhân dân. Nhấn mạnh muôn việc phải “lấy dân làm gốc”, phải phát huy dân chủ, đem trí dân, tài dân, sức dân làm lợi cho dân, Người yêu cầu mỗi cán bộ phải luôn nhận thức rõ bổn phận và trách nhiệm của mình trước Nhân dân, trước dân tộc để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin, phải thanh khiết”8. Người còn nói: “Chính phủ cộng hòa dân chủ là gì?” và Người giải thích rõ: “Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài”, mà phải hy sinh, phải phấn đấu, phải ít lòng tham muốn về vật chất, phải “thanh khiết từ to tới nhỏ”9. Muốn vậy phải ra sức đấu tranh bài trừ những biểu hiện của căn bệnh “làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia”10 (mưu làm giàu cho gia đình mình, cho bản thân mình có quyền thế). Trong những chỉ dẫn đó, Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm khoa học và cách mạng: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”11. Đó là biểu hiện sinh động của văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện tư tưởng đổi mới của Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị của người cán bộ cách mạng.

Những chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo nên năng lực, gia tăng sức mạnh quy tụ lực lượng, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đối với Đảng, với cách mạng. Đồng thời, qua đó, Người gửi niềm tin tất thắng và sự kỳ vọng vào những thành tựu mới sẽ đạt được của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”12.

Lời Bác dạy đã trở thành nguồn động lực tinh thần vô cùng to lớn, truyền cảm hứng cách mạng xung thiên, dẫn dắt, thôi thúc cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trên hành trình thực hiện khát vọng độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, thực tiễn lịch sử cách mạng của tỉnh Thanh Hóa đã minh chứng, khẳng định: Những thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975); thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những thành tựu to lớn của hơn 35 năm đổi mới mà tỉnh Thanh Hóa đạt được đều gắn liền với ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, Thanh Hóa vinh dự và rất đỗi tự hào đã “chung tay gom góp dựng cơ đồ” để góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Năm 2021 Tân Sửu đã qua đi với đầy ắp các sự kiện. Điểm nhấn nổi bật trong bức tranh toàn cảnh của đất nước là: Tình hình thế giới và trong nước, bên cạnh vận hội, thời cơ đan xen vô vàn khó khăn, thách thức: Đại dịch COVID-19, với những làn sóng ghê gớm tác động sâu xa đến mỗi gia đình, người dân và nền kinh tế đất nước. Sự tàn phá của thiên tai và của cả “nhân tai” do tác động tham nhũng, tiêu cực và sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên; “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... Nhưng giữa những cơn sóng dữ ấy, truyền thống văn hiến, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của con người xứ Thanh, như một sức mạnh tiềm tàng, đã trỗi dậy và tỏa rạng.

Bằng sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, của bản lĩnh, trí tuệ, phát huy dân chủ, của đổi mới và sáng tạo, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo phát huy được các nguồn sức mạnh nội sinh to lớn trong quá trình đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) vào thực tiễn đời sống xã hội, với định hướng bao trùm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”13. Như “lửa thử vàng gian nan thử sức”, càng trong cam go, Đảng bộ và cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa càng vững vàng, kiên định đổi mới và phát triển. Vượt mọi khó khăn, thách thức do tác động vô cùng lớn của đại dịch COVID-19, kiềm chế và từng bước đẩy lùi dịch bệnh, với sự thích ứng an toàn, linh hoạt, để nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, khiến cho tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Trong đó, coi trọng sự tăng trưởng những giá trị của con người, lấy con người làm trung tâm, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, để mỗi người dân cùng hưởng lợi thành quả của đổi mới và phát triển. Trong phương thức phát triển, thực hiện chủ trương phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập. Gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Trong quản lý kinh tế, coi trọng phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân, của doanh nghiệp, quan tâm xử lý hiệu quả những vấn đề xã hội mới phát sinh nhờ sự kết hợp giữa Nhà nước, thị trường và các thiết chế phi chính thức, phi lợi nhuận trên tinh thần giá trị nhân văn và đạo đức. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Tổ chức bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả rõ rệt. Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ được củng cố. Đảng bộ không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình trước Nhân dân bằng bản lĩnh, trí tuệ, tính tiên phong; bằng đường lối đúng đắn; bằng sự phấn đấu, hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng tổ chức đoàn kết, chặt chẽ, thống nhất; bằng kỷ luật nghiêm minh và tự giác; bằng phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, đem lại một luồng sinh khí mới trong đời sống chính trị.

Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa rất đỗi tự hào trước những kết quả đã đạt được trong 75 năm thực hiện lời Bác Hồ dạy. Tuy nhiên, vui mừng vẫn đan xen âu lo khi hiện nay thời cơ và khó khăn, thách thức còn đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ, phát triển quê hương trong giai đoạn mới của cách mạng.

Xuân đến rồi hối hả tương lai! Mùa xuân bao giờ cũng đem về sức sống mới, niềm tin mới, khí thế mới. Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Để thực hiện được các mục tiêu phát triển, với sức mạnh và khát vọng “Thanh Hóa kiểu mẫu”, trên nền tảng đã tạo lập, phát huy cao độ ý chí, khát vọng, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, sức mạnh to lớn của “ý Đảng, lòng dân”, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại, góp phần xứng đáng xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, phồn vinh, hạnh phúc, thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời và khát vọng của toàn thể đồng bào các dân tộc trên quê hương Thanh Hóa Anh hùng.

Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb KHXH, H.1992, tập I, tr.42.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5, tr.73.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.73.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.73.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.81.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.74. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.68.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.69. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.75.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.75. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.77.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.77.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H2021, tập I, tr.215-216.

PGS,TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh


PGS,TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]