(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta luôn đánh giá đúng tình hình thực tế, dự đoán chính xác thời cơ chiến lược, chủ động thúc đẩy tình thế mau chín muồi để giành thắng lợi quyết định. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng về nắm bắt thời cơ chiến lược.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những quyết định sáng suốt, táo bạo

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta luôn đánh giá đúng tình hình thực tế, dự đoán chính xác thời cơ chiến lược, chủ động thúc đẩy tình thế mau chín muồi để giành thắng lợi quyết định. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng về nắm bắt thời cơ chiến lược.

Những quyết định sáng suốt, táo bạo

Trưa 30-4-1975, xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Sau khi ký Hiệp định Pa-ri, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ - Ngụy ra sức phá hoại Hiệp định Pa-ri, đẩy mạnh bình định lấn chiếm, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước tình hình đó, tháng 3-1973, Quân ủy Trung ương đã họp và xác định: Trong khi địch dùng biện pháp quân sự để đánh ta, ta cần kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị với pháp lý của Hiệp định Pa-ri, từng bước chuyển sang tiến công chủ yếu bằng chính trị có lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn, nhằm thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên thế có lợi cho ta.

Tháng 7-1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

Ngày 8-1-1975, hội nghị Bộ Chính trị đã phân tích tình hình miền Nam hai năm sau Hiệp định Pa-ri, khẳng định tình thế, thời cơ chín muồi. Bộ Chính trị nhất trí quyết tâm gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976; đồng thời đề ra nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến chung và cụ thể cho các chiến trường trong năm 1975 và kế hoạch năm tiếp theo. Tuy đề ra kế hoạch hai năm 1975 - 1976, hội nghị lần này cũng chỉ rõ: Nếu thời cơ đến sớm hơn, vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Những kết luận của hội nghị Bộ Chính trị được ghi thành nghị quyết về quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, ra ngày 20-1-1975.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị đề ra, nhân dân cả nước ra sức chuẩn bị mọi mặt với khí thế hào hùng chưa từng có, hướng tới trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Trên khắp các chiến trường, đầu năm 1975, quân dân ta đẩy mạnh hoạt động, đánh địch khắp nơi theo quy mô vừa và nhỏ là chính, vừa làm cho địch tiếp tục suy yếu và bị động, vừa thực hành nghi binh che giấu ý đồ, mục tiêu tiến công chiến lược của ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4-3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30-4.

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi giòn giã với ba trận then chốt quyết định: Đánh chiếm Buôn Ma Thuột (10 – 11-3-1975), đánh bại địch phản kích (14 – 18-3-1975), truy kích tiêu diệt địch rút chạy (17 – 24-3-1975). Kết quả ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 chính quyền Sài Gòn, mở ra cục diện, thời cơ mới hết sức thuận lợi cho cách mạng.

Sau khi mất Tây Nguyên, không có viện binh tăng cường, tinh thần quân địch càng trở nên hoang mang, tổ chức rối loạn. Chớp thời cơ này, ta nhanh chóng mở cuộc “tiến công trong hành tiến” giải phóng Huế (26-3), sau đó phát triển thành chiến dịch tiến công quy mô lớn bằng thế hợp vây giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975).

Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ từ chiến trường, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp bàn, ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm nay, không để chậm”. Kế hoạch 5 tháng tiếp tục được rút xuống còn 4 tháng. Bộ Chính trị cũng đề ra phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Đến ngày 7-4-1975, phương châm chỉ đạo này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát lệnh truyền đi khắp các hướng chiến trường.

Những ngày cuối tháng 4-1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Các quân đoàn chủ lực tinh nhuệ của ta cùng lúc tiến công với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” đồng thời với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng ở nội, ngoại thành Sài Gòn - Gia Định, quân và dân ta đã nhanh chóng khống chế toàn bộ lực lượng của địch từ Trung ương đến cơ sở. 10 giờ 45 phút ngày 30-4, xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Vào lúc 11 giờ 30 phút, lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy. Trên đà chiến thắng, từ ngày 30-4, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên CNXH.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam; nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH và vì quyền con người.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý: Thứ nhất, xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam. Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thứ ba, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam. Thứ tư, chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định. Thứ năm, phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tài liệu tham khảo

(1). “45 năm ngày giải phóng miền Nam: Mệnh lệnh lịch sử cho ngày toàn thắng”, Diệp Ninh, Báo/Vietnam+/TTXVN, ngày 6-4-2020.

(2).“Chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”, TS Trần Hữu Huy, Hội viên Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Báo Tin tức/TTXVN, ngày 15-4-2020.

(3). “Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975: Nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam”, PGS, TS Hồ Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Báo Tin tức/TTXVN, ngày 24-4-2020.

Việt Linh


Việt Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]