(Baothanhhoa.vn) - Hòa trong không khí náo nức, tin yêu hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025, những ngày qua hàng loạt công trình trọng điểm đã đồng loạt khánh thành, hàng loạt dự án lớn đã được khởi công xây dựng chào mừng đại hội.

Thanh Hóa - tầm vóc mới!

Hòa trong không khí náo nức, tin yêu hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025, những ngày qua hàng loạt công trình trọng điểm đã đồng loạt khánh thành, hàng loạt dự án lớn đã được khởi công xây dựng chào mừng đại hội.

Thanh Hóa - tầm vóc mới!

TP Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Minh Hiếu

Trong số các dự án mới khởi công, phải kể đến “dự án tỷ đô” Quảng trường biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD); Dự án tổ hợp Nhà máy Xi măng Đại Dương (bao gồm Nhà máy Xi măng Đại Dương 1, Nhà máy Xi măng Đại Dương 2 và Nhà máy sản xuất vôi công nghiệp Đại Dương), với tổng vốn đầu tư khoảng 9.120 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân có chiều dài 34,7km, với tổng mức đầu tư 3.567 tỷ đồng, đi qua địa phận TP Thanh Hóa và 4 huyện, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tạo thành trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển TP Thanh Hóa về phía Tây, đồng thời là trục kết nối TP Thanh Hóa với tuyến cao tốc Bắc - Nam, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực...

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đang từng bước phục hồi sau đại dịch COVID–19, thì việc dòng vốn lớn vẫn chảy về Thanh Hóa đã minh chứng cho sức ảnh hưởng và hấp dẫn của Thanh Hóa đối với nhà đầu tư cũng như niềm tin tưởng và kỳ vọng của nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào Thanh Hóa. Trước đó, vào tháng 6-2020, chỉ ngay sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được đại dịch COVID–19, Thanh Hóa đã chủ động, trở thành địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong cả nước, thu hút tổng số vốn đăng ký lên tới 15 tỷ USD (trong đó đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 19 dự án với tổng số vốn 2,5 tỷ USD; ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với tổng số vốn 12,5 tỷ USD). So với tổng số vốn đăng ký đạt 6,3 tỷ USD tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, thì số vốn các nhà đầu tư tin tưởng, “rót” vào Thanh Hóa tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020 đã tăng gấp hơn 2,3 lần.

Những con số biết nói ấy đã phản ánh sinh động về một Thanh Hóa năng động, đổi mới, đang vươn lên lớn mạnh từng ngày, với khát khao cháy bỏng đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của đất nước, một tỉnh Thanh Hóa “kiểu mẫu”, thịnh vượng.

Nhìn lại hành trình đổi mới và phát triển 5 năm qua và rộng hơn là 10 năm qua, càng trân trọng và tự hào trước những thành tựu to lớn mà Thanh Hóa đã đạt được. Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Thanh Hóa với những bước đi chủ động, táo bạo, mang tính đột phá đã có sự thay đổi ngoạn mục, tạo ra nền tảng phát triển vững chắc, tạo thế và lực mới trên con đường hội nhập, phát triển. Tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng các quy hoạch, định hướng rõ về sự phát triển; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án, đặc biệt là các dự án quy mô lớn đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đi vào hoạt động ổn định, đạt công suất thiết kế, đã tạo ra động lực lớn, sự đột phá, sức lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2016–2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân dự kiến đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội XVIII (12%), gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011–2015 và vươn lên nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 131.199 tỷ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng đột phá và khá bền vững; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước. Kinh tế tăng trưởng cao, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế tăng cao nhất từ trước đến nay.

Tỉnh đã ưu tiên bố trí ngân sách, tăng cường thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, theo hình thức đối tác công tư (PPP), huy động nguồn lực trong Nhân dân để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh như: nâng cấp 290 km quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến đường trục chính; xây dựng mới 272 km và cứng hóa 2.615 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp hạ tầng Cảng Hàng không Thọ Xuân, tạo điều kiện mở thêm đường bay mới. Hệ thống cảng biển (cảng nước sâu, cảng tổng hợp) được quy hoạch và đầu tư, đưa tuyến container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn vào hoạt động hiệu quả. Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ theo hướng đa mục tiêu, góp phần tăng năng lực tưới tiêu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước trên địa bàn. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước, triển khai xây dựng một số dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, hạ tầng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch... được đầu tư, nâng cấp; hạ tầng điện, nước, viễn thông, xử lý rác thải, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được đáp ứng đầy đủ; cùng với mạng lưới ngân hàng, dịch vụ tài chính đa dạng, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.

Thanh Hóa - tầm vóc mới!

Một góc TP Sầm Sơn. Ảnh: Phạm Nam

Nhìn vào tổng thể bức tranh Thanh Hóa hôm nay, nổi lên là gam màu tươi sáng, với điểm nhấn là diện mạo hiện đại, khang trang của hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, các khu đô thị, trung tâm thương mại, các công trình văn hóa... Không chỉ coi trọng phát triển đô thị, Thanh Hóa đã huy động nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên bộ mặt nông thôn mới khang trang ở các vùng quê. Toàn tỉnh hiện có 8 đơn vị cấp huyện, 313 xã và 740 thôn, bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,75%, vượt mục tiêu Đại hội XVIII; bình quân đạt 17,01 tiêu chí/xã, tăng 4,71 tiêu chí so với năm 2015; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Trong sản xuất nông nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả được nhân rộng; một số dự án quy mô lớn sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai thực hiện; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trong tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016–2020, dự kiến đạt 610 nghìn tỷ đồng (gấp 1,8 lần giai đoạn 2011–2015), có không nhỏ nguồn vốn huy động từ Nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo phát triển toàn diện, đưa Thanh Hóa đạt những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân hàng năm giảm 2,56%; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chăm lo. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh.

Có thể thấy, những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua là rất lớn và có ý nghĩa quan trọng, như Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình tại Đại hội XIX đã khẳng định: “Chưa bao giờ Thanh Hóa có được tiềm lực và vị thế như ngày nay; đó là cơ sở, điều kiện để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước tiến lên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế”.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là dấu mốc lịch sử, có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra cho Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt, để tiếp tục cất cánh, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đây cũng là sự ghi nhận của Trung ương đối với sự đóng góp to lớn của Thanh Hóa với cả nước trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Những thành quả của nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã gây dựng trong nhiều năm qua đang được thế hệ hôm nay kế thừa và phát triển để đưa Thanh Hóa bứt phá vươn lên trong giai đoạn mới. Với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh; phấn đấu đến năm 2020 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025, được kỳ vọng sẽ mở ra định hướng phát triển mới cho Thanh Hóa, nâng tầm Thanh Hóa trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Việt Linh


Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]