(Baothanhhoa.vn) - Từ thị trấn Quán Lào, theo đường tỉnh 516B chúng tôi về xã Yên Giang (Yên Định) – vùng quê gắn liền với sự ra đời của Chiến khu du kích Đa Ngọc. Dường như âm hưởng của những ngày tháng lịch sử đang vọng về hòa nhịp vào sự đổi thay của xã Yên Giang hôm nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sáng mãi truyền thống cách mạng trên quê hương Đa Ngọc

Từ thị trấn Quán Lào, theo đường tỉnh 516B chúng tôi về xã Yên Giang (Yên Định) – vùng quê gắn liền với sự ra đời của Chiến khu du kích Đa Ngọc. Dường như âm hưởng của những ngày tháng lịch sử đang vọng về hòa nhịp vào sự đổi thay của xã Yên Giang hôm nay.

Bia tưởng niệm Di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Du kích Đa Ngọc, làng Đa Ngọc, xã Yên Giang (Yên Định).

Theo địa chỉ đỏ, chúng tôi về làng Đa Ngọc để “mục sở thị” Chiến khu du kích Đa Ngọc - nơi diễn ra trận đánh không cân sức giữa lực lượng tự vệ của ta với lính khố xanh vào đêm mùng 7-10-1941. Dấu tích xưa không còn, thay vào đó là bãi ngô, ruộng mía của người dân địa phương. Đứng trên con đê bao thả tầm mắt, giữa vùng đồi rộng lớn chỉ có tấm bia đơn sơ mang dòng chữ Di tích lịch sử Chiến khu du kích Đa Ngọc. Chúng tôi gặp đồng chí Lê Văn Cát, phó bí thư chi bộ thôn 7, làng Đa Ngọc. Mặc dù không sống ở thời kỳ lịch sử, nhưng đồng chí Cát khá am hiểu về những ngày tháng sục sôi cách mạng của quê hương. Đồng chí cho biết: “Chiến khu du kích Đa Ngọc nằm trên ngọn đồi thấp ven sông Hép. Vùng đồi này xưa rậm rạp, toàn lau, sậy, ở giữa có cây ắng rất to, gốc bằng cả chục người ôm. Leo trên ngọn có thể quan sát được tứ hướng, vì thế, lực lượng tự vệ của ta đã chọn làm nơi canh gác cho căn cứ. Từ đồi Cây Ắng có thể dễ dàng đi theo đường bộ lên Ngọc Lặc, Cẩm Thủy. Hoặc có thể qua sông Cầu Chày sang Thọ Xuân, Vĩnh Lộc một cách nhanh chóng. Với vị trí chiến lược quan trọng tiện cho thế tiến thoái cơ động, đồi Cây Ắng đã được chọn làm nơi tập kết lực lượng tự vệ của Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa để huấn luyện quân. Người dân trong làng chúng tôi quen gọi là Chiến khu Cây Ắng. Vừa để người dân ai cũng biết, vừa che giấu căn cứ trước sự lùng sục của bọn mật thám”.

Trong điều kiện Chiến khu du kích Đa Ngọc thuộc vùng ven đồi núi kín đáo và xa trung tâm đóng quân của địch, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 100 chiến sĩ tự vệ của Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định đã nhanh chóng về tập kết và ổn định tổ chức. Được sự che chở, bảo vệ, tiếp tế lương thực, thuốc men của nhân dân làng Đa Ngọc, lực lượng tự vệ đã khẩn trương tập luyện quân sự trước khi lên Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành). Câu chuyện đang hứng khởi, bỗng nhiên giọng đồng chí Cát trầm xuống. Đồng chí Cát nói: “Tôi được các cụ kể lại, vào đêm mùng 7-10-1941, trong làng xuất hiện nhiều tiếng động lạ. Tiếng chân người mỗi lúc một dồn dập, phá vỡ sự yên tĩnh vốn có. Hóa ra, do sự chỉ điểm của một tên phản động, Pháp đã huy động 200 lính khố xanh, dưới sự chỉ huy của Ben-Lơ, thanh tra mật thám Pháp và Đốt–Sê, phó giám binh Thanh Hóa bí mật đánh thọc sâu vào đội hình tự vệ đang tập kết ở đồi Cây Ắng. Bị tấn công bất ngờ song các chiến sĩ tự vệ dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đức Tẻo vẫn kịp thời đánh chặn các mũi tấn công của tên Ben-Lơ và Đốt–Sê. Sang ngày hôm sau, cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục diễn ra, đồng chí Nguyễn Đức Tẻo bị thương nặng và hy sinh tại đồi Cây Ắng. Trước sự chống trả quyết liệt của lực lượng tự vệ, quân Pháp bắt dân đi trước để lùng sục tìm du kích ẩn náu. Song, khi nhân dân phát hiện ra các chiến sĩ du kích lại lấy cành cây, lau, sậy che lại. Trước tình hình quân Pháp khép chặt vòng vây, lực lượng tự vệ quyết định rút khỏi căn cứ đồi Cây Ắng trong đêm 8-10-1941 để lên Chiến khu Ngọc Trạo”. Mặc dù là căn cứ tạm thời, tồn tại chỉ trong vòng hơn 1 tháng, song ý nghĩa của Chiến khu du kích Đa Ngọc lại vô cùng quan trọng. Bởi sau tiếng súng của khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa, thì tại làng Đa Ngọc, lần đầu tiên lực lượng tự vệ của tỉnh Thanh Hóa với vũ khí thô sơ và lòng quả cảm của mình đã chiến đấu trực diện với quân thù. Cuộc chiến đấu ngày ấy đã gây được tiếng vang lớn, góp phần cổ vũ phong trào phản đế ở tỉnh phát triển.

Khơi dậy truyền thống cách mạng, ngày nay làng Đa Ngọc đang chuyển mình mạnh mẽ dưới ánh sáng của nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân làng Đa Ngọc không chỉ sản xuất các cây trồng chủ lực, như: Mía, ngô, rau màu vụ đông, mà còn tìm tòi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng cây ăn quả của các ông: Lưu Xuân Thiết, Lưu Xuân Huy, Nguyễn Văn Hải, Lê Văn Mạnh. Hay các mô hình gia trại chăn nuôi gà quy mô lớn của gia đình ông Lê Xuân Vương, bà Phạm Thượng Hương. Kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân làng Đa Ngọc được nâng lên, với thu nhập bình quân khoảng 28 triệu đồng/người/năm. Các công trình cơ sở hạ tầng khang trang được làm bằng sức dân đã và đang tô điểm cho bộ mặt nông thôn mới ở Đa Ngọc.

Trên đường về nhà văn hóa làng Đa Ngọc, đồng chí Cát đọc cho chúng tôi nghe bài thơ do chính mình sáng tác về quê hương:

Yên Giang miền đất thương yêu

Là quê hương của bốn phương hội về

Trong kháng chiến nhất tề đứng dậy

Giương cao cờ cách mạng trong tay.

....

Thời đổi mới Yên Giang tiến tới

Theo Đảng ta chỉ lối đưa đường

Chung xây đường - điện - trạm - trường

Mương tiêu, mương tưới cùng đường

thênh thang.

Người dân làng Đa Ngọc luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Quá khứ đã lùi xa, dấu tích lịch sử phai nhòa nhưng trong “mạch nguồn” cuộc sống của mỗi người dân làng Đa Ngọc hôm nay, “Chiến khu Cây Ắng” vẫn rọi tia nắng vàng. Rời vùng quê cách mạng, chúng tôi chợt nhớ tới hình ảnh chiếc đèn kéo quân mà tự tay đồng chí Cát làm tặng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong làng. Vào đêm Trung thu tới đây, khi chiếc đèn bật sáng, những hình ảnh quen thuộc về lực lượng tự vệ tay mang gươm, gậy gộc, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ súng vác trên vai, đến hình ảnh con chim hạc bay lên... tất cả tựa như lời nhắn nhủ về truyền thống cách mạng của quê hương đến thế hệ trẻ.


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]