(Baothanhhoa.vn) - Ngày 27-7 hàng năm đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Tháng 7 về, mỗi người dân TP Thanh Hóa lại xúc động, thành kính tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, các thương, bệnh binh đã đóng góp một phần máu xương của mình tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháng 7 nghĩa tình

Ngày 27-7 hàng năm đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Tháng 7 về, mỗi người dân TP Thanh Hóa lại xúc động, thành kính tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, các thương, bệnh binh đã đóng góp một phần máu xương của mình tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Tháng 7 nghĩa tình

Đại diện lãnh đạo TP Thanh Hóa thăm, tặng quà cho gia đình người có công với cách mạng.

Trong những ngày tháng 7 nghĩa tình, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của gia đình ông Đỗ Văn Hải, thương binh 1/4 ở phường Đông Sơn. Thật không may vì ông đang đi chữa bệnh ngoài Hà Nội nên chúng tôi không gặp được ông. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Khư, vợ ông Hải cho biết: “Sau nhiều năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, chồng tôi rời quân ngũ trở về địa phương sinh sống. Do ảnh hưởng của chiến tranh, thần kinh của ông không được bình thường, phải thường xuyên đi bệnh viện điều trị. Những năm gần đây, do tuổi cao, sức khỏe yếu nên bệnh tình của ông nặng hơn, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Kinh tế gia đình khó khăn lắm. Trước đây cả gia đình sống trong căn nhà cũ xuống cấp nghiêm trọng, cuộc sống nghèo khó, bữa ăn hàng ngày còn đạm bạc nên không dám nghĩ đến việc xây nhà. Cách đây 2 năm, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của TP Thanh Hóa để xây nhà. Đây là động lực để gia đình tôi vay mượn thêm, cất được căn nhà mới khang trang. Cả gia đình tôi ai cũng phấn khởi và biết ơn nhiều lắm”.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, TP Thanh Hóa luôn tự hào là nơi đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hiện nay, thành phố có hơn 8.000 người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Để chăm lo tốt đời sống cho người có công, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Thanh Hóa luôn phát huy đạo lý hiếu nghĩa bác ái, phấn đấu làm tốt trách nhiệm của hậu thế đối với công lao của những người đi trước. Hàng năm, TP Thanh Hóa đều tiến hành rà soát, bổ sung hồ sơ cho các đối tượng chưa được hưởng trợ cấp để họ không phải thiệt thòi; quan tâm đến các đối tượng người có công gặp hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ. Việc xét duyệt chế độ, chính sách cho người có công được thực hiện chính xác, đúng đối tượng, hồ sơ được quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai sót, nhầm lẫn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thành phố triển khai hàng năm, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm về chi trả các chế độ cho người có công. Vì vậy, nhiều năm qua, thành phố không để xảy ra những vấn đề nổi cộm về giải quyết chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng.

Ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công, hằng năm thành phố và các phường, xã đã tích cực kêu gọi, vận động Nhân dân, các mạnh thường quân tham gia đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Với sự quan tâm chu đáo, thành phố đã hoàn thành xong việc xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định tại Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các gia đình người có công phát sinh về nhà ở ngoài danh sách được phê duyệt, thành phố đã hỗ trợ kinh phí từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng và sửa chữa nhiều ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Đối với những Mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống đều được các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố nhận phụng dưỡng với số tiền hàng tháng từ 1 triệu đồng trở lên. Không chỉ thế, con em những người đồng đội cũ cũng được các cựu chiến binh là chủ doanh nghiệp quan tâm tạo việc làm ổn định cuộc sống; nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhiều sổ tiết kiệm cũng được các doanh nghiệp trao tặng cho các gia đình có công. Đến nay, TP Thanh Hóa không còn gia đình chính sách là hộ nghèo; 100% gia đình người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Cùng với chăm lo đời sống vật chất, TP Thanh Hóa cũng luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của người có công. Nhân các ngày lễ, tết, ngoài những phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, lãnh đạo thành phố và các phường, xã đã đến trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa, ân cần thăm hỏi đời sống, bệnh tật của người có công, động viên họ vượt qua nỗi đau thân thể tiếp tục sống có ích cho gia đình và xã hội. Hàng năm, cứ đến ngày thương binh liệt sĩ, Thành ủy, UBND thành phố đều thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình người có công; tổ chức lễ cầu siêu, dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Việc hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng các phần mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ từ các tỉnh, thành trong cả nước về an táng tại quê nhà luôn được thành phố tạo điều kiện thuận lợi.

Đáp lại sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhiều người có công đã nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành những tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực. Tinh thần và phẩm chất của người lính Cụ Hồ năm xưa nay được những người có công tiếp tục khẳng định qua những việc làm cụ thể, được minh chứng bằng những thành quả lao động đáng tự hào, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phồn thịnh, văn minh. Nổi bật như bệnh binh Nguyễn Duy Nở (xã Hoằng Đại), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn. Ngoài phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình, công ty của ông còn trích quỹ phúc lợi mỗi năm 400 triệu đồng để làm công tác nhân đạo từ thiện. Bệnh binh Lê Quang Hiểu (xã Long Anh), Giám đốc Công ty TNHH Hữu Nghị, ngoài tạo việc làm cho 50 lao động địa phương với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm ông dành từ 70 đến 100 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi. Thương binh Phạm Duy Tiến, chủ cơ sở sản xuất nem chua ở phường Tào Xuyên tạo việc làm cho 15 đến 20 lao động, mỗi năm trừ chi phí ông thu lãi gần 200 triệu đồng...

Để lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước” ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bằng tấm lòng và trách nhiệm cao đối với những người có công với cách mạng, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến phường, xã tiếp tục làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, để truyền thống tốt đẹp của dân tộc mãi được gìn giữ, phát huy.

Bài và ảnh: Tố Phương


Bài Và Ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]