(Baothanhhoa.vn) - Sáng 5-6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn: Đoàn Thanh Hóa chất vấn Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sáng 5-6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn: Đoàn Thanh Hóa chất vấn Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ giao thông - Vận tải sáng 5-6.

Các ĐBQH tập trung chất vấn về các vấn đề: Xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông… Đoàn ĐBQH Thanh Hóa chất vấn Bộ trưởng về hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới và những tồn tại trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) đề nghị: Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đăng kiểm và mục đích cao nhất trong hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới là đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện và công trình giao thông. Theo Bộ trưởng, đây có phải nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại hạn chế trong quản lý chất lượng phương tiện hay không?

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu ý kiến cử tri phản ánh trường A, trường B học dễ, thi dễ, được bao lý thuyết nên có hiện tượng người học lái xe di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để học thi dù phải đi xa hơn vài chục km, thậm chí vài trăm km. Bộ trưởng cho biết các giải pháp khắc phục nêu trên, liệu có giải quyết được tình trạng trên hay không?

Trả lời vấn đề đại biểu nêu chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, để đảm bảo hài hòa mục tiêu lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đăng kiểm và đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện và công trình giao thông, hiện đã có kết nối các Trung tâm Kiểm định xe với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Theo đó, toàn bộ các hoạt động của các Trung tâm Kiểm định xe trên cả nước đã được kết nối với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát toàn bộ các dây chuyền kiểm định xe.

Ngoài ra, Bộ tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm các trung tâm vi phạm quy định, qua đó, đã có một số trung tâm bị rút giấy phép lái xe. Trong năm 2019, có một trung tâm ở Bắc Giang vừa bị rút giấy phép lái xe do vi phạm. “Lợi nhuận là lợi nhuận, nhưng trách nhiệm của các trung tâm là phải đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo tất cả các phương tiện sau khi được đăng kiểm phải đảm bảo chất lượng. Nếu trung tâm, cá nhân nào vi phạm thì chúng tôi xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt nhấn mạnh.

Liên quan đến tình trạng trường A, trường B có thể là tổ chức thi dễ hơn các trường khác và một số người dân đi đến các trường xa hơn địa bàn của mình để thi như phản ánh của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận: “tình trạng này cũng có”. Đồng thời cho biết, vừa qua sau khi báo chí phản ánh, Bộ đã vào cuộc kiểm tra một Trung tâm đào tạo lái xe ở Hải Phòng. Các cơ quan chức năng, kể cả công an đã vào cuộc và xử lý nghiêm các hành vi này. Ngoài việc giám sát hàng ngày thông qua hệ thống công nghệ thông tin, Bộ còn tăng cường kiểm tra. Bất cứ thông tin nào báo chí đăng thì Bộ đều triển khai để thanh tra, kiểm tra, giám sát, để tất cả các trung tâm thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Chiều 5-6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn: Đoàn Thanh Hóa chất vấn Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Mai Sĩ Diến chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiều 5-6.

Các ĐBQH tập trung chất vấn Bộ trưởng về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Công tác phòng ngừa mê tín dị đoan… Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã chất vấn Bộ trưởng về quản lý nguồn thu từ các khu di tích, du lịch tâm linh; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật

Đề cập đến vấn đề thu, chi tiền công đức, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, sự phát triển dự án tâm linh của chúng ta được đầu tư lớn, tầm cỡ kỷ lục quốc gia, khu vực và thế giới, trong báo cáo Bộ trưởng đã đánh giá việc thu, chi tiền công đức công khai, minh bạch. Vậy, Bộ trưởng cho biết tính chính xác của nhận định trên? Tổng thu, chi tiền công đức mỗi năm bao nhiêu? Sử dụng mục đích gì? Bộ trưởng có chủ trương thanh tra, kiểm soát nguồn thu, chi cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mang tính xã hội hóa đang thực hiện hiện nay hay không?

Lo lắng tình trạng thương mại hóa hoạt động tâm linh, theo đại biểu Mai Sĩ Diến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2245, theo đó, mỗi di tích không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Báo cáo của Bộ cũng khẳng định đã bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang theo quy định. Tuy vậy, đại biểu cũng nêu thực trạng, hiện có nhiều điểm tâm linh đặt hòm công đức dày đặc, việc cúng thuê, khấn thuê đang tạo nên tình trạng thương mại hóa đời sống tâm linh, biến không gian linh thiêng trở nên phàm tục. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng đối với tồn tại trên?

Trả lời vấn đề đại biểu Mai Sĩ Diến đặt ra, Bộ trưởng cho biết, hiện chưa có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định tiền công đức sẽ thu, chi như thế nào. Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Theo đó, tiền tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai. Về quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có văn bản nào quy định về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giãi bày.

Cũng theo Bộ trưởng, vừa qua Chính phủ có ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo nghị định này, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề thu, chi khoản tiền này, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng văn bản này. Tuy nhiên, trước QH, Bộ trưởng cũng nêu rõ: liên quan đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có di tích, thì việc quản lý có vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Giải trình thêm về Quyết định 2245, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: trong quyết định của Bộ, thực ra cũng là khuyến cáo, yêu cầu để thực hiện nếp sống văn hóa, chứ không phải đó là một văn bản có tính chất pháp quy, hướng dẫn các cơ sở nên “tùy tình hình” để thực hiện, tuy nhiên không được quá nhiều thùng công đức, gây phản cảm, Bộ trưởng nói. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Mai Sĩ Diến, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành để đặt thùng công đức như thế nào nhằm đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa.

Quan tâm đến tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, ĐBQH Cầm Thị Mẫn dẫn báo cáo của Bộ: công tác xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật còn nhiều hạn chế, việc huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tồn tại và đề xuất chính sách thu hút các nguồn lực cho công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này? Đại biểu Cầm Thị Mẫn nêu chất vấn.

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn: Đoàn Thanh Hóa chất vấn Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiều 5-6.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, xã hội hóa vô cùng khó khăn. Liên quan đến nghệ thuật truyền thống có 2 dạng: một là nhạc nhẹ, nhạc hiện đại thì xã hội hóa rất tốt, nhưng liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo, cải lương, các lĩnh vực khác ở các địa phương thì xã hội hóa khó. Từ thực tế đó, Bộ trưởng cho rằng: cần phân biệt đối với lĩnh vực xã hội hóa - lĩnh vực nhu cầu xã hội có thì tiến hành xã hội hóa, còn có những lĩnh vực cần phải bảo tồn. Bộ trưởng cũng nêu một thực tế, một đoàn chèo, cải lương đi biểu diễn một buổi tối chỉ thu được 20.000.000 đồng, chưa bằng một ca sĩ ở lĩnh vực khác hát một bài hát. Vấn đề này, nếu xã hội hóa sẽ rất khó khăn, do đó Nhà nước phải quan tâm để đầu tư. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Chính phủ đã đưa những loại hình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc vào danh mục sự nghiệp công tức là Nhà nước phải đầu tư, Bộ trưởng cho biết thêm.

Theo lịch làm việc, sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ tham gia trả lời làm rõ thêm những vấn đề mà ĐBQH đặt ra.

Hà An


Hà An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]