(Baothanhhoa.vn) - Nói về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã và đang được triển khai quyết liệt, với nhiều thành quả “chưa từng có tiền lệ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: quan điểm nhất quán của Trung ương là kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Muốn vậy, các ban chỉ đạo (BCĐ) từ Trung ương đến địa phương phải “đúng vai, thuộc bài”, nhằm hướng tới một giai đoạn phát triển mới trong công tác PCTN, tiêu cực, để cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng!

Tạo cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Nói về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã và đang được triển khai quyết liệt, với nhiều thành quả “chưa từng có tiền lệ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: quan điểm nhất quán của Trung ương là kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Muốn vậy, các ban chỉ đạo (BCĐ) từ Trung ương đến địa phương phải “đúng vai, thuộc bài”, nhằm hướng tới một giai đoạn phát triển mới trong công tác PCTN, tiêu cực, để cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng!

Tạo cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Phiên tòa xét xử 5 cán bộ Thanh tra tỉnh nhận tiền hối lộ. Ảnh: Quốc Hương

Bước đột phá

PCTN được xác định là vấn đề hệ trọng, là mối quan tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân; đồng thời là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác PCTN, ngày 1-2-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW về việc thành lập BCĐ Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị và do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Trưởng ban. Có thể nói, sự ra đời của BCĐ Trung ương về PCTN đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta trong “cuộc chiến” với tham nhũng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để đề ra và thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, bài bản và đi vào chiều sâu những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTN, đáp ứng yêu cầu bức thiết đang đặt ra trong thực tiễn.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, từ khi thành lập BCĐ Trung ương về PCTN đến nay, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN nói riêng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội nói chung, đã và đang được đẩy mạnh. Từ đó, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Trong giai đoạn 2013-2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 259 luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là Luật PCTN, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tiếp cận thông tin...; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.172 nghị định, 966 nghị quyết, 488 quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành gần 88.000 văn bản để triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN.

Trong công tác đấu tranh PCTN, thì kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được xem là thanh “bảo kiếm” giúp phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, từ đó, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Theo đó, cũng trong giai đoạn 2013-2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Kết quả này được xem là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Đồng thời, cũng từ năm 2013 đến nay, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể và nhiều cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hơn 650 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với nhiều kết quả đạt được là “chưa từng có tiền lệ”. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng BCĐ Trung ương đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (cấp độ BCĐ theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý); trong đó, BCĐ Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo...

Theo đánh giá, những vụ việc được phanh phui, những đại án tham nhũng được xét xử, những cán bộ bị kỷ luật và nhất là những mức án nghiêm khắc... đã khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đồng thời, nhiều bản án cũng thể hiện rõ tính nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa các biểu hiện, hành vi tham nhũng. Qua đó, tạo được dư luận tốt trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Mặc dù những kết quả đạt được trong công tác PCTN những năm qua là hết sức to lớn, song đây là “cuộc chiến” phức tạp, lâu dài nên quá trình triển khai thực hiện khó tránh những bất cập, hạn chế. Trong đó phải kể đến cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, nên chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp có lúc có nơi chưa được ngăn chặn kịp thời. Những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận vẫn còn xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật PCTN nói riêng, nhằm tạo sức lan tỏa rộng khắp, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, có lúc có nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát PCTN, tiêu cực tại địa phương...

Yêu cầu tất yếu

Xuất phát từ những bất cập, khó khăn, phức tạp trong công tác đấu tranh PCTN; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tạo sự thống nhất, đồng bộ của tổ chức bộ máy PCTN từ Trung ương đến địa phương, ngày 16-9-2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực. Đồng thời, mới đây nhất, ngày 2-6-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ PCTN, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là BCĐ cấp tỉnh).

BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực ra đời nhằm giải quyết những vấn đề trọng tâm, đó là: chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo công tác PCTN, phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Từ việc nghiên cứu, đúc rút các vấn đề lý luận và thực tiễn thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, TS Nguyễn Xuân Trường (Ban Nội chính Trung ương) cho rằng, sự ra đời và hoạt động của BCĐ Trung ương về PCTN thời gian qua đã thể hiện được tính hiệu quả, ưu việt. Đây cũng chính là cơ sở để thành lập BCĐ cấp tỉnh đủ mạnh, có thực quyền, trở thành “cánh tay nối dài” của BCĐ Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động PCTN, tiêu cực ở địa phương. Từ đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, rõ rệt hơn, cũng như bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất và toàn diện của Tỉnh ủy, Thành ủy và BCĐ Trung ương đối với công tác PCTN, tiêu cực.

Có thể nói, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực sẽ tạo thêm cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, cũng theo TS Nguyễn Xuân Trường, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của BCĐ cấp tỉnh là tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Bởi vì từ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động của BCĐ Trung ương về PCTN, tiêu cực đã chứng minh, việc triển khai hiệu quả nhiệm vụ trên đã tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh PCTN. Đồng thời, cho thấy quyết tâm xử lý tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị.

Cùng với đó, BCĐ cấp tỉnh cần tập trung đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức - vấn đề vốn đang được chỉ ra như là nguồn gốc, là căn nguyên của tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, xử lý hiệu quả “nạn tham nhũng vặt” hay hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công...

Tiền đề tạo bước chuyển mới

Cùng với quyết tâm “không dừng”, “không nghỉ” của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa cũng tích cực triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cùng với đó, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; chấp hành kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; cơ chế, chính sách về PCTN để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm phòng ngừa tham nhũng. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước cũng được tăng cường, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và dư luận quan tâm như: đất đai, quản lý tài chính, tài sản công; đấu thầu, đấu giá; các lĩnh vực có nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, tập trung phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế...

Việc coi trọng công tác đấu tranh PCTN những năm qua đã góp phần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này cũng đang vấp phải nhiều trở ngại. Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-5-2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tại phiên họp ngày 30-5-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất quyết định thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. BCĐ gồm 15 thành viên, do đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng ban. Nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ được thực hiện theo quy định của Ban Bí thư và căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sự ra đời của BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa ngay sau khi có chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của tỉnh Thanh Hóa trong việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của tập thể BCĐ, của hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Sự ra đời của BCĐ cấp tỉnh sẽ là cơ sở, là nền tảng quan trọng để tạo bước chuyển mới hơn, sâu sắc hơn và đạt kết quả cao hơn trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực. Đặc biệt, với vai trò là “tổng chỉ huy” trên mặt trận đấu tranh PCTN, tiêu cực tại địa phương, sự ra đời của BCĐ sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực. Từ đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực. Đồng thời, khơi dậy tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, với phương châm: đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Khôi Nguyên

Bài viết sử dụng một số thông tin từ website: “https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202102/ket-qua-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-doan-2013-2020”.

Vừa chống tư tưởng nóng vội, vừa chống tư tưởng chần chừ trong xử lý tham nhũng, tiêu cực

Tạo cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Hiện nay, công tác PCTN, tiêu cực đang được Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với nhiều thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhiều cán bộ trung, cao cấp của Đảng, được Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực; đồng thời tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã đề xuất Ban Chấp hành Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, điều này thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt của Trung ương đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dư luận xã hội, đảng viên và Nhân dân rất vui mừng. Tin tưởng rằng công cuộc này sẽ góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề tham nhũng, tiêu cực đã trở thành vấn đề xã hội, do đó việc giải quyết là cả một quá trình và cần tiến hành trên nhiều lĩnh vực. Trước hết về chính trị tư tưởng, cần tăng cường giáo dục cho đảng viên và Nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi về PCTN, tiêu cực. Theo tôi, đây là vấn đề cốt lõi, chủ yếu. Cùng với đó, cần chống tư tưởng nóng vội, một sớm một chiều không thể giải quyết được, mà phải từng bước ngăn chặn, đẩy lùi. Đồng thời, phải chống tư tưởng chần chừ, khó không làm, né tránh, ngại va chạm đến lợi ích, quyền lợi của bản thân. Hai vấn đề này cần được sắp đặt và chỉ đạo thực hiện một cách kiên quyết.

Ngoài ra, phải tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để làm trước, mà trước hết là hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để “khép lại” những kẽ hở, ví dụ như trong đấu thầu đất, quản lý tài chính, công tác cán bộ... Tôi tin rằng trong công cuộc PCTN mà Đảng ta đang tiến hành, địa phương nào cũng phải làm, đơn vị nào cũng phải làm, có sự chung tay của tất cả mọi người thì sẽ thành công.

Phạm Bá Dung

(Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm CLB Hàm Rồng)

Tăng cường vai trò của MTTQ trong giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tạo cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Công tác PCTN, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do đó, với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, MTTQ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức PCTN của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Người dân ngày càng phát huy dân chủ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh về những vấn đề, hiện tượng có biểu hiện sai phạm, vi phạm pháp luật nói chung, tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Đã có những vụ việc do Nhân dân phản ánh được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Để nâng cao vai trò và hiệu quả công tác PCTN của MTTQ trong thời gian tới, theo tôi, MTTQ các cấp cần chủ động, tích cực tham gia xây dựng, phản biện xã hội nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để PCTN, tiêu cực. Không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những “khe hở” dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Sử dụng hiệu quả các kênh thông tin, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực của MTTQ, các tổ chức thành viên các cấp, của các cơ quan báo chí; kịp thời phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết để Nhân dân biết. Đồng thời, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống MTTQ theo hướng phát huy vai trò chủ động, tích cực của mỗi thành viên trong hệ thống mặt trận, tăng cường phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên trong công tác PCTN, tiêu cực. Rà soát, kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động, phát huy vai trò của ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thực sự là “tai”, “mắt” của Nhân dân.

Lê Thị Huyền

(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, vững mạnh

Tạo cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Để xây dựng chính quyền liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải tiến hành đồng bộ nhiều việc, trong đó đấu tranh PCTN, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Xác định rõ điều đó, những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm tạo chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động trong công tác PCTN. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức. Đồng thời, thành phố cũng thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với các hoạt động thu, chi tài chính ngân sách, đấu thầu, đấu giá, quy hoạch sử dụng đất... Để phòng ngừa tham nhũng, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập; đẩy mạnh cải cách hành chính để ngăn ngừa tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu đối với tổ chức, công dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, thực hiện pháp luật về PCTN được UBND thành phố thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, qua đó kịp thời chấn chỉnh công tác thu, chi, xử lý các vi phạm. Các vụ việc do cấp trên chuyển về được xem xét, xử lý kịp thời; các kết luận thanh tra được xử lý kiên quyết cả về kinh tế và hành chính; các vụ việc Nhân dân phản ánh đều được chỉ đạo thanh, kiểm tra kịp thời, khách quan, minh bạch, các kết luận thanh tra được dư luận và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đa số đảng viên, cán bộ, công chức đã nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Cùng với đó, các đơn vị dự toán đã làm tốt công tác thực hành tiết kiệm trong chi tiêu thường xuyên như tiết kiệm xăng, dầu, điện, nước, điện thoại, tiết kiệm trong tổ chức hội họp, kỷ niệm các ngày lễ, ngày thành lập, tiết kiệm trong việc mua sắm, trang bị thay thế tài sản, tận dụng, chỉnh trang lại trụ sở, tài sản cũ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2022, TP Thanh Hóa tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại.

Nguyễn Thị Hà Chi

(Phó Chánh Thanh tra TP Thanh Hóa)

Người dân đặt nhiều kỳ vọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng

Tạo cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân. Bởi không nói đâu xa, ngay trong cơ quan Nhà nước, không ít cán bộ, công chức đã cố tình làm khó người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Mặc dù đây là những hành vi “tham nhũng vặt” nhưng lại gây mất niềm tin rất lớn của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Cũng qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, thời gian qua không chỉ xuất hiện “tham nhũng vặt”, mà còn có hàng loạt cán bộ đã dính vào vòng lao lý khi bỏ túi những đồng tiền bất chính. Những đối tượng này cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe.

Chủ thể của hành vi tham nhũng không phải là Nhân dân, mà là cán bộ, công chức, đảng viên, người đứng đầu thuộc khu vực công quyền, là những người có chức, có quyền được Đảng, Nhà nước đào tạo, Nhân dân trả lương. Do đó, người dân chúng tôi mong muốn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN. Đặc biệt, trong xử lý các vụ án tham nhũng cần quyết liệt hơn nữa để tạo dựng niềm tin trong Nhân dân. Người dân tin tưởng và kỳ vọng rằng, cuộc đấu tranh PCTN đầy cam go này sẽ tiếp tục gặt hái thành công.

Lê Kim Việt

(Phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]