(Baothanhhoa.vn) - Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước. Theo đó, Luật PCTN đã dành 1 chương (Chương VI) quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Đây được coi là chế định có tác động khá lớn đến khu vực tư, làm thay đổi quan niệm trước đây vốn vẫn cho rằng PCTN chỉ đặt ra trong khu vực Nhà nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước

Phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước

Công an huyện Thiệu Hóa bắt giữ các đối tượng có hành vi tham ô tài sản trong vụ án xảy ra tại Trang trại nuôi lợn của Công ty CP Nông sản Phú Gia (xã thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa). Ảnh: Đình Hợp (Công an tỉnh)

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước. Theo đó, Luật PCTN đã dành 1 chương (Chương VI) quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Đây được coi là chế định có tác động khá lớn đến khu vực tư, làm thay đổi quan niệm trước đây vốn vẫn cho rằng PCTN chỉ đặt ra trong khu vực Nhà nước.

Luật PCTN năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Bên cạnh việc quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước, Luật PCTN năm 2018 còn quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong lĩnh vực PCTN.

Về trách nhiệm chung, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước tập trung vào hai trụ cột chính đó là xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng và áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Điều 80 Luật PCTN năm 2018 đã xác định trách nhiệm áp dụng các biện pháp PCTN trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện. Nội dung các biện pháp PCTN mà doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phải áp dụng được quy định chi tiết tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước là vấn đề mới, nhưng là sự cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng ngày càng phát triển với quy mô hoạt động và tầm ảnh hưởng lớn. Nếu không thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu trong khu vực ngoài Nhà nước thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Một số vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua, như vụ đại án Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ðại Dương (OceanBank) là những thí dụ điển hình. Khi còn giữ cương vị chủ tịch của OceanBank, Hà Văn Thắm đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại nặng nề cho OceanBank và các cổ đông, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Tính từ năm 2010 đến năm 2014, là thời điểm bị khởi tố và bắt tạm giam, Hà Văn Thắm cùng hàng chục bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho OceanBank số tiền hơn 1.500 tỷ Việt Nam đồng. Với các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản, Hà Văn Thắm và các đồng phạm đã phải trả giá bằng các bản án nghiêm khắc. Tại phiên xét xử tháng 5-2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án bị cáo Hà Văn Thắm mức án tù chung thân, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chịu hình phạt tử hình nhưng kiến nghị Chánh án Tòa tối cao xem xét, giảm nhẹ hình phạt tù xuống chung thân do thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, có ý thức khắc phục hậu quả.

Tại Thanh Hóa, năm 2020, Tòa án Nhân dân huyện Thiệu Hóa đã xét xử vụ án tham ô tài sản tại Trang trại nuôi lợn của Công ty CP Nông sản Phú Gia (xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa). Theo điều tra của cơ quan điều tra Công an huyện Thiệu Hóa, do nợ nần cờ bạc nhiều nên Nguyễn Văn Hùng đã cấu kết với bảo vệ, nhân viên trang trại trộm 61 con lợn của trang trại mang đi bán. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng này đã tạo hiện trường giả là bị kẻ gian đột nhập vào trộm cắp. Căn cứ vào hành vi phạm tội của các bị cáo, Tòa án Nhân dân huyện Thiệu Hóa đã tuyên phạt các bị cáo với các mức phạt từ 30 tháng tù cho hưởng án treo đến phạt tù 7 năm 3 tháng tù giam.

Cũng trong năm 2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” liên quan đến các cựu cán bộ Thanh tra tỉnh, có 3 giám đốc các doanh nghiệp đã bị xét xử về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364 Bộ luật Hình sự. Trước đó, theo tài liệu của cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại huyện Thiệu Hóa, đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh đã nhận tiền của một số doanh nghiệp với mục đích bỏ qua hoặc giảm nhẹ sai phạm cho các đơn vị, doanh nghiệp bị thanh tra. Các bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp đã có hành vi thỏa thuận, thống nhất đưa tiền cho đoàn thanh tra để đoàn bỏ qua hoặc giảm nhẹ sai phạm nhằm tạo lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Để cụ thể hóa Luật PCTN năm 2018, năm 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, trong đó có quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Theo đó, một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu là phải thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Đồng thời, kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Bên cạnh đó, các quy định khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, thực hiện nghiêm túc quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử.

Hà Minh


Hà Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]